Hướng nghiệp theo cách mới: Học sinh có việc làm đúng ngành từ phổ thông
Nhiều học sinh có đam mê từ sớm đang tìm đến những câu lạc bộ (CLB) trường học để được hướng nghiệp, phát triển kỹ năng, thậm chí nhận được việc làm thêm từ khi học phổ thông.
Bùi Quang Triều, sinh viên (SV) chuyên ngành Sản xuất phim kỹ thuật số, Trường ĐH RMIT (TP.HCM) cho biết đã chọn con đường nghệ thuật sau khi gia nhập CLB nhiếp ảnh tại trường THPT. Nhờ có mặt trong những hoạt động đào tạo của CLB, Triều làm quen với nhiều đàn anh trong nghề, từ đó có cơ hội làm việc chuyên môn từ lớp 11.
Buổi diễn âm nhạc vào giờ ra chơi được tổ chức bởi nhiều CLB, giúp học sinh phát triển khả năng tổ chức sự kiện, truyền thông đa phương tiện lẫn trình diễn tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM)
“Khi ấy tôi thường xin đi theo để học hỏi nên không được trả công, dần dà anh chị thấy có năng lực nên giao các đầu việc nhỏ. Giờ tôi đã nhận những dự án lớn hơn, tạo ra thu nhập cố định. Môi trường CLB rất phù hợp với những ai có định hướng từ sớm, hay cần thời gian để tìm ra điểm mạnh, yếu của mình”, Triều đúc kết.
Từng không nghĩ sẽ theo đuổi công việc nghệ thuật cho đến năm lớp 12, Đào Duy Tùng (SV chuyên ngành Biên đạo múa đại chúng, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh, Hà Nội) cũng tìm thấy đam mê nhờ liên tục cọ xát ở các sự kiện khi tham gia CLB văn nghệ của trường THCS, sau đó là THPT. “Tôi đang vừa học vừa về nhiều trường để biên đạo bài cho các em thi đấu hoặc trình diễn trong những dịp lễ như 20.11″, Tùng cho hay.
Tương tự, Lê Minh Duy (lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) từ đam mê quay phim nhất thời, hiện đã thấy bản thân phù hợp và dự định gắn bó lâu dài với nghề. “Tham gia CLB, em được hướng dẫn kỹ năng và thực hành rất nhiều như quay sự kiện cho trường, làm phim ngắn. Khi dần có kinh nghiệm, em nhận đi quay những sự kiện ngoài, bắt đầu có thu nhập từ đam mê”, Duy hào hứng chia sẻ.
Duy cho hay lúc đầu vì “ham làm” nên thành tích học tập bị ảnh hưởng. Nhưng khi quen với vừa làm vừa học, em đã cân bằng thời gian tốt hơn. Điều này cũng diễn ra với Huỳnh Bảo Ngọc (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, TP.HCM) khi tham gia cộng tác với một tòa soạn nhờ những kinh nghiệm có được từ CLB báo chí. “Có lúc hạn nộp bài trùng lịch kiểm tra khiến em phải thức đến sáng, nhưng nhờ đó em dần quen với nhịp điệu và tính chất công việc, chuẩn bị tốt cho ước mơ trở thành phóng viên sau này”, Ngọc cho biết.
Vừa đảm nhận công tác hướng dẫn cho CLB Báo chí – truyền thông Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, thầy Hồ Hoài Khanh (giáo viên ngữ văn) cho biết đã lập tức đăng ký khóa nghiệp vụ báo chí tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vì muốn cập nhật những thông tin mới nhất, giúp chỉ dẫn CLB đi đúng hướng.
