Hương vị quê hương: Hương bứa mùa thu
Tầm độ quá nửa tháng tám âm lịch, khi nắng hè đã dịu, thời tiết chuyển sang thu, cũng là lúc những quả bứa rừng trung du bắt đầu ươm lên màu vàng nhạt, ẩn hiện giữa tán lá xanh mướt.
Quả bứa chín vàng ươm THANH LY
Miền trung du quê tôi khí hậu tuy khô khan, khắc nghiệt nhưng dường như chất đất, thổ nhưỡng lại phù hợp với cây bứa. Trên các gò đồi, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những cây bứa xanh ngát một vùng. Thật lạ, những quả bứa nhỏ bé, lúc còn xanh da cứng là vậy, nhưng khi chín chuyển sang vàng như ươm hết nắng mùa thu rồi dần lại mềm ra, làn da mỏng manh, tỏa mùi thơm thanh tao, tiết vị ngòn ngọt, chua thanh tinh khiết, tạo nên sức hút hấp dẫn khiến đám trẻ trong xóm tụ tập, vui đùa rồi tranh nhau hái. Đứa nào gan dạ thì trèo lên cây, có đứa thì kiên nhẫn dùng gậy khều những quả bám nơi cành xa. Riêng tôi, hồi còn thơ bé tha hồ thưởng thức bởi mỗi chiều đi rừng về, lủng lẳng sau gánh củi của dì bao giờ cũng có đôi ba chùm bứa.
Những quả bứa chín đúng độ thu về bao giờ cũng rất to, mọng, vỏ vàng ngon mắt, chỉ cần tách đôi vỏ ra là đã bắt gặp những múi bứa ngọt lịm, xen thêm một tí chua thanh rất nhẹ. Vị chua ấy càng làm cho bứa rừng thêm quyến rũ, thanh tao. Không chỉ thưởng thức trực tiếp như bao món trái cây khác, bứa rừng còn là nguyên liệu chế biến thành nhiều món ngon.
Chao ôi, ly nước bứa tuổi thơ, đặc trưng và bình dị, không hề lẫn lộn với các loại nước quả khác bởi được tích tụ tất cả vị ngon ngọt của núi rừng, đồng quê trung du
Video đang HOT
Những năm bứa được mùa, ngoại và dì ngồi bệt trên nền sân trước nhà, tách từng quả bứa, phơi đầy trong nắng thu. Bứa phơi khô để dành, treo giàn bếp đến vài ba tháng. Cả bứa tươi và bứa khô người dân quê tôi đều dùng kho với cá đồng hay nấu canh chua. Chỉ cần đôi ba quả bứa khô, mẻ cá thì nồi canh chua đã hội đủ vị ngọt, vị chua đậm đà hương đồng gió nội, làm cho bữa cơm càng thêm thi vị.
Và tôi bắt đầu mê bứa hơn từ khi dì biến tấu bứa chín thành món giải khát cách điệu cho đám cháu trong nhà. Dì tỉ mẩn rửa sạch quả bứa, để nguyên vỏ rồi cắt thành nhiều phần nhỏ, loại bỏ hột. Trong khi chờ nồi nước đang đun sôi, dì ra ngoài vườn chặt bẻ đôi ba cây mía, chặt thành khúc nhỏ và đập dập thân mía. Khi nồi nước đã sôi, dì cho mía vào đun chừng mươi phút thì mới thêm bứa.
Mùi thơm từ nước bứa, mía bay lên thoảng đưa trong chái bếp cũng là lúc vị ngọt đậm đà của nước mía hòa quyện vị ngọt chua thanh của bứa. Giữa tiết thu se se lạnh, ly nước giải khát nóng hổi “đặc biệt” của dì giúp giải cảm, xua tan mệt mỏi. Nếu thích, có thể chờ nước thật nguội, húp cạn một hơi, cảm giác như được tắm trong làn nước mát lành từ đầu lưỡi lan tỏa khắp cơ thể.
Chao ôi, ly nước bứa tuổi thơ, đặc trưng và bình dị, không hề lẫn lộn với các loại nước quả khác bởi được tích tụ tất cả vị ngon ngọt của núi rừng, đồng quê trung du.
“Mùa này lại thêm bứa rừng, con có còn nhớ không?”, nụ cười nhẹ sau câu hỏi của dì gợi lại trong tôi cả một khoảng trời tuổi thơ đầy thương nhớ.
Giản dị hương vị lá chùm ngây
Một trưa cuối tuần, cả nhóm bạn rủ nhau đi "đổi gió", về nhà anh bạn đồng nghiệp sát bên dòng Thu Bồn, đoạn cuối đổ ra biển Cửa Đại (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Canh chùm ngây nấu tôm
Một trưa cuối tuần, cả nhóm bạn rủ nhau đi "đổi gió", về nhà anh bạn đồng nghiệp sát bên dòng Thu Bồn, đoạn cuối đổ ra biển Cửa Đại (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam). Vừa yên vị trong khu vườn rợp bóng cây, chúng tôi đã nghe sau bếp lao xao tiếng nói cười. Có lẽ, được báo trước nên vợ và con anh chuẩn bị mở tiệc làm gà, hải sản chiêu đãi cả nhóm.
