Huawei ‘tan mộng bá vương’ vì lệnh cấm của Mỹ
Nỗ lực trở thành nhà sản xuất smartphone số một thế giới của Huawei nhanh chóng tiêu tan ngay vạch đích vì quyết định mạnh tay từ Mỹ.
Kế hoạch soán ngôi Samsung của Huawei suýt chút nữa thành công đúng dự kiến
Đầu năm 2016, Giám đốc mảng tiêu dùng của Huawei Richard Yu tuyên bố mục tiêu trở thành nhà sản xuất smartphone số một thế giới sau 5 năm. Sự tự tin này có được nhờ thành tích tiêu thụ 104,1 triệu smartphone toàn cầu trong năm 2015, đồng thời tiếp cận nhiều người tiêu dùng Mỹ nhờ mẫu Nexus 6P mà hãng sản xuất cho Google.
Tới tháng 11.2018, ông Yu một lần nữa khẳng định kế hoạch của Huawei để vượt qua Apple, Samsung. Lộ trình băng băng đó tưởng chừng thành công trước khi “vấp” phải lệnh cấm thương mại từ Mỹ, khiến đà phát triển của công ty Trung Quốc này ngắt quãng. Theo Phone Arena, nếu không vì sự kiện đó, 2020 có thể là năm đánh dấu Huawei thay thế Samsung trên ngôi vương ngành smartphone.
Cáo buộc Huawei có mối quan hệ mật thiết với chính quyền Bắc Kinh, và vì lý do an ninh quốc phòng, Bộ Thương mại Mỹ quyết định thi hành lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với nhà sản xuất này, ngăn hãng tiếp cận nguồn cung linh kiện cần thiết. Huawei từng chi 18 tỉ USD để mua linh kiện cung ứng từ Mỹ năm 2018.
Dù hãng có thể tìm một số thành phần thay thế cần thiết để sản xuất mà không cần giao dịch với doanh nghiệp Mỹ, Huawei không thể có được nền tảng Android đầy đủ cho smartphone của mình. Android là dự án mã nguồn mở, miễn phí hoàn toàn, nhưng các dịch vụ cơ bản và thiết yếu của nền tảng này lại do Google – một công ty Mỹ cung cấp.
Video đang HOT
Không thể đạt được thỏa thuận với Google, nhà sản xuất Trung Quốc vô phương tiếp cận các ứng dụng lõi như Tìm kiếm, Gmail, Maps, YouTube hay cửa hàng phần mềm Play Store. Điều này có thể không phải vấn đề nếu máy dùng tại Trung Quốc, nơi cấm toàn bộ dịch vụ của Google. Nhưng ở thị trường toàn cầu, Huawei không thể tiêu thụ nổi sản phẩm.
Theo CNBC, Chủ tịch luân phiên Eric Xu của Huawei cho biết doanh thu nội bộ công ty đã giảm khoảng 12 tỉ USD, chủ yếu từ mảng tiêu dùng (smartphone thuộc mảng này). Dù vậy, năm 2019, công ty xuất xưởng tổng cộng 240 triệu thiết bị, tăng 17% so với 2018 và thay thế Apple ở vị trí thứ 2 trong ngành công nghiệp smartphone.
Chưa dừng lại ở lệnh cấm tại Mỹ, Washington đã giáng thêm một đòn đau vào Huawei bằng việc thay đổi chính sách xuất khẩu. Theo đó, bất kỳ đơn vị nào sử dụng công nghệ Mỹ để sản xuất chip cho Huawei cũng như thành phần để tạo nên chip HiSilicon đều phải có giấy phép xuất thành phẩm. Quy định này nhắm chủ yếu vào TSMC, công ty sản xuất chất bán dẫn độc lập lớn nhất thế giới. Đơn vị vẫn có thể bán chip làm từ đĩa bán dẫn cho Huawei trước 15.5 nhưng phải giao hàng trước trung tuần tháng 9. Huawei hy vọng sản lượng này đủ để hãng cung cấp cho dòng Mate 40 cho tới cuối năm nay.
Doanh thu smartphone ngoài Trung Quốc của Huawei đang phụ thuộc vào các model sản xuất trước cuối năm 2019
Các báo cáo khảo sát thị trường cho thấy Huawei đang có thành công lớn tại thị trường quê nhà khi thị phần quý 1/2020 tăng từ 35,5% lên 42,6% sau 1 năm. Hãng cũng có được kết quả khả quan khi bán các mẫu máy cũ (mở bán trước lệnh cấm thương mại) ở toàn cầu do những model này vẫn chạy Android đầy đủ dịch vụ của Google.
Nhờ đó, thị phần của hãng tại Trung và Đông Âu vẫn ghi nhận tăng trưởng (theo báo cáo của Counterpoint Research). Công ty khảo sát thị trường IDC cho hay trong quý 2, Huawei tiếp tục gia tăng thị phần ở Mỹ Latin. Bryan Ma – Phó chủ tịch mảng khảo sát thiết bị của IDC nói: “Ở các thị trường phát triển ngoài Trung Quốc, việc thiếu dịch vụ của Google là vấn đề lớn đối với tham vọng kinh doanh flagship. Huawei vẫn có thể tạm thời duy trì vị thế bằng cách tập trung vào các model ra mắt trước lệnh cấm, điện thoại rẻ tiền ở những thị trường đang phát triển. Nhưng đó là tất cả những gì họ có thể làm vào lúc này”.
