HP bổ sung tuỳ chọn Core i9, Quadro P2000 cho dòng Zbook mỏng, RAM lên đến 128 GB
HP đã vừa giới thiệu loạt phiên bản nâng cấp của dòng máy trạm di động cao cấp Zbook, thiết kế không nhiều thay đổi ngoại trừ việc có thêm tuỳ chọn CPU Core i9 6 nhân, GPU tối đa Quadro P5200 và tối đa 128 GB RAM.
Hiện tại dòng Zbook của HP có các phiên bản gồm Zbook Studio – máy trạm di động mỏng nhẹ, Zbook Studio x360 – máy trạm di động thiết kế màn hình xoay đa chế độ sử dụng, Zbook x2 – “ Surface Pro” phong cách máy trạm và Zbook 15/17 – dòng tiêu chuẩn, thiên về hiệu năng. Điều đáng chú ý là trang bị Core i9 được bổ sung cho tất cả các phiên bản, mỏng hay dày đều có.
Dòng Zbook Studio và Zbook Studio x360 thế hệ mới với thiết kế độc đáo được HP ra mắt từ hồi tháng 4 năm nay. Zbook Studio thì đã có nhiều thế hệ nhưng đến năm nay thì hoàn toàn lột xác với vỏ bằng nhôm phay xước màu trắng, giống như dòng EliteBook hồi xưa và form máy cũng không đơn thuần là hình chữ nhật mà các cạnh gần bản lề được cắt góc, tạo nên hình dạng ngũ giác và mô phỏng chữ Z trong Zbook.
Zbook Studio là dòng Zbook có thiết kế mỏng nhất với độ dày chỉ 18,7 mm – một độ mỏng rất đáng nể cho một chiếc máy trạm di động. Máy có màn hình 15,6″ với 2 viền 2 bên mỏng rất hợp xu hướng và được HP cung cấp một loạt các tuỳ chọn vi xử lý hiệu năng cao từ Core i5-8300H 4 nhân/8 luồng cho đến Core i7-8850H 6 nhân/12 luồng, Xeon E-2186 6 nhân/12 luồng và lần này là thêm Core i9-8950HK mở khoá hệ số nhân và OC được. Dù vậy HP cho biết hãng không hỗ trợ mở rộng xung cho Core i9-8950HK trên các phiên bản Zbook mới bởi “điều này có thể rút ngắn tuổi thọ của CPU, tốt nhất là cho chạy theo xung nhịp thiết kế”. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên bởi ngay cả MacBook Pro chạy Core i9-8950HK cũng không hỗ trợ OC con CPU này lên, nó vẫn đủ mạnh để xử lý các tác vụ đòi hỏi năng lực tính toán đa nhân của CPU với mức xung mặc định 2,9 GHz và Turbo Boost đã lên đến 4,8 GHz. Như vậy nếu so về xung Turbo thì giải pháp Core i9-8950HK có xung cao hơn 200 MHz so với Xeon E-2186 cũng như cao hơn 500 MHz so với Core i7-8850H.
Tương tự với dòng Zbook Studio x360 với thiết kế màn hình xoay cũng có thêm tuỳ chọn Core i9-8950HK bên cạnh các tuỳ chọn Core i5, i7 và Xeon như Zbook Studio. Dòng Zbook Studio x360 hướng đến đối tượng những nhà thiết kế đồ hoạ khi nó được trang bị màn hình 15,6″ cảm ứng với tấm nền rất cao cấp, cao nhất là DreamColor với hơn 1 tỉ màu bao phủ toàn bộ dải Adobe RGB và độ phân giải 4K, 600 nit và hỗ trợ cảm ứng với bút cảm ứng 4096 cấp độ lực.
Video đang HOT
Bên cạnh Core i9-8950HK thì dòng Zbook Studio và Zbook Studio x360 còn có thêm trang bị GPU Quadro P2000, trước đây chỉ có P1000. Thật sự thì P2000 là một trang bị rất đáng quan tâm bởi nó mang lại hiệu năng cao hơn đáng kể so với P1000. Quadro P2000 về cơ bản có số nhân CUDA nhiều hơn so với Quadro P1000, nếu là phiên bản trên laptop thì Quadro P2000 dùng con GP107 tương tự GeForce GTX 1050 Ti với 768 nhân CUDA, xung nhịp tối đa 1468 MHz và nếu HP trang bị phiên bản P2000 Max-Q thì số nhân vẫn như vậy riêng xung nhịp thấp hơn, đi kèm với GP107 là bộ nhớ GDDR5 4 GB. Quadro P1000 thì giống như GeForce GTX 1050 với 512 nhân CUDA, xung 1519 MHz và 4 GB GDDR5.
