Hướng dẫn chi tiết về phương pháp điều trị tăng huyết áp nhẹ
Điều trị tăng huyết áp nhẹ sớm bằng đúng phương pháp, giúp làm chậm tiến triển và phòng tránh các nguy cơ biến chứng do bệnh gây nên.
Vì thế, ngay khi được chẩn đoán tăng huyết áp nhẹ thì người bệnh cần phải tiến hành thực hiện nghiêm túc các biện pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tăng huyết áp nhẹ hay còn gọi là tăng huyết áp độ 1, được xác định khi bệnh nhân có chỉ số huyết áp nằm trong khoảng 140-159/90-99mmHg. Mặc dù là mức độ nhẹ nhất trong các phân độ tăng huyết áp, tuy nhiên điều này không có nghĩa là ta có thể chủ quan trong vấn đề điều trị tăng huyết áp nhẹ.
Ngược lại, điều trị tăng huyết áp nhẹ cần được chú trọng và tiến hành sớm bằng các phương pháp thích hợp nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng của tăng huyết áp gây ra cho cơ thể.
1. Mục đích điều trị tăng huyết áp nhẹ là gì?
Đầu tiên, khi nói đến vấn đề điều trị tăng huyết áp nhẹ thì hai mục đích chính của quá trình này được đề cập đến chủ yếu bao gồm:
- Ngăn chặn sự tiến triển của tăng huyết áp: Kiểm soát tốt huyết áp của bệnh nhân là mục đích đầu tiên trong điều trị tăng huyết áp nhẹ. Các phương pháp áp dụng kiểm soát huyết áp ở giai đoạn này dễ dàng và có hiệu quả hơn nhiều so với khi áp dụng ở những giai đoạn muộn hơn của tăng huyết áp. Điều này làm chậm lại quá trình diễn tiến tự nhiên của tăng huyết áp tốt hơn.
- Phòng ngừa các biến chứng tăng huyết áp: Can thiệp và điều trị tăng huyết áp khi nó ở mức độ nhẹ làm giảm tối đa sự ảnh hưởng của tăng huyết áp lên các cơ quan trong cơ thể. Chính vì vậy, thực hiện điều trị tăng huyết áp nhẹ có thể giúp làm giảm hiệu quả nguy cơ mắc các biến chứng do tăng huyết áp gây nên.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về Các biến chứng thường gặp của bệnh cao huyết áp.
Điều trị tăng huyết áp nhẹ đúng cách giúp làm chậm tiến triển của bệnh và phòng tránh biến chứng (Ảnh: Internet)
2. Chiến lược điều trị tăng huyết áp nhẹ
Do các đặc điểm về khả năng hạ huyết áp cũng như nguy cơ biến chứng,… mà bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ có thể được điều trị với một chiến lược khác với các mức độ tăng huyết áp khác.
Khi bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc tăng huyết áp nhẹ, vấn đề điều trị sẽ được đặt ra dựa trên yếu tố nguy cơ tim mạch và các tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp của bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch cao, rất cao hoặc có các tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp thì các loại thuốc hạ huyết áp sẽ được chỉ định ngay lập tức cùng với đó là hướng dẫn áp dụng tích cực các biện pháp thay đổi lối sống. Cụ thể về Phương pháp điều trị cao huyết áp không dùng thuốc mà bạn có thể tham khảo.
Còn trong trường hợp bệnh nhân chỉ chỉ có yếu tố tim mạch thấp hoặc trung bình thì người bệnh sẽ được ưu tiên thay đổi lối sống để kiểm soát huyết áp, sau 3-6 tháng mà không thể kiểm soát huyết áp thông qua các thay đổi lối sống trên thì mới tiến hành sử dụng thuốc hạ huyết áp.
3. Các phương pháp điều trị cụ thể tăng huyết áp nhẹ
Video đang HOT
3.1. Điều trị tăng huyết áp nhẹ không sử dụng thuốc
Các phương pháp điều trị tăng huyết áp nhẹ không sử dụng thuốc (hay các phương pháp thay đổi lối sống) là nội dung bắt buộc trong điều trị. Các phương pháp này nếu được áp dụng đúng cách và tích cực có thể giúp hạ huyết áp đến hơn 10mmHg, tương đương với hiệu quả của việc sử dụng một loại thuốc hạ huyết áp.Trong khi đó chúng lại an toàn hơn cho người bệnh, ít nguy cơ tác dụng phụ và hiệu quả hạ huyết áp bền vững hơn.
