Hun đúc tinh thần khởi nghiệp từ ghế nhà trường
Phong trào khởi nghiệp trong trường phổ thông được nhiều trường học ở tỉnh Đồng Tháp triển khai có hiệu quả. Từ đó, học sinh đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp và kết quả đạt được rất khả quan…
HS Trường THPT Lai Vung 1 (Đồng Tháp) tham gia “Diễn đàn khởi sự lập nghiêp và ngày hội tuổi trẻ sáng tạo”.
“Hút” thầy, trò
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, phong trào khởi nghiệp đang được các địa phương đẩy mạnh. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương có phong trào khởi nghiệp sôi nổi nhất. Khởi nghiệp không chỉ trong thanh niên, doanh nhân hay doanh nghiệp mà còn được các trường phổ thông hưởng ứng tích cực.
Nhiều trường THPT trong tỉnh Đồng Tháp đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp. Từ sân chơi này đã có nhiều học sinh tìm được con đường khởi nghiệp cho riêng mình khi còn trên ghế nhà trường.
Một trong những trường học có phong trào khởi nghiệp khá sôi nổi là Trường THPT Cao Lãnh 1 (huyện Cao Lãnh). Câu lạc bộ Học sinh khởi nghiệp của trường được thành lập vào tháng 10/2018 với 50 thành viên.
Sau 1 năm hoạt động, đến nay có 74 thành viên, trong đó có 5 giáo viên và 69 học sinh. Thầy trò nhà trường rất hào hứng với các hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ; tham quan thực tế; tổ chức các buổi nói chuyện cùng doanh nghiệp…
Từ khi ra đời đến nay, Câu lạc bộ có 7 sản phẩm dự thi khởi nghiệp do Tỉnh đoàn và Trung tâm khởi nghiệp tỉnh tổ chức; 10 bài dự thi Ý tưởng khởi nghiệp do Sở GD&ĐT tổ chức… Nhiều dự án từ Câu lạc bộ đạt giải và mang tính thực tiễn cao.
Điển hình như Dự án sản xuất mứt xoài của em Đoàn Thị Mỹ Tiên; Dự án sản xuất – kinh doanh sáo trúc của em Lê Trần Ân. Ngoài đạt giải Nhì chung kết cụm 2 tại Cuộc thi Ý tưởng và dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2018, dự án của em Lê Trần Ân còn được một doanh nhân chọn đầu tư.
Câu lạc bộ Học sinh khởi nghiệp là tổ chức xã hội của học sinh, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, trực thuộc Đoàn Trường THPT Cao Lãnh 1. Câu lạc bộ ra đời là sự gửi gắm niềm tin của nhà trường cho một thế hệ học sinh năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với tinh thần “Chăm chỉ – Tự lực – Hợp tác”.
Ban chủ nhiệm là các thành viên năng động, có tâm huyết với sự hình thành và phát triển của Câu lạc bộ. Theo lãnh đạo nhà trường, Câu lạc bộ Học sinh khởi nghiệp được thành lập với mục tiêu góp phần cung cấp kiến thức, hỗ trợ học sinh xây dựng, phát triển và kết nối các ý tưởng khởi nghiệp với cộng đồng doanh nghiệp.
Góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nhà trường có đạo đức, tri thức, bản lĩnh nghề nghiệp để phục vụ cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Video đang HOT
“Từ khi ra mắt cho đến nay, Câu lạc bộ có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như tổ chức tập huấn, tư vấn cho các em học sinh hình thành và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp. Thực hiện các đề án khởi nghiệp với các sản phẩm đặc trưng của vùng quê Cao Lãnh và kết quả đạt được rất khả quan”, thầy Nguyễn Tấn Đức – Phó hiệu trưởng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, cho biết.
Tại Trường THPT Lấp Vò 2 (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), Câu lạc bộ Khởi nghiệp của trường liên tục đạt thành tích cao tại các cuộc thi về khởi nghiệp. Học sinh của trường đạt giải nhì Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm học 2018 – 2019 do Sở GD&ĐT tổ chức với Dự án “Quầy nước ép trái cây đa năng”.
Câu lạc bộ đang hỗ trợ em Nguyễn Thị Mộng Kiều – học sinh lớp 12A2 phát triển đề tài nghiên cứu khoa học thành Dự án khởi nghiệp với tên gọi “Sản xuất nhang đuổi muỗi từ các loại thảo mộc thiên nhiên”.
Năm học 2019 – 2020, nhà trường phát động Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp trường. Đến nay Ban tổ chức đã nhận trên 200 bài dự thi của học sinh. Những ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc sẽ được khen thưởng, lựa chọn, góp ý hoàn thiện hơn để tham dự Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Theo ông Bùi Quý Khiêm – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT thực hiện tốt việc truyền thông khởi nghiệp.
