Hội nhập ASEAN – Kỳ 4: Nhiều nước đã đi trước
Trong khi Việt Nam vẫn còn mơ hồ, loay hoay và tự phát trước việc hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thì nhiều nước trong khu vực đã có những kế hoạch bài bản cho điều này.
Hình ảnh về các nước ASEAN được in trên những bảng, biểu lớn bán tại bất kỳ nhà sách nào, kể cả ngoài đường phố ở Thái Lan – Ảnh: Minh Quang
Quảng bá từ trường mẫu giáo
Chỉ cần bước xuống sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan), du khách thấy ngay những hình ảnh về AEC. Đó là quốc kỳ của 10 nước ASEAN xếp vòng tròn quanh con số 2015.
Nếu đi vào bên trong Bangkok hay đến bất kỳ tỉnh nào của đất nước này, hình ảnh về AEC càng rõ hơn. Chính phủ Thái Lan đánh giá cao tầm quan trọng của AEC đối với khu vực cũng như sự phát triển của đất nước này. Vì vậy từ 2 năm nay, Thái Lan bắt đầu quảng bá về AEC thông qua nhiều kênh và hình thức từ trường học, báo chí, phim ảnh, hoạt động xã hội…
Qua hệ thống giáo dục, giới chức nước này đưa những bài học về AEC vào trong từng lớp học ở các cấp từ mẫu giáo cho đến đại học. Tùy trình độ học sinh mà các trường lồng ghép những kiến thức này vào bài học sao cho hiệu quả. Theo quan điểm của chính phủ Thái Lan, AEC là vấn đề của cả xã hội, không riêng nhóm nào nên việc tuyên truyền không giới hạn độ tuổi.
Ở bậc mẫu giáo, giáo viên dạy cho học sinh nhận biết quốc kỳ của 10 nước ASEAN thông qua chương trình đố vui. Giáo viên cũng dạy cho học sinh vài câu chào hỏi thông dụng bằng ngôn ngữ của cả 10 nước. Lứa tuổi lớn hơn như tiểu học hoặc THCS, học sinh được học về văn hóa, lịch sử giản lược của 10 nước trong khu vực. Ở THPT và ĐH, học sinh và sinh viên tự tổ chức những hoạt động như ngày ASEAN, tuần văn hóa Đông Nam Á… để tìm hiểu sâu hơn về AEC cũng như những ảnh hưởng của tổ chức này lên xã hội, kinh tế, lao động và cả cuộc sống của người dân Thái.
Từ đầu năm 2013, Thái Lan bắt đầu cho xây dựng các trung tâm ASEAN ở các tỉnh thành lớn, ngoài giới thiệu thông tin về AEC còn giảng dạy ngôn ngữ chính được dùng khi hội nhập. Truyền hình không ngày nào không có kênh nói về tổ chức này thông qua nhiều góc nhìn khác nhau như kinh tế, văn hóa Đông Nam Á, du lịch khám phá Mekong, dạy các ngôn ngữ trong khu vực…
Video đang HOT
Năm 2014 có khung chương trình tương thích với khu vực Về phía Bộ GD-ĐT, việc chuẩn bị hội nhập cho giáo dục dường như chưa thực sự bắt đầu. GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đang triển khai xây dựng khung trình độ quốc gia làm cơ sở đánh giá kỹ năng, trình độ, chuẩn đầu ra của người học ở các cấp học khác nhau. Khung này sẽ có chuẩn tương thích với các nước trong khu vực, sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá trình độ người lao động trong quá trình hội nhập. Ông Ga cho biết, dù đã khởi động việc xây dựng từ trước đó nhưng phải đến năm 2014 Bộ mới có thể công bố khung này. “Thời gian không còn nhiều và mọi việc cũng hết sức khó khăn nhưng chuẩn bị hội nhập là việc phải làm và không thể chậm trễ”, ông Ga nói thêm. Hà Ánh
Điều chỉnh giáo dục theo hướng tăng khả năng hội nhập
Tháng 9.2012, Malaysia chính thức công bố và lấy ý kiến bản Quy hoạch giáo dục 2013 – 2025 nhằm vạch ra hướng phát triển cho giáo dục nước này trong hơn một thập niên tới.