Các nội dung thay đổi lối sống chủ yếu mà bệnh nhân cần tuân thủ khi điều trị tăng huyết áp nhẹ bao gồm:
- Chế độ ăn: Bệnh nhân được khuyến khích ăn nhạt dưới 6g muối/ngày, hạn chế sử dụng các loại chất béo bão hòa,… Thay vào đó, nên sử dụng thêm các loại thực phẩm giàu chất xơ, bổ sung Vitamin và các loại khoáng chất như Kali, Magie, Canxi trong bữa ăn hàng ngày.
Mối quan hệ giữa muối và bệnh cao huyết áp, các bệnh tim mạch luôn có sự ràng buộc.
- Tăng cường vận động: Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần giúp cải thiện đáng kể chỉ số huyết áp của bệnh nhân.
- Từ bỏ các thói quen có hại: Khi điều trị tăng huyết áp nhẹ, người bệnh cần từ bỏ một số các thói quen có hại như bỏ dùng thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, Cafein,… Những thói quen này có thể làm gia tăng huyết áp hoặc làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị tăng huyết áp khác.
- Giảm cân: Tăng huyết áp và béo phì có mối liên hệ mật thiết, béo phì làm gia tăng các nguy cơ tim mạch do tăng huyết áp. Chính vì vậy, bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ cần kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý với chỉ số khối cơ thể dưới 23kg/m 2 hoặc vòng bụng dưới 90cm đối với nam và dưới 80cm đối với nữ.
- Tránh lo âu căng thẳng: Yếu tố tâm lý ảnh hưởng nhiều đến chỉ số huyết áp, vì thế cần tránh lo âu, căng thẳng hoặc áp lực quá mức do công việc,… trong quá trình điều trị tăng huyết áp nhẹ.
Thay đổi lối sống tích cực hơn là nội dung bắt buộc trong điều trị tăng huyết áp nhẹ (Ảnh: Internet)
3.2. Điều trị tăng huyết áp nhẹ bằng thuốc
3.2.1. Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp nhẹ
- Thuốc ức chế men chuyển: Thuốc ức chế men chuyển là thuốc thường được dùng đầu tay cho các bệnh nhân bị tăng huyết áp nhẹ dưới 60 tuổi. Thuốc tác động vào cơ chế tác động lên quá trình hoạt hóa hệ Renin-Angiotensin-Aldosterol do làm mất tác dụng của Angiotensin Converting Enzym. Những đại diện thường hay sử dụng có thể kể đến như Captopril, Enalapril, Peridopril,…
- Thuốc ức chế thụ thể: Nhóm thuốc này cũng hạ huyết áp dựa trên sự tác động vào hệ Renin-Angiotensin-Aldosteron, nhưng lại do cơ chế ức chế thụ thể nhận cảm Angiotensin trên thành mạch. Thuốc có hiệu quả hạ áp tốt và lại có thể giảm được nhiều tác dụng phụ so với khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển nên cũng thường hay được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp nhẹ. Các thuốc ức chế men chuyển thường sử dụng hiện nay bao gồm Losartan, Telmisartan,…
- Thuốc chẹn kênh Canxi: Nhờ tác dụng ức chế sự hoạt động của kênh vận chuyển Canxi trên thành mạch và tim, do đó nó làm giãn mạch và giảm sức co bóp cơ tim nên làm hạ huyết áp. Những thuốc điều trị tăng huyết áp nhẹ nhóm chẹn kênh Canxi hay dùng gồm Nifedipin, Nicardipin, Amlodipin,…
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị tăng huyết áp. Nó giúp làm giảm áp lực trong lòng mạch nhờ vào giảm thể tích tuần hoàn do sự tác động lên quá trình tái hấp thu dịch lọc cầu thận. Trong đó, lợi tiểu Thiazid là loại lợi tiểu rất thường được dùng để điều trị tăng huyết áp nhẹ.
- Thuốc chẹn Beta giao cảm: Thuốc tác động vào thụ thể Beta giao cảm ở tim và thành mạch làm chậm nhịp tim, giảm co bóp cơ tim và giảm co thành mạch,… từ đó giúp hạ huyết áp. Tuy nhiên thuốc chỉ thường được sử dụng cho các trường hợp có chỉ định cụ thể như suy tim,…
Ngoài ra, một số nhóm thuốc khác cũng có thể được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp như thuốc đối kháng Aldosterol, thuốc hạ huyết áp tác động lên hệ thần kinh trung ương Methyldopa, thuốc giãn mạch trực tiếp Hydralazin,…
Nhiều nhóm thuốc khác nhau có thể được sử dụng để điều trị tăng huyết áp nhẹ (Ảnh: Internet)
3.2.2. Khởi đầu sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp nhẹ như thế nào?
Đối với bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ, khi khởi đầu điều trị bằng thuốc thì thường chỉ cần sử dụng một loại thuốc duy nhất.
