Hơn 4.000 học sinh dự tư vấn tuyển sinh tại ĐH Vinh: Nhiều câu hỏi ‘nóng’ ngành an ninh, quân đội
Sáng 9-1, mặc dù trời giá rét nhưng hơn 4.000 học sinh của tỉnh Nghệ An đã đổ về Trường ĐH Vinh để tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2021.
Hàng ngàn học sinh đã tới dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021 – Ảnh: NGỌC QUANG
8h20 phiên tư vấn chung chính thức bắt đầu với 10 chuyên gia tư vấn đến từ Bộ Giáo dục – đào tạo cũng như các chuyên gia từ các trường ĐH.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – giám đốc Trung tâm Khảo thí, phó trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội – ngay trước khi bước vào phiên tư vấn đã khuyên các học sinh đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học (đăng trên web trường), để tránh các bị trượt oan do thiếu thông tin.
Nhằm giúp cho các em học sinh có thông tin chính xác về tuyển sinh, hướng nghiệp, cập nhật nhu cầu nhân lực của thị trường, Báo Tuổi Trẻ đã mời các chuyên gia của Bộ Giáo dục – đào tạo, các trường đại học tới để tư vấn cho học sinh.
GS-TS Nguyễn Huy Bằng – hiệu trưởng Trường ĐH Vinh
Phải chính xác khi điền thông tin
Ths Hoàng Thúy Nga – Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục – đào tạo – cho biết hiện nay các trường ĐH đã tự chủ nên có rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Ths Hoàng Thúy Nga cũng dặn học sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường. Học sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, các trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp.
Học sinh phải lưu ý chỉ được trúng duy nhất một nguyện vọng. Do đó học sinh cần sắp xếp nguyện vọng cao nhất lên đầu, và các nguyện vọng tiếp theo theo thứ tự.
Học sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất bằng giấy và trực tuyến trên hệ thống. Học sinh phải có số điện thoại đăng ký trên hệ thống mới được điều chỉnh nguyện vọng.
Mọi thông tin phải hoàn toàn chính xác. Sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia, các em trúng tuyển sẽ nhận phiếu chứng nhận kết quả thi. Nếu học sinh xác nhận phiếu này, các trường này sẽ xác nhận giấy này lên hệ thống, học sinh sẽ không thể đăng ký trường khác nữa.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, đại diện bộ phận tuyển sinh – đào tạo các trường đại học, cao đẳng, trường nghề sẽ trực tiếp trao đổi, giải đáp, cung cấp thông tin cho học sinh tại hơn 50 gian tư vấn, giúp các em chọn trường, chọn nghề phù hợp năng lực và nguyện vọng, tìm hiểu cơ hội học tập, học bổng, các điều kiện phục vụ học tập của từng trường.
Các học sinh Nghệ An chăm chú nghe các thông tin tư vấn từ các thầy cô Ban tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021 – Ảnh: DOÃN HÒA
Có bệnh lý về mắt có được thi vào trường quân đội?
Rất nhiều học sinh có tật khúc xạ về mắt băn khoăn mình có quyền được xét tuyển vào khối an ninh, quân đội hay không? Liệu thi tuyển vào trường trước rồi xử lý tật khúc xạ về mắt sau được hay không?
Đại tá Vũ Hồng Khanh, Trưởng Phòng đào tạo, Học viện Biên phòng (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Một số trường vẫn lấy người có tật khúc xạ mắt là 3 độ (Trường Kỹ thuật Quân sự vẫn lấy). Còn trường chỉ huy, tham mưu ưu tiên học sinh có mắt tốt. Học sinh nên xử lý tật khúc xạ trước khi đi sơ tuyển thì tốt hơn, vì nhiều trường đòi hỏi về mắt từ khi nộp hồ sơ sơ tuyển.
Theo quy định của Bộ Quốc phòng, một số trường yêu cầu thí sinh không có bệnh khúc xạ mới tuyển. Học viện của chúng tôi vẫn phúc tra lại sức khỏe khi các em vào trường và phát hiện một số bạn có tật về mắt. Khi đó chúng tôi yêu cầu các em cam kết xử lý mắt trong thời gian nhất định. Đó là vận dụng, còn quy định thì không được. Nếu các em bị cận, tốt nhất xử lý mắt trước, để có thể thi vào trường không lấy thí sinh có tật khúc xạ về mắt”.
Liên quan đến chỉ tiêu tuyển nữ của các trường Quân y, TS Lê Đình Tùng, Trưởng Phòng quản lý đào tạo đại học, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: “Học viện Quân y tuyển 10% nữ. Để thi tuyển vào phảo có hồ sơ lý lịch, chứng nhận khám sức khỏe. Vào trường sẽ phải khám sức khỏe lại, nếu không đủ tiêu chuẩn vẫn có thể bị loại”.
Có học sinh băn khoăn “theo quy định 18 tuổi mới được mổ cận, nhưng tuyển sinh ĐH lại diễn ra lúc em 17 tuổi, có cơ hội nào cho em không?”. TS Lê Đình Tùng cho biết ngành y khuyến khích mọi người xử lý tật khúc xạ sau 18 đạt hiệu quả an toàn tối ưu, còn đó không phải quy định bắt buộc.
Đại tá Nguyễn Bá Thảo, Trưởng Phòng đào tạo, Học viên Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) giải đáp thắc mắc về ưu tiên xét tuyển tại trường – Video: MAI THƯƠNG
Quan tâm tới các ngành thực hành
Nhiều học sinh cũng quan tâm tới cơ hội được thực hành tại các trường đại học. Nguyễn Thị Thúy Nga (học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu) đặt câu hỏi tại gian tư vấn FPT Arena: “Nếu học chương trình thiết kế đồ họa tại trường thì liệu có được thực hành nhiều không, kết thúc môn học có được làm bài hết môn bằng sản phẩm hay không hay chỉ thuần lý thuyết?”.
“Càng ngày em thấy việc chú trọng thực hành ngày càng quan trọng hơn, vì không ít sinh viên sau khi ra trường thì thuần lý thuyết mà không được làm thực tế nên các cơ quan rất ngại phải đào tạo lại” – Trần Hải Nam (học sinh trường THPT Hà Huy Tập) cho biết.
Đại diện phòng Tuyển sinh FPT Arena cho biết đây là trường liên kết quốc tế, sinh viên có thể được đào tạo thực hành trong phần lớn thời gian đào tạo tại trường. Sau khi học xong, sinh viên có thể nhận văn bằng quốc tế tương đương hệ cao đẳng và có thể liên thông các trường đại học quốc tế tại Việt Nam.
Về cơ hội nghề nghiệp, sinh viên sau khi học một kỳ 5 tháng tại trường đã có thể đi làm tại các doanh nghiệp liên kết với nhà trường. Vì chương trình đào tạo chú trọng vào thực hành nghiệp vụ nên sinh viên sẽ dễ dàng quen việc ngay từ lúc mới học trên ghế nhà trường, không cần lo đến chuyện phải đào tạo lại khi vào làm việc.
Nhiều thí sinh chưa đọc Quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT !
Khảo sát tại chương trình tư vấn tuyển sinh Nghệ An sáng 9-1, phần lớn học sinh ở các trường THPT ở Nghệ An chưa nghiên cứu kỹ Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH của Bộ GD-ĐT tạo ban hành trước các kỳ tuyển sinh.
Em Trần Thu Hà (học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) cho biết: “Em và cả các bạn trong lớp chưa có cơ hội để tiếp cận với Quy chế tuyển sinh của Bộ, đến hôm nay khi em đi tham gia tư vấn thì mới lên mạng để xem. Hầu như chúng em chỉ đọc về đề án tuyển sinh của trường đại học mà mình muốn thi mà thôi”.
“Hiện tại em phải tham khảo cơ chế tuyển sinh của các trường để xem đâu là trường phù hợp với năng lực cũng như đam mê của mình để điều chỉnh việc học cho phù hợp. Còn quy chế tuyển sinh thì em nghĩ đến lúc nào mình gần sắp sửa làm hồ sơ thì sẽ đọc qua một lần” – học sinh Nguyễn Hải Bằng (học sinh trường THPT Chuyên Đại học Vinh) chia sẻ.
Hàng ngàn học sinh đến chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp sáng 9-1 – Video: NGỌC QUANG
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó trưởng Ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá rất cao học sinh Nghệ An, vì đây là tỉnh có tỉ lệ học sinh đỗ đại học cao nhất. Trong buổi tư vấn, học sinh Nghệ An hỏi rất nhiều và rất kỹ về tuyển sinh đại học năm 2021- Ảnh: MAI THƯƠNG
Học sinh Nghệ An tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh sáng 9-1 – Ảnh: MAI THƯƠNG
Mặc dù trời giá rét nhưng hơn 4000 học sinh của thành phố Vinh và các huyện nội thành đã đổ về Trường ĐH Vinh để tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2021 – Ảnh: MAI THƯƠNG
Học sinh tìm hiểu thông tin các ngành nghề tại gian hàng của các trường ĐH, CĐ – Ảnh: DOÃN HÒA
Chương trình Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp là hoạt động phối hợp thường niên giữa Báo Tuổi Trẻ TP.HCM (cơ quan của Thành đoàn TP.HCM) cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), với sự đồng hành của Tập đoàn VinGroup.
Năm nay, Báo Tuổi Trẻ có kế hoạch tổ chức 3 ngày hội và 18 chương trình Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại 21 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có tỉnh Nghệ An.
Đây cũng là hoạt động vì cộng đồng, vì thế hệ tương lai của đất nước, được Báo Tuổi Trẻ tổ chức liên tục 19 năm qua, kể từ năm 2003.
Tiêu chí điểm số hay tiêu chí nguyện vọng mang tính quyết định?
Nếu so sánh giữa hai thí sinh, tiêu chí điểm số hay nguyện vọng quyết định? Chẳng hạn điểm số thí sinh này cao hơn nhưng đó lại là nguyện vọng sau so với thí sinh kia thì ai được ưu tiên?
"Nguyện vọng 50 hay nguyện vọng 1 đều được đối xử như nhau"
Câu hỏi "Tiêu chí điểm số hay tiêu chí nguyện vọng mang tính quyết định?" được một phụ huynh gửi đến ban chuyên gia tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2020 diễn ra ngày 21/6 tại Hà Nội.
Giải đáp câu hỏi này, Thạc sĩ Phạm Văn Lương - Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GĐ&ĐT cho hay: "Giữa một bạn thì ta chọn thứ tự ưu tiên còn giữa hai bạn thí sinh so với nhau, giữa nguyện vọng thứ 1 và nguyện vọng thứ 50 thì hai bạn không có thứ tự ưu tiên nào. Giữa hai bạn cứ ai có điểm cao hơn thì bạn đó sẽ đứng vào danh sách trúng tuyển".
Thạc sĩ Phạm Văn Lương - Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GĐ&ĐT.
Bổ sung thêm thông tư vấn, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Câu hỏi này hàng năm vẫn lặp lại và thông thường thì thí sinh, phụ huynh thường có sự nhầm lẫn rằng "nguyện vọng 2 phải cao điểm hơn nguyện vọng 1".
Ông Thảo lưu ý: "Nhưng tôi xin nhắc lại, các trường đại học chỉ quan tâm đến điểm chứ không quan tâm đến thứ tự nguyện vọng. Các em nguyện vọng thứ 50 và nguyện vọng 1 chúng tôi đều đối xử như nhau, miễn là điểm các em đủ vào ngành đó.
Tuy nhiên, thí sinh lại phải quan tâm hai thứ, là trật tự sắp xếp nguyện vọng và điểm. Ví dụ, một trường chỉ lấy 10 điểm và một trường lấy 25 điểm.
Nếu bạn thí sinh đặt nguyện vọng 1 vào trường 10 điểm mà bạn được 25 điểm thì bạn phải buộc vào trường 10 điểm (vì bạn đã đặt nguyện vọng 1 ở đó).
Bạn đặt nguyện vọng 2 ở trường 25 điểm thì bạn đỗ nguyện vọng 1 (10 điểm) thì sẽ không còn cơ hội xét vào nguyện vọng 2 ở trường 25 điểm (mặc dù bạn thừa điểm). Thí sinh có thể đỗ bằng nhiều phương thức nhưng xác nhận chỉ có một lựa chọn.
Ban tư vấn tuyển sinh.
Một phụ huynh khác thắc mắc: "Con tôi đăng ký vào một trường đại học và cháu xét tuyển theo hai phương thức. Phương thức thứ nhất là cháu xét tuyển theo điểm thi, phương thức hai là nộp học bạ để xét tuyển. Tôi nghĩ có 3 trường hợp xảy ra.
Trường hợp thứ nhất, cháu đỗ vào trường bằng cả hai con đường (thi và học bạ). Trường hợp thứ hai, cháu đỗ điểm thi nhưng điểm học bạ lại không đỗ. Trường hợp thứ ba, cháu không đỗ điểm thi nhưng lại đỗ bằng xét tuyển học bạ. Vậy với từng phương thức, nhà trường sẽ xét tuyển thế nào?".
Phụ huynh đặt câu hỏi tại ngày hội.
Thạc sĩ Phạm Văn Lương - Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GĐ&ĐT cho biết, về nguyên tắc, thí sinh nộp hồ sơ theo phương thức nào thì đều được các trường (chứ không phải một trường) xét.
Nếu thí sinh nộp nhiều trường thì sẽ được các trường xét độc lập, trừ đợt xét tuyển bằng điểm thi. Nếu xét tuyển bằng học bạ, thí sinh có đủ điều kiện có thể trúng tuyển vào nhiều trường khác nhau nếu đã nộp hồ sơ vào các đợt khác nhau.
Thứ hai, nếu các trường xét tuyển trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng mà trúng tuyển. Nếu thí sinh nhập học vào trường đó thì Bộ yêu cầu nhập thông tin xác định thí sinh nhập học đó lên hệ thống.
Nếu thí sinh có đăng ký điểm thi THPT sau này có trúng tuyển thì cũng không được xét tuyển nữa, vì thí sinh đã xác định nhập học vào trường trước khi bạn điều chỉnh nguyện vọng.
Trường hợp thứ hai, thí sinh đăng ký kết quả thi THPT nhưng không nhập học luôn thì khi các trường xét tuyển bằng học bạ thí sinh vẫn có thể tham gia.
Các trường sẽ xét tuyển và thông báo trúng tuyển cho thí sinh. Nếu thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học thì có thể xét tuyển bằng các đợt bổ sung. Nên sẽ không bao giờ xảy ra trường hợp thí sinh trúng cả hai phương thức.
Tuy nhiên, thí sinh chỉ được quyền chọn một trong hai phương thức để xác định nhập học và thí sinh khi đã nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi, thì em không có quyền xét tuyển phương thức khác nữa (mặc dù phương thức khác có thể đỗ).
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.
"Khi các em buộc phải đăng ký thi để tốt nghiệp, sau khi thi xong, các em được cấp mã 8 chữ số. Do vậy khi em đỗ xét tuyển thẳng, em chỉ báo 8 chữ số đấy lên là em đã đỗ rồi thì tất cả các phương thức khác sẽ bị xóa (học bạ hay điểm thi).
Nếu em trượt tuyển thẳng mà đỗ bằng hình thức xét tuyển học bạ, khi em báo 8 chữ số ấy lên thì các phương thức khác sẽ bị xóa. Ngược lại, nếu em trượt tất cả mà chỉ đỗ thi thôi mà em không báo lên thì các phương thức khác em có đỗ hay trượt cũng không còn. Do vậy chỉ có một cơ hội thôi", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết thêm.
Tóm lại, ban tư vấn tuyển sinh lưu ý, thí sinh có thể đỗ nhiều nhưng xác nhận chỉ có một lựa chọn duy nhất. Và thứ tự sẽ là xét tuyển thẳng và học bạ được xét trước, nếu không sẽ xét tiếp hình thức khác. Thí sinh gửi 8 chữ số đến trường nào sẽ nhập học ở trường đó.
Những giải đáp về ngành Y
Những thắc mắc liên quan đến tuyển sinh vào Đại học Y Hà Nội nói riêng và ngành Y dược nói chung được GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội giải đáp.
