Học viện Âm nhạc Huế: hơn 140 lao động có nguy cơ mất việc
PN – Học viện Âm nhạc Huế hiện có 256 cán bộ, nhân viên, trong đó hơn phân nửa là lao động hợp đồng. Do thu không đủ chi, 141 cán bộ, nhân viên thuộc diện hợp đồng ở bộ phận văn phòng, một số khoa phòng có thể phải nghỉ việc…
Thay vì lấy các nguồn thu từ các hoạt động để trả lương cho những người thuộc diện hợp đồng, học viện này lại lấy nguồn ngân sách để trả, gây thâm hụt lớn, dẫn đến không đủ tiền trả lương.
Đổ lỗi do học viên ít
Trong năm 2014, học viện có 475 học viên, thu hơn 3,8 tỉ đồng tiền học phí, nhưng chi lương cho các cán bộ, nhân viên hợp đồng lên đến hơn 5,4 tỉ đồng.
Tiếp đến, trong 6 tháng đầu năm 2015, có 382 học viên, mới chỉ thu được hơn 300 triệu đồng tiền học phí nhưng chi lương cho nhân viên hợp đồng hơn 3,1 tỉ đồng, bị âm hơn 2,8 tỉ đồng.
Video đang HOT
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, hoo5c viện cũng sẽ chi lương cho nhân viên dạng này khoảng 3 tỉ đồng, trong khi chỉ thu thêm khoảng hơn 1,3 tỉ đồng.
Trước đó, từ các năm 2011 đến 2013, học viện không rơi vào tình trạng này, do số lượng học viên dồi dào và lực lượng nhân viên hợp đồng cũng không nhiều bằng bây giờ.
Cụ thể, năm 2011, học viện có gần 1.200 học viên, thu hơn 4,6 tỉ đồng học phí, chi lương cho cán bộ, giảng viên, nhân viên hợp đồng là hơn 2,7 tỉ đồng.
Trước tình hình thu không đủ bù chi, đại diện lãnh đạo học viện cho biết, trong những tháng cuối năm, có thể sẽ cho nghỉ không lương đối với các cán bộ, nhân viên hợp đồng. Khi nào tình hình tài chính ổn định, sẽ gọi đi làm lại. Điều này đã làm rất nhiều người trong diện hợp đồng tại đây hoang mang.
Mới đây, khi trả lời với các cơ quan truyền thông, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế lý giải, nguyên nhân bị thâm nguồn chi là do nguồn thu từ học phí sụt giảm, trong lúc đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mới cho nhận 27 chỉ tiêu biên chế nhưng chưa bù ngân sách. Hơn nữa, Bộ chưa cấp tiền hỗ trợ đào tạo cho sinh viên sư phạm.
Hiện nay, học viện mới thông báo về tình hình tài chính của đơn vị để những người thuộc diện hợp đồng biết, trong trường hợp xấu nhất, sẽ cho diện lao động hợp đồng nghỉ việc không lương những tháng cuối năm.
“Nếu như tình hình ngân sách trở nên xấu nhất thì lao động phải nghỉ không lương một hai tháng, còn hợp đồng thì tùy quyền của bên người sử dụng lao động thôi, có công việc, có lương thì mình hợp đồng, không thì thôi” – ông Nguyễn Việt Đức nói.
Tuyển người tùy tiện
Tuy nhiên, theo nhận xét của một cán bộ xin được giấu tên của học viện này, đang có sự mất cân đối nghiêm trọng về mặt nhân sự. Nhiều khoa chuyên môn thì thiếu người, nhưng hành chính thì thừa người.
Vị này dẫn chứng một số khoa, ngành thiếu giảng viên trầm trọng như: khoa thanh nhạc, sư phạm âm nhạc, giao hưởng… Trong đó, nhiều bộ môn kèn của khoa giao hưởng không có giảng viên như contrebasse, trombone, hautbois, tuba…
Ngoài ra, trong việc tuyển dụng lao động, học viện này cũng đã từng bị Bộ VH-TT-DL “tuýt còi” vì những việc kiện tụng liên quan đến việc tuyển dụng con, người thân, người nhà của ông Nguyễn Việt Đức, giám đốc học viện. Cụ thể, trong kỳ thi tuyển viên chức được tổ chức vào tháng 4/2014, khi công bố kết quả thi viên chức, cả hai con gái của ông Nguyễn Việt Đức là N.T.V.H. và N.T.V.T. đều trúng tuyển. Một số cán bộ của học viện đã phản ứng gay gắt, gửi đơn khiếu nại ra Bộ VH-TT&DL là đơn vị chủ quản học viện này.
Sau khi thanh tra, bộ đã hủy kết quả thi của hai người này và công bố danh sách trúng tuyển gồm 27 người (trong số 37 người được học viện đề nghị bộ công nhận trúng tuyển).
Có nhiều cán bộ trước đó được học viện công bố đủ điểm trúng tuyển nhưng không có trong danh sách này. Trong số những người bị loại, có 3 người gửi đơn khiếu nại gồm: N.T.L.Đ., L.T.H.L. và P.X.B.
Đơn khiếu nại cho rằng, kỳ thi tuyển viên chức của học viện có nhiều khuất tất, khiến cho họ dù đạt kết quả tốt vẫn bị loại. Trong khi đó, có những trường hợp không đúng đối tượng, không đủ điều kiện vẫn dự thi và trúng tuyển.
Nghệ sĩ T.K, nguyên giảng viên Học viện âm nhạc Huế cho biết: “Là một trong những giảng viên tâm huyết, có năng lực ở Học viện Âm nhạc Huế, tôi luôn tự hào vì từng được đứng trong đội ngũ giảng viên của học viện. Tuy nhiên, từ 4 năm trở lại đây, nơi này xảy ra nhiều điều tiêu cực và khuất tất, không minh bạch và tùy tiện trong việc bổ nhiệm cán bộ các phòng ban của lãnh đạo học viện. Từ đó, những giảng viên tâm huyết trở nên chán nản. Vì vậy, tôi và một số đồng nghiệp đau đớn chọn cách ra đi; một số không ít anh chị em còn ở lại cũng phân vân giữa đi và ở”.
Theo PN