Hội nghị sơ kết đề án hợp tác giáo dục Việt Nam – Lào giai đoạn 2011 – 2015
PGS.TS. Kongsy Sẻngmany – Thứ trưởng Bộ GDTT Lào và GS.TSKH. Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam điều hành Hội nghị
GD&TĐ – Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào (Bộ GDTT) và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (Bộ GDĐT) phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam-Lào giai đoạn 2011-2015 tại Viêng Chăn.
Tham dự Hội nghị có PGS.TS Kongsy Sẻngmany – Thứ trưởng Bộ GDTT Lào và GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GDĐT Việt Nam, cùng hơn 50 đại biểu đến từ Bộ GDTT Lào, Bộ GDĐT Việt Nam, các trường đại học của hai nước.
Chủ đề chính của Hội nghị là thảo luận các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác đào tạo nhân lực cho Lào.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Kongsy Sẻngmany nhấn mạnh: “Hội nghị là dịp đê hai Bô sơ kêt lại tình hình thực hiện thỏa thuận cấp cao về hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Lào, đánh giá những kết quả đã đạt được, những vấn đề cần tiếp tục quan tâm trong những năm sắp tới để nâng cao hiệu quả hợp tác, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ láng giềng, hưu nghị truyền thống đăc biêt giữa hai nước”.
Theo Thứ trưởng Kongsy Sẻngmany, những đề án, dự án đã được thực hiện trong giai đoạn vừa qua, bao gồm: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho CHDCND Lào, Đề án 100 (đào tạo 100 người tại các vùng khó khăn của Lào), đề án tăng cường việc giảng dạy tiếng Việt tại Lào, Đề án nâng cao năng lực cho Học viện Quản lý giáo dục và Trung tâm Khảo thí của Bộ GDTT Lào, Dự án xây dựng Trường dân tộc nội trú tỉnh Xiêng Khoảng, Trường THPT Pòng Khăm tỉnh Luông Prabang, Khoa Tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Lào.
Thứ trưởng Bộ Bùi Văn Ga đánh giá: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nghiêm túc Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam-Lào giai đoạn 2011-2015.
Công tác quản lý lưu học sinh Lào trong các cơ sở đào tạo đã đi vào nề nếp. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của lưu học sinh Lào được cải thiện nhờ nhiều ký túc xá mới dành cho sinh viên Lào đã được nhà nước đầu tư xây dựng.
Video đang HOT
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục Viêt Nam đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào. Do đó chất lượng sinh viên Lào tốt nghiệp tại các trường Đại học Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết tính đến năm 2015, số lưu học sinh (LHS) Lào đang học tập tại Việt Nam là 9.295 người. Trong đó, LHS theo diện hiệp định là 3.780 người, hợp tác giữa các địa phương: 3.090 người, các tổ chức quốc tế tài trợ: 20 người, tài trợ của các doanh nghiệp: 110 người và LHS theo diện tự túc là 2.295 người.
Số lượng LHS Lào tăng theo từng năm trong giai đoạn 2011-2015 thể hiện nhu cầu học tập và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao của CHDCND Lào.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị chức năng của 2 Bộ đã báo cáo kết quả thực hiện Đề án nâng cao chât lương va hiêu qua hơp tac giao duc Viêt-Lao giai đoan 2011-2020.
Các tham luận tập trung vào một số vấn đề quan trọng như: công tác tuyển chọn ứng viên theo diện học bổng Hiệp định, tăng cường năng lực tiếng Việt trước và trong quá trình đào tạo tại các trường đại học tại Việt Nam, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm giảng dạy tiếng Việt tại Lào, đảm bảo chuẩn đầu ra của LHS Lào theo qui định của chương trình đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo phải phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Lào, tăng cường công tác quản lý LHS Lào trong quá trình học tập ở Việt Nam,…
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Đại diện các sở Giáo dục, đại diện các trường đại học của 2 nước đã trình bày các vấn đề liên quan tới công tác quản lý LHS, quá trình đào tạo.
Các tham luận đều tập trung nêu bật được những thuận lợi, khó khăn trong quá trình đào tạo LHS Lào và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo LHS Lào trong thời gian tới.
