Học trực tuyến: Không chỉ cần hành lang pháp lý
Từ khi nghỉ học do dịch Covid-19, hình thức học online, học qua truyền hình… được nhiều trường học tận dụng nhằm giúp học sinh (HS) không xa rời kiến thức.
Đây cũng là thời điểm các trang học trực tuyến bùng nổ với lợi thế về nền tảng và kho học liệu phong phú đã được xây dựng từ nhiều năm nay, giúp HS có thêm một kênh ôn tập kiến thức hiệu quả.
Học sinh có thể học miễn phí nhiều môn từ mẫu giáo đến lớp 12 qua mạng.
Phong phú kho học liệu
Mới đây nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố trang web https://olm.vn dạy và học trực tuyến cho HS từ mẫu giáo đến lớp 12. Với 500 video bài giảng và 10.000 bài tập tương tác, giáo viên và HS ở mọi cấp học đều có thể dễ dàng sử dụng kho học liệu miễn phí do nhà trường xây dựng chỉ với một thiết bị có kết nối internet.
PGS. TS Phạm Thọ Hoàn- Giám đốc Trung tâm Khoa học tính toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, kho học liệu về giáo dục số do Trung tâm Khoa học tính toán-Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bắt đầu được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2011. Đến nay, kho học liệu bao phủ nội dung môn Toán, môn Tiếng Việt – Ngữ văn ở bậc phổ thông và đang tiếp tục mở rộng ra các môn khác.
Điểm nổi bật của kho học liệu là toàn bộ hệ thống video bài giảng và bài tập tương tác đều bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, do các giảng viên/ giáo viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thẩm định. Mỗi bài học đều có hệ thống các câu hỏi ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Đơn cử, với học liệu ở phần bài tập, olm.vn được thiết kế đến 16 loại câu hỏi. Trong trường hợp HS trả lời sai, hệ thống bài tập cũng được tự động lặp lại để HS ghi nhớ hơn và khắc phục ngay lập tức. Đây chính là ưu điểm của trang web ở thời điểm hiện tại so với nhiều trang giảng dạy trực tuyến khác hiện nay.
Tính đến nay, hệ thống học liệu đã thu hút gần 3 triệu thành viên. Hiện nhiều trường đang tổ chức cho HS học trực tuyến trên trang web này dưới sự quản lý và giám sát của giáo viên, ban giám hiệu và phụ huynh như Trường PTLC Vinschool (khối THCS); Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory (Buôn Ma Thuật); Trường THPT Lương Văn Can (Hà Nội); Trường Australian International School; Trường UNIS Hanoi…
Cần hành lang pháp lý
Video đang HOT
Mặc dù có những ưu điểm rõ rệt song về căn cứ pháp lý đối với loại hình đào tạo trực tuyến hoặc học qua truyền hình vẫn chưa được Bộ GDĐT chính thức thông qua. Cụ thể, đối với giáo dục phổ thông, các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT khuyến khích đưa công nghệ mới vào trong giáo dục, dạy học, quản lý. Ví dụ, trong một lớp học, giáo viên thấy một số học sinh yếu, có thể dùng công nghệ lập nhóm để tăng cường trao đổi, giao bài tập hoặc bồi dưỡng thêm nhằm cải thiện tình hình.
Tuy vậy, để thúc đẩy các cơ sở giáo dục phát triển đào tạo trực tuyến thì tính pháp lý là điều kiện cần. Trong đó, đối với giáo dục ĐH, từ năm 2017, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 10/2017/BGDĐT về Quy chế đào tạo từ xa trình độ ĐH, cho phép đào tạo bằng hình thức trực tuyến, tạo điều kiện cho các trường triển khai. Nhiều trường như ĐH Mở Hà Nội cũng đang triển khai hiệu quả hình thức học này với gần 20.000 sinh viên theo học trực tuyến của 10 ngành học…
Hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng dự thảo thông tư dành cho các trường ĐH đào tạo theo phương thức truyền thống, trong đó kết hợp với trực tuyến và ghi nhận kết quả học tập. Điều này đồng nghĩa, Bộ GDĐT đang tạo ra những hành lang pháp lý cho giáo dục ĐH, đưa những thế mạnh của công nghệ vào (hoàn toàn hoặc một phần) để sẵn sàng cho các trường ĐH vào cuộc.
Đối với giáo dục phổ thông, các chuyên gia đề xuất Bộ GDĐT cũng cần nghiên cứu đưa ra văn bản pháp lý hoàn chỉnh như giáo dục ĐH để các trường phổ thông có căn cứ triển khai dạy học trực tuyến.
Gần đây nhất, trong đơn cầu cứu tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19)… cùng các Bộ, ban ngành của 150 trường tư thục mới đây, các trường có 5 kiến nghị cơ bản.
Trong đó, các trường kiến nghị được công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online), đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy. Đồng thời đây chính là cách để số hóa nền giáo dục cũng như giảm chi phí không cần thiết và tăng sự đồng đều của chất lượng, cũng là cách góp phần chống các dịch bệnh khi phát tác.
Tuy nhiên, trên thực tế khi một trường tư thục tại Hà Nội có thông báo đề nghị thu thêm phí học trực tuyến 2,5 triệu đồng mỗi tháng/HS trong đợt dịch Covid-19 đã vấp phải sự phản ứng của phụ huynh. Sau đó, nhà trường đã phải tổ chức họp để đưa đến quyết định vẫn dạy trực tuyến cho HS mà phụ huynh không phải đóng bất kỳ khoản phí nào.
Việc này cho thấy, để học trực tuyến được công nhận thì không chỉ là câu chuyện về hành lang pháp lý mà còn là nhận thức và quan điểm của các bậc phụ huynh đối với phương pháp học tập này.
Thu Hương (daidoanket.vn)
TP.HCM: Các trường phải triển khai dạy học trực tuyến
Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ có văn bản hướng dẫn các trường trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình.
Học sinh (HS) TP.HCM tiếp tục được nghỉ học đến hết ngày 5-4 do dịch COVID-19. Để các em không sao nhãng việc học, nhiều trường đã triển khai dạy học trực tuyến.
Chủ yếu ôn tập kiến thức cũ
Bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1, cho biết sau một thời gian triển khai tập huấn cho giáo viên về một số ứng dụng dạy học trực tuyến, tuần này nhà trường đã thử nghiệm triển khai dạy đại trà. Việc dạy online được thực hiện theo khung thời gian sáng từ 9 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ và theo thời khóa biểu được thông tin trên trang web trường cho cả bốn khối lớp.
Nhà trường yêu cầu giáo viên khối 9 dạy tất cả các môn để hỗ trợ cho HS cuối cấp. Còn những khối khác, yêu cầu bắt buộc đối với ba môn văn, toán, Anh, các môn còn lại sẽ được tự chọn tùy theo khả năng của giáo viên trong khung giờ quy định.
Tuy nhiên, khi thực hiện phát sinh một số vấn đề: Với ứng dụng Ms Teams, có những lớp quá đông, đến 200 em nên không có hiệu quả. Với ứng dụng Zoom miễn phí, giáo viên cũng chỉ đáp ứng được tối đa 100 HS tham gia lớp học và thời lượng của bài giảng bị giới hạn.
Vì vậy, tuần sau nhà trường sẽ tách lớp thành nhóm nhỏ hơn và chia thành hai ca/môn để dễ kiểm soát sự tham gia của HS và nâng cao chất lượng giờ học. Thầy cô cũng sẽ sinh hoạt nội quy lớp học nghiêm khắc với HS, loại ra khỏi lớp những HS mất trật tự, chơi game trong giờ học. "Tùy vào tình hình thực tế, các tổ chuyên môn sẽ đưa ra nội dung giảng dạy phù hợp và sau khi các em trở lại trường sẽ tổ chức ôn tập, kiểm tra để xem xét công nhận kết quả cho HS" - bà An nhấn mạnh.
Tương tự, tại Trường THCS-THPT Ngôi Sao, quận Bình Tân, việc dạy online cũng được nhà trường triển khai từ khi các em nghỉ học tránh dịch.
Bà Thanh Thiên, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường sử dụng phần mềm Zoom và Emodo để dạy. Phương pháp này được triển khai cho tất cả các khối, theo thời khóa biểu, có quy định giờ dạy, có điểm danh HS.
Theo bà Thiên, qua theo dõi có đến hơn 40% các em không theo học online. "Những em học khá, thực sự thích học thì phương pháp này sẽ hiệu quả. Còn những em lười, yếu, không muốn học, lại không có phụ huynh, giáo viên quản lý thì rất khó. Tuy nhiên, việc dạy online trong thời điểm này sẽ cung cấp môi trường, phương tiện để HS giữ được nhịp độ học tập.
Dù ở khu vực ngoại thành nhưng trong thời gian qua Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ vẫn đẩy mạnh việc dạy trực tuyến.
Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn chia sẻ việc dạy online được tập trung cho HS khối 12 đối với các môn thi tốt nghiệp. Trường có sắp xếp thời khóa biểu, mỗi tiết là 60 phút, HS được cấp tài khoản, được tạo phần mềm. "Trong quá trình dạy, nhà trường chủ yếu ôn tập kiến thức cũ, chưa triển khai dạy bài mới. Trong những nội dung, các thầy cô bộ môn căn cứ theo cấu trúc đề có thể mở rộng ôn tập khối 10, 11" - vị này nói thêm.
Học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, quận 6 đang học bài tại nhà. Ảnh: TRẦN MINH
Phát sóng nội dung chương trình học kỳ II
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, sở đã phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức phát sóng ôn tập trên truyền hình các chủ đề kiến thức cho HS lớp 9 và lớp 12. Nhưng đó là những nội dung đã học trong học kỳ I. Trong thời gian tới, các chương trình phát sóng trên truyền hình sẽ dạy kiến thức mới học kỳ II. Trong tuần này sở sẽ phối hợp với HTV sản xuất, ghi hình các thầy cô giảng dạy nội dung mới để phát sóng.
"HS vừa học qua truyền hình nhưng cũng cần phải có sự tương tác với thầy cô ở trên lớp để củng cố kiến thức. Môn học nào ở lớp nào thì giáo viên phải có trách nhiệm tổ chức lớp học online để hỗ trợ HS trong việc học nội dung bài học trên tivi" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Các nội dung kiến thức dành cho HS lớp 9 và lớp 12 sẽ được phát sóng trên kênh HTV key. Chương trình lớp 9 sẽ được phát sóng vào sáng thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu với ba môn toán, văn, Anh và được phát lại vào sáng thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Trong khi đó lớp 12 sẽ gồm sáu môn văn, toán, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh phát sóng vào tất cả các buổi chiều trong tuần. Thầy cô trong hội đồng bộ môn của Sở GD&ĐT cũng như các thầy cô có kinh nghiệm trong việc dạy học trực tuyến sẽ phụ trách công tác giảng dạy.
Ông Hiếu cho biết thêm sắp tới tất cả các trường sẽ phải triển khai các phương pháp dạy online, dạy học qua truyền hình. Tất cả các cấp học đều phải thực hiện riêng, cấp tiểu học sẽ nhẹ nhàng hơn, chủ yếu củng cố kiến thức và không dạy trực tuyến trước chương trình. Việc học ở bậc này không đặt nặng theo tiến độ của chương trình.
Sở sẽ có văn bản hướng dẫn đến các trường trong việc tổ chức thực hiện. Sở giới thiệu các phần mềm, các đường truyền, hỗ trợ băng đĩa ghi hình. Sau khi phối hợp với đài truyền hình phát sóng các chương trình học trên HTV key, Sở GD&ĐT còn sử dụng băng đĩa cho các trường tổ chức dạy học.
"Hiệu trưởng sẽ phải giám sát quá trình thực hiện của các giáo viên. Sở sẽ kiểm tra việc triển khai của từng trường. Mỗi trường phải có kế hoạch triển khai dạy học cũng như kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đánh giá từng môn học, từng thời điểm để đảm bảo việc dạy và học có hiệu quả" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Liên quan đến việc công nhận kết quả học trực tuyến, phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết cần phải trải qua quá trình rà soát, kiểm tra.
Bộ GD&ĐT công nhận việc dạy trực tuyến
Theo Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT cần hướng dẫn nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua Internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường. Bộ chỉ đạo các sở khi HS đi học trở lại thì cần đề nghị các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình.
NGUYỄN QUYÊN (plo.vn)
Học sinh tiểu học Đồng Nai cũng được ôn tập kiến thức qua truyền hình Học sinh bậc học tiểu học ở tại tỉnh Đồng Nai cũng sẽ được ôn tập kiến thức qua truyền hình, kênh ĐN1 của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Ngày 13/3/2020, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai - ông Võ Ngọc Thạch đã ký văn bản 753/SGDĐT-NV1, về tiếp tục giảng dạy qua truyền hình,...