Hơn 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2016
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2016, Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.
Ngày 23/5, lễ ra mắt sổ tay “Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!” diễn ra tại trường THCS Trung Hòa (Hà Nội). Đây là một trong những nỗ lực nhằm bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Dragana Strinic – Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam – nhấn mạnh: “Không có công việc nào tuyệt vời hơn, nhưng đồng thời lại khó khăn hơn việc làm cha mẹ. Từ thời khắc trở thành cha mẹ, cuộc sống của chúng ta thay đổi. Mối quan tâm lớn nhất là làm thế nào đảm bảo cho con mình lớn lên an toàn, khỏe mạnh và vui vẻ”.
Bà Dragana Strinic nói về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Sương.
Bà cũng khẳng định trẻ em vẫn thường xuyên gặp nguy hiểm, thậm chí bị xâm hại. Đây là một trong những mối bận tâm hàng đầu, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác, trong đó có Thụy Điển.
Ông Pereric Hgberg – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam – nhấn mạnh đầu tư cho trẻ em và thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, bảo vệ các em khỏi bạo lực và lạm dụng là ưu tiên hàng đầu của mọi người. Các hành vi xâm hại trẻ em ở bất cứ quốc gia, môi trường, hoàn cảnh nào đều không thể chấp nhận.
Ông cho rằng phụ huynh nên bỏ qua những ngại ngùng để nói chuyện với con về vấn đề liên quan cơ thể, những giới hạn, mối quan hệ thân mật. Đã đến lúc, người lớn trò chuyện với trẻ em thay vì cùng nhau thảo luận về trẻ.
“Kinh nghiệm tại Thụy Điển cho thấy việc trò chuyện cởi mở với trẻ về quyền đối với chính cơ thể mình và những giới hạn cần thiết khi tiếp xúc cơ thể là rất quan trọng”, ông chia sẻ.
Video đang HOT
Việc hỗ trợ dịch và phát hành sổ tay “Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!” là một trong những hành động nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ.
Cuốn sổ tay đưa ra những lời khuyên hữu ích và tư vấn cho các bậc phụ huynh về cách giáo dục trẻ ở lứa tuổi khác nhau để trẻ tự bảo vệ mình khỏi bị lạm dụng tình dục.
Với cách tiếp cận dễ hiểu, sổ tay cung cấp những gợi mở làm thế nào để nói chuyện một cách thoải mái, cởi mở về tình dục – chủ đề vốn khó nói – cùng các bộ phận nhạy cảm, riêng tư trên cơ thể. Nó cũng thông tin thế nào là động chạm an toàn và không an toàn, những gì được phép hay không được phép khi tiếp xúc với trẻ.
GS.TS Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định: “Cuốn sách được dịch và xuất bản không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn lâu dài trong bối cảnh xâm phạm tình dục trẻ em đang là vấn nạn nhức nhối đối với xã hội Việt Nam”.
Theo Zing
Nhóm sinh viên lập dự án ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em
Giáo dục giới tính cho trẻ em, người khuyết tật để giúp họ có kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại tình dục là mục đích mà dự án S Project hướng tới.
Dự án giáo dục giới tính S Project do nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thành lập vào cuối năm 2015. Mục đích của dự án là giúp trẻ em có sự hiểu biết đúng đắn về giới tính, tránh xa nguy cơ về xâm hại tình dục và có kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Giáo dục giới tính - Nói đi đừng ngại
Với phương châm "Giáo dục giới tính - Nói đi đừng ngại", S Project hy vọng xóa bỏ mọi rào cản của trẻ em với bố mẹ, thầy cô, từ đó người lớn có thể trao đổi và dạy các em về giới tính.
Ban đầu, dự án hướng tới trẻ em từ 9-12 tuổi, lứa tuổi có nhiều sự tò mò về giới tính nhất nhưng lại khó có khả năng nhận thức hay tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ xâm hại tình dục.
Để mang đến nhận thức đúng đắn về giới cho các em, ban tổ chức dự án thực hiện hoạt động giảng dạy, tổ chức các cuộc thi hay dự định tạo những buổi talk show thẳng thắn về giới tính.
