Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Ấn Độ
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 55, ngày 21/8, Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Ấn Độ đã được tổ chức tại thành phố Semarang, Indonesia, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà Zulkifli Hasan và ông Rajesh Agrawal, Thư ký Phòng Thương mại, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ.
Trợ lý Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Rajesh Agrawal phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, hội nghị hoan nghênh kết quả đạt được tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 19 vào ngày 12/11/2022, mở ra mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương thực chất và cùng có lợi, đồng thời nhấn mạnh cam kết củng cố và nâng cao hợp tác kinh tế nhằm đảm bảo quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mang lại những lợi ích có ý nghĩa cho cả hai bên. Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Ấn Độ, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức hiện nay.
Do đó, hội nghị đã giao nhiệm vụ cho các quan chức tìm kiếm giải pháp kết hợp các hoạt động thiết thực vì lợi ích chung nhằm giảm thiểu tác động của những thách thức toàn cầu đối với mối quan hệ kinh tế ASEAN – Ấn Độ, đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển bền vững, chuyển đổi kỹ thuật số và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.
Hội nghị hoan nghênh tiến độ rà soát Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Ấn Độ (AITIGA) và thông qua Điều khoản tham chiếu của Ủy ban Hỗn hợp AITIGA, Kế hoạch Làm việc về các vòng đàm phán đánh giá AITIGA và Cơ cấu Đàm phán về đánh giá AITIGA, tái khẳng định cam kết đưa AITIGA trở nên thân thiện hơn, đơn giản hơn và tạo thuận lợi thương mại hơn cho các doanh nghiệp nhằm tăng cường thương mại ASEAN – Ấn Độ cũng như hỗ trợ tăng trưởng bền vững và toàn diện.
Video đang HOT
Để đạt được mục tiêu này, hội nghị đã khuyến khích các quan chức tăng cường nỗ lực đạt được kết luận đánh giá thực chất vào năm 2025.
Hội nghị bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò Chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Ấn Độ với chủ đề “Một Trái Đất. Một gia đình. Một tương lai”, nỗ lực vì sự phát triển công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người trên thế giới, theo cách bền vững, có trách nhiệm và toàn diện.
Hội nghị cũng ghi nhận các hoạt động do Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Ấn Độ (AIBC) thực hiện trong năm 2023, gồm Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN – Ấn Độ lần thứ 5 được tổ chức vào ngày 6/3 vừa qua tại Kuala Lumpur, Malaysia. Hội nghị đã khuyến khích AIBC tiếp tục triển khai các sáng kiến thúc đẩy và tăng cường liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Ấn Độ để đảm bảo tính liên tục của các cơ hội kinh doanh với tất cả các đối tác thương mại của hai bên và củng cố chuỗi cung ứng khu vực đã bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 cũng như các vấn đề toàn cầu khác.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của ASEAN, thương mại hai chiều giữa ASEAN và Ấn Độ năm 2022 đạt 113 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Ấn Độ đạt 681 triệu USD vào năm 2022.
Ngoài ra, hội nghị cũng cam kết hỗ trợ Timor Leste trở thành quốc gia thành viên ASEAN, ủng hộ việc củng cố Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đảm bảo tổ chức này tiếp tục hoạt động phù hợp với mục đích và định hướng trong tương lai.
Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Canada
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 20/8, Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Canada lần thứ 12 đã diễn ra tại thành phố Semarang, Indonesia, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà Zulkifli Hasan và Bộ trưởng Xúc tiến xuất khẩu, Thương mại quốc tế và Phát triển kinh tế Canada Mary Ng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Canada lần thứ 12.
Hội nghị ghi nhận quỹ đạo tích cực trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Canada trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19.
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đạt 31,2 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Canada vào ASEAN đạt 30,73 tỷ USD, tăng 13,4%.
Hội nghị khẳng định cam kết tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của các căng thẳng địa chính trị đối với khu vực cũng như quan hệ kinh tế - thương mại song phương, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực và năng lượng.
Hội nghị đánh giá cao sự hỗ trợ của Canada đối với nỗ lực phục hồi của khu vực hậu đại dịch COVID-19 thông qua việc đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 và quyên góp các thiết bị bảo hộ cá nhân cho ASEAN, cũng như như sự hỗ trợ của Canada đối với Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) trong các lĩnh vực giám sát sức khỏe cộng đồng và kỹ thuật số.
Hai bên hoan nghênh tiến độ đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Canada (ACAFTA) và giao nhiệm vụ cho các quan chức tiếp tục thảo luận chuyên sâu để thúc đẩy đàm phán hướng tới một ACAFTA có ý nghĩa thương mại cho tất cả các bên liên quan và mang lại lợi ích kinh tế cho ASEAN và Canada, đồng thời tăng cường cam kết đối với hệ thống thương mại dựa trên luật lệ và thị trường công bằng, cởi mở, tự do, tăng trưởng và phát triển bền vững.
Hội nghị cũng ghi nhận Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada đều chia sẻ các nguyên tắc cơ bản nhằm thúc đẩy một cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm. Hội nghị hoan nghênh Canada hỗ trợ kỹ thuật cho ASEAN theo Cơ chế triển khai chuyên gia thương mại và phát triển (EDM).
Năm 2023, một loạt đối thoại chuyên gia liên quan đến lao động, môi trường, thương mại bao trùm và phụ nữ dự kiến sẽ được tổ chức, qua đó hỗ trợ nâng cao kiến thức cho các Nhóm chuyên gia ASEAN trong các lĩnh vực liên quan, phục vụ cho đàm phán ACAFTA.
Hội nghị hoan nghênh tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Kế hoạch công tác 2021 - 2025 nhằm thực hiện Tuyên bố chung ASEAN - Canada về thương mại và đầu tư (JDTI), đồng thời ghi nhận các kết quả tham vấn, đối thoại và chương trình xây dựng năng lực nhằm tăng cường quản trị kinh tế và kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững trong ASEAN.
Ngoài ra, hội nghị cũng hoan nghênh việc đưa vào hoạt động Kế hoạch hành động của Quỹ ủy thác ASEAN - Canada trong năm nay, cho rằng quỹ này đóng vai trò không thể thiếu nhằm thúc đẩy quan hệ ASEAN - Canada trên 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, cũng như hỗ trợ đàm phán ACAFTA.
ASEAN - Anh thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 20/8, Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) - Anh lần thứ 3 đã diễn ra tại thành phố Semarang, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan và Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Nigel Huddleston. Bộ trưởng Du lịch, Thương mại và Công nghiệp Timor...