Học viên gian nan đòi quyền lợi
Sinh viên của các trường mà Bộ GD-ĐT xử phạt vì liên kết không phép trong thời gian qua đang hoang mang vì chưa được giải quyết quyền lợi theo yêu cầu.
Chưa có giải pháp cụ thể
Những ngày cuối tháng 7, lãnh đạo Trường CĐ Asean (Hưng Yên) đã gặp gỡ học viên các khóa liên thông từ TC lên CĐ ngành dược mà chưa được cấp phép với Trường TC Vạn Tường (TP.HCM). Trong buổi gặp gỡ sinh viên (SV) sáng 26.7, lãnh đạo trường này cho biết trước đó trường đã xin Bộ GD-ĐT tổ chức lớp liên kết liên thông từ TC lên CĐ chính quy nhưng lúc đó lãnh đạo Bộ đi công tác nước ngoài, không kịp ký! Vì vậy, trường đã tổ chức lớp học trước mà chưa có sự đồng ý của Bộ.
Học viên trao đổi sau khi họp với lãnh đạo Trường CĐ Asean tối 25.7 tại cơ sở 168 bis Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: Ngọc Thiện
Theo H., một SV khóa 2, trường đưa ra 3 phương án giải quyết: Nếu SV muốn học lấy bằng CĐ chính quy thì phải ra cơ sở chính của trường tại Hưng Yên học. SV muốn ở lại TP.HCM phải học hệ vừa học vừa làm theo 2 hướng: chờ trường xin phép được liên kết chính thức với Trường TC Vạn Tường, nếu không được sẽ chuyển qua học tại Trường TC Đại Việt (chương trình trước đây được Bộ cấp phép nhưng nay đã thu hồi do Trường CĐ Asean liên kết đào tạo ngoài cơ sở). SV nào không đồng ý sẽ được rút học phí từ ngày 10 – 15.8. Do các phương án đều không hợp lý nên rất nhiều học viên phản ứng.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết: “Hiện nay Bộ chỉ mới nhận được báo cáo chung chung của Trường CĐ Asean, Bộ đã yêu cầu trường báo cáo lại cụ thể trước ngày 15.8″. Ông Bằng cũng cho hay, phải giải quyết số lượng SV đã theo học lớp liên kết liên thông của trường theo các nguyên tắc: Thứ nhất, 158 SV đang theo học lớp liên thông từ TC Đại Việt lên CĐ vừa học vừa làm của Trường CĐ Asean sẽ tiếp tục được đào tạo để cấp bằng vừa học vừa làm. Trường TC Đại Việt không được đào tạo bất kỳ SV nào ngoài số SV này. Thứ hai, các SV còn lại của lớp liên kết liên thông với TC Vạn Tường phải được nhận bằng CĐ chính quy theo 2 hình thức: chuyển về cơ sở chính tại Hưng Yên học hoặc Trường CĐ Asean phải tìm một trường khác được phép đào tạo hình thức này để chuyển SV qua.
Chờ đợi mỏi mòn
Hơn 600 SV theo học chương trình liên thông không phép của Trường ĐH Thái Bình Dương và Trường TC Tây Nam Á vẫn đang chờ đợi trường tìm hướng giải quyết dù đã quá thời hạn quy định của Bộ GD-ĐT gần một tháng rưỡi.
Theo một số SV, ban đầu trường hẹn ngày 15.7 họp, rồi lại dời sang đầu tháng 8 lên trường để học. Nay, trường lại hẹn qua tháng 10 nhưng học ở đâu, trường nào… thì không nói cụ thể cho SV biết.
Video đang HOT
Hơn một năm qua, SV tham gia chương trình đào tạo trái phép của Công ty TNHH đào tạo công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh Singapore (Sibme) vẫn chưa biết có được nhận lại học phí như đã hứa hoặc tiếp tục việc học. Báo Thanh Niênvừa nhận đơn cầu cứu của nhiều phụ huynh có con học tại đây. Các phụ huynh cho biết ngày 24.6 vừa qua, Ban lãnh đạo Sibme có gửi thư và cho biết không thể thực hiện các phương án để đảm bảo việc tiếp tục học tập của học viên. Hơn một năm qua, đơn vị này đã chi trả cho nhiều khoản như thuê nhà, điện, nước, tiền lương giáo viên… nên rất khó khăn. Vì vậy, Sibme sẽ trả trước một phần số tiền cho học viên. Phần còn lại sẽ giải quyết trong vòng 3 – 6 tháng kể từ ngày gửi thư.
Tuy nhiên, phía Sibme chỉ đồng ý chi trả lại những môn học viên chưa học. Phụ huynh lại yêu cầu Sibme phải trả lại toàn bộ học phí theo như biên bản xử phạt của Bộ GD-ĐT. Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, về nguyên tắc, hiện nay Sở không còn liên quan đến vụ việc này nhưng vẫn thuyết phục lãnh đạo trường giải quyết tốt nhất quyền lợi cho học viên. Nếu không đồng ý cách giải quyết, phụ huynh có thể gửi đơn kiện đến các cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi.
