Hướng nghiệp sớm cho học sinh
Năm học 2020-2021, điểm chuẩn xét tuyển vào đại học (ĐH) ở một số ngành học tăng cao đột biến khiến nhiều học sinh lớp 12 sẽ dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 lo lắng.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều ngành học được xem là “hot” hiện nay đang bị đóng băng. Làm thế nào giúp học sinh xác định được mục tiêu và đưa ra lộ trình học tập phù hợp?
Học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu ( quận Bình Thạnh) đặt câu hỏi tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp tổ chức giữa tháng 10-2020
Giải tỏa nỗi lo thất nghiệp
Mới đây, tại chương trình tư vấn hướng nghiệp với chủ đề “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với ĐH Quốc gia TPHCM, Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, em Mai Nguyễn Hồng Hạnh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh), băn khoăn về tỷ lệ cử nhân ra trường không tìm được việc làm ngày càng cao, dù đều tốt nghiệp các ngành “hot”. Trong bối cảnh Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến tỷ lệ lao động mất việc ngày càng cao, nỗi lo thất nghiệp càng lớn.
Giải tỏa băn khoăn này, ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM, bày tỏ, từ trước đến nay, thị trường lao động không quy định “ngành hot” mà chỉ có những “cá nhân hot” trong từng ngành nghề lao động. Vì vậy, dù có hay không ảnh hưởng của dịch bệnh thì nỗ lực tự thân vẫn là yếu tố quan trọng trong việc quyết định cá nhân có trụ lại với công việc.
Bên cạnh đó, theo ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế, học sinh không nên quan niệm “học ngành gì sau khi ra trường sẽ làm nghề đó”, thay vào đó cần hiểu cùng một chuyên ngành đào tạo có thể phát triển nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau.
Video đang HOT
Đơn cử, cùng tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn Anh, cử nhân ra trường có thể phụ trách nhiều công việc như giáo viên dạy ngoại ngữ, biên dịch sách, quan hệ quốc tế, thương mại văn phòng… Vì vậy, sau khi xác định ngành học, học sinh cần dựa vào đam mê, sở thích, năng lực bản thân rèn luyện thêm các kỹ năng nghề nghiệp cần có, mới đảm bảo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều học sinh bày tỏ lo ngại về sự “đóng băng” của hàng loạt ngành nghề kinh doanh dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, giai đoạn 2020-2030, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo sẽ chiếm khoảng 85% thị trường lao động. Trong đó, 2 nhóm ngành nổi bật vẫn là công nghệ – kỹ thuật (chiếm tỷ trọng 35%) và kinh tế – tài chính – ngân hàng – pháp luật – hành chính (chiếm khoảng 33%).
Trong đó, xu hướng chuyên môn hóa cao các ngành nghề lao động trong xã hội sẽ dẫn đến sự hình thành nhiều nhóm ngành mới như bảo mật mạng, an toàn thông tin, lập trình ứng dụng di động hoặc các ngành liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Tương tự, trong lĩnh vực kinh doanh – thương mại – tài chính, bên cạnh các ngành truyền thống như quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính – ngân hàng thì một số chuyên ngành non trẻ hơn như marketing, logistics (dịch vụ vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng), thương mại điện tử, tín dụng – bảo hiểm, luật kinh tế, luật quốc tế… đang đòi hỏi nguồn nhân lực ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Xác định mục tiêu nghề nghiệp phù hợp
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 là hoạt động tổ chức hàng năm ngay từ đầu năm học nhằm đem đến cho các em thông tin tổng quan về thị trường lao động, các loại hình đào tạo, đồng thời dự báo xu hướng nghề nghiệp trong tương lai; qua đó, giúp các em xác định mục tiêu và định hướng học tập phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện gia đình.
Ở góc độ khác, theo TS tâm lý Tô Nhi A, dù chọn ngành học ở loại hình đào tạo nào, yếu tố đầu tiên vẫn là học sinh phải biết “tự lượng sức mình”, hiểu được điểm mạnh, hạn chế của bản thân, tham khảo thêm các kênh thông tin từ ba mẹ, thầy cô, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, anh chị học sinh đi trước để đưa ra lựa chọn ngành học, bậc học và môi trường học tập phù hợp nhất với bản thân.
Một lưu ý khác, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, từ năm 2015 đến nay, Bộ GD-ĐT giữ ổn định phương thức dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, cao đẳng. Năm 2020, tỷ lệ học sinh đăng ký dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT xét tuyển ĐH trên cả nước chiếm hơn 50%, giảm nhẹ so với năm 2019 do các trường ĐH bổ sung thêm nhiều phương án xét tuyển như tuyển thẳng, xét tuyển từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ) hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực…
Ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, tỷ lệ học sinh đăng ký dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT xét tuyển ĐH cao hơn bình quân cả nước, có nơi lên đến hơn 70%. Trước thực tế đó, thí sinh cần tìm hiểu tất cả phương án xét tuyển của các trường ĐH để có lựa chọn phù hợp nhất.
