Hội nghị Á Âu về “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030″
Sáng nay 13/12, Hội nghị Á – Âu về “ Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030″ đã khai mạc tại Trường Đại học Mở Hà Nội. Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Ngoại giao và Quỹ Á – Âu (ASEF) tổ chức.
Trong Chương trình hợp tác về giáo dục và đào tạo năm 2018 được thông qua tại hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM lần thứ 13 (FMM13) và Hội nghị Hội đồng thống đốc Quỹ Á – Âu (ASEF) lần thứ 37 được tổ chức vào năm 2017 tại Việt Nam, đã thống nhất sẽ tổ chức 4 hội nghị về Học tập suốt đời và phát triển bền vững tại bốn quốc gia với các chủ đề khác nhau.
Trong đó, Việt Nam là một trong bốn quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị về học tập suốt đời, với chủ đề “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030″.
Tại Hội nghị các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập theo hình thức không chính qui và phi chính qui nhằm khuyến khích việc học tập suốt đời; các biện pháp cung cấp các chương trình học tập nhằm đáp ứng nhu cầu của người học theo hình thức phi truyền thống (đào tạo lại dành cho người lớn, nâng cao kỹ năng, cho những người bỏ học, phụ nữ và bà mẹ, …); hoạch định chính sách học tập suốt đời hướng đến một nền văn hóa học tập suốt đời nhằm đạt được tri thức giáo dục đại học cho mọi người.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, 7 và lần thứ 9 của BCH TW Đảng khóa IX đã khẳng định: “Toàn dân xây dựng phong trào cả nước trở thành một XHHT, học tập suốt đời”.
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2010″ và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cả nước trở thành một XHHT. Phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, ngày 09/01/2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020″ với quan điểm: trong xã hội học tập, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để: làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại.
Video đang HOT
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn dụ, trên thực tế, qua 13 năm thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể: ban chỉ đạo xây dựng XHHT được thành lập từ cấp tỉnh tới cấp xã và hoạt động tương đối hiệu quả; các mô hình học tập được triển khai nhân rộng; mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển, đặc biệt là mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi. Hiện cả nước có 695 trung tâm GDTX, bao gồm: 74 trung tâm cấp tỉnh, 621 trung tâm cấp huyện; 11.019 TTHTCĐ (đạt 98,7%); 2.854 trung tâm ngoại ngữ – tin học.
Hệ thống Hội khuyến học đã phủ kín các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã với trên 17 triệu hội viên là các cựu giáo viên, các nhà hoạt động chính trị, xã hội quan tâm thúc đẩy sự nghiệp học tập cho mọi lứa tuổi.
Theo Bộ trưởng Nhạ, chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, toàn quốc đã có hơn 120 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại các TTHTCĐ; gần 6 triệu lượt người học ngoại ngữ và hơn 1,2 triệu lượt người học bồi dưỡng tin học ứng dụng; hơn 2,4 triệu lượt người tham gia học nghề ngắn hạn; gần 300 nghìn người theo học lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.
Số lượt cán bộ, công chức được đào tạo bồi dưỡng đạt hơn 4,7 triệu lượt người; gần 3,3 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề; hơn 140 nghìn người khuyết tật được học nghề và tạo việc làm; 100% xã đạt PCGDTH mức độ 1 trở lên; 99.04% xã đạt chuẩn PCGDTHCS; 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ; tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi 15-35 của cả nước đạt 98,87%; độ tuổi từ 15-60 là 97,57%.
Cả nước đã có hơn 8 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, gần 40 nghìn dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, hơn 62 nghìn “Cộng đồng học tập” cấp thôn bản, tổ dân số và 27,5 nghìn các tổ chức nằm trên địa bàn hành chính cấp xã, do cấp xã quản lý đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.
“Chúng tôi xác định Hội nghị này là một dịp tốt để Việt Nam được học hỏi, chia sẻ các hoạt động hiệu quả trong việc triển khai chiến lược Học tập suốt đời giữa các quốc gia của ASEM, cũng như được tiếp cận với những kết quả nghiên cứu mới nhất về giáo dục người lớn, về học tập suốt đời, xây dựng XHHT.
Những báo cáo khoa học và ý kiến phát biểu của các chuyên gia, các nhà khoa học được trình bày trong Hội nghị sẽ góp phần tạo nên những cơ sở cần thiết để hoàn thiện hệ thống giáo dục mở linh hoạt, liên thông; thúc đẩy các trường đại học cung cấp các chương trình học tập linh hoạt cho tất cả mọi người; thúc đẩy sự hợp tác trong ASEM để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững số 4 về giáo dục (Sustainable Development Goal 4 – SDG4)” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Chính quy hay tại chức: "Bình đẳng" hay không là ở người học!
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua có nội dung không phân biệt giá trị văn bằng chính quy hay tại chức.
