Hủ tiếu của người Hoa
Đất Sài Gòn vốn “dung nạp” nhiều món hủ tiếu đến từ mọi miền: hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang…, theo đó là những biến tấu đã thành quen thuộc: hủ tiếu bò kho, hủ tiếu khô…Trong số này, hủ tiếu của người Hoa có những sắc màu rất riêng…
Hủ tiếu Hoa xuất hiện ở đất Sài Gòn cùng sự nhập cư của người Tiều ( Triều Châu). Món ăn ban đầu được chế biến khá đơn giản: hủ tiếu tươi làm từ bột gạo ăn với nước hầm xương ống heo, thịt heo xắt lát hay băm nhuyễn, thêm chút hành, hẹ, giá… Chỉ thế thôi nhưng cũng đủ làm thực khách thỏa lòng.
Dần dà, món hủ tiếu được điểm xuyết thêm nhiều thức ăn phụ khác: miếng gân giòn, khúc chân giò cắn nghe sừn sựt, vài miếng lòng tim, gan, cật, ruột non, con tôm đỏ au, miếng mực ngọt, quả trứng cút bùi bùi, miếng huyết heo hay vài lát chả cá… Nước lèo cũng đậm đà, ngọt ngào hơn khi được nấu bởi tôm, mực khô.
Đĩa rau ăn kèm phong phú với xà lách, tần ô, cần, giá, hẹ… Và, bước hoàn thiện gần đây nhất là thêm vào tô ít tóp mỡ, nước tương, dấm và tỏi ngâm (hay tỏi phi). Một tô hủ tiếu như thế dư sức làm “ngất ngây” thực khách.
Từ những tô hủ tiếu với thành phần món ăn phong phú trên, người ta còn sáng chế ra hủ tiếu bò viên, hủ tiếu bò kho (có lẽ chất nước đặc quánh của bò kho chỉ thích hợp với cái dai của hủ tiếu thay vì bún, phở) hay hủ tiếu khô trộn chút mỡ, xì dầu, nước lèo để riêng. Người Hoa còn có món hủ tiếu lòng bò, ăn rất lạ miệng.
Nhưng từ “lạ” chỉ đúng nghĩa khi kể đến món hủ tiếu cá, hủ tiếu sa tế và hủ tiếu bột lọc.
Đầu tiên phải kể đến món hủ tiếu cá, món ăn thành danh của quán Nam Lợi, một quán người Hoa lâu đời trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1. Sợi hủ tiếu có hai loại: loại nhỏ, dai như thường thấy, loại sợi mềm như bánh phở nhưng bản to gấp đôi. Đôi khi người ta còn thêm vào tô hủ tiếu những vắt mì tươi vàng óng.
Cá dùng để chế biến là cá lóc tươi, đã bỏ xương, xắc từng lát mỏng, qua tay nghề của đầu bếp được xoắn hình lò xo rất đẹp mắt. Trước khi bỏ vào tô, cá được chần sơ qua nước lèo. Tô hủ tiếu rắc thật nhiều tiêu, vừa có vị ngọt của cá, lại vừa thoang thoảng mùi mực khô và xương hầm. Cái ngon của nó chính là ở hương vị vừa lạ mà quen: dù đây là món “rặc” Hoa, nhưng khi ăn cứ thấy như lẩn quất chút hương vị của bún cá miền Tây. Nếu không thích cá, thực khách có thể thay bằng món hủ tiếu gà, cũng lạ miệng không kém.
Video đang HOT
Hủ tiếu bột lọc chỉ lạ ở một thứ duy nhất: sợi hủ tiếu làm bằng bột lọc. Sợi hủ tiếu to vừa phải, dai mà vẫn mềm, không giống miến cũng chẳng giống bánh canh. Chính cái dai dai của hủ tiếu bột lọc khiến người ta ăn xong rồi mà vẫn thấy thòm thèm. Món ăn này xuất hiện ở nhiều quán ăn trong khu vực quận 5, nơi có nhiều người Hoa sinh sống.
