Hội khuyến học và “cơn đau đầu nhẹ” với giấy khen học sinh tiểu học
(Ảnh chỉ mang tính minh họa: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)
“Mọi năm, cứ cháu nào có giấy khen học sinh giỏi thì được thưởng. Năm nay cháu nào cũng có giấy khen nên chúng tôi phải phân vân mãi,” anh Trương Ngọc Tràng, Hội khuyến học phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Chia sẻ của anh Tràng cũng là “cơn đau đầu nhẹ” của nhiều cán bộ làm công tác khuyến học ở các địa phương, các cơ quan đoàn thể trong năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng Thông tư 30.
Theo Thông tư này, học sinh tiểu học sẽ bỏ chấm điểm trong quá trình học, bỏ cách xếp loại khá, giỏi truyền thống. Thay vào đó, học sinh tiểu học sẽ chỉ còn hai mức đánh giá là đạt và không đạt. Các giấy khen vì thế không còn chữ khá, giỏi mà tùy trường, tùy giáo viên ghi theo những mặt tích cực của học sinh đạt được trong năm.
Video đang HOT
Anh Tràng cho biết, sau khi bàn bạc, Hội đi đến quyết định sẽ tặng thưởng cho các cháu tiểu học theo bút phê của cô giáo. Cháu nào có giấy khen trong đó có ghi các chữ “xuất sắc”, “tốt” sẽ được thưởng. Những cháu giấy khen chỉ ở mức “đạt” hoặc “hoàn thành” thì không thưởng.
“Mọi năm, chúng tôi chỉ khen thưởng với học sinh giỏi. Năm nay bỏ quy định phân loại khá, giỏi, nhưng những học sinh được khen là tốt, xuất sắc thì vẫn được đánh giá là tương đương với mức giỏi. Học sinh ở mức đạt chỉ tương đương với mức học sinh tiên tiến,” anh Tràng lý giải.
Khen thưởng thế nào cũng là điều khiến chị Lê Mai Hương (Hà Đông, Hà Nội) đau đầu.
Phụ trách công tác hành chính ở cơ quan, chị Hương cho biết mọi năm, cứ đến dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 thì cơ quan sẽ đề nghị nhân viên tập hợp giấy khen học sinh giỏi, thành tích của các con để khen thưởng.
Nhưng năm nay khi nhận giấy khen, chị “vò đầu bứt tai” vì thấy có quá nhiều các cách khen khác nhau dành cho học sinh tiểu học. Không ghi học sinh giỏi, khá, các giấy khen có nhiều cách ghi khác như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học sinh, hoàn thành tốt môn học, có năng khiếu về thể thao, có năng lực phẩm chất tốt, có tinh thần giúp đỡ bạn bè… Có giấy khen chỉ ghi hoàn thành nhiệm vụ năm học.
“Do không có con học ở bậc tiểu học nên tôi không nắm được tinh thần đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đem thắc mắc về sự &’lạ’ này hỏi lại các đồng nghiệp mới biết quy định này,” chị Hương chia sẻ.
Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng Thông tư 30. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Cũng theo chị Hương, ban đầu, cơ quan dự định khen thưởng cho các cháu có giấy khen ghi là xuất sắc, tốt, để tương ứng với mức học sinh giỏi mọi năm.
“Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về Thông tư 30, tôi thấy tinh thần của Thông tư là không áp lực thành tích giỏi, khá cho các cháu, nên chúng tôi đưa ra quyết định khen thưởng tất cả các học sinh có giấy khen,” chị Hương chia sẻ.
Chị Phan Thanh Lê (phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cơ quan chị thậm chí còn khen thưởng cho tất cả các học sinh tiểu học.
“Do mỗi cháu ở một trường khác nhau nên khi tập hợp giấy khen của con, mọi người mới thấy hết sự phong phú của các cách ghi của giáo viên. Cuộc bình luận về giấy khen diễn ra sôi nổi,” chị Lê vui vẻ kể.
Tuy nhiên, theo đúng quy định thì năm nay học sinh tiểu học chỉ có hai loại là đạt và không đạt, không phân loại khá, giỏi như cũ. Trong khi đó gần như 100% học sinh tiểu học đều ở mức đạt. Vì thế, cơ quan chị đã quyết định cứ học sinh tiểu học là được khen thưởng, không cần phải photo giấy khen gửi lên như mọi năm. Với số lượng khen thưởng tăng lên khá nhiều so với mọi năm, cơ cấu phần thưởng đã được điều tiết lại để phù hợp.
“Với các cháu, giá trị quà không quan trọng, quan trọng là ý nghĩa cổ vũ tinh thần để các con có ngày 1/6 vui vẻ, kết thúc năm học một cách thoải mái và hứng khởi cho ngày hè sắp đến,” chị Lê chia sẻ./.
Theo vietnamnet