Đối với các bệnh nhân trên 60 tuổi thì ưu tiên sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp nhẹ nhóm chẹn kênh Canxi, thuốc lợi tiểu nhóm Thiazid hoặc giống Thiazid. Trong khi đó thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể nên được ưu tiên nhiều hơn khi điều trị tăng huyết áp nhẹ cho các bệnh nhân dưới 60 tuổi.
Còn đối với các bệnh nhân tăng huyết áp do cường giao cảm, suy tim, có thai hoặc đang có ý định có thai,… thì nên sử dụng thuốc chẹn Beta giao cảm để điều trị.
Các thuốc được lựa chọn cần phải có thời gian tác dụng kéo dài để làm giảm số lần dùng thuốc trong ngày cho người bệnh.
Qua đây có thể thấy rằng, điều trị tăng huyết áp nhẹ sớm và đúng cách là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa sự tiến triển và dự phòng các biến chứng của bệnh. Do đó, khi mắc tăng huyết áp nhẹ, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về phương pháp điều trị đúng đắn, hiệu quả nhất.
Nhận biết tác dụng phụ một số nhóm thuốc hạ huyết áp thường dùng
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị tăng huyết áp được dùng rất phổ biến. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc hạ huyết áp thì ngoài những ưu điểm như hạ áp nhanh, hiệu quả,... người bệnh cũng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tác dụng phụ khác nhau.
Trong các phương pháp điều trị tăng huyết áp, sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp là phương pháp cơ bản và thường được sử dụng hàng đầu. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm như hạ huyết áp nhanh, hiệu quả và tiện lợi khi sử dụng thì người bệnh cũng phải đối mặt với một nhược điểm rất lớn khi sử dụng thuốc hạ huyết áp chính là các tác dụng phụ do thuốc gây nên.
1. Tác dụng phụ của một số nhóm thuốc hạ huyết áp thường dùng
Như đã nói, các loại thuốc hạ huyết áp có thể gây nên một số tác dụng phụ ở người bệnh. Những tác dụng phụ này có thể thay đổi mức chỉ gây ảnh hưởng nhẹ đến bệnh nhân cho đến mức nặng nề cần phải giảm liều, ngưng thuốc và thay đổi thuốc điều trị.
Một số tác dụng phụ của các nhóm thuốc hạ huyết áp thường dùng hiện nay:
- Thuốc lợi tiểu : Thuốc lợi tiểu là loại thuốc hạ huyết áp thường được sử dụng trên lâm sàng. Nhờ khả năng tác động lên quá trình tái hấp thu ở cầu thận nên nó giúp làm giảm khối lượng tuần hoàn, tăng đào thải muối,... vì thế làm có thể giúp làm giảm huyết áp.
Chính bởi tác động lên quá trình tái hấp thu ở thận, do đó những tác dụng phụ liên quan đến sử dụng thuốc lợi tiểu để hạ huyết áp chủ yếu bao gồm tác dụng lợi tiểu quá mức gây mất nước (khát nước, khô miệng, táo bón,...), tình trạng mất kali, hoặc mất các chất điện giải khác như calci,...
- Thuốc chẹn kênh calci : Thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn kênh calci gây giãn mạch và giảm sức co bóp cơ tim nhờ vào khả năng ức chế hoạt động của kênh calci ở màng tế bào cơ trơn thành mạch và tế bào cơ tim.
Khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác nhau kể đến như cơn nóng bừng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,... Hoặc đôi khi các tác dụng phụ có thể nặng nề hơn như nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền, suy tim sung huyết,... tuy nhiên các tác dụng nặng nề này thường khá hiếm gặp.
- Thuốc ức chế men chuyển: Thuốc ức chế men chuyển là thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của converting enzym, nên ngăn không cho angiotensin 1 chuyển thành angiotensin 2-một chất có tác dụng co mạch gây tăng huyết áp rất mạnh. Ho khan, phát ban, hoa mắt, chóng mặt, thay đổi vị giác, phù mạch, tăng kali máu,... là những tác dụng phụ điển hình khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển.
