“Hướng nghiệp Mùa xuân” giúp học sinh trải nghiệm kỹ năng chọn nghề
Chương trình “ Hướng nghiệp Mùa xuân” năm 2021 được xem là một cách giúp giới trẻ định hướng nghề nghiệp trước bước chuyển quan trọng của cuộc đời.
Các học sinh tham gia trải nghiệm về thiết kế website
Chương trình “Hướng nghiệp Mùa xuân – Career Starter: Spring Edition 2021″ của nhóm sinh viên đam mê giáo dục diễn ra vào 2 ngày chủ nhật (28/3 và 4/4) tại Hà Nội đã giúp nhiều bạn học sinh trung học phổ thông có thêm định hướng trong việc lựa chọn ngành nghề.
Chương trình tập trung vào việc hướng dẫn – thực hành xen kẽ, giúp học sinh tự định hướng như: Kỹ năng coaching (tự huấn luyện) để hiểu về khó khăn, mong muốn của mình.
Bên cạnh đó, các em cũng được cung cấp thông tin tổng quan về thị trường nghề nghiệp và thực hành xây dựng lộ trình phát triển với các mục tiêu, kế hoạch cụ thể. Quá trình thực hành, học sinh nhận được những chia sẻ, hướng dẫn hữu ích từ chuyên gia giàu kinh nghiệm hiện đang đảm nhiệm các vị trí quản trị trong doanh nghiệp; đồng thời các em được tham gia trực tiếp một số vị trí việc làm của các ngành nghề như: xây dựng kế hoạch kinh doanh, thiết kế website, tổ chức họp báo xử lý khủng hoảng…
Học sinh tham gia kỹ năng phản biện với trải nghiệm tổ chức họp báo của doanh nghiệp.
Tuy các kiến thức đều khá mới và mang tính chuyên ngành nhưng các em học sinh đánh giá đây là những trải nghiệm hữu ích. Trải nghiệm này không chỉ giúp các em xác định được lĩnh vực mình có năng khiếu mà còn giúp rèn luyện tư duy và các kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, lãnh đạo, phản biện…
Tổ chức định hướng và phát triển tiềm năng trẻ Youth Empowerment Organization Vietnam ( YEO Vietnam) được thành lập vào tháng 5/2019 bởi các bạn trẻ đam mê giáo dục tại Hà Nội.
Chương trình hướng nghiệp thông qua trải nghiệm thực tế (Hướng nghiệp Mùa xuân – Career Starter: Spring Edition 2021) tập trung vào việc giúp các em có cơ hội trải nghiệm các công việc, khám phá mong muốn, đặc điểm của bản thân để tự định hướng ngành nghề phù hợp.
Ngoài chương trình này, YEO Vietnam tổ chức cũng đã thực hiện nhiều dự án khác về hướng nghiệp và phát triển cộng đồng học sinh và sẽ tiếp tục phát triển dự án tại các tỉnh thành để giúp đỡ nhiều em học sinh hơn nữa.
Bài phát biểu truyền cảm hứng của tiến sĩ từng gánh muối thuê
Chương trình Tư vấn mùa thi 2021 của Báo Thanh Niên tổ chức tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận) ngày 28.3 có bài phát biểu truyền cảm hứng đặc biệt của tiến sĩ từng gánh muối thuê - Trần Lương Công Khanh.
Quế Hà
Vừa qua, trong chương trình Tư vấn mùa thi 2021 của Báo Thanh Niên tại TP.Phan Thiết, tiến sĩ Trần Lương Công Khanh, Trưởng phòng Giáo dục đại học, Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, đã có bài phát biểu truyền cảm hứng cho nhiều học sinh trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề.
Tiến sĩ Trần Lương Công Khanh phát biểu trong chương trình Tư vấn mùa thi 2021 của Báo Thanh Niên
Ít ai biết tiến sĩ Khanh có quãng đời khá đặc biệt. Năm 1979, trong kỳ thi tuyển vào lớp 10, mặc dù đạt điểm cao nhất trong hơn 800 thí sinh dự tuyển nhưng ông bị hội đồng thi ghi chú xét lại mà không rõ lý do. Rồi mẹ bệnh, cha vắng nhà, ông đi gánh muối thuê để nuôi gia đình. Ông gánh muối thuê vào ban ngày và tự học vào ban đêm dưới ánh đèn dầu. Không có sách, cậu học trò mượn của người học trước. Không có giấy, ông ghi chép trên mặt sau tập phiếu xuất kho cũ của người chị họ cho. Năm sau, ông thi lại vào lớp 10 và trúng tuyển.