GS.TS. Trần Văn Nam – Giám đốc Đại học Đà Nẵng trình bày tham luận tại Hội nghị
Trên cơ sở ý kiến phát biểu, thảo luận tại hội nghị của các đại biểu, Thứ trưởng Bùi Văn Ga tóm tắt các nhiệm vụ cụ thể mà hai bên cần tiến hành để nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác đào tạo giữa hai nước trong những năm sắp tới:
1. Nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt cho LHS Lào trước và trong quá trình đào tạo tại Việt Nam. Các cơ sở giáo dục của Việt Nam cần đưa môn tiếng Việt thành môn bắt buộc trong chương trình đào tạo dành cho LHS Lào.
Sinh viên Lào trước khi sang Việt Nam học tập cần được chuẩn bị kỹ tiếng Việt ở các trường phổ thông hay tại các trung tâm đào tạo tiếng Việt ở các địa phương.
Bộ GDĐT nghiên cứu đề xuất của phía Lào tăng cường thêm số lượng và đảm bảo chất lượng giáo viên Việt Nam sang dạy tiếng Việt tại Lào đồng thời hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy tiếng Việt.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sớm ban hành Khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài để làm căn cứ pháp lý cho công tác đánh giá năng lực tiếng Việt của LHS Lào.
3. Tăng cường công tác quản lý LHS Lào tại Việt Nam và LHS Việt Nam tại Lào: Nâng cao ý thức kỷ luật, chấp hành nghiêm luật pháp tại nước sở tại và quy định của các cơ sở giáo dục tạo cơ hội cho sinh viên hòa nhập với cuộc sống và văn hóa tại 2 nước.
4. Chuẩn hóa quy trình tuyển chọn LHS nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của LHS. Yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy trình tuyển chọn, chỉ tiếp nhận LHS (theo diện Hiệp định, hợp tác giữa các địa phương, tự túc,…) sau khi được Bộ giáo dục của 2 nước phê duyệt.
5. Đối với đào tạo trình độ sau đại học, yêu cầu người học phải có trình độ tiếng Việt thỏa mãn yêu cầu học tập, nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu của luận văn, luận án phải phù hợp và đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Lào.
6. Các cơ sở giáo dục Việt Nam phải đảm bảo LHS Lào sau khi tốt nghiệp phải đạt chuẩn đầu ra đúng theo chương trình đào tạo và không có sự khác biệt với sinh viên Việt Nam. Chấm dứt tình trạng xuê xoa, dễ dãi trong quá trình đào tạo đối với LHS Lào chưa đạt chuẩn đầu ra.
7. Phát huy, nhân rộng một số mô hình hợp tác hiệu quả giữa các địa phương của Việt Nam và Lào như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Sơn La… với các địa phương của Lào trong hỗ trợ giảng dạy tiếng Việt, sơ tuyển, bồi dưỡng LHS trước khi cử sang Việt Nam học tập để nâng cao chất lượng đào tạo.
8. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Lào được đặt trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành cuối năm 2015, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp không phải chỉ trong nước mà còn ở các quốc gia trong khối.
9. Các cơ sở giáo dục Việt Nam khi mở các chương trình liên kết đào tạo tại Lào, phát triển các cơ sở đào tạo tại Lào phải được sự phê duyệt đề án của Bộ Giáo dục của 2 nước.
10. Hỗ trợ, tập huấn, đào tạo đội ngũ chuyên gia kiểm định chất lượng của Lào. Hỗ trợ các điều kiện cần thiết để từng bước cơ quan khảo thí của Bộ GDTT Lào có thể tiến hành đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục và đào tạo.
11. Đề nghị Phân ban hợp tác Việt – Lào, Lào – Việt giao kinh phí thực hiện theo tiến độ của kế hoạch để 2 Bộ thực hiện kịp thời các nội dung đã thống nhất.
12. Lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các công trình do Việt Nam xây dựng tại các địa phương của Lào.
13. Đối với các dự án sẽ triển khai trong thời gian tới, đề nghị với phân ban hợp tác của 2 nước giao Bộ GDTT Lào và Bộ GDĐT Việt Nam làm chủ đầu tư nhằm tăng hiệu quả công tác quản lý và kịp thời điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
Theo Trần Anh Tuấn, từ Thủ đô Vientiane, CHDCND Lào