Hội thi tìm hiểu lịch sử ‘Em yêu Tổ quốc Việt Nam’ dành cho thiếu nhi
Ngày 30/9, Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khởi động Hội thi tìm hiểu lịch sử dành cho thiếu nhi chủ đề “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” lần 7 năm 2019.
Các đại biểu bấm chuông khai mạc hội thi.
Hội thi diễn ra từ 30/9 đến 27/10, với các phần thi cá nhân và tập thể. Phần thi cá nhân được tổ chức theo hình thức trực tuyến, dành cho học sinh trong cả nước (từ lớp 4 đến lớp 9); phần thi tập thể theo đội dành cho học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương chia sẻ, Hội thi nhằm giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam thông qua việc tìm hiểu các kiến thức về lịch sử truyền thống dân tộc, lịch sử tổ chức Đoàn – Đội. Với các phần thi được thiết kế sinh động, Hội thi mang tinh thần vừa thi vừa tìm hiểu, vừa học vừa chơi, sẽ tạo thêm hứng thú cho các em trong việc học tập môn lịch sử.
Nội dung Hội thi xoay quanh các kiến thức lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, quá trình xây dựng và phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh; chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc; những nét đặc trưng cơ bản, tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam; tìm hiểu về tác phẩm “Lịch sử nước ta”, Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và những câu chuyện, tác phẩm của Bác Hồ liên quan đến thanh, thiếu niên; lịch sử truyền thống của tổ chức Đoàn – Đội, các gương anh hùng nhỏ tuổi; quá trình xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh…
Thí sinh dự thi phần thi cá nhân theo hình thức trực tuyến.
Video đang HOT
Ở phần thi cá nhân, mỗi thí sinh đăng ký một tài khoản dự thi và được thi tối đa ba lần/tuần tại địa chỉ www.eytqvn.muctim.com.vn. Ở mỗi tuần sẽ có ba phần thi: Tự hào truyền thống ( trắc nghiệm), Theo bước chân những người Anh hùng (lắp ghép hình ảnh) và Em yêu Tổ quốc Việt Nam (điền từ vào chỗ trống). Riêng tuần thi thứ 3 sẽ có thêm phần thi với câu hỏi tự luận. Các thí sinh tham gia từng tuần và tích lũy điểm tổng của 3 tuần để xếp hạng chung cuộc.
Ở phần thi tập thể, mỗi quận, huyện thành lập hai đội tuyển cấp tiểu học và trung học cơ sở, mỗi đội gồm 10 người. Sau vòng sơ khảo (trắc nghiệm và trò chơi vận động), Ban tổ chức sẽ chọn năm đội có số điểm cao nhất của mỗi khối tham dự vòng thi chung kết được tổ vào cuối tháng 10/2019.
Tin, ảnh: T.Hoài
Theo TTXVN
Loay hoay với chương trình giáo dục địa phương
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc, có vị trí tương đương với một môn học.
Việc xây dựng chương trình GDĐP có chức năng bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc, thống nhất trong cả nước là điều không hề đơn giản đối với các Sở GD&ĐT.
HS Đà Nẵng tham quan triển lãm Tư liệu báo chí về Hoàng Sa tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng). Ảnh: T.G
Rập khuôn nội dung giáo dục chính khóa
Thực hiện Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2008 - 2009 đến nay, phần chương trình địa phương đều trở thành môn học của các khối lớp. Những tiết học đan xen nội dung lịch sử - địa lí - văn hóa của địa phương, HS không chỉ có điều kiện hiểu sâu hơn, cụ thể hơn về môn học mà còn có sự liên hệ thực tế rất gần gũi, tạo được hứng thú mới đối với các môn xã hội và góp phần củng cố thêm vốn kiến thức và tình yêu quê hương.
Qua nghiên cứu tài liệu GDĐP của một số địa phương như Gia Lai, Quảng Bình, Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau, Hưng Yên, ông Bùi Quý Khiêm - Chánh Văn phòng, Sở GD&ĐT Đồng Tháp nhận xét: "Cách thực hiện của các địa phương tương đối giống nhau: Tài liệu phân thành từng môn riêng: Lịch sử, Ngữ văn, Âm nhạc, Giáo dục công dân địa phương... Trong từng môn phân chia theo từng cấp học, trong từng cấp phân thành từng bài, từng tiết cụ thể".
Ông Khiêm cho rằng: Việc thực hiện như trên là đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, bảo đảm khối lượng kiến thức cung cấp, phù hợp với năng lực tiếp thu của từng đối tượng HS. "Tuy nhiên, việc biên soạn tài liệu GDĐP như trên có phần máy móc và rập khuôn, giống như nội dung giáo dục chính khóa. Trong quá trình dạy học, GV và HS dường như sẽ đóng khung trong nội dung, kiến thức của tài liệu đó, độ "mở" của tài liệu chắc chắn sẽ có nhưng chưa đủ rộng và phù hợp với thực tế của địa phương trong từng tỉnh, thành phố" - ông Khiêm cho biết.
