Huy chương Bạc Toán quốc tế đến từ tấm gương tự học
Dành tình yêu cho môn Toán học và không ngừng vượt khó vươn lên trong học tập. Đó là ấn tượng của mọi người về Phạm Việt Cường, lớp 12A2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng – chủ nhân Huy chương Bạc cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2010.
Cùng với Nguyễn Kiều Hiếu, Phạm Việt Cường là một trong hai học sinh của thành phố sông Hàn vinh dự giành Huy chương Bạc trong cuộc thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) vừa diễn ra tại thủ đô Astana, Kazakhstan.
Phạm Việt Cường (ngoài cùng bên trái) chụp cùng thầy Nguyễn Duy Thái Sơn và bạn Nguyễn Kiều Hiếu tại thủ đô Astana, Kazakhstan.
Có cố gắng là có thành công
Giành giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi Toán quốc gia, đến với kỳ thi vòng loại chọn đội tuyển thi quốc tế, Cường đã có sự bứt phá ngoạn mục khi vượt qua 36 đối thủ mạnh đến từ khắp các trường trên cả nước để góp mặt vào danh sách 6 thí sinh xuất sắc nhất đại diện cho Việt Nam tham dự IMO 2010 tổ chức tại thủ đô Astana, Kazakhstan.
Để chuẩn bị cho kỳ thi quốc tế, Cường đã ôn tập và chuẩn bị khá kỹ lưỡng về kiến thức. Trong thời gian học ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, bạn tranh thủ học và nắm bài các môn học khác ngay trên lớp, về nhà chỉ xem lạicònphần lớn thời gian Cường đầu tư cho môn Toán.
Cường cho biết: “Để có được thành công không phải một sớm một chiều mà cần một quá trình cố gắng không ngừng. Tớ nghĩ sự say mê và lòng quyết tâm là chìa khóa của thành công”.
Được chọn đi dự thi IMO 2010 là một cơ hội lớn với Cường nhưng đi kèm với nó là những áp lực. Lúc đầu, Cường chịu khá nhiều sức ép. Sức ép để có thành tích cho bản thân, cho nhà trường và cho đất nước, sức ép vì các đội tuyển những năm trước luôn dành được thành tích khá cao. Tuy vậy, sau khi được sự động viên của các thầy, bạn cảm thấy tự tin hơn cho cuộc chinh phục quan trọng này.
Cường thích hầu hết các phần của môn Toán vì phần nào cũng có cái hay riêng của nó nhưng bạn nhận thấy mình có ưu thế về phần đại số và hình học.
Cường tâm sự: “Muốn giỏi toán thì đầu tiên phải có sự say mê và lòng quyết tâm. Tiếp theo là phải có phương pháp học đúng. Tớ nghĩ muốn học tốt thì phải nắm thật vững lí thuyết và qua những bài toán ta phải tìm hiểu kĩ bản chất và cố gắng trả lời được câu hỏi từ đâu mà ta có lời giải này. Hơn nữa ta phải cố gắng liên hệ giữa những bài đã giải để xem có điểm chung nào với bài vừa giải hay không. Từ đó rút ra những phương pháp để giải các bài tiếp theo”.
Cường nhớ lại những kỷ niệm của bạn về kỳ thi quốc tế tại Kazakhstan. Sự may mắn đã đem lại cho bạn tấm Huy chương bạc quý giá.
Cường bồi hồi kể: “Sau lễ khai mạc, lúc 3g chiều, bọn tớ phải di chuyển đến địa điểm thi cách thủ đô Astana, nơi khai mạc 300 km. Theo lịch sẽ đến nơi lúc 7 giờ nhưng do trên đường có nhiều xe bị hỏng nên đến 10 giờ tối cả đoàn mới tới nơi. Đứa nào cũng mệt mỏi và nghĩ chắc ngày mai khó mà hoàn thành tốt bài thi.Nhưng may mắn là ngày hôm sau ai cũng tỉnh táo và làm bài thi tốt”.
Video đang HOT
Đất nước và con người nơi đây cũng gây cho bạn một ấn tượng đặc biệt: “Kazakhstanlà một đất nước xinh đẹp từ các thành phố với những tòa nhà tráng lệ đến những thảo nguyên rộng mênh mông. Con người nơi đây thì thân thiện, vui tính”, Cường chia sẻ.
Phạm Việt Cường (thứ 4, hàng thứ 2 từ bên trái sang) chụp cùng đội tuyển Việt Nam và đoàn Iran tại IndependentPalace ở thủ đô Astana, Kazakhstan.
Một tấm gương vượt khó học giỏi
Một đặc điểm chung là hai cậu bạn giành Huy chương bạc của TP Đà Nẵng trong kỳ thi IMO năm nay đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Với Phạm Việt Cường, bố bạn làm thợ cắt tóc, mẹ là giáo viên tiểu học. Gia đình khó khăn nhưng bố mẹ Cường vẫn cố gắng tạo điều kiện cho con học tập.
