Hướng đến dạy học sinh biết phản biện, có chính kiến thay vì “chăm ngoan, học giỏi”
90% học bạ của học sinh giỏi câu đầu tiên là “chăm ngoan, học giỏi”. Trong khi đó, bây giờ mục tiêu của chúng ta là phải hướng đến dạy học sinh biết phản biện, có chính kiến.
Ngày 14-12, tại Hà Nội, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm “Áp lực của giáo viên, nguyên nhân và giải pháp”. Tọa đàm diễn ra sau hàng loạt vụ việc sai phạm của giáo viên vừa qua, vì thế nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây sẽ tiếp tục đi đến tận cơ sở để trực tiếp lắng nghe ý kiến của các giáo viên.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì tọa đàm
“70% giáo viên hiện nay được đào tạo theo cách cũ nên bảo thủ”
Tại tọa đàm, thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng, 70% giáo viên hiện nay được đào tạo theo cách cũ nên bảo thủ, khó thay đổi, đây là vấn đề nghiêm trọng, cần phải được ngành giáo dục quan tâm xử lý.
Theo thầy, lâu nay, học sinh được dạy là phải ngoan, nên khi học sinh hư là giáo viên bưc xúc, đánh học sinh, vì giáo viên nghĩ trách nhiệm của mình là đưa học sinh vào khuôn khổ. Khi bức xúc thì các thầy cô hành xử không giống ai. Đó là là điều các thầy cô phải thay đổi.
90% học bạ của học sinh giỏi câu đầu tiên là “chăm ngoan, học giỏi”. Trong khi đó, bây giờ mục tiêu của chúng ta là phải hướng đến dạy học sinh biết phản biện, có chính kiến.
Mặt khác, hiện nay dạy học vẫn chạy theo điểm số. Học sinh đi học về, nhiều cha mẹ hỏi con câu đầu tiên là mấy điểm, chạy theo thành tích như vậy nên giáo viên cũng bị áp lực.
Phụ huynh áp lực lên con, nhà trường áp lực lên giáo viên. Cả hệ thống chạy theo áp lực điểm số và kết quả học.
Cùng với đó, chúng ta chưa tạo được môi trường học đường thân thiện, trường chưa là chỗ dựa cho giáo viên, học sinh.
Mục tiêu nhà trường thân thiện phải được thực hiện, còn nhà trường mà lúc nào cũng áp lực, căng thẳng thì cả học sinh, phụ huynh, giáo viên đều bị áp lực.
Tập huấn giáo viên cũng phải thay đổi, để giáo viên tự sáng tạo. “Thầy cô giáo phải là nhà giáo dục, người truyền cảm hứng, đó là yêu cầu đối với trường sư phạm. Giải pháp quan trọng nhất là phải tạo cảm hứng để thầy cô sáng tạo, tự thay đổi, tự làm mới mình. Đào tạo cho giáo viên giá trị sống và kỹ năng sống”, thầy Nguyễn Văn Hòa nói.
Video đang HOT
Ông cũng cho rằng, phải làm rõ mục tiêu giáo dục phổ thông là dạy người, không phải chạy theo dạy kiến thức. Muốn thế phải đổi mới thi cử, đổi mới cách xếp loại học sinh theo kiểu gây áp lực hiện nay. Thay đổi cách đánh giá giáo viên, học sinh.
“Trường tôi quan tâm hơn đến chỉ số tiến bộ của học sinh, chỉ số hạnh phúc của học trò”, thầy Hòa cho biết.
Thầy Nguyễn Văn Hòa cũng đề nghị Bộ GD-ĐT phải đứng ra đào tạo hiệu trưởng, bởi hiệu trưởng là người chuyển biến giáo viên, phải là “thầy của giáo viên”.
“Đề nghị triển khai ngay mục tiêu của Nghị quyết 29 về dạy người, không cần đợi đến Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường cần bắt đầu ngay và thấm nhuần tinh thần Nghị quyết 29: giáo viên không phải là người dạy kiến thức sách giáo khoa cho học sinh, mà phải là người truyền cảm hứng cho học sinh, là một nhà giáo dục”, thầy Hòa cho hay.
Cô Phan Thị Hồ Điệp, Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những phân tích áp lực đối với giáo viên từ phụ huynh.
Cô cho rằng, phụ huynh đặt áp lực điểm số lên con, đặt kỳ vọng quá cao lên con, bỏ qua những sở thích của con, khiến học sinh đến trường học vì kỳ vọng của bố mẹ. Nhiều phụ huynh đang dạy con bằng nỗi sợ, độc đoán, uy quyền, khiến học sinh bị sợ hãi. Khi học sinh sợ hãi thì cũng sẽ áp dụng lên bạn bè như vậy. Phụ huynh “vẽ nên không gian u ám” về nhà trường đối với học sinh, khiến các em sợ hãi nhà trường, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học. Hoặc là phụ huynh quá ỷ lại nhà trường, trăm sự nhờ thầy cô, hoặc lại quá khắt khe với nhà trường. Ví dụ, phụ huynh đòi kiểm tra bếp ăn đột xuất, hoặc kiểm tra bài giảng đột xuất chẳng hạn, chẳng giáo viên nào thấy thoải mái trong trường hợp đó.
