Huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục
Là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, song Thái Nguyên hết sức chú trọng việc tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp GD.
Dãy nhà lớp học của Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đang được gấp rút hoàn thiện
“Tăng cường CSVC đảm bảo chất lượng các hoạt động GD” là 1 trong 9 nhiệm vụ được tỉnh đặt lên hàng đầu trong năm học mới 2018 -2019. Hiện tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư, chuẩn bị cho năm học mới, nhất là ở các công trình trọng điểm của ngành GD và các chương trình, dự án phục vụ công tác giảng dạy, học tập cho thầy và trò…
Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm
Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân năm nay được thành phố Thái Nguyên đầu tư trên 7 tỷ đồng xây dựng một dãy nhà lớp học và phòng chức năng 2 tầng với 12 phòng. Những ngày hè, tiến độ xây dựng đang được đơn vị thi công đẩy nhanh để công trình kịp hoàn thành, phục vụ cho năm học mới. Cô Cao Thị Hằng – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: Năm học mới, trường có 32 lớp học với 1.445 HS, không tăng quy mô so với năm học trước. Nhưng nếu không xây dựng mới dãy nhà lớp học, nhà trường còn thiếu 3 phòng học và các phòng học chức năng. Dãy nhà lớp học được đưa vào sử dụng trong năm học mới, nhà trường sẽ đủ phòng học. Đồng thời với đó là san lớp ở những khối có sĩ số đông, tiến tới sẽ đạt 35 HS/lớp, đủ điều kiện trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Ở một công trình trọng điểm khác do ngành GD làm chủ đầu tư, Trường THPT Chuyên tỉnh Thái Nguyên, tiến độ thi công cũng đang được đẩy nhanh. Công trình này được tỉnh đầu tư ban đầu với tổng vốn 241,5 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Hiện các hạng mục: Nhà lớp học, hiệu bộ, nhà cầu, khối nhà đa năng, bể bơi, nhà ăn, kí túc xá… đã thi công xong phần thô. Đại diện đơn vị thi công cho biết, trên công trường thường xuyên có khoảng 150 – 200 thợ thi công, khi cần thúc đẩy tiến độ có thể huy động thêm khoảng 300 – 400 người để đảm bảo tiến độ giữa năm học là có thể đưa vào sử dụng trường chuyên mới.
Cùng với các công trình trọng điểm, ngành GD đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình khác kịp phục vụ năm học, như: Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; Đẩy mạnh xây dựng nhà vệ sinh trường học, sửa chữa phòng học xuống cấp.
Một góc trường THPT chuyên mới đang được đẩy nhanh tiến độ thi công cho kịp đưa vào sử dụng trong năm học mới
Đầu tư cho GD một cách bài bản
Video đang HOT
Theo bà Lê Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thái Nguyên, quy mô HS các cấp học của thành phố năm nào cũng tăng so với năm trước; Đặc biệt là ở bậc học mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, do làm tốt công tác tham mưu, đầu tư CSVC cho GD nên thành phố không bị sức ép từ quy mô, sĩ số HS lên trường, lớp học. Năm nay, với các thành phố lớn khác thì sức ép này là không hề nhỏ nhưng với thành phố Thái Nguyên thì lại không có. Tăng quy mô nhưng do được tỉnh, thành phố có kế hoạch đầu tư nên trường học tăng, lớp học trong trường cũng tăng lên; Do vậy, năm nay sĩ số các lớp học của thành phố nhìn chung là ổn định, có nhiều trường giảm được đáng kể sĩ số/lớp. Điều này góp phần rất lớp cải thiện điều kiện dạy và học của GD thành phố.
Huy động các nguồn lực phát triển GD và tăng cường CSVC trường học, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND các huyện xây dựng các chương trình trong đó tính toán đến các nguồn vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn các huyện và các nguồn huy động khác. Ngoài ra, các địa phương các huyện, thị xã, thành phố còn huy động nguồn lực nhân dân đóng góp, các tổ chức xã hội để xây dựng khuôn viên trường học, nhà vệ sinh chung cho HS, làm sân bê tông, sửa chữa bảo quản trang bị thiết bị dạy học…
Theo ông Dương Văn Quý – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD&ĐT), hiện nay, tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa của Thái Nguyên đạt 66%, đây là tỷ lệ cao so với các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc. Đây cũng là địa phương trong vùng không còn phòng học tạm bợ ở các điểm trường lẻ. Đầu năm 2017, trước thực trạng còn nhiều phòng học ở các điểm trường lẻ còn học nhờ, mượn và là phòng học cấp 4 xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho HS và giáo viên, tỉnh đã đầu tư Đề án xóa phòng học tạm khẩn cấp với số vốn hơn 20 tỷ đồng xóa 33 phòng học tạm bợ, tranh tre cải thiện điều kiện học tập cho HS các điểm trường lẻ.