Vào cấp 3, vì nghĩ vào trường chuyên sẽ có điều kiện tốt phát triển môn chuyên của mình, Cường xin bố mẹ cho thi vào chuyên Lê Quý Đôn. Không phụ lòng tin của gia đình, Cường đã xuất sắc thi đỗ vào chuyên Toán của trường.
Trong quãng thời gian học cấp 3, Cường gặp phải nhiều khó khăn trong việc đi học vì nhà bạn cách trường khá xa. Lúc đầu, Cường đi xe buýt đi học. Nhưng xe buýt chỉ có thể đi vào buổi sáng mà buổi chiều Cường thường học bồi dưỡng trên trường nên bố mẹ phải đi đón. Thấy con vất vả, bố mẹ Cường cố dành dụm mua cho bạn cái xe đạp để đi học cho tiện. Nhờ vậy, Cường có thể chủ động hơn.
Bố mẹ Cường không dưới một lần khuyên bạn bỏ thi quốc gia để tập trung ôn thi đại học cho tốt. Vì nếu như thi quốc gia mà không đạt giải, thi đại học cũng không đỗ thì gia đình Cường cũng không có điều kiện để cho bạn ôn thi thêm một năm nữa.
Tuy vậy, với sự quyết tâm, Cường vẫn xin bố mẹ cho đi thi quốc gia. Giải nhì quốc gia và tấm Huy chương bạc IMO là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực không mệt mỏi của cậu bạn này.
Trước chặng đường đại học sắp tới, Cường đã đăng ký vào lớp cử nhân Toán tài năng của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Bạn muốn tiếp tục nghiên cứu môn Toán sâu hơn sau này.
Cùng ngắm bảng thành tích của bạn Phạm Việt Cường, lớp 12A2, THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng:
– Nhiều năm liền là học sinh giỏi – Lớp 9: Giải nhì thành phố Đà Nẵng môn Toán học – Lớp 10: Giải nhì thành phố Đà Nẵng môn Toán học – Lớp 11: Giải nhì thành phố Đà Nẵng môn Toán học – Lớp 12:- Giải nhì quốc gia môn Toán học -Huy chương bạc Olympic Toán học quốc tế
Bài: Linh Anh
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo dân trí
Vượt khó học giỏi như chủ nhân Huy chương Bạc Olympic Toán Quốc tế
Giữ vững danh hiệu học sinh giỏi toàn diện suốt 12 năm học phổ thông, liên tiếp đoạt các giải cao trong các kỳ thi Toán cấp quốc gia, mới đây nhất, Nguyễn Kiều Hiếu giành Huy chương Bạc cuộc thi Olympic Toán Quốc tế 2010 với điểm số suýt soát đạt Huy chương Vàng.
Thành tích của cậu học trò lớp 12A, THPT chuyên Lê Quý Đôn thật đáng nể. Song đằng sau nụ cười lạc quan thường trực của Kiều Hiếu là cả một hành trình vượt khó đầy nghị lực.
Nguyễn Kiều Hiếu vừa giành Huy chương Bạc cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế (IMO) 2010.
"Hiếu mồ côi cha từ năm 10 tuổi"
Đó là câu nói tận đáy lòng khi tâm sự cùng chúng tôi của bà Kiều Thị Ba, mẹ của Nguyễn Kiều Hiếu. Mẹ Hiếu luôn nhớ về hình ảnh của con trai khi ba Hiếu mất lúc em còn là cậu học trò lớp 3, chưa được 10 tuổi.
"Đám tang cha, con tôi không khóc. Mọi người vẫn nghĩ Hiếu còn nhỏ, chưa cảm nhận hết mất mát. Nhưng rồi tôi nhìn thấy con gục đầu bên cha lần cuối trong lễ tang đến tận khuya. Rồi chính Hiếu an ủi tôi khi tôi qụy ngã Mẹ đừng khóc nữa. Mẹ còn có hai chị em con nữa. Mẹ giữ sức, đừng để ngã bệnh".
Chính câu nói đó của Hiếu đã vực người mẹ trong đau khổ vì gia đình đã vĩnh viễn mất đi một trụ cột.
Công việc của một nhân viên công ty 503 thuộc Khu đường bộ 5 nhiều vất vả, bà Ba vẫn không nề hà. Ngày đêm chắt chiu lo cho con được ăn học. Rồi khi nghỉ hưu, đồng lương hưu ít ỏi không đủ xoay trở lo chu toàn sinh hoạt phí trong nhà, mẹ Hiếu xin một chân tạp vụ ở cơ quan cũ kiếm thêm thu nhập.