Ngồi thêm chừng mươi phút, chúng tôi ngó xéo qua mấy cây chùm ngây vươn thẳng trong nắng với vẻ thích thú trước màu xanh mơn mởn, từng cành lá đan tỏa nhau mát rợp cả một góc sân. Bất chợt anh bạn vỗ đùi nói: "Ui chao chừ mới nhớ, lần ni anh sẽ cho các bạn "mở rộng" thêm vị giác bằng các món ngon từ cây chùm ngây mình trồng, chứ gà với cá đãi khách là quá bình thường rồi!".
Tôm và chùm ngây là nguyên liệu cho nhiều món ngon ẢNH: THANH LY
Chưa kịp để khách ngạc nhiên, anh thẳng xuống bếp, tay cắp thêm một rổ nhựa, đi một mạch về hướng những cây chùm ngây đang rung rinh trước gió. Một tay anh ngắt từng nhánh lá chùm ngây, một tay điện thoại gọi "mối" ship đến cho mấy lạng tôm. Giọng anh oang oang: "Không có tôm đất thì chi chi cũng phải tôm biển loại mới bắt lên, không tươi nhất định tui trả lui á!".
Thật ra, vài người trong nhóm chúng tôi đã nghe nói về lá chùm ngây hoặc đã từng thưởng thức trong quán ăn, nhà hàng nhưng chưa được tận mắt nhìn thấy cây và cách chế biến. Vì vậy, cả nhóm bèn tụm lại nghe anh đồng nghiệp "thuyết trình" về loại cây thuốc quý này. Trước kia, chùm ngây vốn là cây mọc hoang ở nhiều nơi vùng đồi núi. Gần đây nhiều người rỉ tai nhau về giá trị dinh dưỡng của chùm ngây nên tìm giống về trồng. Không chỉ là một loại rau sạch, hàm lượng dinh dưỡng cao, các món từ lá chùm ngây còn phòng và chữa được nhiều bệnh. Riêng anh bạn tôi còn tự hào khoe vóc dáng thon thả của vợ anh một phần nhờ thường xuyên ăn rau chùm ngây. Nghe anh nói đến đây, cả bọn nháo nhào xin bằng được mỗi đứa ít cây con về trồng, anh gật đầu lia lịa và nhiệt tình chia sẻ thêm kinh nghiệm trồng. Câu chuyện rộn ràng đến khi tôm được cô bán hàng mang đến, mọi người tiếp tục xôm tụ quanh chủ đề chùm ngây trong căn bếp nhỏ.
Cũng không có gì phức tạp khi chế biến các món từ chùm ngây, đơn giản nhất là canh tôm nấu rau chùm ngây. Tôm tỉ mỉ bóc bỏ vỏ từng con, rửa sạch, ướp cùng gia vị rồi thả vào nồi nước canh đang sôi, sau đó bỏ lá chùm ngây vào (để nguyên lá, không được vò nát như lá ngót). Nồi canh sôi bùng lên là có thể tắt bếp. Thế là đã có món canh chùm ngây nấu tôm thơm tho, ngon ngọt.
Một món phổ biến nữa là chùm ngây trộn. Rau chùm ngây tuốt lá, rửa sạch, trụng sơ qua nước sôi để rau bớt ngái rồi cho ngay vào tô nước lạnh để giữ được màu xanh, sau đó vớt rau ra rổ cho ráo. Xào chín tôm đã ướp với dầu ăn. Đợi tôm nguội rưới lên lá chùm ngây, thêm nước cốt chanh và trộn đều trước khi cho các loại rau thơm như ngò, lá ớt non, rau húng... Cuối cùng rắc lên một ít đậu phụng rang đã giã, vậy là có một đĩa chùm ngây trộn thơm ngon. Canh được múc ra tô, đĩa trộn đã hoàn thành cũng là lúc chị vợ anh bạn đã luộc xong chú gà vàng ươm. Dẫu vậy, mọi ánh mắt đều hướng vào tô canh nghi ngút khói và đĩa chùm ngây trộn bắt mắt với nhiều màu sắc...
Bữa tiệc rau chùm ngây ấy đã thấm thoát gần 2 năm. Mấy cây chùm ngây ngày nào tôi xin anh bạn giờ đã cao vượt đầu, vươn lên mạnh mẽ. Chỉ mới vài cơn mưa giông đầu mùa đã bung lên, rễ đẫy, cành ra lá xanh mơn mởn. Tôi chỉ cần với tay, một lúc chiếc rổ thưa đã đầy vun mớ lá chùm ngây xanh mát mắt.
Chiều nay bên bếp lửa, nồi canh thoảng đưa hương chùm ngây mà bao nhiêu kỷ niệm cùng bạn bè ùa về...
Ngọt đắng nấm tràm Tôi về quê khi mùa nấm tràm đã gần tàn. Ở góc chợ quen chỉ còn 2 người bán, thay vì cảnh những cô dì xếp hàng dài bên rổ nấm tràm nâu thẫm căng bóng. Nấm tràm cuối mùa nhỏ và có phần hơi vụn nhưng có còn hơn không. Tôi yêu những mùa mưa, mùa của nấm. Đầu mùa mưa là...