Học y theo kiểu thực dụng
Tiết học về kiểm soát nhiễm khuẩn của lớp K12a, trường Cao đẳng Y Thái Bình rất sôi nổi. Cả lớp chia 6 nhóm, ngồi vây quanh một chiếc laptop.
Các em không phải học lý thuyết của bài học trên lớp, mà cùng thảo luận, giải quyết về một ca lâm sàng.
Ca lâm sàng hôm 9/12 là về một bệnh nhân nam 75 tuổi mổ sỏi ống mật chủ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Ngày thứ hai sau mổ, bệnh nhân viêm phổi. Cô giáo đặt ra câu hỏi “bệnh nhân này có bị nhiễm khuẩn bệnh viện không?”.
“Bệnh nhân này bị nhiễm khuẩn bệnh viện”, sinh viên Ngô Thị Thu trả lời. Nữ sinh viên lý giải về nguyên nhân, hậu quả, phương thức lây truyền và nhiễm khuẩn bệnh viện rất trôi chảy. Thu cho biết, lý thuyết này giảng viên chưa dạy mà sinh viên tự chủ động tìm hiểu và tại nhà, khi lên lớp vận dụng lý thuyết để xử lý các ca lâm sàng.
“Đây là phương pháp học đảo chiều đang được áp dụng tại trường”, cô giáo Lê Thị Hoa, Bộ môn điều dưỡng, nói.
Theo cô Hoa, phương pháp này có nhiều hiệu quả trong việc dạy và học tại trường y. Khi giáo viên giao bài tập cho sinh viên, các em sẽ phải làm sản phẩm tự học tại nhà. Những tài liệu liên quan đến bài giảng đã được giáo viên đăng tải lên hệ thống e-learning của trường như giáo trình, video bài giảng. Sinh viên phải nghiên cứu trước, thảo luận nhóm và giải quyết các tình huống mà giáo viên giao.
“Khi lên lớp, sinh viên chỉ trình bày sản phẩm tự học ở nhà, giáo viên chỉ định hướng và kết luận bài học”, cô Hoa nói.
Sinh viên học theo phương pháp mới tại Trường Cao đẳng Y Thái Bình. Ảnh: Lê Nga.
Với phương pháp truyền thống, khi lên lớp giáo viên phát tài liệu và thuyết trình. Nay, giáo viên cần có sự chuẩn bị hơn, cụ thể phải soạn giáo trình và video bài giảng để đăng tải lên hệ thống của trường, để các em có tư liệu học trước khi đến lớp. Ngoài ra, giáo viên cũng cần xây dựng tình huống liên quan đến bài học, gắn với thực tế. Sinh viên tự phán đoán tình huống, thực tế chứ không theo sách vở, lý thuyết.
Video đang HOT
“Cách học này cả giáo viên và sinh viên đều bận, vất vả hơn, song học sinh hiểu bài, hứng thú hơn, khi học lâm sàng tại bệnh viện cũng hiệu quả hơn”, cô Hoa nói.
Linh Chi, sinh viên năm nhất cho biết ban đầu học theo phương pháp mới rất bỡ ngỡ. Em đã quen với việc học truyền thống, lên lớp cô giáo giảng lý thuyết rồi về làm bài tập về nhà. Nay em và các bạn phải chủ động hơn, tự tìm hiểu lý thuyết, lập nhóm để làm bài tập. Khi lên lớp cô giáo chữa bài và phản hồi lại.
“Em mất 2 tuần để quen với phương pháp dạy này, giờ thì rất thích”, Linh Chi nói.
Sinh viên năm cuối Đào Ngọc Chiến vừa kết thúc đợt thực tập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, cho biết nhờ được học nhiều các ca lâm sàng trên lớp mà em không còn bỡ ngỡ khi thực tập tại viện. Mới đây, một bệnh nhân nhập viện do viêm phổi tại bệnh viện đa khoa tỉnh, hôm đó Chiến trực đêm. Giữa đêm, bệnh nhân tím tái, kích thích, vật vã. Ngay lập tức, Chiến cùng các bác sĩ cấp cứu bệnh nhân, cho thở oxy, truyền dịch, tiêm thuốc, đặt ống xông… Được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân hồng hào trở lại.
Chiến cho biết học điều đưỡng có nhiều khó khăn. Năm cuối, em học lâm sàng nhiều, sáng ở viện, chiều về trường học, buổi tối lại trực đêm ở viện. Mỗi đợt thực tập kéo dài hơn một tháng. Những ngày đầu, Chiến chỉ chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ cho các bác sĩ cấp cứu, nhưng sau quen dần, em đã được tham gia cấp cứu cùng các bác sĩ như ép tim, tiêm thuốc… Nhờ được học lâm sàng nhiều, Chiến tự tin khi ra trường sẽ làm tốt công việc của một điều dưỡng. Em có dự định xin học việc tại bệnh viện huyện.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết phương pháp mới này được áp dụng tại tất cả các chương trình đào tạo của trường từ đầu năm nay. Theo khảo sát, gần 70% sinh viên đồng ý với cách dạy này. Gần 90% giáo viên đánh giá phương pháp giảng dạy đang áp dụng này phù hợp với chuẩn đầu ra của khóa học
Theo ông Sơn, yêu cầu sinh viên tự học trước khi đến lớp cần hoàn thành 3 công việc, cụ thể là tự học các nội dung trong e-learning, làm bài tập nhóm (nộp sản phẩm tự học thông qua email), làm test tự lượng giá (yêu cầu sinh viên phải hoàn thành hơn 50% số câu test mới được lên học tại phòng thực hành). Tại phòng học, sinh viên báo cáo giải quyết tình huống dựa trên lý thuyết đã tự học theo nhóm. Giáo viên sẽ tập trung vào những công việc cụ thể mà sinh viên sẽ làm sau khi tốt nghiệp, phân tích, làm rõ thêm kiến thức qua các câu hỏi trắc nghiệm.
Khi sinh viên thực hành tại phòng mô phỏng, nhà trường bố trí giống như buồng bệnh. Sinh viên tiếp nhận ca bệnh, tự chuẩn bị dụng cụ (3-4 kỹ thuật cho một ca bệnh). Sinh viên sẽ được tiến hành thực hiện kỹ thuật có sự hỗ trợ của giảng viên. Nhà trường cũng sử dụng hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện để quản lý bệnh nhân, để các em làm quen dần.
Sinh viên thực hành tại phòng mô phỏng. Ảnh: Lê Nga.
Phương pháp học mới này nằm trong Dự án Giáo dục và Đào tạo Nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) của Bộ Y tế. Việc đổi mới chương trình bao gồm các nội dung: xây dựng chương trình chi tiết đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng tạo ra năng lực thực hành nghề nghiệp, lồng ghép, tích hợp các kiến thức, phát triển đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy, học, tăng cường giảng dạy lâm sàng, xây dựng công cụ lượng giá sinh viên theo chương trình mới, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, quản trị chương trình đổi mới…
Đến nay đã có 5 trường thí điểm đổi mới chương trình đào tạo dựa trên năng lực với ngành bác sĩ y khoa (Đại học Y dược TP HCM, Thái Bình, Huế, Thái Nguyên, Hải Phòng), 3 trường đào tạo bác sĩ răng hàm mặt (Đại học Y Hà Nội, TP HCM, Huế), 4 trường đại học, 3 trường cao đẳng thay đổi chương trình đào tạo điều dưỡng… Năm 2019 là năm thứ hai các trường đào tạo bác sĩ y khoa, nha khoa, điều dưỡng tiếp tục triển khai chương trình đổi mới.
Dự kiến, dự án HPET hỗ trợ các cơ sở đào tạo tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo chuyên khoa nhằm nâng cao năng lực hành nghề cho đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân, hội nhập quốc tế.
Mỗi năm hệ chính quy của Trường cao đẳng Y Thái Bình nhập mới khoảng 400 sinh viên. Khoảng 70% sinh viên ra trường có việc trong vòng 6 tháng.
Lê Nga
Theo VNE
Sự khác biệt giữa y tế Việt Nam và các nước phát triển là gì?
Ở các nước phát triển có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện thấp, trong khi đó, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt trên?
Nhân viên y tế, thân nhân bệnh nhân vệ sinh tay để hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện - Ảnh: minh họa
Chia sẻ tại Lễ phát động phong trào vệ sinh tay cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào chiều nay (15.10), TS.BS Phùng Mạnh Thắng - Quản lý khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: ở các nước phát triển, tỷ lệ nhiễm khuẩn trong bệnh viện thấp, chỉ có khoảng 1 đến 2%, trong khi đó, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện lên đến từ 5 đến 10%.
"Sự khác biệt lớn nhất của y tế ở các nước phát triển và Việt Nam đó là y tế các nước phát triển thì nhân viên y tế chăm sóc toàn bộ bệnh nhân, còn ở Việt Nam việc chăm sóc người bệnh có một phần sự tham gia của thân nhân", bác sĩ Thắng chia sẻ.
Theo bác sĩ Thắng, chính sự chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện ở Việt Nam có một phần sự tham gia của thân nhân người bệnh khiến cho tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện tăng cao. Nhiễm khuẩn bệnh viện khiến cho bệnh nhân nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong; kéo dài thời gian điều trị; kéo dài thời gian không đi lại được cho bệnh nhân; tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và cho cả hệ thống bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bác sĩ Thắng cho rằng, vệ sinh tay cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất trong việc giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện. Để làm được điều này cần phải tăng cường nhận thức vệ sinh tay cho bệnh nhân, thân nhân và biết được tầm quan trọng của việc rửa tay.
Việc rửa tay đối với bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân phải thực hiện theo 7 bước gồm: lấy achohol, chà achohol, chà lòng bàn tay này vào mu bàn tay kia, chà 2 lòng bàn tay vào nhau, chà mặt ngoài các ngón tay vào lòng bàn tay kia, dùng bàn tay này xoa ngón cái bàn tay kia, xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trong thời gian qua bệnh viện này thường xuyên đẩy mạnh công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó đặc biệt chú trọng đến vệ sinh tay cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân.
Thông qua những buổi lễ phát động phong trào vệ sinh tay cho bệnh nhân và thân nhân, bệnh viện đã phổ biến những kiến thức về rửa tay cho các thân nhân bệnh nhân- những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân hiểu được phương pháp rửa tay đúng cũng như rửa tay thường xuyên để hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện. Do đó, Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện có tỷ lệ nhiễm khuẩn thấp. Hiện nay tỷ lệ nhiễm khuẩn của bệnh viện này chỉ khoảng 3% đến 5%.
Theo các chuyên gia y tế, để tăng cường việc tuân thủ vệ sinh tay đối với thân nhân bệnh nhân, các cơ sở y tế cần phải thay đổi hệ thống, trong đó tập trung tăng cường việc sát khuẩn tay bằng cồn, cung cấp đầy đủ bồn rửa có nước sạch cho tất cả bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân sử dụng; tập huấn cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân; nhắc nhở thực hành vệ sinh tay và tạo văn hóa an toàn trong bệnh viện.
Hồ Quang
Theo motthegioi
Chuyên gia giáo dục Beth Fredericks: Phương pháp STEAM không cao sang như tưởng tượng, bố mẹ có thể dạy con từ chính nồi niêu, xoong chảo trong nhà Rất nhiều ông bố bà mẹ lầm tưởng STEAM là phương pháp giáo dục cao sang, xa vời với thực tiễn và khó áp dụng ở nhà nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. STEAM là viết tắt của các từ "Science, Technology, Engineering, Art, Math" - "Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật, Toán học". Phương pháp STEAM được hiểu đơn...