Các tài liệu GDĐP hiện nay cũng chưa thể hiện định hướng phát triển năng lực người học, cấu trúc bài học còn đơn giản, chưa chú ý đến việc tích hợp kiến thức liên ngành và tổ chức các hoạt động học tập cho HS... Cách xây dựng nội dung lâu nay của các Sở chủ yếu dựa vào quy định của chương trình giáo dục hiện hành và minh họa các quy định đó bằng dữ liệu địa phương, sau đó tổ chức các hội đồng thẩm định và thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy địa phương.
Tuy nhiên, với Chương trình GD phổ thông mới, các địa phương phải tự tổ chức xây dựng, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương, sau đó báo cáo để Bộ GD&ĐT phê duyệt.
PGS.TS Hà Thanh Việt - Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh cho rằng: Khi triển khai Chương trình GD phổ thông mới, nếu các Sở GD&ĐT vẫn dựa vào chương trình quốc gia để phiên sang hoặc địa phương hóa các nội dung sẽ rất khập khiễng. "Khập khiễng vì ngay từ mục tiêu của hai chương trình đã không giống nhau cả về cấp độ và quy mô. Khả năng này về cả tính khoa học, tính thực tiễn đều không cho phép" - PGS.TS Hà Thanh Việt phân tích.
Điều chỉnh để đón đầu đổi mới
Ông Bùi Quý Khiêm nhận định: "Việc điều chỉnh dạy học nội dung GDĐP ngay từ thời điểm này theo hướng tiếp cận quan điểm của Chương trình GD phổ thông mới là cần thiết".
Theo đó, ngoài cập nhật thêm các nội dung về những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương vào tài liệu hiện có. "Sở GD&ĐT Đồng Tháp chủ trương từng bước điều chỉnh phương pháp dạy học nội dung GDĐP từ việc giảng dạy các tiết học theo bài, mô đun, chủ đề... đã quy định dành cho GDĐP, đưa nội dung này thành một phần của tiết học như hiện nay chuyển sang hướng dạy học tích hợp, khai thác sâu các nội dung có liên quan đến địa phương vào bài học chính khóa.
Dự kiến, Sở GD&ĐT Đồng Tháp sẽ thực hiện 2 tài liệu: Tài liệu GDĐP tỉnh Đồng Tháp cấp tiểu học và tài liệu GDĐP cấp THCS và THPT. Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng một phần mềm trực tuyến phục vụ cho HS và GV trong việc dạy - học nội dung GDĐP" - ông Khiêm thông tin.
PGS.TS Hà Thanh Việt lý giải: "Để thực hiện nhiệm vụ GDĐP trong chương trình tổng thể quy định, việc biên soạn chương trình khung về địa phương là điều kiện tiên quyết. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực biên soạn và ngữ liệu về các vấn đề thời sự, kinh tế, văn hóa của địa phương dưới dạng các văn bản đa phương thức rất quan trọng, quyết định đến việc biên soạn thành công tài liệu dạy học địa phương theo nhiệm vụ giáo dục phổ thông trong chương trình mới".
Theo kinh nghiệm của các GV Tổ Ngữ văn, Trường THCS Kim Đồng (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), bài giảng chương trình địa phương nên dạy bằng giáo án điện tử, bởi cần phải có nhiều hình ảnh minh họa. Phần trình chiếu trên máy tính bao giờ cũng đẹp hơn nhiều so với hình ảnh quá nhỏ trên giấy, nếu scan lớn trên giấy để học trò có thể quan sát được thì rất đắt và tốn kém. Dạy trên máy, GV có thể sử dụng các hình ảnh động và có thể tận dụng các hiệu ứng theo ý đồ của bài dạy, vừa tạo trực quan sinh động vừa có tính giáo dục cao. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy nên lưu ý về các địa danh, bổ sung tài liệu hỗ trợ nghe, nhìn và tăng cường đi thực tế.
Ở một khía cạnh khác, ông Bùi Quý Khiêm cho rằng: Trong thực hiện nội dung GDĐP mới, cần chú ý tính "địa phương trong địa phương" vì nội dung GDĐP chung được biên soạn cho cả tỉnh, khó có thể bao quát được tính đặc thù của từng huyện, xã... "Để nội dung GDĐP đến và được HS tiếp nhận một cách thực chất, cần bổ sung thêm các nội dung liên quan trực tiếp đến địa phương nơi trường đóng, nơi HS ở.
Do vậy, ngay trong thời gian chuẩn bị triển khai Chương trình GD phổ thông mới, trong đó có nội dung GDĐP, các trường học và GV cần chủ động chuẩn bị các nội dung có liên quan đến địa phương mình để lồng ghép, tích hợp vào dạy học" - ông Khiêm gợi ý.
Hà Nguyên
Theo giaoducthoidai
TP.HCM: Lần đầu tiên tổ chức Hội sách thiếu nhi Đường sách TP.HCM đang diễn ra Hội sách thiếu nhi TP.HCM (từ ngày 27- 29/9) với chủ đề "Mở trang sách - Sáng tương lai". Đây là hội sách thiếu nhi đầu tiên được tổ chức tại đây nhằm khuyến khích tinh thần đọc sách của người dân, đặc biệt là các em nhỏ. Các em nhỏ thích thú đến với hội sách...