“Hãy để trường học là “thánh đường” của đứa trẻ. Có những việc rất nhỏ, ví dụ không nên để cô giáo phải trả lại tiền thừa cho học sinh, ảnh hưởng đến hình tượng cô giáo. Hay chuyện phụ huynh mặc đồ ngủ đến trường và nói những lời không hay với thầy cô, khiến các em tiếp nhận những hình ảnh tiêu cực về nghề giáo”, cô Điệp nêu.
Để hạn chế các vụ giáo viên ngược đãi học sinh, cô Phan Thị Hồ Điệp đề xuất trường học nên thành lập tổ tiếp nhận ý kiến phụ huynh mà không cần thông qua cô giáo, ban giám hiệu, thậm chí ban đại diện cha mẹ, để phụ huynh cảm thấy thoải mái hơn.
Nên có hoạt động hướng dẫn phụ huynh cách giao tiếp với con cái, thầy cô, bằng những cuốn sách nhỏ, nhẹ nhàng. Giảm sự nặng nề, hình thức của những cuộc họp phụ huynh hiện nay, hoặc có thể họp phụ huynh từng nhóm theo năng lực học sinh để không có sự so sánh học sinh nào.
“Hãy dạy trẻ con những điều tử tế nhỏ nhất, như biết mỉm cười, biết chia vui sẻ buồn với bạn, quan tâm đến bạn. Hy vọng với Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ được làm chủ quá trình học tập của mình, được thực hành nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Cha mẹ không nên chỉ chú trọng việc học hành mà hãy để các em cùng được lao động, trải nghiệm cùng gia đình”, cô nói.
Lương chưa phải là giải pháp căn cơ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng gần đây dư luận xã hội bàn nhiều, lo lắng về các thầy cô, Bộ trưởng cũng rất trăn trở.
“Đại đa số các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, nếu không yêu nghề không vượt qua được khó khăn. Lương giáo viên cũng là một vấn đề nhưng để theo được nghề và cao hơn là yêu được nghề thì lương chưa phải là giải pháp căn cơ. Muốn yêu nghề, muốn cống hiến phải ổn định công việc, thu nhập ổn định, đây là nhu cầu chính đáng. Vị thế của các thầy cô rất lớn, đây là nghề cao quý, nhưng cũng vì thế mà đôi khi tạo ra áp lực. Do đó, chúng ta phải chủ động để tìm ra nguyên nhân và giải pháp”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với các giáo viên
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, áp lực của giáo viên cần nhìn từ rất nhiều thành tố, trước hết từ chính thầy cô và môi trường các thầy cô đang hoạt động. Môi trường rất quan trọng, từ cơ chế chính sách, thu nhập, phụ cấp… Rồi đến môi trường xã hội, gia đình, thậm chí là học sinh.
Thực tế hiện nay là mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên tạo điều kiện hết mức cho con. Bên cạnh đó có những gia đình chiều con quá mức. “Tuy nhiên, dù giáo viên chịu áp lực nhưng không thể vin vào áp lực để đi ngược lại chuẩn mực đạo đức. Đó là điều ngành giáo dục không chấp nhận và trừng phạt nghiêm. Chúng ta cũng không thể vì những trường hợp cá biệt đó mà khái quát chung lên toàn đội ngũ làm cho các thầy cô lo lắng. Ngành giáo dục phải làm cho các thầy cô yên tâm. Sai phải sửa, không sửa được đưa ra khỏi ngành. Còn những thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh: “Cần rà soát chính sách tuyển sinh vào các trường sư phạm có còn phù hợp không. Đào tạo sư phạm hiện nay, phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng phần dạy người, đặc biệt rèn giáo sinh phát huy phẩm chất nhà giáo, để khi ra trường với phẩm chất, kỹ năng ấy có thể tự ứng xử được nhiều vấn đề của nhà trường, từ đấy chủ động giảm áp lực thì cần phải được chú trọng hơn”.
Thực tế, thầy cô hiểu sâu sắc về khoa học giáo dục, tâm lý, có kỹ năng xử lý tình huống sẽ chủ động hơn, ít bị áp lực hơn. Ngược lại những thầy cô chưa được trang bị, thậm chí không phù hợp với nghề, hay thầy cô ở những cơ sở đào tạo ngắn, chỉ có chứng chỉ là ra làm giáo viên… thì chắc chắn bị áp lực nghề, từ đó có thể dẫn đến sai phạm.
Về phía Bộ GD-ĐT, ngành sẽ có nhiều hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, thực hiện các chuẩn, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong nhà trường. Rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ. Thậm chí thi giáo viên giỏi cũng phải thực chất.
“Làm sao để giáo viên không bận tâm bởi vấn đề cơm áo gạo tiền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là phải lo vấn đề lương cho nhà giáo. Bên cạnh đó những vấn đề đạo đức nhà giáo, yêu nghề mến trẻ. Nhưng điều đó cũng phải dựa trên việc giải quyết được việc học xong ra trường thì phải có việc làm, có lương để đủ sống. Trách nhiệm của Bộ là tham mưu để giải quyết các vấn đề này”, Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định.
