HS diện hộ nghèo được mượn SGK, liệu có phải các em được cấp ngân sách 2 lần?
Nếu chúng ta không nghiên cứu kĩ những vấn đề xoay quanh việc chi 3.500 tỷ đồng mua sách cho học sinh mượn, có thể tiền mất tật mang.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất phương án trích 3.500 tỷ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa các cấp đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, hàng năm bổ sung khoảng 20%.
Đề xuất trên nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của phụ huynh, học sinh và nhà trường. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn xoay quanh việc quản lý sách, lựa chọn sách giáo khoa… để tránh sự lãng phí, tham nhũng, bởi tiền ngân sách chi cho mua sách không hề nhỏ.
Bình luận về vấn đề trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục) cho hay, nước ta nhận định giáo dục là quốc sách, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển.
Dựa trên những nguyên lý đó, việc mua sách giáo khoa để cho học sinh mượn là chính sách tốt, tránh tình trạng “quá tải” về kinh tế đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con em đi học.
Đầu tư cho giáo dục không chỉ vấn đề về trường, lớp, trang thiết bị, cơ sở vật chất, mà sách giáo khoa cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng. Ảnh minh họa: Phạm Linh
“Đầu tư cho giáo dục không chỉ vấn đề về trường, lớp, trang thiết bị, cơ sở vật chất, mà sách giáo khoa cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng, cụ thể hóa chương trình giáo dục. Bởi vậy, nếu được nhà nước quan tâm đầu tư 70% nhu cầu cho học sinh mượn, tiến tới 100% học sinh được mượn sách sẽ giảm bớt khó khăn cho phụ huynh, học sinh”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Lê Như Tiến cũng lưu ý việc quản lý sách là một vấn đề rất quan trọng, bởi sách giáo khoa là tiền của ngân sách, nếu sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, sách bị vẽ bậy, bị rách… thì năm nào cũng dùng tiền nhà nước để bổ sung là điều rất lãng phí.
“Thậm chí cần phải ngăn chặn việc tham nhũng ngân sách để chi cho hoạt động mua sách giáo khoa. Bởi vậy việc tổ chức thực hiện và giám sát, thanh tra phải chặt chẽ, để dòng tiền đi đúng mục đích, đối tượng đem lại hiệu quả cho xã hội. Bên cạnh đó, nội dung sách giáo khoa cũng phải bám sát, phù hợp với chương trình đào tạo”, ông Tiến chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ, bản thân ông rất đồng tình ủng hộ việc chi 3.500 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục mà cụ thể là mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường cho học sinh mượn. Đây là chính sách nhân văn để cho các em có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách, thay vì phải mua sách hằng năm.
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội nhận thấy còn có nhiều vấn đề cần phải bàn tới xoay quanh việc chi ngân sách để mua sách cho học sinh mượn.
Cụ thể, về vấn đề quản lý sách, Đại biểu Quốc hội băn khoăn trước việc nếu đối tượng được mượn sách trả thiếu sách, vẽ bậy vào sách… thì ai sẽ là người phát hiện và cách xử lý ra sao. Nhà trường có thể sẽ yêu cầu các em viết cam kết không viết, vẽ bậy vào sách giáo khoa, nhưng chế tài xử lý nếu vi phạm cũng vô cùng khó khăn.
“Nếu phạt bồi thường nhưng không thực hiện, gia đình các em trả chậm hoặc không trả do hoàn cảnh khó khăn, vậy nhà trường sẽ xử lý bước tiếp theo ra sao?”, Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.
Video đang HOT
Chia sẻ tiếp về vấn đề quản lý sách, ông Phạm Văn Hòa cũng băn khoăn về việc nếu học sinh viết, vẽ bậy vào sách giáo khoa, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của lứa học sinh kế cận. Việc này cũng cần những nhà quản lý nghiên cứu và có giải pháp cụ thể.
Là Đại biểu Quốc hội thường xuyên quan tâm đến các vấn đề của xã hội, ông Phạm Văn Hòa nêu quan điểm: Nhà nước đang có chính sách chi 1,35 triệu đồng cho một học sinh diện hộ nghèo, (học sinh hộ cận nghèo được cấp 50% tổng số tiền trên), đồng bào dân tộc thiểu số… để mua sách vở, đồ dùng học tập trong một năm học. (Quy định tại Điều 18 và Điều 20 Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ).