Luôn khát khao học tập, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Trần Lương Công Khanh học đại học, bảo vệ luận văn thạc sĩ với số điểm tuyệt đối và nhận được học bổng của AUF (Tổ chức đại học Pháp ngữ) để làm nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Pháp. Tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, chủ tịch hội đồng tuyên bố nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tin xếp loại "xuất sắc cộng với lời khen của hội đồng", xếp loại cao nhất ở Pháp thời đó.
Sau khi bảo vệ luận án, ông nhận được nhiều lời mời làm việc, nhưng ông đều từ chối để quay về với xóm chài quê hương. Từ đó đến nay, ông giảng dạy, làm việc tại Bình Thuận, hết lòng chăm lo cho giáo dục của tỉnh nhà.
Hãy tìm câu trả lời mới cho vấn đề đã cũ!
Phát biểu tại chương trình Tư vấn mùa thi 2021, tiến sĩ Trần Lương Công Khanh chia sẻ: "Trung bình mỗi giây có 139 người lên hoặc xuống máy bay ở một nơi nào đó trên địa cầu. Theo một thống kê khác của Tổ chức Du lịch toàn cầu, số khách du lịch quốc tế trong năm 2019 là 1,5 tỉ. Nghĩa là mỗi giây có hơn 47 khách quốc tế nhập cảnh hoặc xuất cảnh một quốc gia, một vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, trong năm 2020, số hành khách đi máy bay trên thế giới giảm 60% do lệnh phong toả trên toàn thế giới. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, ngành hàng không, du lịch phải ngưng hoạt động, thậm chí phải tinh giản biên chế. Rõ ràng, dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng xã hội toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với học sinh lớp 12, điều này không những đặt ra những câu hỏi về chọn ngành, chọn nghề theo nhu cầu xã hội mà còn phải xem xét lựa chọn này trong bối cảnh năm học 2020 - 2021".
Tiến sĩ Trần Lương Công Khanh phát biểu trước đông đảo học sinh TP.Phan Thiết - CẮT TỪ CLIP
Chia sẻ với học sinh trong tỉnh, tiến sĩ Khanh kể rằng nhà vật lý học nổi tiếng Albert Einstein khi chấm vấn đáp môn vật lý của sinh viên ĐH Mỹ, ông thường nêu lại câu hỏi cũ, nhưng sẽ không chấm cao cho câu trả lời giống các năm trước. Lý do ông đưa ra là khoa học luôn phát triển không ngừng nên con người luôn phải đi tìm câu trả lời mới cho những câu hỏi tưởng chừng đã cũ. Tiến sĩ Khanh cho biết ông muốn đưa ý tưởng này đến tất cả học sinh lớp 12 với hy vọng các em luôn nghiêm túc đi tìm câu trả lời mới cho những vấn đề tưởng chừng rất cũ về chọn ngành, chọn nghề năm nào cũng đặt ra.
Một câu chuyện khác ông kể lại là về Lev Landau (1908 - 1968), một nhà vật lý của Liên Xô cũ và là chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 1962. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 13 tuổi với thành tích xuất sắc về toán và vật lý, Landau đã ghi danh vào học viện kinh tế theo yêu cầu của cha. Nhưng chỉ học kinh tế được 1 năm, ông quyết định nghỉ vì chán ngán và được cha cho phép học toán, vật lý tại một trường ĐH khác. Quyết định này sau đó được cộng đồng khoa học thế giới đánh giá là "làm đất nước Liên Xô mất đi một viên kế toán tồi nhưng cống hiến cho thế giới một nhà vật lý vĩ đại".
"Chúng tôi muốn gửi câu chuyện này đến với tất cả học sinh lớp 12 trong tỉnh tại chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên hôm nay với hy vọng các em sẽ hoàn thành tốt năm học 2020 - 2021 và kỳ thi tốt nghiệp THPT để có thể bay cao, bay xa hơn. Chúng tôi cũng muốn các em ghi nhớ thông điệp của câu chuyện là hãy chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của mình và nhu cầu xã hội để có thể cống hiến nhiều nhất cho cộng đồng", tiến sĩ Trần Lương Công Khanh nói.
Sân chơi thú vị cho học sinh với "Khi tôi 18" Ngày 15-3, Trường THPT Việt - Đức, Hà Nội, tổ chức chương trình "Khi tôi 18" hướng tới chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Một tiết mục tại "Khi tôi 18, Thời 2021" (Ảnh: Ban tổ chức). Với chủ đề "Thời," cuộc thi năm nay nhằm mục đích bồi dưỡng kiến thức,...