Hương vị dân dã của ẩm thực miền Trung tại TP.HCM
Nếu nhớ mùi vị thân quen của món ăn quê nhà, bạn có thể tìm đến những địa chỉ sau để thưởng thức đặc sản tré trộn, bánh bèo, chả lụi…
TP.HCM là điểm hẹn ẩm thực của nhiều vùng miền, trong đó có Trung Bộ. Không biến tấu cầu kỳ, những món ăn bình dân giữ trọn khẩu vị đậm đà, cay nồng quen thuộc của người miền Trung, được lòng thực khách Sài thành. Bên cạnh các món no, bạn có thể nhâm nhi đồ ăn vặt với một số gợi ý sau.
TRÉ TRỘN
Tré trộn là đặc sản miền Trung, được người Sài thành ưa chuộng. Một hộp gồm tré, chả, nem, rau răm, xoài, dưa leo trộn với các loại gia vị. Món ăn có sự hòa quyện giữa vị chua của nem, nước tắc, mặn từ chả, nước mắm và cay nồng của tiêu, ớt. Tré trộn cũng được ăn cùng với bánh mì để no lâu.
Tại hàng ăn đường Nguyễn Du, bạn có thể thưởng thức nhiều kiểu như nem chả trộn, tré trộn trứng cút, tré chả trộn thập cẩm…
Đánh giá của thực khách:
Diệu Tâm Trần: “Nói về tré thì mình thấy ở đây ăn ok nhất, có hủ nước chấm đi kèm. Cóc thường cho hơi nhiều nên mình chỉ dặn lấy đủ ăn thôi. Phần thập cẩm 40.000 đồng ăn no”.
Calanth Thai: “Tré trộn đều, vừa miệng, sạch sẽ. Tuy nhiên, quán cho hơi nhiều cóc. Muối chấm nên để ít đường sẽ ngon hơn nhiều. Mình đặt ở quán nhiều lần, hộp có lúc đầy ắp, nhiều khi bị vơi đi”.
Traveatvn: “Mình thích nhất chả trộn ở đây. Chả khá ngon ngọt, vừa miệng. Chua của cóc, trứng cút béo cùng muối ớt xanh đậm đà hòa lẫn, ăn khá bắt vị”.
BÁNH TRÁNG KẸP
Video đang HOT
Bánh tráng kẹp là món ăn xế phổ biến ở miền Trung được giới trẻ yêu thích. Một quán ăn hút khách tại Đà Nẵng bày bán món này đã có mặt tại TP.HCM.
Với giá hạt dẻ từ 7.000 đồng/chiếc, bánh tráng được tín đồ ăn vặt yêu thích bởi nhiều hương vị như kẹp pate giòn, kẹp trứng mềm, giòn thập cẩm, giòn ruốc. Ngoài bánh tráng kẹp, bạn có thể lai rai cùng bạn bè với nhiều món hấp dẫn khác như gan rim, xoài dầm mắm, bò khô…
Đánh giá của thực khách:
Anxu Le: “Ngày xưa quán to lắm, bây giờ thì thu hẹp không gian nhưng đồ ăn vẫn ngon và rẻ. Mọi người muốn ăn bánh tráng kẹp Đà Nẵng thì ở đây chuẩn vị”.
Thủy Trần: “Bánh tráng kẹp mềm ngon hơn loại giòn. Món bánh tráng trộn có vẻ ổn nhất, giá 10.000 đồng cho phần này thì xứng đáng”.
Lam Nguyễn: “Nước chấm bánh ngon. Bánh tráng mềm, giao về nhà ăn bị dai. Mình nghĩ ăn tại chỗ sẽ ok hơn”.
BÁNH CĂN, BÁNH XÈO PHAN RANG
Quán ăn quận 11 sẽ giúp bạn thưởng thức hương vị dân dã của các món bánh ở phố biển miền Trung. Bánh xèo được đổ khuôn nhỏ, vỏ mỏng giòn, ăn kèm rau sống, nước mắm chua ngọt.
Nếu không muốn ăn nhiều dầu mỡ, bạn có thể gọi bánh căn tôm thịt hoặc hải sản. Bánh canh chả cá hay chả cuốn cũng là các món ăn được yêu thích tại đây.
Đánh giá của thực khách:
Đức Nguyễn: “Mình nghĩ quán làm bánh căn ngon hơn bánh xèo. Món bánh xèo hơi ít nhân, chủ yếu là giá, ăn giống đồ chay”.
Hữu Tín Lưu Trần: “Không gian quán khá rộng, có chỗ để xe. Quán khá đông, tuy nhiên, phục vụ cũng nhanh, không phải đợi quá lâu. Vị bánh mình thấy cũng được, rau tươi xanh”.
Hằng Nguyễn: “Bánh căn trứng, hải sản chấm với nước mắm chua ngọt hoặc đậu phộng, mắm nêm đều được. Bánh căn ăn không ngán, kẹp với rau sống, xoài bào siêu ngon”.
