Học trò “quay” bằng điện thoại, thầy cô choáng
Vừa nêu ra câu hỏi đã thấy học trò của mình lôi điện thoại ra hý hoáy một lúc rồi mới ngẩng đầu lên… Mãi sau, thầy Hùng ngỡ ngàng khi phát hiện ra, hễ ai tìm được đáp án thì gửi link cho cả lớp chép cùng.
Trào lưu dùng điện thoại tìm đáp án có vẻ như đã trở nên quen thuộc trong giới 9X. Mỗi ngày đến lớp, từ bài toán khó, câu trắc nghiệm môn lý luận “khoai”… cũng không khiến teen e ngại nữa.
Đơn giản là trong túi mỗi cô cậu học sinh, sinh viên mặt còn búng ra sữa này đã sẵn có một chú “dế xịn” để họ thả phanh “ search mạng”.
Mỗi ngày đến lớp, dù có thể quên mang bút, giấy nhưng điện thoại thì không bao giờ Hà quên cả. Như Hà vẫn nói “quên dế thì có mà chết luôn” nên lúc nào trong túi Hà cũng có chiếc điện thoại. Hà kể, có điện thoại tiện lắm, thầy cô vừa nêu câu hỏi, ở dưới bọn mình đã google ra cả loạt tài liệu có đáp án. Cứ thế trả lời thôi, không cần phải học nhiều.
Giờ kiểm tra, “dế” cũng được phát huy năng suất đến mức tối đa khi cùng các cô cậu lướt web, vào mạng để tìm tài liệu. “Để vào mạng nhanh, bây giờ bọn mình dùng những loại máy cấu hình cao, ai có điều kiện thì vào iphone, không thì điện thoại dăm bảy triệu là có thể vào mạng ngon lành rồi. Mà trên mạng bây giờ cái gì chẳng có”.
Nghe nhắc đến dùng điện thoại lướt web, Đức thậm chí còn hào hứng hơn: “Thi cuối kỳ bọn em cũng mang điện thoại vào. Nhiều môn quy định không cho mang theo điện thoại nhưng vẫn lén mang vào, không thì chỉ có nộp giấy trắng, suốt ngày lo đi thi lại thôi”.
Theo lời Đức, mỗi khi đến kỳ thi, trừ những con mọt sách chăm chỉ, còn lại học rất tài tử. Nhất là những môn thi viết, phải học thuộc thì khỏi nói, hầu như chẳng mấy ai động đến giáo trình.
Vào phòng thi hoặc là mang theo phao hoặc dùng điện thoại tìm kiếm mà chép. “Không làm thế thì sao qua nổi, học thuộc bao nhiêu câu, toàn những môn chán chết”. Vì thế, thay vì quay bài, giờ các 9X thoải mái quay… điện thoại.
Video đang HOT
Đức còn chia sẻ kinh nghiệm “câu nào có trên mạng thì bê nguyên vào, còn nếu chỉ có gợi ý hoặc nhang nhác giống thì phịa thêm một ít. Mấy môn thi viết thì cứ bôi ra cho dài dài tý, thầy cô nhìn vào chắc cũng chẳng buồn đọc nữa, chấm cho đủ điểm qua thôi’.
(ảnh minh họa)
Thầy cô càng… kinh ngạc
Hồi đầu, vừa nêu ra câu hỏi đã thấy học trò của mình lôi điện thoại ra hý hoáy một lúc rồi mới ngẩng đầu lên, từ khó chịu, thầy Hùng bắt đầu cảm thấy tò mò. Có nhắc nhở thì những lần sau, các trò vẫn “chứng nào tật nấy”, vẫn loay hoay với chiếc điện thoại dù khi mới vào lớp, thầy đã nhắc không được để chuông điện thoại reo trong giờ học. Để ý kỹ, thầy Hùng bắt đầu hiểu ra mục đích của học trò “hóa ra, chúng nó đang tra trên mạng”.
Đến giờ kiểm tra, nhiều hôm thấy cả lớp làm y xì nhau, có chăng chỉ khác vài từ nối, thầy Hùng ngỡ ngàng khi phát hiện ra, hễ ai tìm được đáp án thì gửi link cho cả lớp chép cùng. “Cứ cái kiểu này, không biết bọn trẻ học được bao nhiêu kiến thức vào đầu. Sự lạm dụng công nghệ thái quá khiến học trò sinh bệnh lười, cái gì cũng chờ trên mạng”.
Theo thầy, cần phải nghiêm cấm thế hệ 9X này dùng điện thoại trong giờ học, đặc biệt là những kỳ thi cử. Nếu cứ phụ thuộc vào Internet và những thông tin trên mạng để làm bài, các trò cũng không thể đạt điểm cao.
Hôm coi thi cuối kỳ, thầy Hùng kiên quyết không cho thí sinh mang điện thoại vào phòng thì có đến hơn một nửa thí sinh bỏ cuộc, nộp giấy trắng ra về khi thời gian làm bài mới bắt đầu được 5 phút. “Khi tôi hỏi, chỉ thấy mấy đứa lắc đầu: thầy tịch thu điện thoại thì khác gì chặt tay bọn em, sao bọn em làm bài được nữa”. Trao đổi với các đồng nghiệp khác, hóa ra rất nhiều lớp xảy ra tình trạng dùng điện thoại để “quay bài”.
