Học viện Ngoại giao cắt chỉ tiêu CĐ năm 2014
Thông tin tuyển sinh của ĐH Ngoại giao 2014 không có chỉ tiêu tuyển sinh cho đào tạo CĐ.
Cụ thể, năm nay tổng chỉ tiêu của trường là 450 và hoàn toàn là chỉ tiêu dành cho đào tạo ĐH, gồm: Quan hệ quốc tế (A1, D1, D3); Ngôn ngữ Anh (D1); Kinh tế quốc tế (A, A1, D1); Luật quốc tế (A1, D1); Truyền thông quốc tế (A1, D1, D3) . . Năm 2013, trường tuyển 510 chỉ tiêu, trong đó có 60 dành cho bậc CĐ.
Tổ chức thi tuyển sinh theo kỳ thi chung của Bộ GD&ĐT, Học viện Ngoại giao xác định điểm trúng tuyển định theo từng ngành học, kết hợp với điểm sàn vào Học viện theo từng khối thi.
Nếu thí sinh đủ điểm vào Học viện theo từng khối thi nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký dự thi ban đầu thì được đăng ký chuyển sang các ngành khác cùng khối thi nếu còn chỉ tiêu. – Điểm trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh được xác định riêng.
Những thí sinh đăng ký dự thi Khối A1 và D1 vào ngành Quan hệ quốc tế sẽ học ngoại ngữ là Tiếng Anh hoặc Tiếng Trung Quốc. Thí sinh trực tiếp ghi nguyện vọng Tiếng Anh hoặc Tiếng Trung Quốc bên cạnh Mục tên ngành trong Phiếu đăng ký dự thi. Thí sinh đăng ký dự thi Khối D3 sẽ học Tiếng Pháp.
Trong số thí sinh trúng tuyển, Học viện xét 125 sinh viên có nguyện vọng học hệ đào tạo chất lượng cao các ngành: Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế, Kinh tế quốc tế, Truyền thông quốc tế và Ngôn ngữ Anh.
Video đang HOT
Theo GDTĐ
"Một ASEAN đoàn kết sẽ đóng góp tích cực cho tình hình Biển Đông"
GS.TS. Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội luật gia Việt Nam, đã có bài phát biểu bế mạc Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 11-12/11.
Dân trí xin giới thiệu bài phát biểu của GS. TS. Lê Minh Tâm:
Theo GS. TS. Lê Minh Tâm, một ASEAN đoàn kết sẽ đóng góp tích cực cho tình hình Biển Đông.
Kính thưa Quý ông, Quý bà
Kính thưa tất cả các bạn
Sau hai ngày làm việc trọn vẹn rất nghiêm túc và hiệu quả, qua 9 phiên thảo luận các chủ đề khác nhau với gần 40 bài tham luận rất có chất lượng, trên tinh thần học giả thẳng thắn, chân thành nhưng cũng rất cầu thị và mang tính xây dựng cao, tôi có thể kết luận rằng Hội thảo Biển Đông lần thứ 5 do Hội luật gia Việt Nam và Học viện Ngoại giao tổ chức đã thành công tốt đẹp.
Sáng hôm qua, trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ Đặng Đình Quý đã nhận định rằng việc các bên liên quan còn theo đuổi lợi ích ngắn hạn trước mắt trong khi chưa hiểu biết đầy đủ hoặc còn diễn giải khác nhau luật pháp quốc tế, chưa kiểm soát tốt chủ nghĩa dân tộc, và chưa có các biện pháp hợp tác thực chất, hiệu quả để xây dựng cơ chế kiểm soát và quản lý tranh chấp và ngăn ngừa xung đột chính là nguyên nhân gia tăng căng thẳng Biển Đông trong thời gian vừa qua và trong thời gian tới. Tôi cho rằng, với nỗ lực và thiện chí của tất cả các Quý vị và các bạn, trong hai ngày vừa qua, chúng ta đã đóng góp một phần khiêm tốn nhưng quan trọng giúp làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề có liên quan, tăng cường nhận thức và đồng thuận chung trong nhiều vấn đề, qua đó góp phần xây dựng lòng tin giữa các bên và tiến thêm một bước trong tiến trình hợp tác, tìm kiếm giải pháp bền vững, công bằng với tất cả các bên ở Biển Đông, vì lợi của các nước trong khu vực và của cộng đồng quốc tế nói chung.
Tôi không có tham vọng tổng kết tất cả các ý kiến hết sức có giá trị đã được các Quý vị đại biểu nêu ra trong 2 ngày vừa qua, và cũng không cần nhắc lại tất cả các kiến nghị đầy tâm huyết mà các học giả đã đưa ra, tôi chỉ xin nêu một số cảm nhận của cá nhân về một số vấn đề mà chúng ta đã có đồng thuận khá cao tại Hội thảo lần này:
- Thứ nhất, chúng ta đều nhất trí rằng, hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các bên liên quan và của cộng đồng quốc tế nói chung. Một Biển Đông bất ổn không những sẽ gây khó khăn cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, làm ảnh hưởng tới quan hệ ASEAN-Trung Quốc mà còn làm phức tạp thêm quan hệ giữa các nước lớn, là điều mà không nước nào mong muốn, dù là nước nhỏ hay nước lớn. Chính vì vậy, tất cả các bên liên quan có lợi ích chung trong việc kiểm soát và làm giảm nhiệt tranh chấp ở Biển Đông.
- Thứ hai, chúng ta nhất trí rằng vấn đề Biển Đông không chỉ thuần túy là vấn đề tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền, mà còn liên quan đến các vấn đề rộng lớn hơn là các chuẩn mực và nguyên tắc của quan hệ quốc tế và sự vận hành của hệ thống luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc, chuẩn mực mà các bên áp dụng trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông có mối liên hệ mật thiết và có tác động tới việc giải quyết tranh chấp ở các khu vực khác trên thế giới. Đây là một lý do nữa tại sao các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông càng phải ứng xử một cách thận trọng và có tinh thần trách nhiệm cao.
- Thứ ba, chúng ta đều mong muốn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của LHQ là cơ sở để các bên xây dựng lòng tin, làm rõ yêu sách, phân định, thu hẹp các yêu sách vùng biển chồng lấn và thúc đẩy các biện pháp hợp tác ở Biển Đông. Tôi vui mừng nhận thấy rằng đã và đang có ngày càng nhiều nghiên cứu sâu hơn về các khía cạnh pháp lý khác nhau của Biển Đông, gia tăng sự quan tâm nghiên cứu các tập quán và án lệ trên thế giới để rút ra các bài học áp dụng vào tranh chấp Biển Đông. Đây là một xu hướng rất đáng được hoan nghênh.
- Thứ tư, chúng ta có nhận thức chung rằng, nếu các bên liên quan có thiện chí hợp tác và nghiêm túc tôn trọng các chuẩn mực, nguyên tắc hợp tác của luật pháp quốc tế thì hoàn toàn có khả năng tìm kiếm giải pháp hợp tác cho vấn đề Biển Đông. Đã có rất nhiều các mô hình hợp tác song phương và đa phương thành công ngay tại khu vực Đông Nam Á và nhiều nơi khác trên thế giới mà chúng ta có thể học tập và áp dụng cho Biển Đông.
- Thứ năm, chúng ta đều mong muốn ASEAN, với vai trò là tổ chức an ninh ở khu vực, có vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác an ninh khu vực, sẽ đóng một vai trò to lớn hơn trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để các bên liên quan đối thoại, xây dựng lòng tin, kiểm soát tranh chấp và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Chúng ta tin rằng một ASEAN đoàn kết và có tiếng nói chung sẽ đóng góp tích cực cho tình hình Biển Đông, vì vậy, các bên liên quan, nhất là các nước lớn, có lợi ích chung trong việc giúp ASEAN củng cố đoàn kết và thống nhất.
Kính thưa Quý ông, Quý bà
Kính thưa tất cả các bạn
Trên đây là 5 "đồng thuận lớn" mà tôi cảm nhận được qua Hội thảo lần này, và cũng có thể coi là những "5 đồng thuận lớn" đã đạt được qua 5 năm mà Hội luật gia và Học viện Ngoại giao phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông. Nhân dịp này, thay mặt cho Hội luật gia Việt Nam và Học Viện Ngoại giao, tôi xin gửi lời chân thành cảm ơn tất cả các Quý vị đã hết mình đóng góp cho sự thành công của Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 5 cũng như thành công của các Hội thảo Biển Đông trong 5 năm qua. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, sau mỗi một năm, qua mỗi kỳ Hội thảo, chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng hiểu biết chung, đồng thuận chung để có thêm nhiều hành động chung đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho các nước trong khu vực và cho cộng đồng quốc tế nói chung.
Một lần nữa, thay mặt Học viện Ngoại giao, Hội luật gia Việt Nam, xin chân thành cảm ơn sự tham gia và đóng góp tích cực của các quý vị.
Theo Dantri
Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 với chủ đề Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực, sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11-12/11, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu hàng đầu ASEAN, Trung Quốc, Mỹ... ASEAN và Trung Quốc đang hướng tới xây dựng Bộ quy tắc...