Bên cạnh trang bị CPU và GPU cao cấp hơn thì dòng Zbook Studio và Zbook Studio X360 có tuỳ chọn bộ nhớ RAM tối đa 32 GB DDR4-2666, nếu chọn CPU Xeon thì đi kèm với RAM ECC. Với thiết kế mỏng thành ra bộ nhớ lưu trữ chỉ có M.2 SSD với 2 khe M.2, có thể gắn 2 thanh 1 TB chạy RAID 0 hoặc RAID 1.
Dòng Zbook 15 và 17 thế hệ 5 (G5) cũng được bổ sung tuỳ chọn Core i9-8950HK, bộ nhớ lên đến 64 GB DDR4-2667 với các CPU Core I thông thường và sẽ tối đa 128 GB ECC nếu đi kèm với CPU Xeon. Zbook 15 và 17 là dòng máy trạm thuộc dạng ngựa thồ và có truyền thống rất lâu đời của HP, trước đây là HP Elitebook Workstation, đối thủ với ThinkPad P hay Dell Precision 7000. Thiết kế dày và nhiều không gian cho phép nó được trang bị những gì tốt nhất và với các tác vụ đồ hoạ, dựng phim, render 3D thì dung lượng RAM lớn rất cần thiết.
Với Zbook 15, bên cạnh Core i9 thì nó cũng được bổ sung tuỳ chọn GPU Quadro P2000. Riêng Zbook 17 to dày thì tuỳ chọn GPU của dòng này cũng rất đa dạng, cao nhất là Quadro P5200 và các phiên bản FirePro của AMD. Zbook 15 và Zbook 17 có thiết kế dễ nâng cấp và cũng có nhiều khe để gắn ổ lưu trữ với tổng dung lượng đến tối đa 6 TB hỗn hợp giữa SSD M.2 và ổ HDD 2,5″.
Theo Tinh Te
Google Pixel Slate - máy tính bảng chạy Chrome OS: bản cao nhất giá 1599$, không có jack 3.5mm
Google Pixel Slate - chiếc máy tính bảng chạy Chrome OS với bàn phím vật lý kèm cover dễ dàng tháo lắp, cuối cùng đã được Google giới thiệu chính thức tại sự kiện hôm nay.
Ngó sơ qua, chiếc máy tính bảng này rõ ràng là vũ khí mà Google dùng để đấu với iPad Pro và Surface Pro. Google nhấn mạnh Pixel Slate sẽ mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới, không phải là 1 chiếc laptop lai máy tính bảng hay một chiếc điện thoại đang cố để mang đến trải nghiệm giống như máy tính. Pixel Slate bắt đầu bán ra từ cuối năm nay với mức giá 599$ cho phiên bản dùng bộ xử lý Celeron. Nếu muốn cấu hình tốt hơn, cao hơn thì bạn sẽ phải trả thêm tiền và bản cao cấp nhất có giá 1599$.
Thiết kế
Máy có thiết kế kết hợp giữa nhôm được xử lý anodize và mặt kính cường lực Gorilla Glass 5 ở phía trước. Vì "Google yêu những đường cong, bo tròn" nên thiết kế của Pixel Slate cũng được bo tròn các cạnh và bo cong nhẹ ở các góc máy. Tin mừng, chúng ta có 2 cổng kết nối USB C, một trong hai có khả năng sạc nhanh và hỗ trợ xuất video 4K. Nhưng tin buồn là không có jack 3.5mm và cũng không có khe cắm thẻ nhớ SD.
Logo Google nằm nhỏ nhắn gọn gàng ở phía sau, ở 1 góc của mặt lưng. Nút nguồn của máy sẽ được tích hợp luôn cảm biến vân tay.
Màn hình
Màn hình của Pixel Slate có kích thước 12.3", độ phân giải 2000x3000, mật độ điểm ảnh 293ppi và có đến 6 triệu điểm ảnh. Nếu Apple có iPhone màn hình OLED thì Google cũng có màn hình "xịn" hơn. Vẫn là màn hình LCD nhưng có thêm công nghệ mà Google gọi là "Molecular Display" (tạm dịch hiển thị phân tử), công nghệ màn hình LTPS - silic đa tinh thể nhiệt độ thấp. Google nói rằng công nghệ trên sẽ giúp màn hình Pixel Slate đạt hiệu quả cao hơn, nhanh hơn, sáng hơn nhưng cũng tiết kiệm pin hơn so với màn hình LCD truyền thống.