Lời nói đầu của bản quy hoạch dài 286 trang với 8 chương nhìn nhận vai trò quan trọng của giáo dục trong việc phát triển nguồn vốn kinh tế và xã hội của đất nước này, đặt mục đích cho việc quy hoạch giáo dục phải làm sao tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của đất nước trong một nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu.
Bản quy hoạch giáo dục xác định 11 lĩnh vực cần thay đổi để đạt được mục đích chung, như sau: Tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng cao theo những tiêu chuẩn quốc tế. Đảm bảo mọi học sinh đều thành thạo tiếng Malaysia (tiếng mẹ đẻ) và tiếng Anh. Đến năm 2016, tiếng Anh sẽ trở thành môn thi bắt buộc tốt nghiệp trung học; đến năm 2025, mọi học sinh sẽ học thêm một ngoại ngữ thứ hai. Cải thiện điều kiện làm việc của các giáo viên để thu hút được những tài năng tốt nhất cho ngành giáo dục. Đặc biệt, từ năm 2013 chỉ chấp nhận các học sinh thuộc top 30% đầu tiên để đào tạo thành giáo viên, giảm thiểu các công việc hành chính để giáo viên có thể tập trung vào công tác chuyên môn. Chú trọng phát triển năng lực lãnh đạo tại các trường phổ thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy giáo dục chất lượng cao trên toàn bộ đất nước Malaysia…
Kèm theo từng lĩnh vực cần thay đổi là các giải pháp và chỉ tiêu cụ thể, cùng lộ trình thực hiện sao cho những thay đổi này có thể diễn ra một cách đều đặn, không làm tăng áp lực bất thường lên hệ thống. Một điểm đáng chú ý nữa là bản quy hoạch này chú trọng vai trò của các tác nhân khác nhau trong toàn hệ thống: học sinh, giáo viên, nhà trường, bộ giáo dục và toàn xã hội.
Những người trẻ tiên phong Dù chỉ được đào tạo ở các trường ĐH ở Việt Nam nhưng bằng nỗ lực tự thân, nhiều trí thức trẻ vẫn có khả năng làm việc ở nước ngoài và cạnh tranh được với lao động bản xứ. Nguyễn Thu Hồng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế kể từ khi tốt nghiệp từ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng trông cô rất tự tin và nhanh nhẹn khi làm việc trong môi trường quốc tế tại Thái Lan. Hồng cho biết nhóm làm việc của cô có nhiều người đến từ khu vực ASEAN và tất cả phải cạnh tranh với nhau để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của công ty. Vũ Song Hào, tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đang tham gia dự án thiết kế hóa dầu lớn của Tập đoàn Foster Wheeler (Mỹ) có trụ sở tại Chonburi, Thái Lan. Hào được giao thiết kế một phần trong dự án khai thác dầu ở Trung Đông, một dự án huy động đến 200 kỹ sư. Bùi Minh Đức, tốt nghiệp từ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, mới làm quen với công việc ở Thái Lan từ đầu năm 2013. Đặng Thu Hường, cử nhân của Trường ĐH Ngoại thương cũng đang làm việc cho một công ty ở Bangkok… Những người trẻ được đào tạo ở Việt Nam làm việc ở nước ngoài không nhiều bởi thua về trình độ chuyên môn, hạn chế về kỹ năng làm việc nhóm, đặc biệt chưa chuẩn trong giao tiếp tiếng Anh. Thế nhưng những trí thức trẻ này không đợi khi AEC mở cửa mà đã dám thử thách mình trong môi trường quốc tế. Tuy nhiên với kinh nghiệm của mình, các bạn cho rằng được đào tạo với kiến thức như hiện nay chưa đủ mà phải có thêm kinh nghiệm để có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình đào tạo, khi đó mới có thể nằm trong tầm ngắm của công ty ở nước ngoài.