ThS giáo dục học, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo đưa ra lời khuyên, học sinh không nên quá lo lắng vì luôn có những phương án thay thế trong lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người. Khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết gồm kỹ năng, kiến thức thì cơ hội nghề nghiệp ở nhiều vị trí khác nhau sẽ luôn rộng mở.
Hướng nghiệp cho học sinh tiểu học: Cần thiết và nên làm
Không chỉ tiểu học mà ngay bậc mẫu giáo cũng đã có những trường tư thục mạnh dạn thực hiện mô hình dạy tích hợp nghề nghiệp cho các bé.
Ảnh minh họa
Theo dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục của Bộ GD&ĐT đang được đăng mạng lấy ý kiến, lần đầu tiên học sinh tiểu học sẽ được giới thiệu về vấn đề việc làm trong trường học.
Liên quan đến việc sắp tới sẽ định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho hay: Giáo dục hướng nghiệp cần được tích hợp qua các bài học trên lớp và qua học tập trải nghiệm để học sinh nhận biết dần cuộc sống xã hội trong đó có hoạt động nghề nghiệp của con người.
Trong giờ học, giáo viên có thể hướng các em kể về nghề nghiệp của bố mẹ, những người xung quanh dần dần hướng trẻ biết tôn trọng sức lao động của bố mẹ dù làm nghề nào cũng đều được coi trọng trong xã hội.
Muốn làm được việc này, đòi hỏi giáo viên cũng phải có chút hiểu biết về một số nghề trong xã hội và có các ví dụ liên hệ thực tế sao cho đơn giản và dễ hiểu với trẻ đồng thời từ thực tế tác động ngược trở lại trẻ yêu thích các môn học khác.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta giáo dục hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học và không nên nghĩ đó là điều gì to tát. Không nên tách thành một môn học cho đến khi học sinh học hết THCS mà cần dạy lồng ghép tích hợp vào các môn học khác thì hiệu quả hướng nghiệp mới cao" - ông Vinh cho hay.
Theo ông Vinh, không chỉ tiểu học mà ngay bậc mẫu giáo cũng đã có những trường tư thục mạnh dạn thực hiện mô hình dạy tích hợp nghề nghiệp cho các bé. Đơn giản chỉ là tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thực tế như làm đầu bếp, làm bác sĩ khám bệnh... để học sinh tưởng tượng ra nghề nghiệp tương lai.
Hiện nay công tác giáo dục hướng nghiệp làm chưa chuẩn. Giáo viên chưa có kinh nghiệm thực tế về các ngành công nghiệp, dịch vụ, cơ sở trang bị vật chất không đủ, việc giáo dục hướng nghiệp không gắn với đào tạo kỹ năng nghề gắn với thị trường lao động. Điều đó dẫn đến động lực học tập thấp và đa số đều muốn học xong THPT để được vào ĐH.
Ông Vinh chia sẻ: Ngay cả nước Úc và châu Âu cũng đã thấy tác động không mong muốn của hướng nghiệp phân luồng sớm mà không gắn tiêu chuẩn kỹ năng của các ngành kinh tế. Vì thế ở giáo dục THPT không nên gọi là giáo dục hướng nghiệp nữa mà có chương trình đào tạo kỹ năng nghề để mở ra nhiều cơ hội cho học sinh hoặc vào cơ sở GDNN hoặc ra thị trường lao động hoặc tiếp tục học lên cao.
Với các nước châu Âu, gần đây do những lo ngại về sự phân tầng giai cấp, sự bất bình đẳng các cơ hội học tập giữa các nhóm học sinh khác nhau khi hướng nghiệp phân luồng sớm trước THCS. Ngoài ra, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi năng lực học vấn vững chắc để có thể phát triển các kỹ năng mới do cuộc cách mạng này mang lại.
"Do đó, tôi thấy từ tiểu học cho đến THCS rất cần giáo dục hướng nghiệp nhưng là tổ chức dạy tích hợp lồng ghép với các môn học khác. Còn sau THCS thì nên có các chương trình nghề dạy luôn các kỹ năng nghề tiêu chuẩn trường hợp các em có bỏ học giữa chừng cũng có thể có kỹ năng để kiếm việc làm hoặc tham gia học tập trong các cơ sở GDNN và học liên thông lên ĐH"- ông Hoàng Ngọc Vinh nói.
Hướng nghiệp cho học sinh tiểu học: 'Không nên nghĩ đó là điều gì to tát' Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, trong giờ học, giáo viên có thể hướng các em kể về nghề nghiệp của bố mẹ và những người xung quanh, dạy trẻ biết tôn trọng sức lao động của bố mẹ dù làm nghề nào cũng đều được coi trọng trong xã hội. Theo dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn...