Học trực tuyến ở những vùng “3 không”
Khi chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến, tại nhiều vùng đặc biệt khó khăn “3 không” không sóng điện thoại, không internet, không thiết bị điện tử, giáo viên phải tìm mọi cách để đảm bảo học sinh ngừng đến trường nhưng không ngừng học.
Trải qua năm thứ 2 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thầy và trò các trường học trên cả nước tiếp tục chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến, thích ứng với tình hình dịch bệnh. Ngay tại các thành phố lớn, việc học trực tuyến vẫn gặp rất nhiều khó khăn như đường truyền gián đoạn, thiếu thiết bị học tập, ở các trường vùng cao, việc học trực tuyến càng khó khăn hơn nữa.
Những ngày cuối cùng của năm cũ, thầy và trò trường Tiểu học Quốc Khánh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn ngỡ tưởng đã “thoát” được cảnh học trực tuyến trong năm nay, nhưng khoảng 2 tuần trở lại đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn bộ hoạt động dạy và học của trường lại chuyển sang online.
Cô và trò trường Tiểu học Quốc Khánh trong một buổi hoạt động trải nghiệm.
Là xã giáp biên, có điều kiện đặc biệt khó khăn, học sinh chủ yếu là con em dân tộc Tày, Nùng, Mông, hầu hết các em đều có bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với ông bà, bởi vậy việc tiếp cận công nghệ, sử dụng các thiết bị điện tử thông minh càng khó khăn hơn.
“100% học sinh của trường chưa có máy tính cá nhân để học trực tuyến, các em chủ yếu sử dụng điện thoại của ông bà, cha mẹ học online. Toàn xã có 8 bản, thì có 2 thôn bản hoàn toàn không có sóng, những bản có sóng cũng chập chờn lúc được lúc không. Trường vẫn có nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có em mắc bệnh hiểm nghèo, tiền để chữa bệnh, duy trì sự sống còn chưa có, nói gì đến mua máy tính, điện thoại để học, lại có em gia đình chỉ có 2 chị em tự nương tựa vào nhau để sống, việc học với các em còn rất nhiều vất vả. Dù nhà trường đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ, song học sinh nơi đây còn thiếu thốn đủ thứ”, cô Nguyễn Thị Kiều Mỵ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quốc Khánh chia sẻ.
Cô Mỵ cho biết, để khắc phục những khó khăn trong dạy và học trực tuyến, nhà trường hướng dẫn các em cùng học theo các nhóm nhỏ từ 2-3 em dùng chung một điện thoại. Có những em ở nơi không vào được mạng, giáo viên sẽ gọi điện về tận nhà hướng dẫn các em học, với những học sinh ở khu vực vùng sâu vùng xa hơn nữa, không có internet, có điện, giáo viên sẽ gửi bài về tận nhà cho học sinh làm.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng thông báo đến phụ huynh, tránh để trẻ chông chênh trên các đỉnh núi bắt sóng internet, nhà trường vẫn mở cửa để các em đến trường, có chỗ ngồi giãn cách đảm bảo học trực tuyến.
Video đang HOT
Trước đó, để chuẩn bị cho việc học trực tuyến mùa dịch, trong thời gian học trực tiếp, Trường Tiểu học Quốc Khánh vẫn dành 2 tiết 1 tuần để dạy thử nghiệm theo hình thức trực tuyến giúp học sinh làm quen, đồng thời kiểm tra bao nhiêu học sinh có khả năng học theo hình thức này.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quốc Khánh cho biết, mong ước duy nhất của thầy và trò nơi đây là có đủ internet và sóng điện thoại để học sinh được học trực tuyến đúng nghĩa mùa dịch.
Còn tại điểm trường Chè Lỳ A, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, trong 2 năm dịch bệnh, thầy và trò nơi đây nhiều thời điểm phải tạm dừng đến trường nhưng chưa từng được học online đúng nghĩa bởi không có sóng điện thoại cũng như mạng internet.
Cô Hoàng Thị Điệu, giáo viên trường Chè Lỳ A chia sẻ, ở chính điểm trường, thầy cô muốn vào mạng cũng phải chạy khắp sân trường “hứng sóng, “hứng 4G”, mạng lúc nào cũng hiện “e”. Toàn trường có hơn 200 học sinh, mỗi lớp cũng vài chục em, nhưng chỉ vài ba phụ huynh tiến bộ lắm mới dùng điện thoại. Thậm chí, nhiều học sinh còn chưa từng dùng điện thoại, làm sao dùng điện thoại để học online. Những thời điểm học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, giáo viên lại in bài, phối hợp với trưởng bản, trưởng xóm để phát bài tận nhà cho học sinh.
Cô Hoàng Thị Điệu chia sẻ, điều mong ước lớn nhất của cả trường là có sóng điện thoại, có mạng internet để việc học trực tuyến đỡ vất vả hơn. (Ảnh: Tiến Cường)
“Có những bản xa cách điểm trường 4-5 cây số, đường đất đá, ngày nắng còn đỡ, còn khi trời mưa thì không đi nổi xe mà phải lội bùn đất đi bộ. Từ đầu năm học mới đến nay, Chè Lỳ A vẫn may mắn tránh được Covid-19 nên học sinh vẫn được đến trường, việc học chưa bị ảnh hưởng quá nhiều, nhưng nếu có dịch, thầy và trò rất vất vả. Điều mong ước lớn nhất của cả trường là có sóng điện thoại, có mạng internet để việc học trực tuyến đỡ vất vả hơn, học sinh và giáo viên cũng có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức mới trên internet”, cô Điệu chia sẻ.
Còn theo cô Lô Thị Dũng, giáo viên trường Tiểu học Châu Thôn, Nghệ An chia sẻ, những đợt địa phương bùng dịch, toàn trường phải chuyển sang học trực tuyến. Chủ nhiệm khối lớp 2, nên hầu hết các buổi học trực tuyến của cô Dũng đều diễn ra buổi tối để phụ huynh có thời gian kèm cặp, học cùng con. Với thầy và trò trường Tiểu học Châu Thôn, việc dạy và học trực tuyến thời gian đầu gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ.
“Dịch Covid-19 khiến thầy và trò chúng tôi lần đầu tiếp xúc với phương thức học trực tuyến. Những buổi học đầu, học sinh, phụ huynh còn bỡ ngỡ chưa biết cách đăng nhập vào hệ thống, ngay cả giáo viên cũng chưa quen với công nghệ, thậm chí chưa biết cách chia sẻ màn hình khi dạy. Nhưng sau một thời gian dài học trực tuyến, thầy và trò đã dần đổi mới cách dạy và học”, cô Dũng chia sẻ.
Chia sẻ thêm về những khó khăn, bất cập khi dạy và học trực tuyến, cô Lô Thị Dũng cho biết, giống như nhiều trường vùng cao khác, cái khó nhất khi học trực tuyến không chỉ ở năng lực công nghệ của học sinh, phụ huynh mà còn từ việc thiếu thiết bị, thiếu đường truyền, thiếu mạng. Mỗi lớp 30 học sinh, trung bình chỉ có khoảng 15 em có điện thoại thông minh để học trực tuyến, còn lại sống ở những thôn bản không có sóng, internet, giáo viên phải giao bài tận nhà cho học sinh trong thời gian tạm ngưng đến trường.
Với những giáo viên vùng cao như cô Dũng, nỗi lo sau mỗi đợi học trực tuyến không chỉ là sự thiếu hụt về kiến thức của học sinh, mà lo ngại hơn nghỉ học dài ngày, nhiều em sẽ không muốn đến trường, bỏ học, thầy cô lại phải vận động để học sinh đi học trở lại./.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2021, trước tác động của dịch Covid-19, cả nước có gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liền.
Theo thống kê, tính đến hết ngày 9/1/2022, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn, 35 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Vấn đề "thực chất" trong học và thi trực tuyến
Khi dạy và học trực tuyến được xác định là giải pháp ổn định, lâu dài, ngành GD&ĐT vẫn quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": Phòng chống dịch an toàn và kiên trì mục tiêu chất lượng.
Tuy nhiên, câu chuyện thực chất trong học và thi trực tuyến còn nhiều vấn đề tồn tại, cần nhìn nhận một cách thẳng thắn.
Khó đảm bảo chất lượng
"Quá mệt mỏi", "không hiệu quả"... là những cụm từ được không ít thầy, trò lẫn phụ huynh thừa nhận trong giai đoạn học trực tuyến. Chưa bao giờ, yêu cầu về sự phối kết hợp giữa nhà trường- phụ huynh- học sinh lại cao đến thế. Về phía nhà trường, thầy cô cần chuẩn bị tốt kế hoạch, bài giảng, giáo án, phần mềm dạy học; phía phụ huynh cần chuẩn bị trang thiết bị, đường truyền đầy đủ còn phía học sinh cần có sức khỏe, tinh thần cầu thị, ý thức tự học, tự nghiên cứu. Thiếu một trong các yếu tố kể trên, việc dạy và học trực tuyến không thể đạt hiệu quả như mong muốn. Vậy ngành Giáo dục đã đáp ứng được đến đâu?
Học trực tuyến không thể đảm bảo chất lượng như học trực tiếp
Trong một tiết học online có thời lượng 35 phút (đối với tiểu học) và 45 phút (đối với trung học), người giáo viên thường mất 5-7 phút cho công tác nhắc nhở, ổn định lớp hoặc cô gọi mà học sinh không trả lời, giảng lại, nhắc lại... Mạng kém, mạng chập chờn, cả cô lẫn trò out ra- out vào, cô lại mất thời gian phê duyệt tài khoản... làm không khí lớp học bị loãng hoặc tiết học tuy giảm tải nội dung nhưng vẫn bị kéo dài.
Về phía thầy cô giáo, dù đã chuyển đổi số tích cực, nhà trường liên tục có các chương trình tập huấn công nghệ thông tin, phần mềm dạy học nhưng khó tránh tình trạng bê nguyên giáo án, bài giảng trực tiếp sang dạy trực tuyến. Ngoài ra, vẫn còn không ít giáo viên ngại học hỏi, trung thành với cách thức dạy truyền thống khiến học sinh ngáp dài suốt giờ học, làm việc riêng hoặc học không tập trung. Học sinh sử dụng thiết bị chất lượng kém; đường truyền mạng không ổn định cũng gây rào cản lớn cho việc tương tác. Với những học sinh ngại học, không có ý thức học thì học trực tuyến là cơ hội để bỏ tiết, xem phim, chơi game; cô giáo không thể ngồi cạnh để kèm cặp, thúc giục như trên lớp. Chính bởi vậy chất lượng giáo dục giai đoạn trực tuyến khó cao và đồng đều.
Chưa đồng nhất giữa học và kiểm tra, đánh giá
Chương trình cốt lõi hoặc chương trình giảm tải là giải pháp chuyên môn được Bộ GD&ĐT đưa ra và hướng dẫn thực hiện từ đầu năm học. Nhận xét về việc giảm tải chương trình trong dạy và học trực tuyến, một giáo viên dạy môn Vật lý tại trường THPT thuộc huyện Chương Mỹ chia sẻ: "Thực tế, chương trình năm nay đã giảm tải rất nhiều, chỉ giữ nội dung cốt lõi, bỏ hầu hết phần kiến thức phụ. Tuy nhiên, việc giảm tải như vậy ẩn chứa nhiều "nguy hiểm" bởi kiến thức là liền mạch, phần này liên quan đến phần kia. Muốn học sinh nắm được "cốt lõi" còn bỏ qua phần "không cốt lõi" thì chất lượng giáo dục có thể còn "báo động" hơn do không phải học trò nào cũng có ý thức tự học, tự đọc. Yêu cầu "giảm tải nhưng vẫn đảm bảo chất lượng", thì dù chỉ là chất lượng cốt lõi cũng rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được".
Nhiều phụ huynh cho rằng, nội dung kiểm tra trực tuyến vẫn khắt khe, nhất là với lớp 1, lớp 2
Từ mục tiêu "đảm bảo chất lượng" đó mà dù đã có kinh nghiệm tổ chức kiểm tra đánh giá trực tuyến ở năm trước nhưng công tác kiểm tra học kỳ 1 vừa qua vẫn bộc lộ nhiều bất cập, vấn đề chính nằm ở nội dung và cách thức ra đề. "Học trực tuyến không thể như trực tiếp nhưng rốt cuộc, đề kiểm tra vẫn yêu cầu các nội dung kiến thức như học trực tiếp, nghĩa là vẫn giữ nguyên về độ khó. Đề kiểm tra online với học sinh lớp 1, 2 vừa khó vừa dài, yêu cầu nhiều kỹ năng trong một khoảng thời gian ngắn. Rõ ràng việc kiểm tra đánh giá trực tuyến chỉ là tương đối vì có bố mẹ hỗ trợ. Và nếu chỉ đánh giá tương đối thì yêu cầu của đề thi không cần phải quá khắt khe như vậy. Việc đánh giá học sinh trong giai đoạn học online không chỉ căn cứ vào riêng bài thi mà theo dõi xuyên suốt cả quá trình học"- chị Nguyễn Thị Thu Hà, quận Hà Đông bày tỏ.
Còn Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân cho rằng, đừng quá coi trọng hoạt động kiểm tra, đánh giá khi học trực tuyến. Nếu kiểm tra, cần có yêu cầu nhẹ đi để không gây áp lực cho giáo viên, học sinh và nhà trường. Học trực tuyến chất lượng thấp, vì vậy không nên đặt ra yêu cầu đảm bảo chất lượng theo chuẩn bởi thực tế chất lượng thấp hơn chuẩn và đây là điều phải đối diện và thẳng thắn nhìn nhận.
"Trong hai năm qua, hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện bởi yêu cầu ứng phó bắt buộc với dịch bệnh nên việc triển khai còn bị động, thiếu đồng bộ và thiếu nhiều điều kiện cần thiết. Phương thức dạy học trực tuyến chưa thể thay thế ngay phương thức học trực tiếp. Trong thực tế, hoạt động dạy học trực tuyến đang cho thấy những vấn đề bất cập như kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy học chưa được chuẩn bị bài bản, thống nhất, chưa chuyển đổi phù hợp với phương thức dạy học trực tuyến, truyền hình; thiếu học liệu. Dạy học trực tuyến hay dạy học truyền hình không thay thế được học trực tiếp đối với các cháu mầm non và chưa đáp ứng các yêu cầu chất lượng đối với học sinh tiểu học; quá trình học trực tuyến đòi hỏi gia đình học sinh (bố, mẹ) tham gia hỗ trợ nhiều hơn, trong khi vẫn phải thực hiện các công việc khác; tâm lý và sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng khi phải dành hàng giờ trước màn hình tivi, máy tính để hoàn thành các nội dung học tập... - đại diện Bộ GD&ĐT.
Giáo viên dạy trực tuyến: "2 năm học nhiều khi cười ra nước mắt với học sinh" Sau 2 năm áp dụng, dù đã có những tiến bộ nhất định, song công tác dạy và học trực tuyến tại nhiều nơi vẫn gặp không ít khó khăn, sóng điện thoại, mạng internet, đường truyền ổn định vẫn là ao ước của cả thầy và trò. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, trong suốt 2 năm qua, học sinh tại hầu...