Hội giúp nông dân Mô Rai phát triển cây điều, mong mang về no ấm
Khi giá cao su biến động liên tục, nguồn thu từ cây lúa, cây mì chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình, thì niềm mong đợi của người nông dân ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy ( Kon Tum) tập trung vào những vườn điều mới trồng…
Khí hậu và thổ nhưỡng của Mô Rai có nhiều điểm tương đồng với huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai, nơi nổi tiếng với những vườn điều nhiều năm tuổi đạt năng suất cao. Đối với nhiều hộ dân ở huyện Ia Grai, từ lâu cây điều được xem là loại cây thoát nghèo giúp họ có kinh tế ổn định, làm giàu chính đáng, nhưng đối với người dân ở Mô Rai, cây điều khá xa lạ.
Cách đây vài năm, nhiều người trồng điều có kinh nghiệm ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương đã lên Mô Rai thuê đất với diện tích lớn để trồng điều. Từ những chuyến thăm vườn điều của người thân ở Ia Grai, bà con nông dân ở xã Mô Rai đã bắt tay vào trồng loại cây này. Nhà nào trồng điều cũng phấn khởi, tin tưởng loại cây công nghiệp này mang lại thu nhập tốt hơn cho bà con địa phương.
Anh Din (đội mũ) bên cạnh vườn điều của mình. Ảnh: ĐT
Đến nay, phần lớn diện tích trồng cây điều ở Mô Rai mới bắt đầu thu bói lần đầu, một số nơi sang năm thu hoạch thứ 2. Do nông dân xã Mô Rai có vốn kinh nghiệm trồng điều chưa nhiều, chưa có điều kiện để chăm sóc tốt và bị động trước thời tiết nên năng suất của một số vườn điều đạt chưa cao. Đây là những vấn đề mà các hộ nông dân trồng điều ở Mô Rai đang trăn trở.
Anh A Lơng ở thôn Tang cho biết, anh trồng 1ha điều từ năm 2015, vừa rồi, anh mới thu bói lần đầu nhưng năng suất không cao. “Vì điều kiện khó khăn, không có tiền mua phân bón, cộng với thời điểm sau tết cây điều đang trổ bông thì bị dính mưa trái mùa nên cây ra ít quả và hạt ít” – anh Lơng bộc bạch.
Nhớ lại thời gian mới trồng điều, anh Lơng kể, sau chuyến thăm họ hàng ở huyện Ia Grai về, anh quyết tâm đổ dồn công sức và tiền của để trồng điều. Số tiền tiết kiệm được sau những lần đi làm rẫy thuê anh dùng để mua hạt giống về gieo. Nhiều ngày liền 2 vợ chồng anh đội mưa để đào hố trồng cây.
Video đang HOT
“Trên diện tích 1ha phải đào khoảng 250 hố, mỗi hố kích thước 50×50x50cm, sau đó trộn đất đào được với phân chuồng để cải tạo đất, bón lót trước khi trồng cây” – anh Lơng nhắc lại những kiến thức mà anh có được từ hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông huyện.
Thu bói năm đầu không được như ý, không nản chí, năm nay, anh Lơng tiếp tục trồng mới thêm 8 sào điều và đầu tư chăm sóc kỹ hơn. Thời gian tới, anh mong muốn được tập huấn nhiều hơn nữa kiến thức về trồng điều và mong thời tiết ủng hộ, không mưa trái mùa nhiều như năm nay.
May mắn hơn anh A Lơng, anh A Din ở thôn Kênh đã được hưởng trái ngọt trong lần thu bói đầu tiên vì năm nay vườn điều của anh đã bước năm thu hoạch thứ 2.
Anh Din nhớ lại, không có điều kiện chăm phân nhiều nhưng 2ha điều của anh năm ngoái thu bói được gần 3 tạ, bán được hơn 50 triệu đồng.
“Cây điều có tuổi đời lớn, đem lại giá trị kinh tế cao, cây hợp với khí hậu nắng nóng nên nếu đầu tư và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất vài tấn trên 1ha, lúc đó cây sẽ giúp nhiều người thoát nghèo” – anh Din bày tỏ.
