Họp phụ huynh ở Pháp: Từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác…
Vẫn biết chuyện họp phụ huynh ở “trời tây” khác với “trời ta”, nhưng khi đến trường hợp của mình, vợ chồng tôi không khỏi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Ảnh minh họa
Ngày con còn học cấp 1 tại một trường công tại Pháp, hàng năm sau khi năm học mới bắt đầu khoảng vài tuần, chúng tôi đều đi họp phụ huynh.
Tại buổi này, cô giáo giới thiệu về chương trình học, nội dung và mục tiêu của chương trình, phương pháp giảng dạy, cũng như các hoạt động ngoại khóa khác.
Cũng trong buổi này, cô giáo cũng sẽ mời bố mẹ đăng ký trước việc hỗ trợ các thầy cô giáo trong các hoạt động ngoại khóa của các con.
Các hoạt động này có thể bao gồm việc cùng đưa các con tới bể bơi, bảo tàng, thư viện hoặc cùng tham gia khóa huấn luyện xe đạp cho các con. Ngoài ra, có thể có hoặc không, vào kỳ học cuối của năm, phụ huynh sẽ đăng ký lịch hẹn riêng cùng cô giáo để nghe cô nhận xét về học lực của con mình.
Trong suốt năm học, nếu cô giáo cảm thấy con có vấn đề gì đặc biệt, hoặc bố mẹ có thắc mắc gì, đều có thể hẹn gặp cô giáo thông qua sổ liên lạc con mang về nhà mỗi ngày.
Như vậy, đơn giản, trong một năm học, nếu không có vấn đề gì đặc biệt, thông thường chúng tôi chỉ gặp mặt giáo viên của con 1 lần duy nhất vào đầu năm. Kết quả học tập của con qua các kỳ đều được gửi về nhà, bao gồm đầu đủ nhận xét và đánh giá của giáo viên về những kiến thức và kỹ năng con đã đạt được. Không bao giờ có cảnh cô giáo đọc nhận xét về từng em trước toàn thể các phụ huynh khác.
Con lên tới cấp 2, chúng tôi chuyển con sang trường tư. Con bỡ ngỡ, bố mẹ cũng bỡ ngỡ không kém!
Vào buổi họp phụ huynh đầu tiên, chồng tôi “hốt hoảng” thông báo, mỗi năm sẽ có vài lần họp phụ huynh đấy, không chỉ một lần đầu năm đâu!
Video đang HOT
Ngoài buổi đầu tiên gặp chung phụ huynh của toàn lớp để giới thiệu chương trình học, những buổi sau giáo viên sẽ gặp riêng phụ huynh.
Có nghĩa là chúng tôi sẽ lần lượt gặp giáo viên dạy tất cả các môn, bao gồm, Toán, tiếng Pháp, tiếng Anh, Công nghệ, Khoa học và Đời sống, Lịch sử và Địa lý, Nhạc và Họa, và Thể dục.
1 tháng trước ngày họp phụ huynh, chúng tôi nhận được thư điện tử của nhà trường, báo rằng lịch đặt hẹn trên mạng với các giáo viên đã bắt đầu, phụ huynh có thể thực hiện các lựa chọn.
Tôi ung dung nghĩ rằng cần gì chọn sớm, còn những 1 tháng nữa cơ mà! 10 ngày sau, nhân lúc rảnh rỗi, tôi vào xem mới tá hỏa rằng hầu như phụ huynh đã chọn gần hết các khung giờ, được chia đều 10′ cho mỗi phiên họp từ 17h tới 19h30.
Chỉ còn lại một số khung giờ trùng nhau, có nghĩa là nếu chọn gặp giáo viên môn này chúng tôi đành bỏ môn kia.
Chúng tôi đặt hẹn với ba giáo viên môn Toán, tiếng Pháp và Công nghệ, vì mỗi môn đều còn khung giờ cách nhau 10′.
Sau đó chồng tôi còn phải đi đón con ở trường nhạc, nên không thể nán lại lâu hơn. Sau buổi họp, chồng tôi về nhà, thở dài bảo, lần sau phải cả hai vợ chồng cùng đi mới kịp. “Nhà người ta” phải chia nhau ra để đi các môn, đôi khi một số phụ huynh ngồi lâu, lố giờ nên anh đợi được môn này thì quá giờ của môn kia, mà lại không thể xin chen ngang được, rất bất lịch sự.
Ngoài việc đó ra chồng tôi lại rất hài lòng với hình thức họp phụ huynh như thế này. Khi gặp riêng từng giáo viên, được nghe họ nhận xét chi tiết về con mình, mới thấy rằng trong lớp học thế này, giáo viên phải quan tâm sát sao tới từng học sinh mới biết rõ về tính cách, đặc điểm và khả năng của từng cháu để có được những nhận xét kĩ càng như thế, dù năm học mới chỉ bắt đầu được hơn hai tháng.
Phụ huynh cũng có cơ hội trao đổi cụ thể với giáo viên từng bộ môn để biết được mình cần làm gì, nên làm gì để hỗ trợ con ở nhà trong từng môn học.
Và bản thân chúng tôi cũng tránh được việc so sánh con mình với “con nhà người ta”.
Những gì phụ huynh cần quan tâm là bản thân con đã tiến bộ như thế nào qua từng kỳ học, điều đó mới quan trọng!
