Học viện Dân tộc: Mũi nhọn phát triển nguồn nhân lực khu vực dân tộc thiểu số
Năm 2012, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ GD-ĐT ưu tiên xét tuyển thí sinh dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu 3 năm trở lên tại các huyện nghèo quy định tại Nghị quyết số 30a vào học tại các trường đại học, cao đẳng.
Trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương khẳng định, năm 2013, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng Học viện Dân tộc, phấn đấu tới năm 2015, sẽ đi vào hoạt động, trở thành mũi nhọn trong công tác phát triển nguồn nhân lực khu vực dân tộc thiểu số, miền núi.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương.
Thưa Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm, theo thông lệ trước mỗi dịp đầu xuân, năm mới, các bộ, ngành thường điểm lại những hoạt động tiêu biểu của bộ, ngành mình trong một năm đã qua. Xin Thứ trưởng cho biết những hoạt động tiêu biểu nhất trong công tác dân tộc năm 2012?
Có thể điểm qua 5 sự kiện tiêu biểu trong công tác Dân tộc năm 2012 như sau:
Thứ nhất, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng dân tộc Quốc hội đã tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình 135 giai đoạn 3, xây dựng được một số chính sách mới như Đề án Hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn (núi đá, lũ quét, lũ ống, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai), Đề án Phát triển nguồn nhân lực khu vực dân tộc thiểu số, miền núi…
Thứ hai, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức Cuộc thi Bác Hồ với các dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu. Đây là hoạt động nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 12-HD/BTGTW ngày 27/7/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời hướng tới kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Bác. Cuộc thi nhằm tiếp tục tuyên truyền về tình yêu thương của Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, tình cảm tôn kính của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Bác Hồ.
Thứ ba, Thành lập Vụ Dân tộc thiểu số thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xác định thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam.
Thứ tư, năm 2012, Ủy ban Dân tộc tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế với các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Nga, Anh, Indonesia… chủ động hội nhập quốc tế, học tập kinh nghiệm của thế giới về quản lý Nhà nước trên lĩnh vực công tác dân tộc; tiếp tục hợp tác, kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Video đang HOT
Thứ năm, Ủy ban Dân tộc đã bảo vệ thành công tại Diễn đàn Liên Hợp quốc lần thứ 5 về nhân quyền tại Geneve, Thụy Sỹ việc Việt Nam nỗ lực thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc.
Riêng đối với những địa phương vùng cao chịu nhiều thiên tai, bão lũ trong năm vừa qua, Ủy ban Dân tộc có kế hoạch như thế nào giúp bà con sớm ổn định cuộc sống và được vui xuân, đón Tết?
Bà con dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở miền núi, địa hình hiểm trở, chia cắt, thường xuyên bị lũ ống, lũ quét, sự biến đổi khí hậu tác động mạnh. Do đó, có thể nói vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng chịu nhiều thiên tai nhất. Năm vừa qua, 15 tỉnh trong số 52 tỉnh của nước ta có đồng bào dân tộc thiểu số đã phải hứng chịu thiên tai hết sức nặng nề.
Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ hỗ trợ lương thực, thăm nom, hỗ trợ tới từng hộ gia đình, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra Ủy ban Dân tộc cũng tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên tinh thần bà con. Đặc biệt, năm 2012, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng được Đề án hỗ trợ đồng bào ở vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ quyét, hạn hán. Đề án được triển khai sẽ là sự giúp đỡ cơ bản nhất giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Trong dịp Tết, Ủy ban Dân tộc tham mưu Chính phủ hỗ trợ lương thực những vùng giáp hạt, vùng thiếu đói, kiên quyết không để đồng bào nào bị thiếu ăn trong dịp Tết; Tổ chức đoàn công tác của các bộ, ngành, của Ủy ban Dân tộc tới trao quà ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để người dân có điều kiện đón Tết cổ truyền dân tộc.
Năm 2012, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương đã trao tặng các em học sinh ở các tỉnh miền núi phía Bắc những tấm chăn ấm.
Thưa Thứ trưởng, trong một bài phỏng vấn trước đây, Thứ trưởng có nhấn mạnh “Vấn đề cần phải ưu tiên số một đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là giáo dục-đào tạo”. Vậy trong năm tới, Ủy ban Dân tộc dự kiến có những chương trình gì nhằm thúc đẩy công tác giáo dục vùng cao phát triển?
Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực dân tộc thiểu số còn thấp. Chừng nào chưa giải được bài toán nguồn nhân lực thì chừng ấy sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số còn thiếu bền vững. Vì thế trong định hướng phát triển, Ủy ban Dân tộc đã có một chuyển hướng trong nhận thức rất lớn. Năm 2012, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ và các bộ, ngành tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực bao gồm cả sự nghiệp giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ và công tác dạy nghề ở khu vực dân tộc thiểu số.
Bằng các giải pháp, bắt đầu từ năm 2012-2013, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, Bộ Giáo dục & Đào tạo thống nhất cho phép thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên tại các huyện nghèo quy định tại Nghị quyết số 30a được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; Tăng cường công tác đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số; Đổi mới, nâng cao chất lượng đề án dạy nghề vùng nông thôn, trong đó có ưu tiên vùng dân tộc thiểu số.
Và một giải pháp có ý nghĩa hết sức cốt lõi đó là Ủy ban Dân tộc đã xin ý kiến Chính phủ thành lập Học viện Dân tộc.
Năm 2013, Ủy ban Dân tộc dự kiến thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như sau: Trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược về công tác dân tộc với tầm nhìn dài hạn đến năm 2020. Trong chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm nhất chính là phát triển nguồn nhân lực. Nhiệm vụ đầu tiên về phát triển nguồn nhân lực là khảo sát, đánh giá lại mục tiêu đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước để tăng cường các khoa dự bị, tăng cường chỉ tiêu thu hút con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Đối với học sinh dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa chưa đạt chuẩn, Bộ Giáo dục & Đào tạo giao cho hiệu trưởng các trường được quyền quyết định tổ chức, bồi dưỡng để các em đạt chuẩn, sau đó các em mới được vào học chính thức.
Xin Thứ trưởng cho biết thêm về Đề án xây dựng Học viện Dân tộc?
Học viện Dân tộc có 3 nhiệm vụ chính, đó là đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nghiên cứu lý luận và bồi dưỡng nghiệp vụ với đa ngành đào tạo, những ngành sát thực với đồng bào, phát huy được sở trường, năng lực của các em học sinh. Ví dụ như dạy về nông nghiệp đã có trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội 1, tuy nhiên để những kiến thức trở nên gần gũi với đời sống của đồng bào thì sắp tới Học viện Dân tộc sẽ mở chuyên ngành đào tạo sâu về phát triển kinh tế nông nghiệp miền núi. Về Y – Dược sẽ có chuyên ngành phát triển các cây thuốc cổ truyền dân tộc, gần gũi với bà con vùng cao. Dự kiến năm 2015, Học viện Dân tộc sẽ đi vào hoạt động.
Thưa Thứ trưởng, qua báo Dân trí, Thứ trưởng có gửi gắm điều gì tới các em học sinh ở vùng cao nhân dịp xuân mới?
Qua báo Dân trí, tờ báo có đóng góp to lớn vào sự nghiệp nâng cao dân trí của bạn đọc nói chung và đặc biệt là bạn đọc là người dân tộc thiểu số nói riêng, trước tiên tôi mong muốn con em các dân tộc thiểu số phải tích cực học song ngữ. Bên cạnh yêu cầu thiết yếu phải tăng cường vốn tiếng Việt, các em cần phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ của chính dân tộc mình, từ đó tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và bảo tồn văn hóa dân tộc.
Thứ hai, tôi mong các em học thật giỏi để trở thành hạt nhân quan trọng đưa vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển, thu hẹp dần khoảng cách để đạt được mặt bằng phát triển chung của cả nước. Các em học sinh dân tộc thiểu số thân mến, khuôn mặt của các em chính là hạnh phúc, tươi sáng, là nguồn hi vọng của các bác, các chú, các anh làm công tác dân tộc.
Phương Nhung
Theo dân trí
Nghị lực vượt khó của cô học trò mồ côi người dân tộc Dao
Bản thân là con nhà nghèo khó, bố lại mất sớm, cô học trò người dân tộc Dao Lý Thị Vui thấy cảnh người dân trong bản nghèo ốm đau mà lại không có tiền đi bệnh viện nên em muốn trở thành bác sĩ để về chữa bệnh cho dân bản.
Sinh ra và lớn lên tại Bắc Kạn, hiện tại Lý Thị Vui đang theo học tại Trường ĐH Y - dược Thái Nguyên. Ước mơ thuở nhỏ thành sự thật khi cô bé người dân tộc Dao này đã thi đỗ vào chuyên ngành Bác sĩ đa khoa và đang theo học năm thứ 5 tại trường. Chúng tôi gặp em trong một ngày nhận học bổng tại Hà Nội, gương mặt Vui rạng ngời cùng nụ cười hiền hậu duyên dáng trong bộ trang phục của dân tộc mình.
Kể về khoảng thời gian đi học trước kia, Vui bùi ngùi nhớ lại: "Từ nhà em đến trường cách 3km nhưng có nhiều dốc đá hiểm trở, có chỗ còn có cả thung lũng sâu hun hút nên cứ mỗi lần đi học là em sợ lắm. Đám bạn bè trong bản lúc nào cũng phải đợi nhau cùng đi cho dù có muộn học đi nữa, thậm chí có nhiều hôm bố mẹ phải bỏ nương rẫy để dẫn chúng em đi học. Buổi sáng đến trường, buổi chiều em lại về nhà chăn trâu và tìm măng chít để bán phụ bố mẹ. Ngày đó ở bản em chưa có điện nên buổi tối bố mẹ mua cho em một chiếc đèn dầu để ngồi học còn bố mẹ thì tranh thủ làm việc gì đó vừa để coi em học, vừa cùng thức để em không thấy sợ".
Đạt thành tích tốt trong học tập, Lý Thị Vui được về Hà Nội nhận học bổng do tổ chức doanh nghiệp trao tặng.
Khi Vui học hết cấp I và cấp II, các bạn trong bản đều bị bố mẹ bắt nghỉ học ở nhà làm việc vì quan niệm "chỉ cần biết chữ đến thế là đủ rồi, học lên cũng không làm được gì cả". Nhưng bố mẹ em lại chiều theo ý của em khi em nói em muốn tiếp tục được học và em cũng là người duy nhất được học hết phổ thông và thi lên đại học. Thích được làm bác sĩ nên Vui đã quyết định dự thi chuyên ngành Bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y - dược Thái Nguyên và đã thi đỗ. Ngày ấy bố đã ôm chặt em và nói rất tự hào về con gái khiến em chỉ biết khóc mà không nói được lời nào.
Nhưng rồi tai họa ập đến với gia đình cô bé hiếu học này khi không lâu sau cha của em bị tai nạn giao thông và ra đi mãi mãi bỏ lại 4 mẹ con trong căn nhà rách nát. Không còn bố, một mình mẹ tần tảo làm lụng nuôi cả gia đình nhưng vẫn không quên động viên các con cố gắng học. Hiểu được nỗi vất vả của gia đình và nhớ tới ánh mắt tràn đầy hi vọng của cha lúc còn sống, mấy anh em Vui đều cố gắng học tốt. Hiện anh trai Vui đang học trung học chuyên nghiệp ở Hà Nội, còn em út theo học Cao đẳng Y Hải Dương. Nỗi nhọc nhằn của mẹ càng nhân lên gấp bội nên ngoài giờ học mấy anh em đều đi làm thêm đủ các việc để mẹ không phải gửi tiền lên. Riêng bản thân Vui trong suốt 5 năm học đều là sinh viên giỏi có thành tích tốt và được cử đi học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng.
Đang là sinh viên năm 4 trường Y Dược Thái Nguyên, Lý Thị Vui mơ ước ra trường sẽ chữa bệnh cho bà con dân bản.
Bản thân là người dân tộc thiểu số nên việc học tập và cuộc sống của Vui gặp không ít khó khăn từ việc ăn ở sinh hoạt hàng ngày đến việc tiếp cận những kiến thức xã hội, đặc biệt là những thiết bị điện, máy. Vui bẽn lẽn kể lại lần đầu tiên khi nhìn thấy chiếc máy vi tính: "Lên đại học thấy các bạn chỉ chiếc máy vi tính em ngạc nhiên lắm vì chưa bao giờ nhìn thấy cả. Ngày đó em cũng chưa biết sử dụng như thế nào nên cứ lóng nga lóng ngóng làm các bạn cũng buồn cười làm em ngại đỏ cả mặt. Về sau em nhìn các bạn thao tác để bắt chước theo, còn những điều chưa hiểu thì em nhờ cô giáo chỉ cho em".
Năm năm theo học ở trường ĐH Y - dược Thái Nguyên, giờ đây ước mơ được làm bác sĩ thực thụ sắp thành hiện thực, cô bé nghèo hạnh phúc lắm. Kể lại những lần đi thực tế khám bệnh tại bệnh viện em không khỏi nghẹn ngào khi nhắc đến những bệnh nhân nghèo có khi còn không có nổi tiền ăn. Xuất thân từ gia đình nghèo khó, Vui càng hiểu được sâu sắc vấn đề vướng mắc của họ nên ngoài việc chuyên môn em gần gũi nói chuyện, động viên để họ ở lại tiếp tục chữa bệnh. Càng gần người bệnh, em hiểu hơn về "giá trị của cuộc sống" và càng thấy phải trân trọng hơn những điều hiện tại mình đang có. Hàng ngày cùng các thầy cô giáo, cô học trò nhỏ tới bệnh viện khám lâm sàng rồi đến buổi tối lại đi trực. Công việc bận rộn cứ đều đều nhưng lại khiến em say mê và yêu thích đặc biệt. "Lương y như từ mẫu" - Vui luôn tâm niệm câu nói ấy đối với ngành của mình để cố gắng phấn đấu không chỉ ở trình độ, kiến thức chuyên môn mà cả ở việc trau dồi đạo đức, tư cách của một người bác sĩ.
Phạm Oanh
Theo dân trí
Niềm vui sau bục giảng của giáo viên cắm bản "Niềm vui lớn nhất của giáo viên bản lẻ là được thấy các em biết đọc, biết viết, biết nói tiếng phổ thông...", thầy Bùi Văn Hảo - hiệu phó Trường tiểu học Hữu Khuông, xã biên giới Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) chia sẻ. Nếu niềm vui của giáo viên (GV) sau bục giảng là được quây quần bên gia...