Camera
Cả camera trước lẫn sau của máy đều có độ phân giải 8MP, có machine learning và chế độ potrait. Tuy nhiên, camera sau có khẩu độ f/1.8 còn camera trước có khẩu độ f/1.9.
Camera trước sẽ có góc rộng với cảm biến lớn hơn để hỗ trợ tốt hơn cho video chat, nhất là trong điều kiện ánh sáng yếu.
Hiệu năng, pin, bảo mật
Pixel Slate được trang bị bộ vi xử lý intel thế hệ thứ 8 với nhiều phiên bản, cao cấp nhất là Core i7 RAM 16GB dung lượng bộ nhớ 256GB. Phiên bản 599$ mà họ nhắc đến trên sân khấu chỉ là bản thấp nhất với bộ xử lý Celeron thế hệ thứ 8, RAM 4GB dung lượng bộ nhớ 32GB. Cụ thể các phiên bản và mức giá, mời anh em xem trong bảng bên dưới:
Thời lượng pin của Pixel Slate Theo công bố của Google là 10 tiếng. Ngoài ra, về bảo mật, Pixel Slate sẽ có chương trình diệt virus, được cập nhật tự động và có cả chip bảo mật Titan C. Theo Google, con chip này sẽ giúp bảo vệ những dữ liệu nhảy cảm và riêng tư của người dùng một cách an toàn nhất có thể như password.
Chrome OS
Đây là lần thứ 2 mà Google cố gắng tạo nên 1 chiếc máy tính bảng Pixel. Và với Chrome OS thay vì chạy Android, Pixel Slate sẽ được tối ưu hoá tốt hơn, làm việc được như một chiếc laptop nhưng vẫn hỗ trợ các ứng dụng Android hay làm việc tốt với thao tác cảm ứng.
Launcher mới với machine learning sẽ đề xuất trên top những ứng dụng mà bạn cần. Google Assistant cũng có giao diện mới lớn hơn so với Pixelbook. Đáng chú ý, tính năng chia đôi màn hình Split-Screen cho phép người dùng vừa làm việc vừa chơi game hay thậm chí vừa chơi game vừa xem video.
Bàn phím Pixel Slate 199$ và bút 99$
Bàn phím Pixel Slate có mức giá "hơi cao" -199$ nhưng nó sẽ đi kèm với cover được kết nối với Pixel Slate thông qua các chân kết nối ở cạnh, có đèn nền, có cả trackpad và phím Google Assistant riêng biệt. Điều thú vị là bộ phím bấm có thiết kế dạng tròn khá lạ mắt. Nếu thấy quá đắt cho 1 chiếc bàn phím như vậy, bạn có thể tiết kiệm bằng bàn phím Bluetooth của bên thứ 3. Tuy nhiên, nó sẽ dễ sinh ra nhiều vấn đề, thiết hụt như không có trackpad. Vậy nên, người dùng được khuyên nên chọn bàn phím Bluetooth đến từ Brydge được thiết kế kế riêng cho Pixel Slate có giá 149$. (cũng có trackpad).
Pixel Slate cũng có thể dùng được với bút Pixel Pen, nhưng bạn phải bỏ ra 99$ để mua riêng. Thiết nghĩ, bạn có thể không mua bút nhưng với một chiếc máy tính bảng chạy Chrome OS thì hẳn bàn phím sẽ là món phụ kiện "phải mua" để mang đến hiệu quả tốt nhất. Rồi lại mua thêm chiếc tai nghe USB-C hoặc Bluetooth, có vẻ tốn không ít cho phụ kiện đi kèm.
Theo Tinh Te
Google ra mắt tablet lai Pixel Slate: chạy Chrome OS, bàn phím và bút bán riêng, bản cao cấp nhất giá 1.599 USD Phiên ban cao câp vơi Core i7 vơi 16GB RAM va 256GB SSD co thê lên tơi 1.599 USD - môt mưc gia kha khung khiêp danh cho môt chiêc Chromebook. Google lai tiêp tuc muôn chen chân vao thi trương may tinh bang đê canh tranh vơi nhưng "ông lơn" khac như iPad Pro cua Apple hay Surface Pro nha Microsoft. Pixel...