Đặc biệt là sở đã chủ động nghiên cứu, tổ chức xây dựng chương trình, nội dung giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông có tính linh hoạt, phù hợp với hướng phát triển ngành nghề ở địa phương.
Các trường tích hợp giáo dục hướng nghiệp vào giảng dạy bộ môn có điều kiện thuận lợi (Công nghệ, Giáo dục công dân…); Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các trường đại học, cao đẳng, những nhóm hướng nghiệp của sinh viên… tổ chức tư vấn tuyển sinh, khởi nghiệp.
Mời doanh nhân thành đạt đến chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, kinh doanh cho học sinh; Đồng thời phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức tập huấn kiến thức khởi nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên của trường THPT và giáo dục thường xuyên…
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, năm học 2017 – 2018 và 2018 – 2019, Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp thu hút hơn 2.140 lượt học sinh tham gia. Qua đó, xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp tiêu biểu như: Hệ sinh thái tự dưỡng thu nhỏ; Xoài ép NK60; Dưa xoài Thanh Bình; Homsestay Nhà sen Tháp Mười; Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP;
Chuỗi nhà hàng ẩm thực khoai môn; Kinh doanh thức ăn nhanh, an toàn, chất lượng – cơm kẹp hamburger; Hệ sinh thái hữu cơ; Cửa hàng thịt heo sạch; Sản xuất và kinh doanh lúa hữu cơ; Tinh dầu hoa sen chiết xuất 100% từ sen…
Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” dành cho học sinh THPT đã thực sự trở thành sân chơi thu hút thầy, trò trong tỉnh Đồng Tháp. Các dự án có tiềm năng áp dụng trong thực tế đã được Sở GD&ĐT chuyển cho các cơ quan có liên quan nghiên cứu.
Hằng năm, Sở GD&ĐT Đồng Tháp thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên và các cơ quan liên quan tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” dành cho học sinh THPT. Cuộc thi này sẽ góp phần hình thành, nâng cao ý thức khởi nghiệp cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông; Tạo tiền đề cho các em dấn thân, lập nghiệp, có đóng góp nhất định cho xã hội khi vào đời.
Quốc Ngữ
Theo GDTĐ
Khởi nghiệp trong trường học: Hướng tới mục tiêu kép
Khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo đã trở thành một môn học chính khóa ở nhiều trường ĐH. Theo các chuyên gia, điều này hướng tới mục tiêu kép bởi cùng với tinh thần doanh nhân và những kỹ năng, kiến thức căn bản về khởi nghiệp, SV khi lập nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tốt hơn, và khi có cơ hội, họ sẽ khởi nghiệp, tạo ra việc làm cho chính mình và cho nhiều người khác.
SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đang thuyết minh ý tưởng sản phẩm với Ban giám khảo tại Triển lãm sản phẩm Công nghệ BKĐN Techshow 2019. Rất nhiều dự án tại Techshow trở thành dự án khởi nghiệp của SV trường này.
Để khởi nghiệp không chỉ là phong trào
Cùng với chủ trương đưa Khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo vào các trường ĐH, CĐ, các cuộc thi khởi nghiệp nối tiếp nhau ra đời, ngoài là một sân chơi cho SV, còn là cách để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong môi trường ĐH, CĐ. Thế nhưng, có một thực tế rất ít dự án trở thành một "startup" thực sự, được đưa ra thị trường và được người dùng thừa nhận.
Nhận xét về điều này, NGƯT Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Duy Tân cho rằng: "Nếu chỉ quan tâm đến những cuộc thi khởi nghiệp thì thực ra, chúng ta đang làm từ phần ngọn. Phải làm sao để Khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trở thành một môn học chính khóa trong trường ĐH, để mỗi SV sau khi tốt nghiệp ra trường đều có tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc chứ đừng mang tư tưởng đi làm thuê".
Ở một góc độ khác, theo PGS.TS Võ Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, "để khởi nghiệp trong SV không chỉ là phong trào, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải có chiến lược và hệ thống, có sự hỗ trợ về tài chính và hạ tầng của các tổ chức trong nhà trường.
"Khác với một số cuộc thi khác, các cuộc thi khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở ý tưởng kinh doanh mà đòi hỏi phải có sản phẩm cụ thể. Đồng ý cái gốc của khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo là phải dựa trên nền tảng kỹ thuật, công nghệ nhưng nếu không có sự tham gia của SV khối kinh tế, ngoại ngữ... sẽ rất khó trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, lập chiến lược kinh doanh, kế hoạch PR... Chính vì vậy, phải có sự liên kết giữa SV các trường để tạo nên những sản phẩm khởi nghiệp có giá trị lớn."