Tận dụng thời cơ, những đối thủ đồng hương với Huawei như Oppo, Xiaomi đang lấn sân vào thị trường Tây Âu bằng các model mới, mạnh mẽ và có thể chạy đầy đủ dịch vụ Google. Ở khu vực này, thị phần Huawei trong quý 1/2020 giảm còn 18,2% (so với 24,3% cùng kỳ). Tại một thị trường tỉ dân quan trọng khác là Ấn Độ, Huawei cũng đang hụt hơi khi mất tới 3% thị phần, chỉ còn 0,4%.
Với tình hình này, Samsung có thể yên tâm tại vị, ít nhất là cho tới hết năm nay.
Huawei đang trong tình trạng báo động
Nếu Mỹ siết chặt lệnh cấm, Huawei không có cách nào đưa thiết kế vi xử lý của họ ra thị trường, trong khi kho dự trữ chip sắp cạn kiệt.
Theo Bloomberg, trụ sở của Huawei ở Thẩm Quyến được đặt trong tình trạng báo động kể từ giữa tháng 5 khi Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất chip cho Huawei phải xin giấy phép nếu sử dụng công nghệ của Mỹ.
Quyết định này gây ảnh hưởng nghiêm trọng bởi số chip dự trữ cho các thiết bị viễn thông của Huawei sẽ cạn kiệt ngay đầu năm tới. Ban lãnh đạo công ty gấp gáp tổ chức hàng loạt cuộc họp trong vài tuần qua, nhưng chưa đưa ra giải pháp nào thực sự khả thi.
Huawei vẫn có thể mua vi xử lý của bên thứ ba, nhưng các nhà cung cấp như Samsung hay MediaTek khó đáp ứng được đơn hàng khổng lồ của hãng. Chưa kể, hãng sẽ phải đánh đổi nhiều thứ, như chi phí, tính tương thích và đặc biệt là danh tiếng so với việc tự thiết kế và đặt TSMC sản xuất. Phát triển chip là chiến lược hàng đầu của Huawei để tạo nên sự khác biệt, nên việc phải tìm đến giải pháp của đối thủ là "đòn đau" với Huawei.
Huawei vẫn mua chip của bên thứ ba nhưng chủ yếu cho dòng smartphone giá rẻ và tầm trung.
Trong suốt một năm qua, sau khi bị đưa vào danh sách thực thể của Mỹ, Huawei chỉ gặp một số phiền toái chứ không bị ảnh hưởng quá nặng nề. Họ vẫn tiếp tục là hãng thiết bị viễn thông số một và nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới. Còn hiện nay, với quy định mới của Mỹ, nỗi sợ của Huawei đã thành hiện thực.
Huawei thành lập công ty con HiSilicon cách đây 16 năm với mục tiêu nghiên cứu và phát triển những bộ vi xử lý thông minh, nhằm tránh phụ thuộc vào bên thứ ba cũng như hình thành nên một hệ sinh thái như Apple. Kết quả là sự ra đời của dòng Kirin cho smartphone, dòng Ascend cho thiết bị AI và dòng Kunpeng cho máy chủ.
Tuy nhiên, tham vọng này đang bị đặt dấu hỏi. Mọi nhà sản xuất chip trên thế giới, từ SCMP ở Đài Loan cho tới SMIC tại Trung Quốc, đều cần đến công nghệ và trang thiết bị của Mỹ (như các giải pháp của công ty Applied Materials) để sản xuất chipset. Vì vậy, những thiết kế vi xử lý cho điện thoại, thiết bị 5G, IoT... sắp tới của Huawei sẽ chỉ là bản vẽ trên giấy, khi dây chuyền sản xuất cho những thiết kế này cần có giấy phép của Mỹ mới có thể hoạt động.
"Lệnh cấm nhắm thẳng vào những dòng chip do HiSilicon thiết kế - mối đe dọa lớn đối với Mỹ", Edison Lee, chuyên gia phân tích của Jefferies, nói. "Quy định mới sẽ bóp nghẹt HiSilicon và tiếp đến là dập tắt khả năng tạo ra những thiết bị mạng 5G của Huawei".
Lúc này, Huawei không có nhiều lựa chọn. Trong số những lựa chọn ít ỏi còn lại đó, cũng không có giải pháp nào phù hợp cho hãng. Viễn thông là mảng kinh doanh cốt lõi của Huawei và họ đang dẫn đầu thế giới về 5G. Hồi tháng 2, hãng công bố một loạt giải pháp, sản phẩm để tạo nên những trạm cơ sở 5G có hiệu năng cao nhất. Đòn trừng phạt của Mỹ khiến các trạm cơ sở này có thể sẽ không được xuất xưởng tới tay khách hàng toàn cầu.
Tin tốt là Huawei vẫn còn thời gian bởi họ đã dự trữ đủ chip cho tới cuối năm. Tuy nhiên, theo Charlie Dai, nhà phân tích của Forrester Research, HiSilicon sẽ không thể tiếp tục đưa các sáng tạo của họ ra thế giới cho tới khi họ tìm ra giải pháp thay thế, như tự phát triển công nghệ và hợp tác với các nhà sản xuất địa phương - quá trình có thể sẽ mất hàng năm để hoàn thiện.
Huawei trọng thương vì cú đòn của Tổng thống Mỹ Donald Trump Lệnh cấm bán silicon được làm với kỹ thuật hoặc công nghệ Mỹ giáng cú đòn nặng vào tham vọng phát triển các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và dịch vụ di động của Huawei. Theo Bloomberg, cú đòn mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump có khả năng hạ gục tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Trụ sở của...