Một thí sinh đặt câu hỏi thắc mắc về ngành Răng - hàm - mặt: "Điểm chuẩn năm 2019 có chỉ tiêu phụ là thứ tự nguyện vọng sẽ phải nhỏ hơn hoặc bằng nguyện vọng 2. Năm nay, khi thi em có thể đặt nguyện vọng vào Răng hàm mặt ở nguyện vọng 3 được không?".
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, thí sinh này hoàn toàn có thể đặt được tuy nhiên nếu điểm của em trúng vào nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 thì em sẽ mất cơ hội vào nguyện vọng 3. Nếu em thích nhất Răng hàm mặt thì nên đặt ở nguyện vọng 1.
Cũng liên quan đến khía cạnh nguyện vọng, một nam thí sinh hỏi: "Cứ điểm cao là đỗ vào trường hay có giới hạn nguyện vọng không?".
Thầy Tú cho biết, tất nhiên, điểm thì phải điểm cao rồi thì mới đỗ vào những nguyện vọng cạnh tranh lớn. Tuy nhiên việc các em xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên sẽ rất quan trọng vì nếu em đỗ cao nhưng em lại xếp nguyện vọng em yêu thích ở thứ 3, thì khi đạt điểm cao em sẽ được chốt ở nguyện vọng thứ 1, tất cả nguyện vọng sau đó đều bị loại (kể cả trường yêu thích nhất).
Một lần nữa, thầy Tú lưu ý, thí sinh nên xếp thứ tự nguyện vọng em thích nhất ở thứ nhất. Bộ GD&ĐT không giới hạn nguyện vọng cho nên em có thể có 10-20 nguyện vọng và nhiều hơn nữa.
Một bạn trẻ khác quan tâm đến ngành Y học dự phòng băn khoăn: "Sau khi tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở đâu?".
Thầy Tú cho biết: "Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại bệnh viện. Tuy nhiên, y học dự phòng chỉ là khám chữa bệnh ban đầu chứ không phải khám chuyên khoa như bác sĩ y khoa.
Thứ hai, em có thể tham gia vào các trung tâm kiểm soát, dự phòng bệnh tật, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu với phạm vi khá rộng nhưng nó sẽ thiên hướng về dự phòng bệnh tật hơn là chữa trị một bệnh tật cụ thể".
"Cho em hỏi Y khoa phân hiệu Thanh Hoá là sao, học ở đâu, có như học ở Hà Nội hay không?", một thí sinh gửi câu hỏi.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.
Theo Hiệu phó Đại học Y Hà Nội, phân hiệu ở Thanh Hoá chỉ khác trường chính ở vị trí địa lý, nếu phụ huynh có điều kiện vào thăm sẽ thấy rất khang trang, hiện đại, nằm cách Sầm Sơn 9-10 km, chương trình đào tạo 100% như Đại học Y Hà Nội và tất cả thầy cô giảng dạy đều không có gì khác biệt.
Trả lời câu hỏi "Có những trường nào đào tạo ngành Dược mà xét tuyển khối B hoặc khối D ở miền Bắc hay không?", thầy Tú chia sẻ: "Tôi biết có nhưng để chính xác các em nên vào website của các trường để xem đề án tuyển sinh.
Ví dụ như trường Đại học Dược Hà Nội, Khoa Y - Dược Đại học Quốc gia, các trường Y thường đều có khoa Dược (trừ Đại học Y Hà Nội là không đào tạo ngành Dược). Có nhiều trường đã đào tạo Dược bằng khối B".
Liên quan đến câu hỏi về học phí năm học này của trường Đại học Y Hà Nội là bao nhiêu, Hiệu phó nhà trường cho hay, học phí năm nay như những năm trước nhưng tăng thêm 10%, trường chưa có thay đổi lớn về học phí.
Hướng nghiệp từ gốc Thời điểm học sinh lớp 9 và lớp 12 kết thúc thi học kỳ I cũng là lúc rộ nở các hoạt động tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2021. Ảnh minh họa/INT Không chỉ tổ chức các chương trình tư vấn độc lập trực tuyến và trực tiếp, nhiều trường ĐH, CĐ, trung cấp còn...