Minh Quang (Văn phòng Bangkok)
Theo TNO
Hội nhập ASEAN - Kỳ 3: Cần biết người, biết ta
Không chỉ cần chương trình đào tạo chất lượng, đạt chuẩn, sinh viên còn phải nhận biết và khắc phục những điểm yếu của mình để không dẫn đến tình trạng chính doanh nghiệp Việt Nam phải thuê quản lý từ các nước khác thay vì người trong nhà.
Đông đảo thanh niên tham gia ngày hội việc làm "Phỏng vấn thử - Thành công thật" tại TP.HCM nhằm học hỏi kinh nghiệm từ nhà tuyển dụng và tìm kiếm cơ hội việc làm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Yếu ngoại ngữ, ngại đặt vấn đề, thiếu kỹ năng mềm cần thiết
Ông Masaki Yamashita, Tổng giám đốc The Bank of Tokyo-Mitsibishi (UFJ) Chi nhánh TP.HCM, nhận định: "Kiến thức chuyên ngành của lao động Việt Nam rất tốt, rất sâu rộng nhưng các bạn lại gặp khó khăn trong việc chuyển những kiến thức đó thành kỹ năng làm việc, cũng như ứng dụng vào thực tế". Ông Masaki Yamashita thẳng thắn cho biết: "Hầu hết các công ty, doanh nghiệp nước ngoài đều ít hài lòng với nguồn nhân lực của Việt Nam vì nhìn chung kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm của người Việt Nam còn rất kém". Ông còn nêu thực tế: "Sinh viên học được rất nhiều điều ở trường, nhưng những kiến thức đó lại không được các em ứng dụng thành kỹ năng trong công việc. Khi có vấn đề nào đó xảy ra, các em lại không thể trò chuyện hay trao đổi được với các cấp quản lý của mình".
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, cho rằng so với các nước, lao động Việt Nam còn yếu nhiều kỹ năng. Bà Vân Anh phân tích: "Không chỉ làm việc nhóm mà những kỹ năng mềm khác như trình bày, tinh thần đồng đội, thuyết trình, xử lý công việc khi gặp khủng hoảng, biết lắng nghe, truyền đạt... đều rất nghèo nàn. Nhiều nhà tuyển dụng phải tốn thêm chi phí để đào tạo lại. Người Việt Nam còn rất ngại hỏi do đó không học hỏi được nhiều".
Về khả năng ngoại ngữ, bà Vân Anh cho biết: "Rõ ràng trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam kém hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Không thể so với Singapore, ngay cả với Philippines hay Thái Lan, chúng ta đã bị bỏ lại một khoảng cách khá xa. Kém ngoại ngữ sẽ dẫn đến việc mất đi các cơ hội để học hỏi và phát triển nghề nghiệp".
Trong khi đó, sinh viên tỏ ra không ý thức rõ về những vấn đề này. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, đưa ra thông tin sau: Khảo sát trên 5.000 sinh viên từ ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM và của trung tâm này, kết quả cho thấy nhận thức của sinh viên về kỹ năng nghề hoàn toàn lệch với mong muốn của nhà tuyển dụng. Chẳng hạn sinh viên cho rằng kiến thức chuyên môn là điều quan trọng nhất, sau đó là ngoại ngữ, tin học rồi mới đến kỹ năng mềm và thực hành. Trong khi các nhà tuyển dụng cho rằng các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp quan trọng tương đương với trình độ chuyên môn.
Các tiêu chí được nhà tuyển dụng đánh giá cao
Theo kết quả điều tra của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong các tiêu chí để đánh giá chất lượng của người lao động, có 3 tiêu chí sau đây được các nhà tuyển dụng đánh giá cao: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng xử lý thực tế, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm (chiếm 30%); có kỷ luật, đạo đức (chiếm 20%); trình độ văn hóa, kiến thức cơ bản 10%.