Video đang HOT
Học sinh được giải đáp thắc mắc, hướng dẫn kỹ năng nhiếp ảnh trong buổi gặp gỡ CLB tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM)
“Khi làm việc cùng các em, tôi gặp một số khó khăn như thời gian giảng dạy nhiều nên không thể theo sát mọi hoạt động, hay mâu thuẫn trong quan điểm, tư tưởng giữa thầy và trò. Nhưng nhờ dung hòa bất đồng, luôn đầu tư chuyên nghiệp, hiện đại từ khi học phổ thông, các em hòa nhập rất sớm khi đến những môi trường khác như ĐH, cũng như đi nhanh hơn bạn cùng trang lứa trên con đường nghề nghiệp”, thầy Khanh chia sẻ.
Thầy Huỳnh Bá Trung, Trợ lý thanh niên Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11, TP.HCM), nhận định các nghề truyền thông như TikToker, quay dựng phim, quảng cáo… đang thịnh hành, dễ kiếm việc làm. “Nếu trong môi trường phổ thông, HS có đam mê được cọ xát qua hoạt động CLB thì sẽ là một bước đệm quá tốt”, thầy Trung khẳng định, đồng thời khuyến khích CLB “phủ sóng” mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thu hút thêm thành viên.
Tuy nhiên, thầy Trung cũng lưu ý quá trình hướng nghiệp trong CLB ở nhiều nơi chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Đó là vì thời lượng học và kiểm tra trên trường còn dày đặc, HS chủ yếu dành thời gian ôn tập kiến thức các môn để chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
Hướng nghiệp cho học sinh ngay từ cấp tiểu học
Cho học sinh tham gia trải nghiệm hay chia sẻ về công việc trong các tiết dạy,... là cách định hướng nghề nghiệp được các trường tiểu học áp dụng.
Học sinh tiểu học TPHCM trải nghiệm một ngày làm nội trợ.
Giúp học sinh nhận biết nghề nghiệp
Đối với cấp tiểu học tại TPHCM, giáo viên tại các trường đã chú trọng đến việc định hướng nghề nghiệp, từ đó giúp học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở các địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.
Thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy cũng đã hướng dẫn học sinh tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường, đồng thời rèn luyện, bồi dưỡng thêm một số kỹ năng nghề nghiệp cơ bản và có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho các em.
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11), thực tế hiện nay, để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhiều trường tiểu học đang áp dụng các hình thức như: cho các em tham gia các buổi trải nghiệm, vào vai trong các vở kịch, chia sẻ thêm về công việc, nghề nghiệp trong các tiết dạy trên lớp hoặc sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, tham quan hướng nghiệp... Tùy vào điều kiện của từng trường mà các thức tổ chức có thể khác nhau.
"Học sinh tiểu học từ trước đến nay cũng đã được tiếp cận một số nội dung mang tính chất giới thiệu về nghề nghiệp trong các môn học tự nhiên xã hội, tiếng Việt,...Ngoài ra, các tiết học kỹ năng, hoạt động trải nghiệm của chương trình mới cũng mang nội dung định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, các môn học này cũng chỉ mới giới thiệu sơ qua về các công việc, nghề nghiệp đơn giản, phù hợp với lứa tuổi tiểu học chứ chưa đi sâu vào các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh như ở cấp THCS hay THPT", cô Hương chia sẻ.
Cho học sinh tiểu học đến các nhà xưởng để được nghe giải thích công việc là cách hướng nghiệp của Trường TH-THCS-THPT song ngữ quốc tế Canada (quận 7) thường thực hiện.
Cô giáo Văn Ngọc Tường Vy, giáo viên chủ nhiệm lớp 1.4, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết trẻ từ bậc mầm non bắt đầu có ước mơ về nghề nghiệp. Đến tiểu học, việc định hướng nghề nghiệp được tích hợp trong một số môn học. Việc giáo dục hướng nghiệp ở tiểu học khá đơn giản, không "đao to búa lớn". Vì vậy, đưa hướng nghiệp vào nội dung dạy học sinh tiểu học là cần thiết và phù hợp với thực tế.