PGS.TS Phan Cao Thọ
Đây là một quá trình lâu dài, liên tục, đòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo dựng được một sinh thái khởi nghiệp tốt trong các cơ sở giáo dục ĐH". PGS.TS Võ Thúy Anh cho rằng, để hỗ trợ khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp có những nhiệm vụ chính như đào tạo giáo viên thành người truyền cảm hứng, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp cho SV; đào tạo trực tiếp cho SV khởi nghiệp thông qua cuộc thi khởi nghiệp.
Sau một thời gian khởi động, PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm, trong đào tạo khởi nghiệp cho SV, các trường ĐH, CĐ cần có sự liên kết, phối hợp trong tổ chức các hoạt động khởi nghiệp để có thể khai thác triệt để các thế mạnh của nhau.
Ngoài hỗ trợ kinh phí cho các dự án khởi nghiệp của SV từ nguồn quỹ NCKH dành cho SV, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cũng đã kết nối được với Quỹ đầu tư khởi nghiệp Vintech City và Dự án Vi2W với nhiều hoạt động hỗ trợ cho Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Không gian sáng chế.
Chia sẻ về khởi nghiệp. Ảnh: INT
Giảng viên không thể là "tay ngang"
Nhận xét về thực trạng giảng dạy khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo hiện nay, TS Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Giám đốc phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, "các chương trình hiện vẫn chủ yếu tập trung vào giai đoạn khởi nghiệp và bỏ qua giai đoạn tăng trưởng".
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng hầu hết các dự án khởi nghiệp của SV, dù đã được lựa chọn để ươm tạo nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là dừng hoạt động, hoặc tạo lập được doanh nghiệp và có sản phẩm ra thị trường nhưng rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng.
Với khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong SV thì có ý tưởng tốt, sản phẩm tốt thôi chưa đủ mà cần có bệ phóng tốt là nhà đầu tư. Như Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã ký hợp đồng với một số đề tài của SV để triển khai trong nội bộ của nhà trường.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch kết hợp với doanh nghiệp trong một dự án từ thiện để sản xuất Gậy thông minh dành cho người già với 5 chức năng phát hiện tình trạng té ngã, gọi điện cho người thân, gửi tin nhắn yêu cầu ứng cứu và tọa độ xảy ra té ngã, loa phát cảnh báo cho người xung quanh, các nút nhấn khẩn cấp - một dự án khởi nghiệp của SV nhà trường. Đây sẽ là bước đệm giúp SV đưa sản phẩm ra thị trường, chuyển từ dự án khởi nghiệp thành một startup.
Chính vì vậy, theo TS Nguyễn Thị Mỹ Hương "để triển khai giảng dạy các môn học liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công ở bậc ĐH và cao học, đòi hỏi người giảng viên phải có kinh nghiệm thực tiễn trong khởi nghiệp sáng tạo, có sự cọ xát thường xuyên với các dự án đổi mới sáng tạo cũng như cập nhật thường xuyên những thay đổi đang diễn ra trong hệ sinh thái địa phương cũng như cũng như trên phạm vi toàn cầu".
PGS.TS Võ Thúy Anh cũng lưu ý, có một thực tế là với khởi nghiệp, SV rất kỳ vọng sau này sẽ trở thành nhà lãnh đạo, dự án sẽ thu hút được vốn đầu tư, các em có suy nghĩ là con đường khởi nghiệp rất bằng phẳng nhưng trên thực tế rất khắc nghiệt và tỉ lệ thành công là rất nhỏ. "Chính vì vậy, ngoài cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp, thông qua các workshop, các chuyên gia khởi nghiệp cùng với doanh nhân sẽ giúp SV hình thành và điều chỉnh thái độ, đam mê đối với khởi nghiệp từ những va chạm của chính các em".
"Trong dài hạn, Trường ĐH Kinh tế hướng đến sẽ kết hợp với các nhà đầu tư để trở thành một Vườn ươm ươm tạo các dự án khởi nghiệp. Nhà trường đã kết nối với một quỹ đầu tư nước ngoài để nhận đầu tư những dự án khởi nghiệp có triển vọng của SV". - PGS.TS Võ Thúy Anh
Hà Nguyên
Theo GDTĐ
Tham gia game show khởi nghiệp, trẻ được gì? Kiddie Shark mùa đầu tiên đã thu hút sự quan tâm của các phụ huynh, học sinh. Nhiều người cho rằng đây là chương trình mới lạ, ươm mầm cho các tài năng nhí đam mê kinh doanh. Kiddie Shark là sân chơi thực tế đầu tiên về gọi vốn khởi nghiệp dành cho trẻ em từ 7 đến 14 tuổi. Sau 11...