Hùng “xe lắc” quyết không bỏ học
Đi học từ 4h30 sáng bằng xe lắc, mất khoảng 2 tiếng đồng hồ là Cao Văn Hùng đến lớp. Cứ như thế, cậu học sinh tật nguyền người dân tộc Raglai không quản khó khăn, mỗi ngày vượt gần 20 km từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà để theo đuổi việc học.
Hiện nay Cao Văn Hùng là học sinh lớp 11C, Trường THPT Khánh Sơn (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa).
Cao Văn Hùng cùng các bạn đang trên đường tới trường. Mỗi ngày cả đi lẫn về, Hùng phải đi gần 20km bằng xe lắc.
Ku Lak… xa lắc
Trên con đường còn nhiều đoạn lồi lõm, bong tróc do đợt mưa lũ đầu tháng 11 để lại, chúng tôi gặp một tốp học sinh người dân tộc Raglai đang hì hục dắc xe vượt qua con dốc cao đến trường. Lẫn trong số đó, có một chàng trai nước da đen sạm, thở hổn hển sau những lần gồng mình lấy sức để đẩy chiếc xe lắc tiến về phía trước.
Hôm nay là một ngày vui của Cao Văn Hùng, khi em đang trên xe lắc đến trường, chuẩn bị vượt dốc thì gặp nhóm bạn cùng lớp đang đạp xe đến lớp. Nhóm bạn đã đẩy xe lắc giúp Hùng vượt dốc nhanh hơn, sau đó đạp xe chầm chậm bên cạnh người bạn khuyết tật cùng tới lớp. Đoạn đường đến trường chỉ còn cách khoảng…5 km nữa.
Sau khi Hùng vượt qua một con dốc cao của huyện miền núi Khánh Sơn, mồ hôi nhễ nhại khắp khuôn mặt đen sạm của cậu, kết lại thành từng dòng chảy xuống cổ, ngực. Để theo đuổi việc học, ngày nào Hùng cũng phải gồng sức vượt dốc như thế.
Dù có sự giúp sức của bạn, nhưng Hùng cũng phải bở hơi tai mỗi khi leo dốc.
Hùng tâm sự: “Nhà em xa mà. Khi học tiểu học thì em đi xe lăn, mà trường gần nhà hơn. Lên cấp 2, 3 phải đi học ở ngoài thị trấn (Tô Hạp), em đi bằng xe lắc. Đường từ nhà đến trường xa quá, một số bạn có nói để đến nhà chở em đi học, nhưng sao mà chở được hả anh? Em gắng gượng nhấc mình lên xe đã khó, lại ngồi xe không vững, tội cho các bạn lắm”.
Nhà Hùng ở thôn Ku Lak (Sơn Bình, Khánh Sơn, Khánh Hòa). Em nói quãng đường từ nhà đến trường gần 10km nên mỗi ngày em phải dậy từ 4 giờ sáng, lụi hụi sinh hoạt cá nhân xong, có ngày lục cơm nguội ăn, có ngày thì không ăn sáng, rồi “lê người” ra xe lắc đến trường.
Hùng vui vẻ cho biết: “Em đi học từ 4 giờ 30 sáng. Khoảng 2 tiếng đồng hồ là đến lớp. Vì nhà xa trường nên ai hỏi nhà em ở đâu, em hay nói đùa là em ở thôn “xa lắc”. Nhưng xa thì kệ xa, xa thì dậy sớm hơn, vừa đi học vừa tập thể dục, đi xe lắc cũng khỏe lắm đấy anh ạ”.
Video đang HOT
Chiếc xe lăn gắn bó với Hùng suốt hồi học tiểu học, giờ trở thành một vật kỷ niệm của cậu. Hồi học tiểu học, vì nhà gần nên Hùng đi xe lăn. Khi lên cấp 2, cậu chuyển sang đi xe lắc.
“Em sẽ kiên trì, nỗ lực hết sức, dù ước mơ không thành”
Cuối buổi học, chúng tôi hẹn Hùng để về thăm nhà em. Ban đầu chàng trai có vẻ mặc cảm “nhà em xa lắm, mà cũng như những nhà nghèo khác ở đây thôi”, nhưng sau những lời thuyết phục thì em cũng đồng ý.
Suốt quãng đường dài, chàng trai vững vàng cầm “vô – lăng” xe lắc vượt qua những đoạn đường dốc, rồi xe lao đi “lực khực” qua những thanh gỗ cầu treo. Ánh mắt em chăm chăm nhìn phía trước. Nhiều đoạn, từ đỉnh dốc lao xuống, qua những chỗ ngoặt, Hùng khiến chúng tôi “hết hồn”, vì em cứ thế thả cho xe chạy “hết tốc độ”. Khi hỏi thì em nói là “em quen rồi!”.
Hùng trên đường về nhà sau buổi học. Dù tới trường khó khăn là thế, cậu học sinh nghèo vẫn quyết tâm không bỏ cuộc.
Gần 1 giờ chiều, chúng tôi mới về đến nhà Hùng. Ngôi nhà tềnh toàng, hầu như không có gì đáng giá. Một chiếc giường được kê ở gần cửa vào để đón ánh sáng. Đó là chỗ ngủ, cũng là chỗ học bài hàng ngày của chàng trai người Raglai.
