Học trò đấm cửa, trải lòng với thầy
Ngày đó, tôi còn là một giáo viên trẻ, mới dạy được bốn năm. Ngoài dạy ở trường chính, tôi còn đi dạy thêm một trường bán công thành phố. Thường học sinh không đủ điểm vào các trường công lập thì phải vào trường bán công, vì thế chất lượng đầu vào thấp. Năm đó, ban giám hiệu phân công tôi dạy lớp 11 H. Là một giáo viên trẻ lai phai dạy một lớp có nhiều học sinh cá biệt và học yếu, tôi rất lo lắng.
Minh hoa: Nguyên Ngoc Thuân
Tôi nhớ ngày đầu tiên bước vào lớp, nhiều ánh mắt đổ dồn lên mình với cái nhìn vừa tinh nghịch vừa như để dò xét thầy giáo bộ môn mới. Sau vài lời giới thiệu, làm quen, tôi bắt ngay vào bài giảng. Những buổi học đầu, tôi phải mất năm phút để ổn định lớp. Có khi đang giảng bài, nhìn thấy vài em nói chuyện riêng, tôi phải dừng bài giảng để nhắc nhở.
Hai, ba tuần trôi qua, có lẽ đã quen cách dạy, cách làm việc của tôi nên lớp dần đi vào nề nếp. Tiết học vì thế diễn ra nghiêm túc, sôi nổi, hào hứng. Một số em trước đây được xếp vào danh sách cá biệt cũng đã thay đổi tâm tính, duy chỉ có Phùng – cậu học trò ít nói, đôi mắt tròn, to – vẫn chưa làm tôi yên lòng. Ý thức học tập, thái độ của em đối với giáo viên khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Giờ học của tôi có tiết em không soạn bài, có tiết em không chép bài, cứ nhìn lơ đễnh ra ngoài sân…
Một lần, đang say sưa giảng bài, bất chợt nhìn xuống thấy Phùng ngủ gục trên bàn, không vở, không sách giáo khoa. Dừng giảng bài, tôi xuống chỗ em ngồi và nhẹ nhàng bảo: “ Sao em lại ngủ trong giờ học. Nếu em thấy trong người không được khỏe thì thầy cho phép em xuống phòng y tế trường nằm nghỉ một lát”. Thật bất ngờ, tôi nói chưa dứt lời, em vùng vằng đứng dậy bỏ đi ra ngoài, đưa tay đấm mạnh cánh cửa trước sự ngỡ ngàng, ái ngại của học sinh trong lớp.
Cố bình tĩnh, xem như không có chuyện gì xảy ra, tôi tiếp tục bài giảng của mình. Ra khỏi lớp, Phùng đến phòng bảo vệ trước cổng trường ngồi. Hết tiết dạy, tôi quyết định gặp, nói chuyện với em. Ngồi đối diện với tôi, Phùng vẫn tỏ ra bất cần và lạnh lùng. Tôi vẫn nhẹ nhàng gợi chuyện và kiên nhẫn đợi chờ. “Phùng à, thầy không giận em, thầy chỉ buồn và mãi suy nghĩ vì sao em lại phản ứng với thầy như thế trong giờ học. Có gì không em? Nếu được, em cứ tâm sự với thầy đi, em đừng ngại…”. Dù tôi có nói gì Phùng vẫn im lặng. Nhìn đồng hồ rồi em đứng dậy chỉ nói một câu “Xin lỗi thầy” và ôm cặp ra về. Nhìn theo em, tôi ái ngại, thở dài.
Video đang HOT
Hai ngày trôi qua em không đến lớp. Tối đó tôi quyết định tìm đến nhà em. Cách xa trường chừng 4km, khác với tưởng tượng của tôi, ngôi nhà Phùng khá khang trang. Bố làm nghề lái xe khách, mẹ bán vải ở chợ, sau Phùng còn hai em nhỏ. Mẹ Phùng chừng 40 tuổi nhưng đôi mắt luôn hun hút một nỗi buồn. Bố Phùng không có nhà, mẹ em tiếp chuyện với tôi. Vừa chảy nước mắt chị vừa nói: “Hai ngày ni nó khăng khăng đòi bỏ học. Thầy làm răng thuyết phục giùm tui với. Nó đi chơi đâu cả chiều, giờ này mà vẫn chưa về…”.
Có lẽ mới gặp lần đầu nên chị cũng không kể gì với tôi về gia đình, về em. Xin phép mẹ Phùng ra về, lòng tôi canh cánh nỗi lo. Sáng chủ nhật tôi quyết định đến nhà Phùng lần nữa. Rất may em đang ở nhà, em đồng ý đến quán nước với tôi. Dường như cảm nhận được tấm lòng của tôi, Phùng bắt đầu mở lòng: “Bố mỗi lần chạy xe đường xa về người toàn mùi rượu rồi to tiếng, mắng nhiếc mẹ, cứ dọa viết đơn ly dị. Hình như bố em có người đàn bà khác và thường xuyên gặp gỡ trong những lần đi xe đường xa. Mỗi lần như thế mẹ chỉ biết khóc, van xin bố. Em không chịu nổi cảnh đó, làm răng em học được”.