"Vì điều kiện gia đình, Hiếu thiệt thòi hơn các bạn học cùng trang lứa. Vậy mà chưa mà giờ tôi nghe nó than một tiếng khó. Mỗi lần nghe thầy giáo gọi điện thoại nhắc chừng mai Hiếu đi thi học sinh giỏi, tôi mới lật đật mua cho con vài hộp sữa bồi bổ. Món đồ dùng học tập xa xỉ nhất của nó là cái máy tính cũ để bàn mà cả nhà ngoại, cậu, dì gom góp mua tặng thưởng cháu khi nó thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cái trường ai cũng biết dễ chi mà thi đậu vô đó.".
Rồi mẹ Hiếu kể tiếp về con trai: "Nó chẳng bao giờ xin tiền mẹ đi chơi. Hồi Hiếu còn học cấp hai, có lần tôi cho tiền nó đi học thêm môn Toán. Mấy tháng sau, nó đem tiền về lại nói Không hiểu răng mà thầy biết hoàn cảnh nhà mình, thầy giảm học phí cho con. Mấy lần cần lắm mới xin mẹ cho tiền ra tiệm để lên mạng. Nó nói trên mạng có diễn đàn chi đó để nó tải tài liệu rồi trao đổi với các bạn về cách giải các bài Toán".
Phần thưởng lớn nhất với Hiếu có lẽ là niềm vui đầy tự hào của mẹ.
Lên cấp ba, cũng vì chưa quen với môi trường học mới với nhiều yêu cầu cao của trường chuyên, trong học kỳ đầu tiên, Hiếu chỉ đạt học lực khá. Sợ mẹ buồn, Hiếu hứa chắc cho mẹ yên lòng: "Mẹ đừng lo. Cuối năm con sẽ cố gắng là học sinh giỏi" và Hiếu đã giữ đúng lời hứa.
Và sau đó là một loạt các giải thưởng: giải Ba môn Toán cấp TP năm lớp 10, Huy chương Bạc Olympic 30-4 môn Toán, giải nhì giải Toán trên máy tính năm lớp 11, giải ba Quốc gia và mới nhất là huy chương Bạc Olympic Toán Quốc tế 2010.
Uớc mơ đuổi theo Toán học tới cùng
Chia sẻ về dự định tương lai, Hiếu chia sẻ: "Em sẽ đăng ký học lớp cử nhân tài năng Toán của Đại học Quốc gia Hà Nội. Em muốn được theo đuổi Toán học tới cùng."
Trước đó, vì nhận thức hoàn cảnh gia đình, Hiếu đã đồng ý với mẹ là học ở trường đại học ngay TP Đà Nẵng cho gần, không tốn kém nhiều sinh hoạt phí như khi xa nhà đi học. Nhưng như lời ông Phạm Gia Hữu, tổ trưởng tổ 19, phường Thanh Khê Đông, Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) : "Hắn được huy chương cả xóm ni mừng. Ai cũng biết thằng Hiếu có tiếng học giỏi mà lại ngoan, có hiếu với mẹ. Tui nghe trong xóm nói hắn ưng học Toán lắm, ưng học ngành chi thiên hẳn về Toán học luôn kìa nhưng hắn có dám nói với mẹ hắn mô. Hắn thương mẹ, nói Thôi nói rứa thôi chớ con đăng ký trường học ở Đà Nẵng cho gần nhà".
Trò chuyện với Dân trí, Hiếu tâm sự: "Em đam mê môn Toán học chính từ niềm đam mê Toán học của thầy Sơn (thầy Nguyễn Duy Thái Sơn - PV). Thầy là người tận tụy với Toán học và với học trò bọn em".
Hiếu và thầy Nguyễn Duy Thái Sơn, người đã truyền lửa cho em niềm đam mê Toán học.
Nhận xét về Kiều Hiếu, thầy Nguyễn Duy Thái Sơn - người đã dạy và dẫn dắt hai học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là em Nguyễn Kiều Hiều và em Phạm Việt Cường đến tận trường thi Olympic Toán Quốc tế IMO 2010 và đoạt hai Huy chương Bạc, cho biết: "Hiếu là một học trò khiêm tốn. Em thực sự rất có năng lực môn Toán học, nhất là Toán tổ hợp (Toán suy luận). Ở ngày thi thứ hai, bài làm của em rất hoàn hảo và bứt phá. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở em trước kỳ thi. Mừng hơn là em đạt được thành tích cao hơn kỳ vọng".
Theo dân trí
Trào lưu teen tự học tại... chùa Với cái nắng của mùa hè này thì việc tìm cho mình một chỗ học vừa mát mẻ lại vừa yên tĩnh là rất khó khăn. Vậy sao teen mình không thử đến chùa nhỉ? Hè cũng là lúc những teen 11 bắt đầu chiến dịch đi học thêm của mình. Thế nhưng dưới cái nắng hè gay gắt này, nhiều bạn thay...