Thiếu tính chuyên nghiệp, tư duy toàn cầu
Ông Trần Tiến Công, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần huấn luyện Việt Nam (Vietnam Coaching Institute), nhận xét: "Phần lớn nguồn nhân lực Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp, tự giác. Cho dù họ có năng lực nhưng nếu làm việc dưới sự giám sát gắt gao của cấp trên thì họ mới làm ra sản phẩm, còn nếu ít sự giám sát thì họ thường lơ là". Vì vậy, theo ông Công, mỗi cá nhân cần nâng chuẩn của mình lên và gắn kết với nhau, hướng tới mục tiêu chung của tổ chức.
Là chuyên gia huấn luyện năng lực tư duy của sinh viên và đào tạo quản lý nhân sự, thạc sĩ Trần Minh Trọng - Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực (thuộc Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp) kiêm Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của Trường ĐH Văn Hiến, khẳng định: "Một trong những cái đầu tiên chúng ta thiếu khi hội nhập quốc tế chính là tư duy toàn cầu". Ông Trọng lý giải: "Khi giải quyết vấn đề nào đó, chúng ta không nên bó hẹp tầm nhìn trong cái khung cá nhân hay đơn vị, doanh nghiệp, thậm chí là phạm vi quốc gia mà hãy kết nối, suy nghĩ đó là vấn đề toàn cầu. Điều này sẽ giúp chúng ta có sự tự chủ, cái nhìn toàn diện và sự bình tĩnh hơn".
Thạc sĩ Trọng cho rằng, do yếu tố văn hóa và giáo dục, nhiều thanh thiếu niên Việt Nam không được dạy phương pháp để tư duy, dẫn đến khả năng năng lực tư duy dần dần bị thui chột nên khó có thể hội nhập với thế giới bên ngoài. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia khác chú trọng về năng lực tư duy để mỗi người biết cách suy nghĩ, quan sát, sáng tạo, đưa ra cách giải quyết vấn đề trên cơ sở suy nghĩ logic, hệ thống, có sự trao đổi, phản biện. "Biết phương pháp tư duy, thái độ tích cực về cuộc sống và tính kiên trì, ý chí nghị lực là 3 yếu tố rất cần thiết cho sinh viên hay bất kỳ một người nào khác. Và đó cũng là những phẩm chất gốc rễ để thành công trong môi trường toàn cầu", thạc sĩ Trọng nhấn mạnh.
Những ngành là thế mạnh của Việt Nam
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), một trong những ngành Việt Nam có lợi thế khi hội nhập chính là công nghệ thông tin. Lý do là tố chất người Việt phù hợp học các ngành công nghệ mới. Ngành này cũng không đòi hỏi tài nguyên, máy móc, thiết bị quá nhiều. Ngoài thị trường Mỹ, Nhật Bản cũng đang chuyển hướng hợp tác với quy mô lớn sang Việt Nam và Indonesia trong thời gian tới. Điều này tạo nên môi trường rất tốt để nhân lực công nghệ thông tin phát triển chuyên nghiệp hơn. "Xét trong khu vực, ngoại trừ sinh viên từ các trường như ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Nanyang (Singapore) đã đạt đẳng cấp quá cao, việc đào tạo ngành công nghệ thông tin của chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng với tất cả các nước khác ở Đông Nam Á", ông Quân nhận định. Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, ngành sửa chữa ô tô cũng là thế mạnh của nước ta. Đây cũng là ngành được Tổng cục Dạy nghề đang xây dựng chuẩn đào tạo để ngang với chuẩn của Đông Nam Á.
Theo TNO
Hội nhập ASEAN - Kỳ 2: Để không bị loại khỏi cuộc đua Dù muộn còn hơn không, các trường bằng mọi cách phải nâng chất lượng đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra đạt chuẩn. Nếu không, các kỹ sư, cử nhân Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước trong khu vực. Sinh viên trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch Quốc tế hóa môi...