Hội chứng chuyển hóa ở trẻ em
Hội chứng chuyển hóa ở trẻ em khác với các bệnh lý chuyển hóa vốn do bất thường về hoạt động của các nội tiết tố hoặc các chất hóa học trong cơ thể.
Ảnh: Shutterstock
Ngay ở lứa tuổi trẻ em, hội chứng chuyển hóa (HCCH, hay hội chứng X) đã trở thành một vấn đề sức khỏe cần phải báo động. HCCH là một tập hợp các yếu tố nguy cơ làm trẻ nhanh chóng bị bệnh tim mạch và tiểu đường dạng 2. Một trẻ có HCCH phải có ít nhất 3 trong các biểu hiện sau đây: béo bụng quá mức; tăng huyết áp, mỡ trong máu cao bất thường; tăng đường máu hoặc giảm dung nạp đường.
Cho đến nay có rất nhiều người còn cho rằng HCCH là bệnh của người lớn hoặc ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, trong vòng 10 năm qua vấn đề này ngày càng thu hút sự chú ý của các bác sĩ nhi khoa ở Việt Nam. Một nghiên cứu quy mô gần đây được thực hiện ở học sinh từ 10 – 15 tuổi tại Biên Hòa (Đồng Nai) ghi nhận tỷ lệ mắc HCCH cao đến 31,37% trong số các em bị thừa cân, béo phì. Đây là một con số rất đáng báo động.
Nguyên nhân
Chế độ ăn nhiều năng lượng, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, uống nhiều nước ngọt là những thủ phạm đầu tiên. Những trẻ thường xuyên chơi trò chơi điện tử, thường xuyên xem truyền hình và dĩ nhiên là ít vận động cũng có nguy cơ cao mắc HCCH.
Lứa tuổi dễ mắc HCCH nhất là vào giai đoạn dậy thì do thay đổi các nội tiết tố, thay đổi lối sống, thay đổi mức độ trao đổi thông tin giữa cha mẹ và con cái. Trẻ em sinh ra trong gia đình có người thân bị bệnh tim hoặc tiểu đường có nguy cơ cao bị hội chứng này.
Hệ quả
Video đang HOT
Ngày nay, các nghiên cứu y học đã chứng minh một cách rõ ràng rằng những trẻ em béo phì ở tuổi tiền dậy thì mạch máu đã có những vệt mỡ, là dấu hiệu sớm của chứng xơ vữa động mạch. Quá trình này càng diễn ra nhanh chóng ở những trẻ em béo phì có HCCH. Điều nguy hiểm là HCCH không gây đau đớn và do vậy thường không được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp kịp thời thì trẻ sẽ xuất hiện nhiều bệnh lý như xơ vữa động mạch, suy giảm chức năng thận, đề kháng với insulin, hội chứng buồng trứng đa nang ở trẻ em gái, loạn sắc tố da biểu hiện bằng các mảng da màu đen sau gáy, khuỷu tay, vùng bẹn, giữa các ngón tay chân. Dĩ nhiên, hậu quả cuối cùng là bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường xuất hiện sớm cùng với hàng loạt hệ lụy nguy hiểm của chúng làm rút ngắn tuổi thọ cũng như làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh.
Điều trị và phòng tránh
Để chẩn đoán HCCH thì trẻ phải được đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra huyết áp, xét nghiệm đường máu, mỡ máu và làm một số xét nghiệm chuyên biệt khác. Nếu một trẻ được chẩn đoán mắc HCCH thì điều này không có nghĩa là trẻ đó đã bị bệnh tim mạch hay tiểu đường mà chỉ tăng nguy cơ mắc hai bệnh này. Một số trẻ chỉ cần thay đổi lối sống và dinh dưỡng cũng đủ cải thiện tình hình.
Những biện pháp cần phải thực hiện gồm giảm cân thừa, tăng cường vận động thể lực, kiểm soát thời gian ngồi trước màn hình máy tính hoặc ti vi, có chế độ ăn lành mạnh nhiều rau củ quả cũng như hạn chế chất ngọt, chất béo, thức uống có ga, tăng cường cung cấp chất xơ, không hút thuốc lá.
Nếu các biện pháp trên vẫn không đạt hiệu quả thì đôi khi thầy thuốc sẽ phải kê một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị rối loạn mỡ máu hoặc các thuốc làm giảm đường máu tùy theo từng trẻ cụ thể. Một số trường hợp nặng cần phải phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Các thuốc giảm cân dùng ở người lớn chưa được công nhận rộng rãi cho trẻ em.
TS-BS Lê Minh Khôi
(BV Đại học Y Dược TP.HCM)
Theo TNO
Việt Nam: Tỷ lệ đái tháo đường tăng nhanh nhất thế giới
Theo Tổ chức Y tế thế giới và Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nhanh nhất thế giới. Trong 10 năm (2002-2012) số lượng người Việt Nam được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ tăng 211%.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết tại Hội thảo "Bệnh đái tháo đường trong mối quan tâm về y tế toàn cầu" vừa diễn ra vào ngày 29/5, tại Hà Nội.
Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong; đứng hàng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong do các bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây mù lòa ở người trưởng thành.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến tháng 11/2013, trên thế giới đã có khoảng 382 triệu người mắc đái tháo đường, kèm theo những dạng biến chứng mới gây tàn tật, đe dọa tính mạng.
Hiện ở Việt Nam có 3,3 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, con số này dự kiến tăng gấp đôi trên 6,3 triệu người vào năm 2035. Tỷ lệ chẩn đoán bệnh còn thấp, ước tính 63% những người bị bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán (2 triệu người), cao hơn mức trung bình của thế giới (45%). Trong số 10 bệnh nhân thì có sáu bệnh nhân bị các biến chứng và đa số bệnh nhân không đạt được mục tiêu điều trị do việc trị liệu dưới mức tối ưu.
Tình hình mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam đã và đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng ở hầu khắp mọi miền của cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn và khu công nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh bệnh đái tháo đường đang gia tăng toàn cầu và đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với y tế và sự phát triển của các quốc gia trong thế kỷ 21.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ví căn bệnh đái tháo đường là "kẻ giết người thầm lặng": "Bệnh biểu hiện nhẹ nhàng, đến biến chứng dữ dội và gây tàn phế".
Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức trong việc chiến đấu lại bệnh đái tháo đường, bao gồm cả số lượng hạn chế các bác sĩ được đào tạo về chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường, mức độ nhận thức thấp về bệnh ĐTĐ, một số lượng lớn bệnh nhân chưa được chẩn đoán và cơ sở hạ tầng chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường chưa tốt.
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường
- Mệt mỏi: Tiểu đường khiến bạn mệt mỏi do phải dậy đêm thường xuyên, và do cơ thể bạn phải vật lộn để bù lại lượng đường thiếu hụt. Khi đó bạn sẽ trở nên dễ nổi cáu.
- Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều (3 nhiều) và gầy nhanh: Ăn nhiều vẫn không tăng cân mà còn sụt cân, uống nhiều mà vẫn cứ khát nước liên tục kèm tiểu nhiều (ở đây là tiểu nhiều lần với số lượng nhiều).
- Vết thương nhiễm trùng điều trị mãi không lành hoặc viêm nhiễm đường tiểu, nhiễm nấm âm đạo kéo dài uống thuốc lâu không khỏi.
- Giảm thị lực do thoái hóa võng mạc hay đục thủy tinh thể sớm có thể dẫn đến mù lòa và khi đi khám mắt mới biết mình bị ĐTĐ
- Bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não gây liệt nửa người hay nhồi máu cơ tim vào cấp cứu ở bệnh viện mới phát hiện mình bị ĐTĐ với kết quả xét nghiệm có đường huyết rất cao, có khi lên đến trên 200 - 300 mg/dL.
- Dễ bị cảm lạnh và cúm: Các hệ thống miễn dịch suy yếu làm cho vết cắt và vết bầm tím lâu lành cũng có thể làm cho bạn dễ bị tổn thương và dễ bị cảm lạnh và cúm.
Muốn kiểm tra tiểu đường, bạn cần làm vài xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm đường máu vào buổi sáng khi chưa ăn gì. Nếu đường máu vượt quá 126 mg/dL trong hai lần, nghĩa là bạn đã bị tiểu đường. Nếu từ 100 đến 125 mg/dL, bạn bị coi là tiền tiểu đường. Nhỏ hơn 99mg/dL là bình thường.
Vnmedia
Ăn bí đỏ để thông minh Bí đỏ được gọi là món ăn bổ não vì có acid glutamic rất tốt cho trí nhớ đồng thời bí đỏ giúp não của chúng ta hoạt động tốt hơn. Trong 100g bí đỏ phần ăn được có tới 233mg acid glutamic. Chất này đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng thần kinh, trợ giúp các phản ứng chuyển hóa ở...