CHẢ LỤI LAGI
Xuất phát từ vùng đất Lagi, Bình Thuận, món ăn thoạt nhìn đơn giản nhưng có cách chế biến công phu, hương vị ấn tượng. Tôm, thịt tươi được giã nhuyễn, gói chặt bằng bánh tráng cắt miếng đều nhau, nướng đều trên lửa. Món ăn kèm với rau sống và nước chấm chua ngọt.
Đánh giá của thực khách:
Phương Thanh: “Mình cũng ăn chả lụi nhiều nơi rồi nhưng chả lụi “big ” thì lần đầu tiên. Chả lụi nướng vừa tới, nước chấm ngon, rau rừng sạch sẽ, tươi rói, không bị vụn như những nơi khác”.
Pham Phuong: “Quán khá đông, ăn no, giá bình dân. Hương vị không đặc sắc lắm, phù hợp với học sinh, sinh viên”.
Sạp bánh căn không tên ngay phố Tây, ngày chỉ bán 3 tiếng
Không tên tuổi nhưng quầy bánh căn giá bình dân ngay quận 1, TP HCM chế biến theo kiểu Đà Lạt luôn hết sớm vì khá đông khách.
Nép một góc nhỏ ngay khu phố Tây Bùi Viện, quầy bánh căn không biển hiệu, không tên của cô chú lớn tuổi luôn được thực khách yêu mến nhiều năm nay. 6h sáng mỗi ngày, hai người dọn hàng ra, bán khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, đến tầm 9h là hết sạch. Thời điểm này đường Bùi Viện không đông đúc như ban đêm nên bạn có thể thoải mái thưởng thức món ăn. Quán chỉ có hai loại bánh nhân trứng cút hoặc trứng gà.
Bếp đúc bánh căn. Ảnh: Ruahaman.
Chủ quán chia sẻ, thực ra chỗ này cô ngồi nhờ phần hiên của một cửa hàng tiện lợi nên chỉ được bán vào buổi sáng, khi đoạn đường chưa tấp nập. Quầy bếp rất đơn sơ, gồm một chiếc kệ inox đựng nguyên liệu, chén bát, một bếp đất nung đổ bánh căn và vài xô bột đặt xung quanh. Khách ngồi trên bàn ghế nhựa vỉa hè, chỗ ngồi hạn chế. Vì không có người phụ nên đôi khi quá tải, khách chờ hơi lâu. Dù vậy, hiếm ai phàn nàn bởi cô chú luôn niềm nở, đồng thời cố gắng làm nhanh nhất có thể.
Bánh chế biến theo kiểu Đà Lạt với thành phần chính là bột gạo pha với một ít cơm nguội xay nát để khi đúc, bánh sẽ tạo độ xốp, mặt trên có lỗ như tổ ong. Trứng gà đánh chung lòng trắng và lòng đỏ, trộn cùng bột mì nên bánh căn trứng gà có màu vàng loang lổ. Còn bánh căn nhân trứng cút thì khác. Sau khi đổ bột vào khuôn đất, cô chủ mới đập một quả trứng cút vào nên vẫn giữ được phần lòng đỏ và lòng trắng trứng riêng biệt.
Bếp nướng bánh nhỏ, mỗi lượt chỉ nướng được 10 cái, vừa đủ một đĩa nên dù cô làm luôn tay, lắm lúc vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu của khách. Tuy nhiên, nhờ vậy mà bạn luôn được thưởng thức bánh nóng hổi, mới ra lò. Cô chú cũng rất chiều lòng khách hàng. Nếu không thích ăn hành thì bạn dặn trước là xong.
Phần bánh căn đầy đủ. Ảnh: Trang Thùy.
Thiếu sót duy nhất để món bánh của cô chuẩn Đà Lạt nằm ở chén nước chấm đi kèm, là nước mắm ngọt, không phải chén xíu mại. Thế nhưng hương vị nước chấm lại hợp gu dân Sài thành. Trong nước chấm có hành lá thái mỏng dậy mùi thơm mà không bị hăng, ớt xay cay the, hành phi, tóp mỡ ngầy ngậy nhưng không gây ngấy. Khi ăn, bạn nhúng ngập miếng bánh căn tròn vào chén nước chấm rồi thưởng thức. Bạn có thể xin thêm nước chấm tùy thích.
Ngoài ra, một trong những điều níu chân thực khách là giá cả rẻ so với mặt bằng chung tại quận 1 - khu ăn uống đắt đỏ của thành phố. Giá 20.000 đồng/10 chiếc bánh, đủ làm người lớn no nê. Sài Gòn cuối năm, nhâm nhi chiếc bánh căn thơm bùi trong không khí lành lạnh buổi sáng chắc chắn sẽ khiến bạn cảm giác như đang ngồi giữa phố núi. Cuối tuần quán thường đông, hay hết sớm nên bạn hãy đi sớm cho chắc ăn.
Khách Tây thử ăn bánh căn Đà Lạt Bánh căn là món ăn đường phố nổi tiếng ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Nhiều thực khách thường chọn ăn món này vào bữa sáng.