Trường kiện Bộ GD-ĐT Mới đây, lãnh đạo Trường CĐ ASEAN nộp đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân TP.Hà Nội vì cho rằng Bộ GD-ĐT tính số giảng viên cơ hữu của trường không đúng. Đơn kiện cũng đề cập đến quyết định dừng tuyển sinh đã làm ảnh hưởng đến nhà trường. Về việc này, theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, tòa án đã mời Bộ GD-ĐT lên làm việc theo nội dung đơn kiện của Trường CĐ Asean và sau đó có buổi đối thoại với lãnh đạo trường này. Qua đối thoại, lãnh đạo trường đã chấp nhận mình sai và có nhận thức không đúng. Cụ thể, trường tính số lượng giảng viên theo hợp đồng nguyên tắc, nghĩa là ký hợp đồng, khi có người học mới mời đến dạy. Đúng nguyên tắc phải tính theo Thông tư 57 là giảng viên làm toàn thời gian. Trong khi đó, bà Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường CĐ Asean, cho biết giữa trường và Bộ đã có thời gian điều đình nhưng chưa thống nhất được với nhau. Bà Phương cũng cho rằng Thanh tra bộ có 3 điều nhầm lẫn: Thứ nhất là tính số lượng sinh viên năm 2013 gộp vào số lượng năm 2012. Thứ hai, trường không phải là nhóm trường y dược mà bị tính theo nhóm trường y dược. Thứ ba, tính nhầm về số lượng giảng viên cơ hữu.
Theo TNO
Chủ tịch tỉnh Yên Bái cam kết bảo đảm quyền lợi cho các nhà giáo
Cuộc đối thoại trực tiếp ngày 25/1 giữa Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái với hàng trăm thầy, cô giáo vụ 80 giáo viên ở huyện Yên Bình bỗng dưng bị đẩy khỏi biên chế đã đi đến kết luận hợp tình, hợp lý: Xử nghiêm cán bộ sai phạm, đảm bảo quyền lợi cho các nhà giáo.
Hơn 200 giáo viên huyện Yên Bình trong buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.
Sau khi báo Lao Động có chùm bài dài kỳ "Yên Bình dậy sóng" với "Những trang giáo án thảm sầu" phản ánh việc 212 giáo viên bị tuyển thừa ở huyện Yên Bình, trong đó 80 giáo viên bỗng dưng bị đẩy khỏi biên chế một cách oan ức, vô lý, ngày 25/1, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường có cuộc đối thoại thẳng thắn với 212 giáo viên trên và cam kết bảo đảm mọi chế độ chính sách cho họ.
Những tiếng khóc trong hội nghị
Cuộc đối thoại là lúc mà quá nhiều vô lý của một địa phương để cho "quan sở tại" cùng các cán bộ giáo dục thoái hóa biến chất "làm càn"... được phơi bày. Có lẽ, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng, nhưng ngần ấy đã đủ để cuộc đối thoại thấm đẫm nước mắt từ đầu đến cuối. Nước mắt từ màn điểm danh mà ông Phạm Duy Cường yêu cầu phải có "vì các thầy cô vẫn làm việc này (điểm danh) hằng ngày với học sinh của mình mà".
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Phạm Duy Cường trong cuộc đối thoại.
Lúc đầu, không một nhà giáo nào dám đứng lên phát biểu. Ban tổ chức phải chỉ định lãnh đạo huyện, yêu cầu chỉ định các trường lần lượt mời giáo viên lên tiếng rồi mời đích danh các cán bộ đầu ngành đứng ra giải đáp. Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cùng lãnh đạo huyện có mặt đầy đủ.
Những tiếng khóc xé lòng
Cô giáo Thu sụt sịt: Họ ép giáo viên ký hợp đồng để hủy biên chế, không ký thì họ sẽ không phân công công việc, không trả lương, "cá nhân tôi đến ký rất muộn, phải ký vì không làm giáo viên thì tôi không thể biết làm gì khác để sống", "xin hãy trả lại biên chế cho tôi, tôi vô tội".
Cô giáo Lê Thị Lan quả quyết: "Cái sai, cái tuyển thừa do lãnh đạo làm ra, giáo viên chúng tôi không có tội gì, xin hãy giữ lại biên chế cho chúng tôi".
Một cô giáo khác thì khóc: "Tôi xin chuyển lời của bố tôi đến hội nghị, bố tôi là thương binh, bệnh binh, bố đã cống hiến xương máu cho tổ quốc, sao các vị bây giờ đối xử với con gái ông như vậy?".
Cô giáo Triệu Thị Hương khóc suốt 10 phút, giọng đọc của cô đứt quãng, cào xé: "Xin cán bộ hãy thực hiện lời hứa, sau khi tôi ký văn bản rời khỏi biên chế, thì chế độ của tôi bị cắt mất tiền thu hút. Tôi dạy cách nhà 20km, chồng tôi dạy cách nhà 37km, con tôi tàn tật, cháu nhỏ không ai trông coi, tôi biết sống làm sao bây giờ?".
Rất nhiều ý kiến nói về cái vô lý: Tự ý chuyển giáo viên từ trường thừa ít sang trường... thừa nhiều; người bao năm cống hiến ở vùng cao Mù Căng Chải vừa về thì tiếp tục bị đẩy đi "lam sơn chướng khí", người vừa vào làm thì nghiễm nhiên ở trường trung tâm. Có người học Đại học Thể dục Thể thao, bỗng dưng bị chuyển làm nhân viên dinh dưỡng, mà không được dạy học... Có người đi dạy cách nhà 80km, lương đến tận bây giờ vẫn chỉ khoảng 1 triệu đồng.
Sẽ đảm bảo mọi quyền lợi cho các nhà giáo!
Sau khi Giám đốc Sở GDĐT, Giám đốc Sở Nội vụ giải thích các vấn đề giáo viên đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các hiệu trưởng, hiệu phó bị kỷ luật trong vụ việc đứng lên "trình bày". Một nhà giáo, lãnh đạo Trường Bạch Hà nói rằng, vụ việc liên quan đến lỗi lầm của vị này chẳng qua là "tai nạn nghề nghiệp", đã bị nhiều đại biểu "la ó phản đối".
Cuối buổi đối thoại, kết luận của Chủ tịch tỉnh Yên Bái đã bước đầu làm các nhà giáo hài lòng. Theo đó, hủy quyết định tuyển dụng 80 giáo viên mầm non mà huyện ký sai, các nhà giáo sẽ "ký hợp đồng dài hạn", được ổn định công việc tại đơn vị cũ; được đảm bảo mọi chế độ, chính sách và quyền lợi hiện hưởng theo quy định của Nhà nước (được xếp mức lương như viên chức ngạch giáo viên mầm non, được nâng lương, phụ cấp, đề bạt, chế độ thai sản...). "Được đảm bảo công tác lâu dài như hợp đồng làm việc không xác định thời hạn". "Đối với 39 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở đã tiếp nhận tuyển dụng sai quy định thì cho phép ở lại, giữ nguyên các chính sách, chế độ, quyền lợi và bố trí vào số biên chế đã giao của huyện Yên Bình".
"Huyện sẽ rà soát xem các trường chưa là dân tộc bán trú mà có từ 30 học sinh thuộc đối tượng bán trú trở lên, thì bố trí giáo viên, nhân viên (đang bị thừa hiện nay) về làm nhiệm vụ. Họ được giữ nguyên lương và chế độ theo quy định". "Còn số giáo viên và nhân viên "thừa" còn lại, sẽ được đưa đến các trường dự kiến có giáo viên, nhân viên nghỉ hưu trong năm 2013 và những năm tiếp theo...".
Vậy là, bước đầu, những gì mà loạt bài phóng sự của báo Lao Động nêu ra, kiến nghị, đã được UBND tỉnh Yên Bái tiếp thu, thực hiện. Quyền lợi của các nhà giáo bị tuyển thừa và ứng xử vô lý đã được đảm bảo. UBND tỉnh Yên Bái cũng nêu rõ: Việc tuyển thừa một lúc 212 giáo viên kia là vi phạm pháp luật, là lợi dụng chính sách với "hành vi rất xấu và động cơ rất xấu". Những người liên đới đã bị xử lý và sẽ bị xử lý nghiêm minh sau khi cơ quan điều tra quyết liệt vào cuộc, bất kể họ là ai. Tỉnh hứa sẽ xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm "để còn làm gương cho các huyện, thị khác"!
Các nhà giáo lên tiếng đầy bất bình và nước mắt.
Toàn cảnh buổi đối thoại "chưa từng có trong lịch sử tỉnh Yên Bái".
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, đại diện Báo Lao Động trong lễ trao 40 triệu đồng từ độc giả Lao Động giúp đỡ các nhà giáo khó khăn bị "tuyển thừa".
Theo Đỗ Doãn Hoàng Lao động
Siết liên thông: Đang học có được chuyển tiếp? Trong khi Bộ GDĐT khẳng định: Thông tư 55 chỉ "chỉnh" chứ không "chặn" người có nhu cầu học, kèm theo các điều kiện để "siết" đầu vào nhằm nâng cao chất lượng. Câu hỏi dư luận cũng như người đang học hệ đào tạo liên thông quan tâm: Người đang học "dở dang" có được "chuyển" tiếp hay phải chịu "thiệt thòi"...