Từ đây, ông Hòa đặt ra câu hỏi: việc chi ngân sách nhằm mua sách sẽ dành cho đối tượng nào ngoài học sinh hộ nghèo, cận nghèo?
“Nếu học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số được mượn sách, như vậy có thể Nhà nước sẽ cấp ngân sách hai lần cho những đối tượng trên, điều này rất phi lý”, ông Hòa nhấn mạnh.
Phân tích tiếp về vấn đề trên, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, đối tượng được mượn sách là thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, vậy ai hoặc đơn vị nào sẽ xác nhận cho họ điều này. Từ đây, khó có thể tránh được việc bỏ sót đối tượng.
“Đối với hộ khó khăn, cần phải có tiêu chí như nào để tránh việc xác nhận đối tượng không khách quan”, ông Hòa đặt câu hỏi.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, việc chi 3.500 tỷ đồng để mua sách giáo khoa được xem là chính sách tốt nhưng có thể hình thành lợi ích nhóm.
“Không khéo việc mua sách sẽ hình thành lợi ích nhóm, nên cần phải có sự khảo sát trên toàn quốc để biết trường nào cần, đối tượng thực sự cần mượn sách là ai”, ông Hòa băn khoăn.
Hiện nay, Quốc hội chưa có ý kiến về đề xuất trích ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh khó khăn mượn. Tuy nhiên, vị Đại biểu Quốc hội đánh giá, bản thân ông cảm thấy đề xuất trên còn nhiều khó khăn, vướng mắc nếu tính toán kỹ về quá trình thực hiện, rất khó khả thi ở thời điểm hiện tại.
“Nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ những vấn đề xoay quanh chủ trương trên, có thể tiền mất tật mang”, ông Hòa chia sẻ.
Nếu mua sách cho HS mượn mà không xác định đúng nhu cầu thì chỉ làm giàu cho NXB
Đại biểu Phạm Văn Hoà: "Nếu mua sách giáo khoa không xác định đúng nhu cầu, gây lãng phí là làm giàu cho các nhà xuất bản".
Vừa qua, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc mua sách giáo khoa và cung cấp cho các thư viện trường học để học sinh mượn đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, Bộ đề xuất Chính phủ phương án trích ngân sách nhà nước 3.500 tỉ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa các cấp đưa vào thư viện trường học, đáp ứng 70% nhu cầu. Tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.
Chính sách nhân văn nhưng cần có giải pháp loại bỏ vấn đề lợi ích nhóm
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, ông rất ủng hộ việc mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học để học sinh nghèo, khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số mượn, đây là một việc làm rất nhân văn.
Tuy nhiên, số sách được mua có đến tay những học sinh đó hay không mới là vấn đề khó, cần giải quyết.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)
"Điều khiến chúng ta lo lắng là liệu có xảy ra tình trạng người nghèo, người có nhu cầu lại không mượn được sách hay không.
Hơn nữa, mua sách như vậy liệu có lợi ích nhóm hay không? Nếu mua sách nhiều mà không xác định đúng nhu cầu, không đúng đối tượng, để xảy ra tình trạng lãng phí thì chính là làm giàu cho các nhà xuất bản", ông Hoà đặt vấn đề.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm đầu tiên chi 3.500 tỷ đồng, hằng năm bổ sung thêm 20%. Như vậy mỗi năm lại thêm mấy trăm tỷ để mua sách, đó không phải là con số nhỏ nên cần xem xét kỹ, tính toán chính xác nhu cầu học sinh.
Bên cạnh đó, cần phải xem xét vấn đề giữ gìn, sử dụng sách giáo khoa như thế nào. Sách giáo khoa mua năm nay có thể dùng lại cho năm sau hay không?
Nếu để học sinh viết vào sách, không gìn giữ, chỉ dùng một năm rồi bỏ, năm học sau lại mua mới toàn bộ thì thực sự quá lãng phí.
Sách giáo khoa bị viết, vẽ vào trong thì không thể sử dụng lại. Muốn tiết kiệm phải đặt vấn đề mua sách sử dụng được bao lâu, không thể năm nào ngân sách cũng chi trả mua toàn bộ sách mới cho học sinh mượn để làm lợi cho các nhà xuất bản, điều này là không thể chấp nhận.