Bạn Nguyễn Thị Song Trà (20 tuổi, sinh viên ngành Thông tin đối ngoại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), người sáng lập dự án, cho biết ý tưởng được hình thành vào kỳ nghỉ lễ 30/4/2015.
Khi đó, một em bé 10 tuổi hỏi Trà rằng mình được sinh ra từ đâu, tại sao bố mẹ lại sinh được em bé, yếu sinh lý là gì. Những câu hỏi ngây ngô của em khiến cô sinh viên trường báo lúng túng và trăn trở nhiều tháng. Câu hỏi làm thế nào để giúp các em nhỏ hiểu đúng đắn về những vấn đề giới tính luôn thường trực trong đầu cô bạn.
Song Trà (áo trắng) trong một tiết giáo dục giới tính cho người khuyết tật tại Trung tâm Nghị lực sống. Ảnh: S Project.
Từ đó, Trà bắt đầu tìm hiểu thông tin về giáo dục giới tính ở trẻ em qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng.
Tháng 8/2015, Trà lên kế hoạch thực hiện dự án với những hoạt động như giảng dạy, tổ chức các cuộc thi về giới tính, hướng tới trẻ em từ 9-12 tuổi. Sau đó, 9X bắt đầu tuyển thành viên cho dự án, là những người bạn cùng lớp đại học với mình. Khi tập hợp được 6 người, nhóm bạn bắt tay thực hiện kế hoạch bằng việc dạy về giới tính tại một số trường tiểu học tại Hà Nội.
Những bức tranh buồn
Ngoài tiết dạy giáo dục giới tính tại các trường học, S Project tổ chức cuộc thi vẽ tranh về vấn đề này. Cuộc thi nhận được hơn 200 bài từ khắp nơi trên cả nước.
Những bức tranh dự thi thể hiện thắc mắc hay kể lại những câu chuyện, trải nghiệm đau lòng của nhiều bạn trẻ khi thiếu hiểu biết về giới tính: 15 tuổi mang thai ngoài ý muốn, sinh viên đại học năm thứ tư ám ảnh vì quá khứ bị xâm hại tình dục...
S Project cũng triển khai các tiết học cho người khuyết tật ở Trung tâm Nghị lực sống tại Hà Nội. Theo nữ sinh sáng lập dự án, vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản của người khuyết tật gần như chưa được nhắc tới, trong khi họ là đối tượng dễ bị xâm hại tình dục hơn cả.
Tranh dự thi về nạn xâm hại tình dục nữ sinh nơi công cộng. Ảnh: S Project.
Trà cho biết nhóm sẽ mở rộng phạm vi hoạt động đến các tỉnh miền Trung, đặc biệt những nơi đang phát triển mạnh về du lịch. Việc phát triển du lịch khiến trẻ em tại các địa phương này phải đối mặt nguy cơ bị xâm hại tình dục cao hơn nhiều lần.
Chia sẻ về một năm thực hiện dự án tâm huyết, 9X cho biết quá trình thực hiện đem lại nhiều kiến thức về giới tính mà trước đây Trà không biết. Những bài học giới tính mà cô bạn được học rất sơ sài, thiếu căn bản, không đủ để có thể đương đầu những nguy cơ bị xâm hại tình dục luôn tiềm ẩn trong cuộc sống.
Chính vì thế, nữ sinh hy vọng dự án của nhóm ngày càng được lan tỏa, phát triển, góp phần giảm bớt những nguy cơ bị xâm hại tình dục của trẻ em, để những câu chuyện buồn về giới tính sẽ không còn được kể lại trong những bức tranh hay bức thư giấu kín nữa.
Theo Zing
'Nếu bị xâm hại tình dục, con sẽ tấn công lại kẻ xấu' Hét lên, tấn công lại vào "vùng đồ bơi", nói không với người lạ là những chia sẻ của học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du, Hà Nội, sau buổi học phòng chống xâm hại tình dục. Sáng 11/4, chia sẻ cùng học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, thạc sĩ giáo dục học...