Giúp nông dân phát triển cây điều
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sa Thầy cho biết, hiện nay, có hơn 130/218 hội viên của Hội Nông dân xã Mô Rai trồng điều. Ngay từ khi nông dân đưa cây điều về đất Mô Rai trồng, Hội Nông dân huyện, xã đã theo dõi, nắm bắt tình hình để từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân yên tâm với loại cây trồng mới này.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, hàng năm, Hội Nông dân huyện Sa Thầy đều phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều cho các hội viên, nông dân xã Mô Rai. Để giải quyết vấn đề vốn mua phân bón và thuốc trừ sâu cho một số hội viên, nông dân có điều kiện khó khăn, Hội Nông dân huyện Sa Thầy đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân xã Mô Rai thành lập Tổ liên kết trồng điều, đồng thời, phối hợp một số công ty vật tư nông nghiệp tiến hành bán phân bón và thuốc trừ sâu trả góp cho các hội viên, nông dân.
Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn, Hội Nông dân huyện Sa Thầy, Hội Nông dân xã Mô Rai đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp bà con vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi để đầu tư trồng mới, chăm sóc vườn điều cũng như phát triển chăn nuôi, trồng các loại cây trồng khác.
“Năm nay, thời gian cây điều trổ bông mưa trái mùa xuất hiện nên nhiều nông dân trồng điều bị thất thu mùa vụ. Đối với vấn đề này, Hội Nông dân huyện đang phối hợp các ngành chuyên môn tìm hướng giải quyết. Thực tế cách đây vài năm, đã có một nông dân ở tỉnh Bình Phước ứng phó thành công bằng cách phun thuốc sinh học trừ sâu bệnh cho vườn điều ngay khi gặp mưa, kết quả bông vẫn đậu trái bình thường và cho năng suất cao”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Theo Danviet
Tình trạng tảo hôn ở Kon Tum và vòng luẩn quẩn của đói nghèo
Những cặp vợ chồng lấy nhau ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" dù là tình yêu tự nguyện hay gả ép hầu hết đều có kết cục không mấy sáng sủa
Trong những năm vừa qua mặc dù chính quyền và ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã rất nỗ lực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hôn nhân-gia đình, tuy nhiên nạn tảo hôn vẫn xảy ra, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những cặp vợ chồng lấy nhau ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" dù là tình yêu tự nguyện hay gả ép hầu hết đều có kết cục không mấy sáng sủa. Nhẹ là "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", còn nặng thì "đường ai nấy đi". Khổ hơn nữa là không ít cặp vỡ chồng rơi vào cảnh bế tắc, đói nghèo đeo bám, tương lai bất định.
Một phụ nữ tảo hôn lấy chồng từ khi 16 tuổi.
Với người dân ở làng Kram, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, chuyện những đứa trẻ bỗng một ngày bỏ học để "thành vợ, thành chồng" không phải là điều gì quá ngạc nhiên. Năm 2018, cô bé Y khẩn, 16 tuổi đang là học sinh lớp 10 trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện bỗng bỏ học để lấy chồng.
Cách không xa nhà Y Khẩn, em Y Mùi năm nay mới bước sang tuổi 16 mà đã có con nhỏ. Cuộc sống hiện tại của cả hai cô bé làm vợ, làm mẹ khi đang còn tuổi thiếu niên rất khó khăn. Vợ chồng Y Khẩn phải ở nhờ gia đình bên vợ. Thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, Y Khẩn thường xuyên ở nhà còn chồng đi làm thuê nuôi cả gia đình. Còn Y Mùi chồng sa vào nghiện ngập, hút chích, bỏ nhà đi lang thang. Hai mẹ con Y Mùi phải sống nhờ bố mẹ đẻ cuộc sống hết sức khó khăn.
Thật xót xa khi nghe Y Mùi nói về mình và về bạn thế này: "Ở trong làng Kram cũng có người ít tuổi hơn con nhưng lấy chồng trước con. Chồng nó lớn hơn nó 1 tuổi. Con của bạn đó năm nay được 5 tháng".
Giống như Y Mùi, trả lời về việc vì sao lập gia đình trước tuổi pháp luật cho phép, các ông bố, bà mẹ trẻ con đều có chung câu trả lời: "Mình thích nhau, yêu nhau thì lấy nhau thôi!". Sự hồn nhiên ấy đã dẫn đến nhiều hệ lụy mà các cặp vợ chồng trẻ con không lường hết. Trong khi đó người lớn và chính quyền địa phương lại chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc khuyên can, ngăn chặn ngay từ đầu.
Ông A Tuân, Làng Đăk Lúp, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông có con tảo hôn cho biết: "Gia đình không có tiền bạc đầu tư cho con đi học. Nó quá yêu nhau, ưng nhau bố mẹ phải cho lấy. Không cho lấy thì sợ đi lang thang hoặc bỏ bố mẹ đi chỗ khác nên cho lấy thôi".
Còn anh A Khom, thôn trưởng làng Kram, xã Rờ Kơi huyện Sa Thầy, địa phương trong năm 2018 có 3 cặp tảo hôn nói thế này: "Huyện họp, thôn họp cũng tuyên truyền rất nhiều rồi nhưng mà họ yêu nhau họ vẫn lấy nhau cho nên thôn cũng không can thiệp được nhiều. Đối với những cặp tảo hôn, đẻ con sớm kinh tế rất khó khăn".
Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho thấy, chỉ riêng trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 172 cặp tảo hôn. Những cặp vợ chồng lấy nhau ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" dù là tình yêu tự nguyện hay gả ép hầu hết đều có kết cục không mấy sáng sủa. Sau kết hôn, các em phải gánh vác trách nhiệm nặng nề của một gia đình, vượt quá sức hiểu biết và chịu đựng để rồi, nhẹ là "cơm chăng lành, canh chẳng ngọt" còn nặng thì "đường ai nấy đi". Khổ hơn nữa là không ít cặp vỡ chồng rơi vào cảnh bế tắc, đói nghèo đeo bám, tương lai bất định.
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc trên địa bàn xã có 11 cặp tảo hôn, bà Bùi Thị Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, huyện Kon Plông cho biết: "Ở đây bà con vẫn quan niệm hộ nào càng đông con càng nhiều lao động để phát triển sản xuất. Nên là bà con khi con cái mới lớn lên là muốn cho gả vợ, gả chồng để có nhiều lao động để phát triển sản xuất. Thứ hai là do nhận thức của bà con còn hạn chế nên chưa lường trước được hậu quả của việc tảo hôn".
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2015 tỉnh Kon Tum xây dựng Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2020".
Kết quả sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án cho thấy, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương có xu hướng giảm. Cụ thể năm 2017 toàn tỉnh có 351 trường hợp tảo hôn và 3 cặp kết hôn cận huyết thống, thì sang năm 2018 giảm xuống còn 172 cặp tảo hôn và 1 cặp kết hôn cận huyết thống.
Tuy nhiên theo ông Ka Pa Thành, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, để giảm thiểu được tình trạng tảo hôn cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp: "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó các cấp ủy, chính quyền cấp huyện quan tâm đẩy mạnh công tác chỉ đạo triển khai thực hiện xuống cơ sơ. Ở các tổ tư vấn ở các thôn làng cần tích cực vào cuộc vận động tuyên truyền người dân thực hiện tốt. Công tác phối hợp giữa các cấp các ngành đặc biệt là các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền nội dung cũng như các hình ảnh trực quan để người dân nắm bắt một cách cụ thể, rõ nét và thấy được tác hại của vấn nạn tảo hôn".
Tỉnh Kon Tum đang rất nỗ lực loại bỏ nạn tảo hôn ra khỏi đời sống cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu của Chính phủ đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số thì địa phương còn rất nhiều việc cần làm. Bởi đây không phải là câu chuyện của một sớm, một chiều mà luôn đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành cũng như từ ý thức mỗi người dân địa phương./.
Theo Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên
Đường gần 500 tỷ lầy lội ở Kon Tum: Chưa có phương án khắc phục Được đầu tư gần 500 tỷ đồng, nhưng ngay sau khi đưa vào sử dụng, tỉnh lộ 674 qua huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) đã sạt lở, lầy lội, nhiều đoạn không thể lưu thông. Điều đáng nói là hơn một năm qua, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vẫn chưa có phương án khắc phục. Tỉnh lộ 674...