Năm học này, toàn tỉnh có 680 trường học các cấp, trong đó tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 81,29% (tính đến tháng 6/2018 có 549/680 trường đạt chuẩn quốc gia). Như vậy là ngành GD Thái Nguyên đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của Đảng bộ tỉnh đề ra trong Đề án xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
Hiện nay ở tiểu học, toàn tỉnh Thái Nguyên có 95% HS được học 2 buổi/ngày, tuy còn chưa đạt được so với yêu cầu, song tỉnh sẽ nỗ lực trong năm học chuẩn bị các điều kiện về CSVC, trường lớp học đáp ứng yêu cầu đưa SGK mới vào giảng dạy từ năm học 2019 – 2020. Điều này là hết sức khả thi vì hai năm học trước (năm học 2015 – 2016) tỷ lệ này chỉ đạt trên 82%, nhưng trong năm học vừa qua, tỉnh đã nâng thêm gần 13% HS được học 2 buổi/ngày.
Hoài Sơn
Theo giaoducthoidai.vn
GS.TS NGUYỄN VĂN HIỆP: "Đánh vần theo Công nghệ Giáo dục chỉ là một lựa chọn trong những cách dạy"
Gần đây, có nhiều diễn đàn tranh luận về sách Tiếng Việt 1 theo Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, ủng hộ có và phản đối cũng có. Báo Lao Động có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - liên quan đến cuốn sách này.
Ảnh minh họa, nguồn: vnschool.
GS Nguyễn Văn Hiệp cho biết:
- Với tư cách là một người được đào tạo về ngôn ngữ học và hiện nay làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ, tôi chỉ bàn luận về cách dạy học đánh vần ở lớp 1 theo đường lối ngữ âm học của Công nghệ Giáo dục, do GS Hồ Ngọc Đại chủ trương.
Trước khi trao đổi cách dạy học đánh vần của Tiếng Việt 1-Công nghệ Giáo dục (từ đây gọi tắt là TV1-CNGD), tôi thấy cần khẳng định chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" sắp được triển khai theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn. Theo đó, cách dạy học đánh vần của một cuốn sách giáo khoa cụ thể chỉ là một trong nhiều cách khác nhau để đạt đến mục tiêu được xác định trong chương trình giáo dục.
Nói cách khác, chương trình chỉ nêu ra đích đến, còn đi đến đó bằng cách nào thì do các tác giả sách giáo khoa lựa chọn và thể hiện trong sách của mình. Theo quan điểm đó thì cách dạy đánh vần của TV1-CNGD chỉ là một lựa chọn, và nếu được chấp nhận, sẽ tồn tại song song với những cách dạy đánh vần khác, ở trong các bộ sách khác.
Hiện nay, nhiều người "cãi nhau" về cách đánh vần theo sách TV1-CNGD, GS có thể phân tích rõ hơn về ngôn ngữ học?
- Để đánh giá cách học vần theo "ngữ âm học" của TV1-CNGD, cần nắm được một số khái niệm rất cơ bản, trong đó quan trọng nhất là phân biệt được tên của con chữ (hay chữ cái), và âm vị mà chữ cái ấy ghi lại.
Chẳng hạn, chữ cái C trong hệ thống chữ viết tiếng Việt có tên gọi là "xê", chữ cái K có tên gọi là "ca", chữ cái Q có tên gọi là "cu" (hay "quy") . Tuy nhiên, trong tiếng Việt, cả 3 chữ cái này đều dùng để ghi âm vị /k/, đọc là "cờ". Đằng sau hệ thống chữ ghi âm bao giờ cũng có một giả thuyết âm vị học.
Cũng cần phân biệt "âm vị" hiểu nôm na là cái chung, cái trừu tượng được trừu xuất ra từ những biểu hiện ngữ âm cụ thể, "âm tố" với tư cách là cái biểu hiện ngữ âm cụ thể. Chẳng hạn, với từ "mẹ" thì người Hà Nội và người Nam Định có thể phát âm khác nhau về nguyên âm (âm tố khác nhau), nhưng đằng sau sự khác biệt đó, có một âm vị chung, cho phép ta phân biệt mẹmạmệmộ.
