Họp phụ huynh (27/05/2015)
Nếu buổi họp phụ huynh đầu năm được mặc định trong đầu không ít người là buổi đến đóng tiền, thì cuộc họp phụ huynh cuối năm được coi như đến để xem con có đạt danh hiệu học sinh giỏi hay không. Chính vì thế, khi làm được điều ngược lại để xóa những định kiến rất không nên trong suy nghĩ của phụ huynh như vậy, hình ảnh của cô giáo sẽ trở lên khác hẳn.
Một buổi họp phụ huynh (Ảnh minh họa)
Lơ đãng ngồi nghe cô thông báo về tỉ lệ học sinh khá giỏi của nhà trường, lơ đãng nghe cô nói về tình hình của lớp năm qua, những gương mặt không ít ông bố bà mẹ chỉ chợt tươi tỉnh hẳn khi đến phần công bố danh sách học sinh giỏi khá, hỉ hả khi con đạt học sinh giỏi và đau khổ buồn bực vì “nó” chỉ xếp loại khá. Nhất là năm nay, danh sách và tỉ lệ học sinh giỏi đang dài miên man. Mục cuối cùng trong một buổi họp phụ huynh cuối năm là thông báo số tiền đóng quỹ lớp đã chi tiêu vừa đủ, không phải đóng thêm, ví dụ thế…
Đó là nội dung thông thường của một buổi họp phụ huynh cuối năm đang diễn ra trong những ngày này. Còn kịch bản cho một buổi họp đầu năm hoặc đầu học kỳ thì “nặng nề” hơn. Đầu tiên cũng là thông báo chung chung về tình hình nhà trường, về lớp. Tiếp đến là thông báo về các khoản thu. Sau đó nếu cảm thấy chấp nhận được thì phụ huynh rào rào đóng tiền xong rồi về…
Tịnh không tìm thấy hai chữ “giáo dục” nào phảng phất trong cuộc họp phụ huynh nếu nó cứ diễn ra như vậy. Nghĩa là nó không phải là cuộc họp quan trọng để phối hợp giáo dục một đứa trẻ giữa thầy cô và phụ huynh, không thấy việc trao đổi kinh nghiệm dạy con giữa những phụ huynh…
Và nếu đôi lần trong cuộc đời đi họp phụ huynh, bạn được chứng kiến những cuộc họp phụ huynh khác hẳn, khi bạn nên suy nghĩ lại để cùng đóng góp cho những buổi họp phụ huynh một không khí khác.
Khi cô giáo thể hiện được tấm lòng với nghề là coi việc dạy dỗ các em là trên hết, không một phụ huynh nào có thể đem tư duy “đi họp phụ huynh chẳng qua là để nộp đủ các khoản đóng góp và miễn là không thắc mắc”, đến đối đãi lại với cô được.
Cũng thông báo về tình hình nhà trường và tình hình chung của lớp, rồi cô Tr đi vào nhận xét về từng em một trong một lớp học hơn 40 em. Cụ thể tính nết, khả năng học tập, thậm chí ai đang chơi thân với ai và việc cần phải lưu ý của từng em là gì? Hơn 40 phụ huynh thoạt đầu lơ đãng cũng chỉ nghĩ đến việc đóng tiền rồi về, đã bị cuốn theo những thông tin của cô. Biết rõ về mọi mặt của con ở lớp, biết rõ cả về bạn của con, việc tiếp theo khi về nhà sẽ dễ hơn nhiều trong việc uốn nắn, dạy bảo con. Thậm chí, sau khi nói về từng bạn một, cô Tr còn mới cô giáo dạy Văn, cô dạy tiếng Anh (bản thân cô chủ nhiệm là giáo viên Toán) vào lớp nói chuyện với các bác phụ huynh về việc học từng môn của các con, cũng cụ thể từng bạn một…Buổi họp phụ huynh kéo dài mà không ai muốn ngừng, các bố các mẹ trao đổi lại với cô và trao đổi với nhau thông tin về những đứa trẻ và kinh nghiệm trong từng việc dạy con cụ thể.
Phần làm việc sau đó của ban phụ huynh về khoản thu quỹ lớp chỉ thực hiện sau khi cô đã ra khỏi phòng họp và “tùy các bác nhưng lưu ý đừng làm gì ảnh hưởng đến uy tín nhà trường, chúng tôi đi dạy không phải để trông chờ vào khoản quỹ lớp của các con, nếu cần thì riêng phần quà cho tôi vào các dịp lễ tết tôi xin tặng lại cho các con”…
Trong đời đi họp phụ huynh của mình may mắn thay, tôi đã gặp được một cô giáo như thế. Và suốt 4 năm cấp THCS của con, các buổi họp phụ huynh chưa bao giờ chỉ là buổi nộp các khoản tiền đóng góp lẫn chỉ để thông báo bao nhiêu em đạt học sinh giỏi. Mà chuyện này không phải chuyện ngày xưa, là chuyện hôm nay, cháu cũng chỉ vừa chia tay cấp THCS được 1 năm. Điều đáng nói ở đây là kể từ sau buổi họp đầu tiên với cô, tất cả các phụ huynh ở các buổi sau đến họp với một tinh thần khác, phấn chấn, hào hứng đầy trách nhiệm trong việc đóng góp ý kiến và trong lòng đều rất trân trọng cô giáo.
Làm nghề gì thì trước hết cũng để kiếm tiền, nhưng trong xã hội, có những nghề buộc ta phải xuất hiện trong một tư thế lớn hơn cái việc kiếm tiền nếu muốn được trân trọng. Khi cô giáo thể hiện được tấm lòng với nghề là coi việc dạy dỗ các em là trên hết, không một phụ huynh nào có thể đem tư duy: “Đi họp phụ huynh chẳng qua là để nộp đủ các khoản đóng góp và miễn là không thắc mắc”, đến đối đãi lại với cô được.
Bàn về những buổi họp phụ huynh, cách thay đổi phải từ 2 phía. Nếu phụ huynh coi việc cho con đi học như là cách dùng tiền mua chữ, cha mẹ không trân trọng thầy cô thì con cái cũng thế, mà trò không trọng thầy, thì giáo dục có ý nghĩa gì? Ngược lại, các thầy cô cũng hãy tự mình thay đổi, xóa tan định kiến về những buổi họp phụ huynh chỉ để đóng tiền, hình ảnh thầy cô sẽ mang một giá trị khác, lớn hơn rất nhiều.
Theo Daidoanket