Hùng kể về mình: “Em sinh ra cũng như các bạn khác, nhưng đến tuổi tập đi, em chập chững, chỉ bước được vài bước rồi ngã. Sau đó thì chân cứ thế teo lại, rồi không đi được nữa, cho đến tận bây giờ”.
Ba Hùng mất năm 1997. Mẹ em là bà Cao Thị Danh cũng đã yếu, hàng ngày vẫn đi làm thuê trên rẫy cho người trong xã để kiếm tiền mua thức ăn. Em thì không thể giúp mẹ được gì. Buổi trưa đi học về đến nhà, lục lọi gạo nấu cơm ăn một mình cho qua bữa, vì mẹ đến tối mới làm về.
“Nhiều hôm đi học, những ngày trời nắng gắt hay mưa lớn, về đến nhà là mệt mỏi rã rời nên em chỉ “bò” vào nhà, leo lên giường nằm lăn ra chứ không buồn ăn chi nữa”, Hùng nói.
Hùng cho biết, cũng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm điều kiện đi học xa xôi nên em cũng không thể đạt được kết quả học tập cao. Hầu hết kiến thức em học tại buổi học chính, về nhà tự học, chưa bao giờ đi học thêm được.
Giường ngủ, cũng là góc học tập của cậu học sinh nghèo tật nguyền.
Khi hỏi về ước mơ, Hùng nói: “Trước đây, em không hề nghĩ em sẽ ước mơ sau này làm gì. Vì em sợ không thành. Nhưng sau này, em thấy ai cũng có ước mơ và em cũng mong muốn sau này em trở thành bác sĩ, dù rất khó và có thể không thành nhưng em sẽ cố gắng, em kiên trì, nỗ lực hết sức mà không thành thì em cũng không buồn nữa”.
Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp Hùng, cho biết: “Trong quá trình học tập, Hùng chỉ là học sinh trung bình. Nhưng kết quả này không phải là tồi, khi em có hoàn cảnh khó khăn, lại tật nguyền như thế. Điều đáng trân trọng ở em là tinh thần vượt khó, sự nỗ lực. Phải đi học xa, nhưng hầu như em không nghỉ học ngày nào, bất kể nắng mưa…”.
Bài và ảnh: Nguyễn Thành Chung
Theo Dân Trí
Thăm lớp học Đỉnh Đèo
Điểm trường Đỉnh Đèo thuộc Trường Tiểu học Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn, Khánh Hòa), có hai lớp học và 37 học sinh. Tại đây, các em lớp 1, lớp 2 học vào buổi sáng. Buổi chiều là thời gian học của các em lớp 3, lớp 4.
Thầy Mấu Hồng Thái, giáo viên dạy lớp 2 chia sẻ: "Hầu hết học sinh là người dân tộc Raglai, các em chưa chú trọng việc học, chủ yếu đến lớp học được gì thì học, chứ về nhà chẳng mấy khi đụng đến sách vở. Nhiều em hôm nay học thuộc bài, mai lên lớp lại quên. Việc dạy và học còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thầy và trò điểm trường Đỉnh Đèo vẫn kiên trì bám trường, bám lớp".
Thầy giáo Bo Bo Xuân Vạn, giáo viên dạy lớp 1, cho biết: "Trước đây, tình trạng các em bỏ học diễn ra rất nhiều, nhưng những năm gần đây nhờ sự vận động của các thầy cô giáo nên hầu như không có học sinh bỏ học. Sau khi học xong lớp 4 tại đây, các em sẽ được chuyển về Trường tiểu học Dốc Trầu (điểm trường Dốc Trầu) để học tiếp lớp 5".
Chưa đến 7 giờ, ánh nắng đã chói chang, thầy Bo Bo Xuân Vạn phóng xe gần 10 cây số lên điểm trường Đỉnh Đèo, mở cửa lớp dạy chữ cho học trò.
Được sự vận động của các thầy cô giáo nên tình trạng bỏ học nơi đây đã giảm hẳn, mặc dù còn có những học sinh không có cặp, ôm sách vở trên tay đến trường.
Đi bộ qua đoạn đường xa, các em bỏ dép bên ngoài để khỏi "tha" đất vào lớp học...
...và chân trần ngồi học.
Các em học sinh lớp 1 tại điểm trường Đỉnh Đèo.
Phòng học bên cạnh là các em lớp 2. Lớp 3 và lớp 4 chia ra học vào buổi chiều.
Dù khó khăn, các em vẫn đến lớp đều đặn và chăm chú học bài.
Thầy Mấu Hồng Thái đang chỉ bảo cho một em học sinh lớp 2.
Đường về nhà của các em học sinh dân tộc Raglai sau buổi học tại điểm trường Đỉnh Đèo.
Nguyễn Thành Chung
Theo Dân trí
Những 9X vượt khó để tỏa sáng trong học tập Đều xuất thân từ những gia đình khó khăn, có em mồ côi, có em mang bệnh thiếu tiền chữa trị, có em thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Dù vậy, tinh thần ham học tập của các em vẫn cháy sáng không ngừng. "Em ước có cái bàn để ngồi học..." Phùng Thị Mỹ Trinh (dân tộc Nùng), học sinh...