"Giáo viên trong trường luôn thường xuyên chú trọng đến việc thông tin, chia sẻ cho học sinh về các công việc, nghề nghiệp trong xã hội. Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy trên lớp, tôi cũng như giáo viên khác luôn chủ động trao đổi, giải thích để các em biết thêm về nghề nghiệp, nắm được tính chất đặc biệt của từng loại công việc. Từ đó tạo thích thú, tò mò cho học sinh về các ngành nghề", cô Vy cho hay.
Tăng cường hoạt động trải nghiệm
Chương trình học của học sinh tiểu học hiện được lồng ghép nhiều tiết học kỹ năng sống, giới thiệu về các ngành nghề... Trong quá trình học tập trên lớp, học sinh được giáo viên cho xem nhiều hơn các đoạn video về ngành, nghề khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều trường còn tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm cho từng khối lớp hoặc theo chủ đề.
Cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) chia sẻ, nếu như trước đây, mơ ước của các em khi lớn lên sẽ trở thành chú bộ đội, bác sĩ, giáo viên... thì nay đã mở rộng hơn như trở thành ca sĩ, cầu thủ bóng đá, diễn viên hoặc những ngành nghề mà các em ấn tượng. Đặc biệt trong các bài học của môn Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội, Địa lý có các bài về nghề nghiệp thì giáo viên cũng lồng ghép cho học sinh tìm hiểu và trình bày chia sẻ với bạn bè trong lớp.
"Để hoạt động hướng nghiệp ở cấp tiểu học mang lại hiệu quả cao, nhà trường luôn chú trọng đến công tác trang bị thêm kiến thức cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất. Giáo viên các lớp cũng luôn chú trọng đến việc thiết kế các bài học sinh động, hình thức trải nghiệm phù hợp... Từ những hoạt động đơn giản như giới thiệu về các nghề, công việc gần gũi, các em dần dần nhận biết được ngành nghề trong tương lai", cô Mai Hương chia sẻ.
Trường tiểu học Hòa Bình luôn đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh.
Cũng theo chia sẻ của cô Mai Hương, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh được trải nghiệm ngành nghề nhiều hơn qua các buổi ngoại khóa để các em có nhận thức cơ bản đầu tiên về những công việc và nghề nghiệp, không được phân biệt hay kỳ thị vì ngành nghề nào cũng cao quý.
Ngoài ra trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng có thể hỏi xem công việc của ba mẹ các em và giải thích thêm cho học sinh hiểu những tính chất đặc biệt của từng loại công việc, nghề nghiệp của ba mẹ đang làm để học sinh có thêm kiến thức về định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Còn theo cô Nguyễn Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Việt Mỹ (quận Tân Bình), trong chương trình cấp tiểu học cần có nội dung, chương trình dạy cụ thể về định hướng nghề nghiệp vì học sinh rất háo hức, tò mò để đặt nhiều câu hỏi xoay quanh một số nghề nghiệp gần gũi với các em như: giáo viên, bác sĩ, bộ đội, công an, kinh doanh...
"Để phát huy tốt vai trò của nhà trường, giáo viên trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh tiểu học cần có sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội. Bản thân hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta giáo dục hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học và không nên nghĩ đó là điều gì to tát. Không nên tách thành một môn học cho đến khi học sinh học hết THCS, mà cần dạy lồng ghép tích hợp vào các môn học khác thì hiệu quả hướng nghiệp mới cao", cô Mai cho hay.
Nếu thời gian quay trở lại, em sẽ không bao giờ học thêm ở thời phổ thông Học thêm đã biến học sinh và gia đình trở thành nạn nhân, phụ huynh mất tiền, học sinh mất đi thời gian vui chơi, tham gia các phong trào, hoạt động xã hội,... Vấn nạn dạy thêm, học thêm trái quy định, biến tướng diễn ra hàng ngày, hàng giờ từ thành thị đến nông thôn, len lỏi cả trong thôn, ngõ,...