Nội dung này nhận được nhiều ý kiến trong xã hội, trong đó có ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít phản biện. Quan điểm nào cũng có cái đúng, vì sao chủ trương bình đẳng với hai hình thức đào tạo đại học này lại nhận được nhiều ý kiến phản biện như vậy?
Học chính quy hay tại chức chỉ là hình thức còn chất lượng là thống nhất
Giáo dục đại học với chức năng đào tạo, trang bị kĩ năng chuyên môn cho người học, đảm bảo để người lao động thích ứng tốt với công việc. Trước thế nào thì nay vẫn vậy, có khác chăng yêu cầu chất lượng đào tạo trong xã hội ngày càng cao hơn. Đào tạo đại học không chỉ đáp ứng đủ kỹ năng chuyên môn cho người học nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực, cũng như yêu cầu phát triển bản thân cho mỗi người.
Ngày nay, khi cả nước đang chuyển biến thành xã hội học tập, giáo dục đại học đã và đang đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học, bên cạnh hình thức đào tạo chính quy tập trung thì có các hình thức đào tạo khác như: Đào tạo từ xa, đào tạo vừa làm vừa học (tại chức). Về cơ bản, không có sự khác biệt về mục tiêu và nội dung, chương trình đào tạo. Tuy nhiên, hình thức đào tạo có sự khác biệt. Đào tạo phi chính quy cho phép người học được lựa chọn hình thức linh hoạt, phù hợp nhất với bản thân mình. Và đây cũng chính là căn nguyên cho những ý kiến về chất lượng của loại hình đào tạo này.
Không thể phủ nhận đào tạo phi chính quy cũng có những mặt trái khiến dư luận xã hội hoài nghi về chất lượng so với đào tạo chính quy. Nhất là sự "bình đẳng" trong công nhận, khi bằng cấp vẫn là một "tiêu chí cứng" trong tuyển dụng nhân sự thì việc này khó tránh khỏi. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu cho rằng những người tốt nghiệp loại hình đào tạo phi chính quy đều thua kém chính quy thì quá oan uổng. Thực tế là cũng không ít người do điều kiện, hoàn cảnh phải theo học từ xa, tại chức, nhưng năng lực chuyên môn của họ rất giỏi. Ngược lại cũng không ít cử nhân, kỹ sư bằng cấp chính quy, nhưng khi tiếp cận với công việc, doanh nghiệp thường phải đào tạo lại mới thích ứng được.
PGS.TS Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mở Hà Nội - cho rằng: Thực tế đào tạo 25 năm tại Viện Đại học Mở Hà Nội với chức năng đào tạo chính quy, mở, từ xa cho thấy rất nhiều người do điều kiện, hoàn cảnh cần thay đổi công việc nên họ phải học thêm một bằng đại học chuyên ngành mới. Những người này, do có kinh nghiệm làm việc nên họ nắm bắt kiến thức tốt, cùng với ý thức về việc học nghiêm túc nên kết quả đào tạo cao. Tuy nhiên cũng không phải không có người chỉ học để lấy bằng, học đối phó; chất lượng đào tạo đảm bảo hay không lại phụ thuộc rất nhiều ở việc quản lý của các nhà trường.
Không thể phủ nhận một điều là hiện các cơ sở giáo dục đại học đang mở ngành và đào tạo theo thị hiếu người học. Đào tạo phi chính quy đang đem lại nguồn thu không hề nhỏ cho các trường. Thế nên, việc có được nhiều chỉ tiêu tuyển sinh, mở được nhiều lớp và thu hút được nhiều học viên nhất luôn là mong muốn của nhiều trường đại học. Việc này cũng là bình thường, tuy nhiên thực tế đã và đang minh chứng chất lượng phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý đào tạo và trực tiếp là người học. Thế nên, các cơ sở đào tạo quản lý chặt chẽ hoạt động đào tạo và kiểm soát kĩ đầu ra hiệu quả, thì chất lượng đào tạo không chính quy cũng không thua kém chính quy.
Mặt khác cũng cần phải kể đến trách nhiệm của người học, nếu muốn xã hội không phân biệt hình thức đào tạo chính quy hay vừa học vừa làm thì người học cũng phải ý thức và trách nhiệm với chính việc học của mình, học bằng nỗ lực và năng lực thật chứ không phải là đối phó cho có bằng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần siết chặt việc kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng đào tạo tại chức; nghiêm khắc xử lý các cơ sở đào tạo đại học thực hiện không nghiêm túc. Có như vậy xã hội, người học mới không ý kiến về phân biệt đối xử bằng cấp chính quy và tại chức.
Tâm An
Theo giaoducthoidai
Trung tâm học tập cộng đồng: Nhiều "nút thắt" cần được tháo gỡ. Nhờ các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) cắm sâu trên các địa phương cơ sở, người dân được trang bị kiến thức về mọi mặt, góp phần tăng năng suất lao động, giải quyết vấn đề việc làm. Tuy nhiên để TTHTCĐ phát huy được đúng bản chất như mong muốn, có lẽ bài toán khó này sẽ còn trường kì....