Cũng ở quận 5, trên đường Triệu Quang Phục, ta lại bắt gặp một “vẻ” khác của món ăn này: hủ tiếu sa tế. Không quán xá gì cả, đó chỉ là một xe hủ tiếu nằm trước một ngôi chùa Hoa. Dẫu buôn bán đã hơn 40 năm nhưng cái xe hủ tiếu đó vẫn không hề thay đổi hay “nâng cấp”. Thế mà giá một tô hủ tiếu lại không hề rẻ (20 – 25 ngàn/tô). Có lẽ đó chính là cái giá trả cho công phu của chủ quán chăm chút cho tô hủ tiếu rất “ngộ” này.
“Ngộ” từ sợi hủ tiếu mềm và to bản y như sợi phở, đến thứ thịt được dùng là thịt bò, rồi cả gân, bao tử, bò viên… và rau ăn kèm là rau thơm, dưa leo, cà chua. Cái đặc biệt nhất là mùi vị của nước lèo: phảng phất mùi sa tế, hương tỏi, sả, hồi, quế, đậu phộng băm nhuyễn… Nó khiến người ăn có cảm giác đang thưởng thức một món phở lạ miệng.
Hủ tiếu sa tế, ngoài vị xé lưỡi, còn độc đáo ở cái nước lèo hơi sệt, thơm cả mùi phở lẫn cà ri, lại béo ngậy đậu phộng xay. Chính nét đặc trưng ấy tạo nên điểm nhấn cho hủ tiếu sa tế. Món hủ tiếu này cũng góp thêm chút sắc màu vào sự phong phú của các món hủ tiếu Hoa.
Theo Phụ nữ
Phở, hủ tiếu - Món nước cho ngày nắng nóng
Phở bò
Ít ai biết, trong các món ăn về nước thì phở là món cực công và tốn nhiều gia vị nhất. Phở ở Việt Nam được chia ra làm hai kiểu riêng biệt cho thích hợp với khẩu vị và sở thích ăn uống khác nhau của từng miền. Kiểu truyền thống thì có lẽ phải nói đến phở Bắc, với thành phần chính là nước dùng siêu chất lượng được nấu từ xương bò và tá các loạt gia vị chuyên dụng cho phở.
Ngoài ra còn có bánh phở trắng mềm (một số nơi khi ăn vào có cảm giác hơi dai nhưng các bạn coi chừng vì đó là do người ta sử dụng hoá chất formon tẩm ướp rất nguy hại), còn ngon nhất là nạm bò và thịt tái. Đặc biệt, người Hà Nội còn có khoái khẩu là món phở Gà với thịt Gà là chính. Kèm theo những thành phần chính đó thì người dân ở đây cũng hay dùng thêm món trứng chần làm" phụ kiện" thêm cho tô phở vốn đã chất lại càng thêm chất, hehe...
Tớ vừa phát hiện ra một chỗ bán phở rất ngon và vô cùng đặc biệt nhé. Tô phở cực hấp dẫn với nhiều đồ khiến món phở tại đây đẹp mắt mà lại khiến người ta thòm thèm.
Ngoài các thành phần chính như phở Bắc thì phở ở đây còn có thêm nhiều loại bò khác nữa, như là: bắp bò, gân bò (có cả mềm và cứng), tuỷ bò, óc bò... (có nơi còn có cả bò viên- một dạng thịt bò xay, trộn bột và hấp chín- nữa chứ). Gia vị để thực khách tự làm thì đã có tương đen, tương đỏ, chanh và ớt tươi cắt lát. Để đỡ ngán vì một bát phở toàn chất đạm, họ cho thêm rau và già đỗ vào (Điều này đã giúp món phở miền Nam ghi thêm điểm cho mình với những người thích ăn thực vật hơn động vật.)
Quán này nằm ở lề đường ngay đầu cầu Trần Khánh Dư nối dài với đường Nguyễn Cảnh Chân đâm ra đường Trần Quang Khải nhé. Quán rất đông vào buổi tối và bán đến tận nửa đêm. Giá cả một tô phở to vật vã ở đây chỉ có 20K thôi ý.