PHAN THẢO
Theo sggp
Hỗ trợ học sinh tăng động giảm chú ý bằng những bài học được cấu trúc mạch lạc
Theo ThS. Nguyễn Thị Hoa - Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường đại học sư phạm Hà Nội, học sinh tăng động giảm chú ý học tốt nhất với những bài học được cấu trúc, đó là việc nói cho học sinh biết các em sẽ học gì trong bài học hôm nay và kết nối kiến thức và kĩ năng của bài học với bài học hôm trước. Các hỗ trợ bao gồm:
Ảnh có tính chất minh họa/internet
Thứ nhất, cung cấp cấu trúc bài học, con người, thời gian, không gian.Cung cấp cho học sinh tăng động, giảm chú ý (TĐGCY) kế hoạch học tập của ngày bằng cách chỉ ra nhanh gọn trình tự các hoạt động.
Ví dụ, giảng giải một chút về những gì sẽ học tiếp sau bài học trước và những mong đợi của giáo viên dành cho học sinh trong bài học hôm nay, với cả hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm.
Học sinh TĐGCY cũng nên được biết các em sẽ học cùng ai, ai sẽ hỗ trợ các em. Ví dụ học toán với cô Thu và bạn Linh sẽ hỗ trợ.
Ngoài ra cần chỉ cho học sinh biết thời gian thực hiện mỗi hoạt động. Giáo viên cũng cần chỉ ra cho học sinh biết nơi các em sẽ tham gia hoạt động. Ví dụ: học toán và tiếng việt sẽ ở trong lớp, học thể dục ở sân trường và học nhạc ở phòng âm nhạc...
Nếu có thể cấu trúc này nên được trực quan hóa. Ví dụ kế hoạch được trực quan hóa:
Thứ hai, kiểm tra bài cũ. Kiểm tra các thông tin trong bài học trước, bao gồm kiểm tra một số vấn đề để gợi nhắc học sinh TĐGCY trước khi giới thiệu bài học mới. Ví dụ, bài học trước các con đã học về vần "an", vần "an" gồm những âm nào ghép lại? Tìm cho cô các từ chứa vần "an"...
Thứ ba, thiết lập những mong đợi về học tập. Chỉ ra những điều học sinh TĐGCY cần phải học trong bài học này. Ví dụ, hôm nay các con sẽ học bài đọc "Dòng giống tiên rồng" và tìm trong bài các từ có chứa vần "ong" và vần "ông".
Thứ tư, thiết lập những mong đợi về hành vi. Mô tả những mong đợi về cách cư xử của học sinh TĐGCY trong suốt bài học. Ví dụ, nói với học sinh rằng các em có thể nói nhỏ với bạn bên cạnh khi các bạn đang làm việc hoặc các em có thể giơ tay để thu hút sự chú ý.
Thứ năm, chuẩn bị những đồ dùng cần thiết. Xác định những đồ dùng học tập học sinh TĐGCY cần trong suốt bài học hơn là việc để cho học sinh tự mường tượng về những đồ dùng cần thiết. Ví dụ, xác định những thứ các em cần cho tiết học thủ công như: kéo, keo, giấy màu, bút sáp, bút chì.
Thứ sáu, nói về những hỗ trợ bổ sung. Nói về học sinh TĐGCY cách làm để có được sự trợ giúp để nắm được bài học. Ví dụ: Khi thấy bài khó có thể giơ tay hoặc giơ thẻ xin trợ giúp để có được sự trợ giúp của giáo viên. Hoặc dùng bảng cửu chương để hỗ trợ làm bài tập toán...
Thứ 7, đơn giản hóa những hướng dẫn. Đơn giản hóa cách hướng dẫn dành cho học sinh TĐGCY sẽ giúp các em hiểu và hoàn thành bài tập đúng giờ và hiệu quả hơn. Đó là việc dùng lời nói ngắn gọn, tập trung vào từ khóa hoặc dùng hình ảnh hỗ trợ trong quá trình hướng dẫn học sinh TĐGCY.
Bài viết được biên tập, lược dẫn từ tham luận "Hỗ trợ học sinh tăng động giảm chú ý trong tiết học tại lớp tiểu học hòa nhập" của Ths Nguyễn Thị Hoa tại hội thảo quốc tế "Phát triển hệ thống dịch vụ hòa nhập người khuyết tật: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam".
Minh Phong (ghi)
Theo giaoducthoidai
Học trò chưa kịp hồi sức lại... thi Học trò ở TPHCM đang miệt mài cho đợt thi học kỳ 1 với các môn dồn dập. Sau kỳ thi này, các em sẽ bắt đầu học kỳ 2 và sau Tết lại chuẩn bị... thi giữa học kỳ. Căng thẳng thi học kỳ, lo sợ điểm thấp Chị Nguyễn Thị Thúy, có con học tại một trường THCS điểm ở quận...