Chính vì vậy, khi cho học sinh mượn sách, phải đảm bảo việc giữ gìn để sách được bảo quản trong thư viện, dùng cho học sinh khóa sau.
Cần sớm nhận diện điều này để loại bỏ vấn đề lợi ích nhóm trong việc mua sách, đấu thầu và phát hành sách giáo khoa. Phải xem xét thật kỹ, chi li và có sự cam kết rành mạch rõ ràng trong việc mua sách giáo khoa.
Đặc biệt, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì cần vận động học sinh, phụ huynh quyên góp sách đã học cho học sinh khóa sau, có thể đưa vào thư viện trường học để dùng trong thời gian dài về sau.
"Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta có nhiều bộ sách giáo khoa, mỗi địa phương, mỗi trường học sử dụng những bộ sách khác nhau. Thậm chí có trường học, một học sinh học các sách bộ môn của 3 bộ sách. Như vậy, việc mua sách cho học sinh mượn cũng không phải chuyện dễ dàng gì.
Nhu cầu đa dạng thì chúng ta lại phải xác định mua bộ sách nào, số sách mua cho học sinh mượn có được tính toán đúng theo nhu cầu thực tế?
Phải thực sự khách quan, công khai trong quá trình thực hiện chính sách, nếu làm được, làm đúng và công bằng, không lãng phí tiền của Nhà nước thì Nhân dân, giáo viên hay phụ huynh học sinh đều đồng tình ủng hộ", ông Phạm Văn Hoà bày tỏ.
Giữ gìn, kế thừa sách giáo khoa, tránh lãng phí
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho rằng, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đúng, nhưng có một số vấn đề cần lưu tâm nếu triển khai hoạt động này.
Ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đầu tiên, cần xác định đối tượng học sinh nào, hộ nghèo hay hoàn cảnh ra sao thì có thể mượn sách?
Quan trọng là phân chia làm sao để sách được đến tận nơi với người cần. Phải khảo sát, thống kê xem tỉnh/thành phố nào có nhiều học sinh nghèo nhất để phân chia tỷ lệ hợp lý. Đặc biệt chú ý đến các tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, đối tượng chính sách, người nghèo, gia đình chính sách, con em thương bệnh binh,... Xem xét kỹ các đối tượng để có sự công bằng.
Cho mượn sách cũng cần tính đến trình tự, thủ tục như thế nào, tổ chức thực hiện ra sao, không cẩn thận sẽ kéo theo những vấn đề bất cập khác. Chủ trương chính sách đúng nhưng triển khai thực tế không phát huy hiệu quả thì sẽ gây ra lãng phí.
Cũng cần có quy chế thoáng, dễ thực hiện để học sinh nghèo thuận lợi trong việc mượn được sách giáo khoa học tập.
"Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là chúng ta có duy trì được mãi việc chi ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn không? Hay chỉ làm được một năm, làm một cách nửa vời, vì sách giáo khoa của chúng ta thay đổi liên tục, khó có tính kế thừa.
Trong năm học này học sinh dùng bộ sách này nhưng sang năm học tiếp theo lại dùng bộ sách khác.
Đó là lý do cần cân nhắc, tính toán kỹ càng, nếu dành ngân sách để thực hiện thì phải để sách thực sự đến tay người nghèo. Sách giáo khoa phải được sử dụng được ít nhất trong 2-3 năm, tránh lãng phí.
Quá trình triển khai làm sao để tránh vấn đề lợi ích nhóm, tiêu cực", ông Vinh chia sẻ.
Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, cần phải có kế hoạch xây dựng thư viện nhà trường bằng việc vận động học sinh ủng hộ sách cũ.
Như vậy mỗi trường học, mỗi địa phương cũng cần chủ động nắm bắt tình hình học sinh để có sự hỗ trợ kịp thời qua việc xây dựng tủ sách, thư viện trường học.
Học sinh nào có nhu cầu cũng có thể mượn SGK, không phân biệt điều kiện gia đình Mua SGK cấp vào thư viện trường cho HS mượn là đề xuất được các trường ủng hộ nhưng làm thế nào để số sách được cấp có thể sử dụng lâu dài? Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất phương án trích 3.500 tỷ đồng năm đầu tiên để mua sách giáo khoa các cấp đưa vào thư viện trường...