Tương tự, phụ âm đầu trong các từ "ca", "kỳ", "quê" khi phát âm có khác nhau đôi chút, nhưng trong cả ba trường hợp, xét ở phương diện âm vị học, chúng đều là âm vị /k/, và đây là giả thuyết âm vị học được đa số các nhà ngôn ngữ học chấp nhận.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.
Có nhiều ý kiến cho rằng, cách đánh vần từ trước đến nay đã ổn định, người Việt học tiếng Việt đều đọc được tốt, không cần phải thay đổi, còn quan điểm giáo sư?
- Tạm bỏ qua những cách đánh vần đã có từ đầu thế kỉ hoặc giai đoạn ngay sau 1945 (gắn với phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ), ta thấy cách dạy đánh vần trong TV1-CNGD không khác nhiều lắm so với cách đánh vần hiện nay, chủ yếu là dựa trên hệ thống âm vị mà con chữ biểu thị. Theo tôi, sự khác biệt quan trọng (mà mạng xã hội bàn rất nhiều trong những ngày qua), liên quan đến việc dạy đánh vần những từ có C, K, Q . Sự khác biệt này cho thấy điểm mạnh và điểm chưa được của TV1-CNGD.
Tôi cho rằng cách của TV1-CNGD là cách triệt để tuân theo phương pháp âm vị học. Cả 3 chữ cái này đều dùng để ghi âm vị /k/ trong tiếng Việt.
Trong khi đó, cách dạy phổ biến hiện nay của Tiếng Việt, lớp 1 đại trà (khác với TV1-CNGD) hướng dẫn học sinh, đối với từ "cá" phải đánh vần là "cờ-a-ca-sắc-cá", đối với từ "kể" phải là "ca-ê-kê-hỏi-kể", đối với từ "quê" phải là "quờ-ê-quê". Cách dạy này không nhất quán: Vừa muốn dạy cách đọc từ (kết quả cuối cùng là học sinh phải đọc đúng âm mà các từ "cá", "kể", "quê" biểu thị), vừa muốn dạy tên con chữ, thay vì đọc âm là "cờ" thì Tiếng Việt, lớp 1 đại trà hướng dẫn học sinh đọc tên chữ cái là "ca" (K). (Đối với trường hợp Q, do Q luôn đi với U, TV1 đại trà xử lí "QU" như là âm vị riêng và hướng dẫn học sinh đọc là "quờ").
Trong tiếng Việt, cũng như trong các thứ tiếng dùng hệ thống chữ viết ghi âm khác, việc dạy tên các con chữ của bảng chữ cái là rất cần thiết để có thể: ghi đúng tên người, địa danh (thường không có nghĩa, tức không có cái cơ sở giúp cho việc suy đoán nên viết như thế nào cho đúng) hay đọc các tên gọi được viết tắt. Ví dụ: Đài VOV (đài "vê ô vê", chứ không phải đài "vờ ô vờ"), ngân hàng ADB (ngân hàng "a đê bê", chứ không phải ngân hàng "a đờ bờ").
Tuy nhiên, việc dạy tên con chữ khác với việc dạy đánh vần để đọc đúng âm do chữ biểu thị. Nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng là nhiệm vụ hàng ngày mà chữ viết ghi âm thực hiện là mã hóa dưới dạng kí tự cái ý nghĩa của ngôn ngữ (trước hết là ý nghĩa của các từ trong kho từ vựng).
Nhưng ngoài nhiệm vụ ấy, các con chữ còn có thể dùng để gọi tên sự vật, thực hiện chức năng quy chiếu. Chẳng hạn, khi nói "Hôm nay họp ở Hội trường B" thì con chữ B ("bê") cho biết sẽ họp ở Hội trường nào.
Xin cám ơn giáo sư.
(Còn tiếp)
LÊ THANH PHONG THỰC HIỆN
Theo laodong.vn
Lạng Sơn: Tăng cường cơ sở vật chất cho năm học mới Chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới 2018 - 2019 bắt đầu, hiện tại, các đơn vị, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh Lạng Sơn đã và đang tích cực tu sửa trường, lớp, hoàn tất mọi điều kiện, nhất là cơ sở vật chất để thực hiện tốt nhất việc dạy và học cho một năm học mới. Trường...