24H.COM.VN (Theo Báo Bưu điện Việt Nam)
Những thói quen nguy hiểm đối với việc học của teen
Nước đến chân mới nhảy
Nhiều teen thì chăm học, lo lắng trước mỗi kỳ kiểm tra nên thường tranh thủ học bài sớm hơn cả một tuần nhưng cũng có rất nhiều teen đợi đến ngày mai kiểm tra thì hôm nay mới vội vã ôm sách mà học. Thói quen này xuất phát từ việc lười biếng, để bài vở dồn ứ lại rồi lúc đó mới hớt hải học bài.
M.Đan (teen 11 THPT Thái Phiên) chia sẻ: "Không biết mình đã hình thành tính này từ bao giờ nhưng mình khó mà bỏ được. Mỗi khi có bài kiểm tra mình đều nhẩm là cố gắng này nọ nhưng rồi cũng bị cám dỗ bởi nhiều thứ nên cứ hứa hẹn mai học, dần dần đến ngày thi mà chẳng có chữ nào vào đầu. Lúc này mình mới ba chân bốn cẳng đi mượn sách vở bạn bè về học, có lúc mai thi thì tối nay mình mới mò mẫm vào bàn học suốt đêm. Sáng ngày thi mặt mũi cứ đơ cả ra, ấy thế mà chẳng bỏ được".
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Ỷ lại bạn bè
Thay vì phải ôn tập để kiểm tra thì nhiều teen có suy nghĩ rằng: "Lo gì, bạn bên cạnh giỏi lắm, có chi biểu nó bày cho, khỏi mắc công học". Chính vì thế mà cứ đến giờ kiểm tra là những teen này hết quay dọc rồi quay ngang, liếc trên liếc dưới để "tia" bài, gây khó chịu cho bạn mình.
H.Sang (teen 12 THPT Nguyễn Trãi) bực bội nói rằng: "Xui rủi mình ngồi trúng cái thằng lười học, đã nhắc không biết bao nhiều lần rằng năm 12 rồi thì chú tâm vô học dùm đi, ấy thế mà nó cứ nhởn nhơ, bài kiểm tra nào cũng ngó bài mình rồi hỏi này nọ, đang làm bài mà nó cứ giựt áo, túm tóc làm mình phân tâm, tức không chịu nổi".
P.Tuấn (teen 12 THPT Nguyễn Trãi) thì lại nói rằng: "Mình thi khối A nên không học bài gì nhiều mấy môn xã hội, học nhiều rồi cũng chẳng có ích gì. Thôi thì cứ đến giờ kiểm tra nhờ mỗi đứa bày chút để có đủ điểm trên trung bình. Bạn bè trong lớp thì phải giúp đỡ nhau như thế chứ"
Nhờ bạn chỉ bài dùm nhưng ở mức độ vừa phải, teen phải chú ý đến tâm trạng của họ, nếu cứ vì lợi ích của mình mà làm ảnh hưởng đến việc học của bạn thì không nên. Điều đó sẽ khiến cho bạn bè có cái nhìn không tốt về bản thân mình nữa đấy!
Săn đề lớp khác
Teen điều tra cô mình dạy gồm những lớp nào, để rồi hễ có bài kiểm tra nào đó thì teen chạy qua lớp khác lấy đề về học tủ. Cứ như thế, mỗi khi có đợt kiểm tra là teen cứ nháo nhào lên chạy đi xin đề về làm sẵn rồi học. Nhưng cũng có vài trường hợp teen "méo mặt" với thói quen này.
M.Duyên (teen 11 THPT Nguyễn Khuyến) tâm sự: "Đợt đó tớ tia được cái đề Sử, mừng quá tớ thông báo cho cả lớp để về nhà học tủ. Ai dè, thầy biết nên đổi đề toàn bộ. Bữa đó hơn nửa lớp 1, 2, 3 đi đều. Đó là bài học đắt giá mà tớ phải trả cho thói quen của mình".
Việc săn đề này khá phổ biến ở lớp học và thường ít bị giáo viên phát hiện, nhất là ở các môn trắc nghiệm. Tuy nhiên giáo viên sẽ phát hiện ra ngay nếu những bạn học yếu bỗng dưng được điểm cao hay đột nhiên cả lớp được điểm cao.
Tạm kết
Đây chỉ là số ít những thói quen có hại đến việc học của teen nhưng những thói quen này rất phổ biến trong học đường. Ban đầu teen sẽ không phát hiện được những tác hại của nó, đến khi lạm dụng thì hậu quả sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, học bằng sức lực của mình thì lúc nào cũng đem lại hiệu quả tối ưu nhất.
Theo Kênh14
HS dùng điện thoại di động: Cẩn thận với "con dao hai lưỡi" Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo quy định 6 hành vi mà học sinh tại các trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học trên cả nước không được làm. Trong đó có quy định cấm các em sử dụng ĐTDĐ trong giờ học. Trước khi dự thảo được đưa ra, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã...