Học trực tuyến: Phập phù và thụ động
Học trực tuyến kéo dài, việc học đối phó, không tập trung, né tránh hoặc thậm chí từ chối tiếp nhận kiến thức có xu hướng gia tăng ở học sinh
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, học sinh các cấp ở TP HCM phải học trực tuyến đến hết học kỳ I của năm học 2021-2022. Học sinh buộc phải ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại ngày qua ngày, lặp đi lặp lại với thời gian kéo dài hằng tháng khiến nhiều em bất ổn về tâm lý, mất bình tĩnh, không tập trung, thụ động, chán học hay chống đối mỗi khi phụ huynh nhắc nhở phải tập trung học tập.
Ngại tương tác
Bắt đầu học trực tuyến lúc 14 giờ, đến 14 giờ 5 phút, con chị Vũ Thị Hương (quận Gò Vấp, TP HCM) xin mẹ cho đi uống nước vì khát, 14 giờ 8 phút lại xin mẹ cho đi vệ sinh… Cứ như thế, suốt tiết học khoảng 25 phút, con chị Hương xin mẹ ra ngoài 5 lần. Chị Hương cho biết không có tiết học trực tuyến nào là con chịu ngồi yên từ đầu buổi đến hết buổi, dù con đã học lớp 4 nhưng chị vẫn phải ngồi kề bên để “giám sát”.
“Thời gian đầu học trực tuyến con còn háo hức, sau khi học xong là làm bài tập ngay nhưng bây giờ, mỗi lúc ngồi vào bàn học trực tuyến là một “cực hình” đối với con. Trong giờ học, có đôi lúc con gục xuống bàn ngủ và tìm hàng chục lý do để rời bàn học. Khi cô giáo yêu cầu trả lời bài, con luôn né tránh, tôi rất lo lắng” – chị Hương nói.
Học sinh tiểu học trong một buổi học trực tuyến
Thầy Phạm Duy, giáo viên lịch sử Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận 5, TP HCM), nhận định học trực tuyến kéo dài, giáo viên và học sinh đã thấm mệt. Nhiều lúc học sinh không đủ tập trung để học nữa. Kiến thức trong một năm học được thiết kế theo kiểu tăng dần độ khó, khi kiến thức tăng độ khó thì học sinh càng khó tập trung. Trong suốt thời gian qua, giáo viên luôn cố gắng để gây hứng thú cho học sinh nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), cho hay nhìn một cách khách quan, học sinh ngại tương tác với giáo viên trong lớp học trực tuyến đôi khi là do thiết bị không đủ điều kiện, đường truyền kém, đến lúc phát biểu giọng của học sinh bị méo, bị ba mẹ mắng trong lúc học, bạn học cười trêu… dẫn đến học sinh có tâm lý sợ phát biểu hoặc sợ mở camera.
Theo thầy Bảo, có vài trường hợp chủ quan là do học sinh lười, chán học, nói dối micro hư, camera hư để không phải tương tác với giáo viên. Trường hợp đặc biệt, học sinh có tâm lý yếu, lúc thầy điểm danh cũng sợ không dám lên tiếng dù đã ở trong lớp, thầy phải liên hệ với phụ huynh để trấn an các em.
“Sự tập trung của các em khi học trực tuyến bị chi phối rất nhiều, có khi vẫn ngồi học nhưng bài giảng đối với học sinh không hay, không hấp dẫn… Các em không theo dõi hết bài, không bắt kịp bài thì không hiểu để phát biểu, từ đó không muốn tương tác với giáo viên, thụ động trong giờ học” – thầy Bảo nhận định.
Cá nhân hóa từng học sinh
Video đang HOT
Giáo viên các trường cho rằng học trực tuyến là giải pháp tình thế, mọi người phải chấp nhận sự thật là không thể tạo được một môi trường lý tưởng dạy – học trên nền tảng này. Vì vậy, ở góc độ nào đó, chắc chắn là không hoàn hảo, nên nhìn nhận những tích cực thay đổi, khắc phục của giáo viên.
Theo thầy Phạm Minh Đăng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), mỗi tiết học giáo viên đều cố gắng hết sức tăng cường sự tương tác trên bài giảng, lồng ghép nhiều video hơn, song học sinh phải có tính tự giác thì bài học mới hiệu quả. Để tăng sự tương tác trong lớp học, thầy Đăng chia lớp thành 4 hoặc 5 nhóm, mỗi ngày sẽ thay đổi thành viên trong nhóm, sự liên tục thay đổi bắt buộc học sinh phải tương tác với nhau.
Đối với thầy Võ Kim Bảo, mỗi học sinh sẽ có tính cách khác nhau, mức độ tương tác tùy thuộc vào sự mạnh dạn của từng em. Do đó, giáo viên không nên trách mắng, phê bình ngay khi các em không chịu trả lời câu hỏi. Ngày đầu buổi học, giáo viên phải tạo sự cởi mở, học sinh sẽ nhìn thái độ của giáo viên để tham gia buổi học. Cho điểm động viên khuyến khích các em phát biểu.
Để tránh việc thụ động, giáo viên nên cho phép học sinh sử dụng khung chat trong phần mềm học để gõ vào ý kiến của mình đối với câu hỏi chung. Sau đó, giáo viên nhận xét về nội dung của các em phát biểu, như vậy tiết học đó các em cảm thấy đỡ ngại. Hoặc yêu cầu học sinh nộp bài tập qua các ứng dụng, em nào cũng phải làm. Đối với những học sinh tâm lý yếu, thụ động thì cho phép các em nhắn riêng với thầy cô để trả lời câu hỏi.
Ngoài ra, điều quan trọng là phụ huynh cần tôn trọng không gian riêng tư của lớp học. Tùy vào độ tuổi của học sinh mà phụ huynh có cách giám sát con thích hợp.Đối với học sinh THCS, phụ huynh đôi khi không cần ngồi kế bên để kèm con, họ có thể đi qua phòng bên cạnh hoặc không gian khác để “giám sát” con có học hay không.
“Khi phụ huynh ở cùng, học sinh rất ngại phát biểu, có lúc bị thầy cô la thì sợ ba mẹ sẽ la. Những học sinh khác trong lớp cũng sợ khi trong lớp học của mình có ba mẹ của các bạn khác đang nhìn, các em sẽ có tâm lý ngại” – thầy Bảo nói. Bên cạnh đó, giáo viên cần tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, lựa chọn dự án để học sinh ở nhà làm sản phẩm học tập, nắm lại kiến thức bài và có điểm kiểm tra giữa kỳ.
Không nên áp đặt trẻ
Các giáo viên cho rằng ở thời điểm này, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều rất căng thẳng khi học trực tuyến. Với những trẻ ở bậc tiểu học, phụ huynh phải đi làm trở lại và ít có thời gian đồng hành với trẻ, nên các em dễ mất phương hướng, hoang mang khi học. Vì vậy, phụ huynh đừng vội vàng áp đặt trẻ, la mắng hay chỉ trích. Thay vào đó, hãy quan tâm, động viên và giúp trẻ vượt qua những rào cản khi học trực tuyến.
Xót thương cảnh nghèo của ba đứa trẻ không cha, nhọc nhằn đi tìm con chữ
Giữa tiết trời oi nóng, trong căn nhà tạm: Không cửa, không bàn, không sóng wifi, ba em nhỏ từ 8 đến 11 tuổi của gia đình chị Phùng Thị Tươi (thôn Đông Hữu, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội) say xưa học online trên một chiếc điện thoại.
Những giờ lên lớp trùng nhau, các em sắp xếp mỗi người học 30 phút để nghe cô giảng bài, rồi bổ sung kiến thức bị thiếu bằng cách làm bài tập hoặc nhờ cô giáo hướng dẫn thêm sau giờ học trực tuyến.
Nhọc nhằn đi tìm con chữ
Men theo con đường đất lầy lội dài gần 2km từ trung tâm huyện Ba Vì, phóng viên KT&ĐT cùng Ban Giám hiệu trường Tiểu học Phú Sơn tìm được về thôn Đông Hữu (xã Phú Sơn) để đến nhà chị Phùng Thị Tươi. Gọi là nhà nhưng thực tế nơi ở của chị Tươi cùng 3 con nhỏ là một chuồng trại bị bỏ trống đặt giữa cánh đồng lúa, mượn tạm của người dân trong thôn. Ấn tượng của chúng tôi khi gặp chị Tươi là chiếc nón lá đã bạc đội trên đầu, chiếc áo lao động mặc trên người bám đầy bùn đất vẫn tất tả tưới nước cho những luống rau mới trồng.
Nơi ở của gia đình chị Phùng Thị Tươi (thôn Đông Hữu, xã Phú Sơn, Ba Vì) cùng 3 con nằm ở giữa cánh đồng. Ảnh: Ngọc Tú.
Thấy có khách, chị Tươi nghỉ tay, mời mọi người vào nhà. Từ bên ngoài, chúng tôi đã nghe thấy tiếng trẻ con đang phát biểu, đọc bài trong giờ học online. Mở chiếc cửa, che tạm bằng tấm bạt xanh, chị Tươi giới thiệu ba con: Phùng Thị Thu Huyền (8 tuổi), Phùng Xuân Huy (9 tuổi) và Phùng Thị Lan Phương (11 tuổi) đang ngồi học. Em nhỏ nhất 8 tuổi ngồi học online được chị 11 tuổi ngồi bên cạnh kèm cặp. Bé 9 tuổi, Phùng Xuân Huy đặt sách dưới đất, khom lưng ngồi học. Từ nhỏ các em đều không biết mặt cha.
Trong ngôi nhà (vốn là chuồng trại) mới dựng xong phần thô, mái làm bằng prô xi măng còn hở lỗ chỗ, trơ gạch vữa, ngoài chiếc giường ngủ và 1 cái quạt cây, chiếc điện thoại thông minh - thiết bị học online là tài sản duy nhất có giá trị tiền triệu. Trong hoàn cảnh gian khó đó ba chị em vẫn tràn đầy nghị lực, biết "đẩy" về phía sau những nhọc nhằn để vươn lên.
Bên trong căn nhà của chị Phùng Thị Tươi và 3 con nhỏ. Ảnh: Ngọc Tú.
Góc học tập của các em được sắp xếp tạm trong một góc nhà. Ghế là những chiếc ván gỗ ghép vào nhau, kê cao hơn so với nền đất ruộng. Bàn học chia làm hai phần, một phần là nơi để chiếc điện thoại phục vụ cho việc học trực tuyến, đặt trên một tấm ván gỗ dài khoảng 50cm, xếp trên chồng sách vở của ba chị em cho cao hơn, thuận tầm mắt; phần thứ 2 - nơi đặt sách vở là hộp mì tôm rỗng. Để cứng cáp hơn, thuận tiện khi viết, ba chị em xếp vào trong thùng mì những cuốn sách vở chưa dùng đến trong tiết học. Theo lịch được ba chị em tự sắp xếp, ai đến giờ học thì được ngồi vào góc học tập và sử dụng máy điện thoại. Chiếc quạt cây duy nhất trong nhà cũng được ưu tiên dùng để phục vụ cho người đang học trực tuyến. Trong lúc đó, hai chị em khác sẽ lấy chiếc ghế nhựa làm bàn, nền đất làm ghế để học.
Em Phùng Thu Huyền (lớp 3 - Trường Tiểu học Phú Sơn) trong giờ học online. Ảnh: Ngọc Tú.
Chứng kiến giờ học của các em, chúng tôi không khỏi xót xa. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, tinh thần học tập của các em vẫn hăng say. Phùng Thu Huyền (8 tuổi) trong giờ học liên tục giơ tay phát biểu bài. Em đọc lưu loát những dòng chữ trong sách, trả lời những câu hỏi của cô trôi chảy. Cô chị ngồi đằng sau ôn bài nhưng luôn để ý những lời phát biểu và nét chữ của em.
Cái nghèo đeo bám
Để tránh ảnh hưởng đến giờ học của các em, chị Tươi dẫn chúng tôi sang gian bếp mời nước. Gian bếp là một mảnh vườn, không có mái, được quây xung quanh bởi một hàng gạch. Bếp là ba viên gạch xếp thành kiềng ba chân, dùng củi đốt. Chỉ về phía những thanh gỗ dài để ở góc vườn, chị Tươi kể: "Trước đây, bốn mẹ con phải ở tạm trong túp lều dựng tạm bằng cột gỗ. Nhà hiện nay tôi cùng ba con đang ở là nơi chăn nuôi của một người trong thôn. Trước khi có dịch Covid-19, tôi đi làm may ở một nhà máy nhưng nay đã phải nghỉ".
Chị Phùng Thị Tươi tăng gia sản xuất trong những ngày mất việc do dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Tú.
Trong thời điểm nghị việc, chị Tươi nghĩ đủ mọi cách kiếm tiền để lo cho bữa cơm hàng ngày và trang trải tiền học cho các con. "Năm ngoái, tôi vay mấy triệu đồng để lo tiền học cho các cháu, nay vẫn chưa trả được. Năm nay, tôi vẫn chưa lo được tiền học cho cả ba cháu" - chị Tươi cho hay.
Nói đến việc lo cho con học, người phụ nữ thân hình gầy gộc lau vội giọt nước mắt, tâm sự: "Hoàn cảnh gia đình như vậy, tôi cố gắng chăn nuôi, trồng trọt để có tiền cho các cháu ăn học. Trước đây, tôi có vay tiền để nuôi ba con lợn. Nhưng sau Tết, dịch bệnh nên lợn cũng chết hết, tiền vay chưa trả được".
Trong số ba chị em, chị cả Phùng Thị Lan Phương hiểu được những khó khăn trong gia đình và thường xuyên đỡ đần mẹ lo cho hai em. Em Phương kể: "Những ngày không dịch, mỗi khi mẹ đi làm, em đều đưa hai em đi học. Nhưng cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp, chở các em đi trên đường đất, nhiều lúc bị ngã bẩn hết quần áo. Chúng em cũng tự sắp xếp việc học online. Nếu trùng giờ học, chúng em chia nhau mỗi người học 30 phút, rồi làm bài tập thêm để nắm được kiến thức".
Việc học online của chị em còn nhiều khó khăn do thiếu thiết bị. "Trước đây, ba chị em chỉ có 1 chiếc điện thoại mượn của ông để học. Nhưng buổi chiều, ông đi đâu là lại đòi lại máy. Năm nay, thầy cô ở trường có tặng cho em một chiếc mới. Chúng em rất vui. Việc học đôi khi bị gián đoạn do nhà không có wifi mà dùng sóng 3G. Vào những hôm trời mưa, đường truyền kém, chúng em không nhìn thấy những hình ảnh cô giáo chiếu bài. Nên sau giờ học, em nhờ cô và các bạn, hay anh chị hàng xóm giúp thêm" - Em Phương chia sẻ.
Sẻ chia khó khăn
Biết được khó khăn của phụ huynh, học sinh nghèo, Ban Giám hiệu trường tiểu học Phú Sơn đã thường xuyên động viên, thăm hỏi, tặng quà. Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Sơn - Huỳnh Thị Thanh Bình cho biết: "Thầy cô thường xuyên động viên, quan tâm đến học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm học mới, chúng tôi đã quyên góp, vận động các mạnh thường quân ủng hộ được 7 chiếc điện thoại để tặng cho học sinh. Cùng với đó, nhà trường tặng các em sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập để đảm bảo việc học tập của các em không bị ảnh hưởng. Trường hợp của gia đình chị Phùng Thị Tươi được nhà trường luôn quan tâm ủng hộ hỗ trợ thiết bị và sách vở học tập".
Cùng chúng tôi vào thăm gia đình các em học sinh của gia đình chị Phùng Thị Tươi, Ban Giám hiệu trường Tiểu học Phú Sơn ngoài việc hỏi thăm, tặng thêm sách vở, cho học sinh cũng mang theo những xuất quà như lương thực, thực phẩm và khẩu trang. Phùng Xuân Huy (9 tuổi) là học trò hiếu động nhưng rất tình cảm. Biết giáo viên đến nhà, Huy luôn đến gần cầm tay, níu áo cô để hỏi, khoe kết quả học tập. Có thể thấy, chính từ cuộc sống còn khó khăn, sợi dây tình cảm của cô trò ngày càng bền chặt, trân quý hơn.
Cô Huỳnh Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Sơn kèm cặp học sinh trong giờ học online. Ảnh: Ngọc Tú.
Được biết đến nay, Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì đã triển khai ra soát thiết bị học tập từng học sinh, nắm được địa chỉ (thôn, xóm) và hoàn cảnh gia đình để có giải pháp thỗ trợ. Trao đổi với phóng viên KT&ĐT, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Nguyễn Danh Cường chia sẻ: "Từ danh sách của học sinh khó khăn, chúng tôi đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội vận động, trao tặng thiết bị theo chương trình "Máy tính cho em". Qua đó, Sở GD&ĐT đã tặng cho huyện Ba Vì 5 máy tính mới. Phòng Giáo dục quận Ba Đình đã trao tặng chúng tôi 10 máy tính".
Đối với cấp nhà trường, Ban Giám hiệu các trường đã phối hợp với các đoàn thể, vận động nhà hảo tâm tặng học sinh 135 điện thoại thông minh cho 2 cấp học tiểu học, THCS; hơn 70 laptop và số tiền hỗ trợ quần áo, thiết bị học tập tổng trị giá 153 triệu đồng. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì đã vận động, tiếp tục tham mưu với UBND huyện Ba Vì, dự kiến sẽ tặng 40 em học sinh nghèo thiết bị học tập. Phấn đấu 100% học sinh có phương tiện học tập tối thiểu.
Có thể thấy, ngành giáo dục, các thầy cô huyện Ba Vì cùng sự quan tâm, nỗ lực của phụ huynh và ý thức tự giác của học sinh, những khó khăn trong việc học online đã và đang được khắc phục. Từ đó, học sinh được tiếp cận kiến thức kịp thời, góp phần nuôi dưỡng ý chí vượt qua rào cản của dịch bệnh, vun đắp cho tương lai tươi sáng.
Học online vẫn chưa ổn dù tỷ lệ HS tham gia đạt hơn 97% Nhiều trường, lớp đã gặp tình cảnh cô trò không thể liên lạc với nhau. Một số giờ học online phải kết thúc giữa chừng vì kết nối trực tuyến trục trặc. Ngành GD-ĐT đang tích cực tìm giải pháp khắc phục. Chị Lê Thị Phương Khanh đang kèm con gái học trực tuyến. Cô trò dở khóc, dở cười "Lớp nghe cô...