Có một số quán khác ở Sài Gòn mà các bạn cũng nên ăn thử: phở Hoà, phở Ngân (Pauster), phở Hùng (Nguyễn Trãi), phở Cao Vân (Mạc Đĩnh Chi), phở Quyền hoặc Trang (Phan Đang Lưu), phở Hiền Văn Hiến (Phú Nhuận), phở Lệ... Bình dân một chút thì có phở sáng ở đầu hẻm nhà thờ Bình Hoà (Nơ Trang Long, Bình Thạnh)
Hủ tiếu Nam Vang
Còn một món nữa, dạng như phở nhưng khác thành phần, gia vị và xuất xứ. Đó là Hủ Tiếu Nam Vang, một món khoái khẩu của miền Nam, được du nhập từ Campuchia, món mà ai ai cũng thích. Hủ tiếu là cọng phở dai, cứng được chần cho chính mềm rồi bỏ vào tô. Thêm thịt bằm, trứng chim cút, tôm luộc, gan và thịt heo, sườn(xương) heo nữa là thành một món ngon hương vị độc đáo. Hủ tiếu khác phở ở chỗ thành phần chính của nó đa số làm từ thịt heo (còn phở là thịt bò hoặc gà). Và hơn nữa, hủ tiếu còn được chia ra làm 2 dạng là "khô" và" ướt". Một tô hủ tiếu khô thì gốm các thành phần như đã nêu trên, rồi được trộn với một hỗn hợp gia vị như xì dầu, tiêu, sốt... và tất nhiên không thể thiếu hành phi, hành lá. Ngoài tỏi và ớt ngâm chua, khách có thể cho thêm tương ớt, chanh và nước tương vào cho hợp khẩu vị của chính mình (nhưng thường thì nó đã được trộn đều và đủ rồi). Còn hủ tiếu ướt thì có nước lèo trong vắt và vị hơi ngọt. Nước dùng cho hủ tiếu ướt được hầm từ xương heo là chính, có vài chỗ thêm khô mực nướng bỏ vào để tăng độ ngọt thật cho nồi nước lèo của mình.
Cũng như món phở miền Nam, hủ tiếu dù khô hay ướt thì cũng có riêng 1 đĩa rau gồm: giá đỗ, tần ô, salad... rất màu sắc và hấp dẫn.
Một số quán hủ tiếu ngon: chất lượng một chút thì các bạn ăn ở quán Nhân hay Quỳnh (Nguyễn Trãi), Hồng Phát (Võ Văn Tần - quận 3), Ty Lym (Huỳnh Mẫn Đạt - quận 5), Cả Cần (góc Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương), Tân Lạc Viên (Nguyễn Trãi), Liến Húa (An Dương Vương)... Bình dân thì đã có: quán lề đường trong hẻm nhỏ ở đường Võ Văn Tần, hẻm chùa Viên Quang ở đường Phan Văn Trị (Bình Thạnh)...
Tuy nhiên, với giá cả từ 13k đến 40k/tô của những quán trên thì không phải teen nào cũng có thể ăn thường xuyên được. Vì vậy, một số người miền Trung vào Nam lập nghiệp đã cho ra đời món hủ tiếu bình dân (hủ tiếu gõ) đúng chất với: hủ tiếu, nước lèo và thịt heo cắt lát siêu mỏng. Dù hạn chế nhiều thứ nhưng hủ tiếu gõ lề đường vẫn thu hút sinh viên, học sinh và nhất là người lao động nghèo với giá chỉ từ 5k đến 8k/tô.
Riêng với loại quán cóc này thì chúng ta có thể dễ dàng thấy ở các góc đường, hàng hiên trên mọi ngả đường ở Sài Gòn, từ khu trung tâm đến cả vùng ven. Với điểm trừ về vệ sinh thì có vẻ như tất cả những điểm còn lại về giá cả, phục vụ nhanh lẫn vị trí thoáng mát đã khiến hủ tiếu gõ tạp được chỗ đứng cho riêng mình.
Theo kênh 14