Hơn nữa, việc “họp kín” giữa giáo viên và phụ huynh đảm bảo rằng những thông tin về cá nhân trẻ được giữ kín, chứ không bị phơi bày cho “toàn dân” thiên hạ được biết, điều mà có thể ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của trẻ, và thậm chí của cả phụ huynh. Người nào có con học giỏi thì nở mày nở mặt, ngược lại, sẽ mang tâm lý tự ti, xấu hổ, thậm chí phụ huynh có thể trút giận lên con.
Hiện nay ở Việt Nam, mặc dù đã có quy định về việc họp phụ huynh “kín” giữa giáo viên và phụ huynh nhưng vẫn chưa được thực hiện rộng rãi ở các trường công.
Lý do các cô giáo đưa ra là sĩ số lớp quá đông, xấp xỉ 50 em, nên việc họp riêng như thế tốn rất nhiều thời gian và công sức. Cho nên hầu hết các giáo viên vẫn giữ nguyên cách họp công khai, nhận xét về từng cháu trước toàn thể phụ huynh.
Còn đối với cấp 2 hay cấp 3, việc gặp riêng từng giáo viên bộ môn để nghe nhận xét cụ thể về từng học sinh, dường như còn quá xa vời.
Vẫn biết các giáo viên phổ thông có những khó khăn nhất định, tôi vẫn hi vọng rằng, trong tương lai không xa, các nhà giáo dục sẽ tìm ra cách khắc phục tình trạng này để cha mẹ không còn cảnh “đùn đẩy” nhau đi họp phụ huynh cho con nữa.
Nguyên Kan (Pháp)
Theo vietnamnet
Pháp tăng học phí 16 lần đối với sinh viên quốc tế
Từ mùa thu năm 2019, sinh viên ngoài EU sẽ phải trả 2.770 euro cho mỗi năm học ở Pháp, trong khi học phí hiện nay là 170 euro.
The Local thông tin, Pháp vừa công bố quy định tăng học phí lên mức kỷ lục đối với sinh viên quốc tế từ năm sau, gấp 16 lần hiện tại. Điều đó có nghĩa khi Anh rời EU vào tháng 3 tới, sinh viên nước này muốn sang Pháp du học cũng phải bỏ ra hàng nghìn euro như những người đến từ quốc gia khác.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe chỉ ra sự bất hợp lý khi "sinh viên nước ngoài giàu có đang trả cùng mức học phí với sinh viên nghèo ở Pháp, những người mà cha mẹ đã sống, làm việc và đóng thuế cho đất nước trong nhiều năm".
Một tấm bằng cử nhân hiện tại có giá 170 euro mỗi năm học, trong khi bằng thạc sĩ là 243 euro và bằng tiến sĩ là 380 euro. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định mới, mức phí này sẽ tăng lên 2.770 euro cho bằng cử nhân và 3.770 euro cho hai bằng cấp cao hơn.
Học phí đại học ở Pháp thấp hơn các nước Anh, Mỹ. Ảnh: Campus France
Thủ tướng nhấn mạnh khoản phí đã tăng này chỉ đại diện cho một phần ba chi phí thực tế của các khóa học, bởi phần còn lại được trả bởi Chính phủ Pháp. Số lượng học bổng đại học cũng tăng gấp ba từ 7.000 lên 21.000 và sẽ có 14.000 khoản trợ cấp dành cho du học sinh đến từ các nước đang phát triển. Theo Chính phủ, kết hợp với những khoản tài trợ khác, trung bình một trên bốn sinh viên quốc tế đủ điều kiện nhận trợ cấp hoặc học bổng.
Các quan chức Pháp xem quyết định tăng học phí là cuộc cách mạng để tăng sức hút của giáo dục bậc cao. Mức "gần như miễn phí" hiện tại có thể bị nhiều sinh viên quốc tế, bao gồm Trung Quốc, xem như dấu hiệu của chất lượng thấp và không muốn lựa chọn Pháp.
Dù tăng giá, học phí sinh viên quốc tế ở Pháp vẫn thấp hơn nhiều so với Anh, nơi có độ chênh lệch lớn giữa các trường và có thể lên đến 10.000 euro mỗi năm. Trong khi đó, ở Mỹ, nơi giáo dục bậc cao nổi tiếng đắt đỏ, sinh viên quốc tế phải trả trung bình 24.930 USD trong năm học 2016-2017.
Tuy nhiên, các công đoàn sinh viên như UNEF kịch liệt phản đối quy định mới, cho rằng đây là cách "chọn sinh viên theo số tiền họ có" và Pháp sẽ loại đi những sinh viên tài năng không đủ khả năng trả mức phí đó.
Pháp là quốc gia không nói tiếng Anh phổ biến nhất dành cho sinh viên quốc tế và là điểm đến du học nổi tiếng thứ tư thế giới sau Mỹ, Anh và Australia. Tuy nhiên, số lượng sinh viên nước ngoài ở Pháp đã giảm 8,1% trong giai đoạn 2010-2015. Chính phủ Pháp muốn tăng con số 343.000 lên khoảng 500.000.
Theo kế hoạch, Pháp sẽ đơn giản hóa quá trình xin visa du học và mở thêm nhiều cơ sở giáo dục ở nước ngoài.
Hiện Pháp có 45% sinh viên đến từ châu Phi, 19% từ EU, 16% từ châu Á, 9% từ Mỹ và 4% từ Trung Đông.
Thùy Linh
Theo VNE
Pháp cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học trên toàn quốc Thói quen nhắn tin từ điện thoại di động dưới các bàn học trong các trường học ở Pháp sẽ trở thành dĩ vãng từ năm học 2018-2019 sau khi Pháp áp dụng lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong tất cả các trường học trên cả nước. Pháp áp dụng lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong tất...