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II : Thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế thụ thể angiotensin II tác động trực tiếp vào các thụ thể angiotensin II trên màng tế bào, làm tế bào không đáp ứng với angiotensin II nên chất này không thể gây co mạch làm tăng huyết áp.
Tuy nhiên, điểm nổi bật của thuốc ức chế thụ thể angiotensin II so với sử dụng thuốc ức chế men chuyển là nó ít gây tác dụng phụ hơn trên bệnh nhân. Những tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc ức chế thụ thể angiotensin II bao gồm chóng mặt, phù mạch, tăng kali máu, hạ huyết áp có triệu chứng,...
- Thuốc chẹn beta giao cảm: Ngày nay, các thuốc chẹn beta giao cảm đã ít được sử dụng hơn trong điều trị tăng huyết áp như một lựa chọn đầu tay, nó chỉ thường được dùng trong các trường hợp bệnh nhân có chỉ định cụ thể như suy tim,...
Các tác dụng phụ mà thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn beta giao cảm có thể gây nên kể đến gồm gây chậm nhịp tim, hạ huyết áp có triệu chứng, khiến mặt đỏ bừng, phù mắt cá chân, rối loạn tiêu hóa,...
Ngoài ra, nếu sử dụng các nhóm thuốc hạ huyết áp khác thì bệnh nhân cũng có thể gặp các tác dụng phụ như tăng kali máu, rối loạn chức năng thận, vú to ở nam giới khi sử dụng thuốc đối kháng aldosterol hay nhịp tim chậm, tổn thương gan, phát ban, khó thở, dễ xuất huyết khi sử dụng methydopa,...
Bệnh nhân phải đối mặt với các nguy cơ tác dụng phụ khi sử dụng thuốc hạ huyết áp (Ảnh: Internet)
2. Làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ của thuốc hạ huyết áp?
Chính bởi việc sử dụng các thuốc hạ huyết áp có thể gây nên nhiều tác dụng phụ trong quá trình điều trị, việc phòng tránh các tác dụng phụ của thuốc là điều vô cùng quan trọng. Vậy làm thế nào để hạn chế các tác dụng phụ do thuốc hạ huyết áp gây nên?
- Khai báo đầy đủ, chính xác tiền sử y tế của bản thân: Trước khi bác sĩ kê đơn thuốc hạ huyết áp, bệnh nhân cần khai báo một cách trung thực và đầy đủ các tiền sử y tế của bản thân liên quan đến vấn đề sử dụng thuốc như tình trạng dị ứng, hay các bệnh lý gan, thận, trạng thái sức khỏe đặc biệt như mang thai, hoặc các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng hiện nay,...
Những thông tin này giúp bác sĩ lựa chọn được loại thuốc phù hợp nhất để tối ưu hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng phụ.
- Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ: Vấn đề sử dụng thuốc hạ huyết áp rất phức tạp. Chỉ định sử dụng thuốc cần được đưa ra dựa trên mức độ tăng huyết áp, tiền sử y tế của bệnh nhân, các bệnh lý mắc kèm, khả năng kinh tế,...
Do đó, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hạ huyết áp khi chưa có chỉ định từ bác sĩ, điều này có thể gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
- Dùng thuốc đúng cách: Khi sử dụng thuốc hạ huyết áp, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn sử dụng thuốc bao gồm đúng loại thuốc, đúng liều thuốc và đúng thời gian sử dụng thuốc.
- Theo dõi và phát hiện sớm các tác dụng phụ nếu có: Sau khi sử dụng thuốc hạ huyết áp, người bệnh cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe bản thân. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra sau khi sử dụng thuốc thì hãy thông báo với bác sĩ để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Các dấu hiệu tác dụng phụ khi sử dụng thuốc hạ huyết áp cần phải được thông báo ngay với bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp (Ảnh: Internet)
Qua đây có thể thấy rằng, vấn đề tác dụng phụ của thuốc hạ huyết áp là vấn đề rất quan trọng và cần được quan tâm hàng đầu khi sử dụng thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Do đó, người bệnh cần phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình thăm khám, điều trị để luôn đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp.
Tìm hiểu vai trò thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp Trong các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc ức chế men chuyển rất thường được sử dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp như thế nào cho đúng, hiệu quả và an toàn thì lại là điều mà rất nhiều bệnh nhân còn chưa có cái nhìn thật sự đầy đủ và...