Lần đầu tiên tôi thấy Phùng khóc. Nắm lấy bàn tay, tôi tìm mọi lời khuyên nhủ em: “Thầy biết ba mẹ là chỗ dựa cho con cái. Giờ ba thì đi xa nhiều ngày, về nhà hay to tiếng, mẹ vì thương con mà chấp nhận, bỏ qua tất cả. Mẹ chịu khổ nhiều rồi, vậy em thử nghĩ xem, nếu em bỏ học thì mẹ làm sao sống được. Nếu biết thương mẹ thì em phải tập trung vào việc học. Chính những kết quả học tập của em là món quà đẹp nhất để mẹ vượt qua tất cả”. Phùng nhìn tôi, đôi mắt rớm lệ: “Em cảm ơn thầy. Em cảm ơn thầy rất nhiều. Em sẽ cố gắng. Chuyện hôm trước, thầy… thầy bỏ qua cho em nhé, em biết lỗi rồi…”.
Phùng giơ đã là một kiến trúc sư. Em đã có vợ và hai cô con gái xinh xắn. Ngày 20-11 hằng năm, em đều đến thăm tôi. Không còn cái vẻ lạnh lùng, lầm lì như trước nữa, cậu học trò Phùng giờ là người đàn ông lịch lãm, nhiệt tình và sống có trách nhiệm. Tôi vui vì thấy em trưởng thành. Tôi cảm thấy ấm lòng mỗi lần nhìn quyển sách Người thầy đầu tiên mà em tặng tôi khi em nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Phùng à, thầy sẽ tiếp tục dõi theo bước chân em, nhất định rồi.
TRẦN VĂN TOẢN (giáo viên Quốc Học Huế, Thừa Thiên – Huế)
Theo Tuoitre
Thầy, trò viết chữ đẹp nhất nước
Trường tiểu học Nghĩa Ninh (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) có nhiều giáo viên và học sinh viết chữ rất đẹp.
Đào Thị Thảo, giải nhất (khối 2) cuộc thi viết chữ đẹp toàn quốc, rèn chữ ở lớp - Ảnh: T.Q.N
Giải nhất quốc gia viết chữ đẹp
Có dịp đến Trường tiểu học Nghĩa Ninh, ai cũng trầm trồ trước những nét chữ trên bảng công việc ở văn phòng trường. Chữ rất đều, đẹp kỳ lạ, nhiều hoa văn và có nét đậm nét nhạt. Hỏi ra mới hay đó là chữ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Huyền.
Cô hiệu trưởng cười xòa bảo: "Có gì đâu, trường còn nhiều học sinh viết chữ đẹp hơn kìa". Rồi cô Huyền giới thiệu Đào Thị Thảo, học sinh lớp 3A. Thảo đoạt giải nhất (khối 2) cuộc thi viết chữ đẹp "nét chữ, nết người" toàn quốc năm học 2012-2013 được tổ chức vào tháng 4.2013 tại Hà Nội.
Đúng là nét chữ, nết người, Thảo rất lễ phép trong nói chuyện. Em cho hay, ngoài những môn học bình thường, hằng ngày em đều luyện chữ viết trong một quyển vở riêng, luyện ở trên lớp và cả ở nhà; niềm đam mê luyện chữ như đã ăn vào máu, hễ rảnh là em lại luyện viết.
Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết hoàn cảnh gia đình Thảo. Hiện em đang ở trong ngôi nhà có đến 8 người, gồm cả ông bà nội, bố mẹ, cô ruột. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên bố Thảo thường đi làm ăn dài ngày, còn mẹ cũng lăn lộn đủ thứ việc làm thuê làm mướn để kiếm tiền.
Chữ viết trong các bài thi của Thảo lúc học lớp 2 thật đẹp. Những hàng chữ nghiêng đều một cách kỳ lạ và có thể nói nó đẹp hơn chữ in máy bởi những hoa văn, đường cong uốn lượn, nét thanh đậm diệu kỳ thể hiện cái hồn của người viết. Khó ai tin rằng đó là nét chữ của một học sinh lớp 2.
Cô Huyền cho biết bản thân mình cũng đoạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp toàn quốc lần đầu tiên dành cho giáo viên vào năm học 2002-2003.
Bước tiến thần tốc của trường nghèo
Không giấu nổi sự tự hào và niềm vui của mình khi có một thế hệ học sinh viết chữ đẹp như thế, cô hiệu trưởng lấy cho chúng tôi xem một loạt tập bài thi chữ đẹp của học sinh được đóng lại thành từng quyển để lưu giữ.
Trường tiểu học Nghĩa Ninh chỉ mới thành lập từ năm học 2006-2007. Nằm trên địa bàn khó khăn nhất nhì thành phố nên trường luôn nằm áp chót bảng về thành tích. Thế nhưng từ năm 2010 đến nay, 2 năm liền trường đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc toàn tỉnh; đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và hiện đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trong 3 năm học từ 2010, từ 55% học sinh khá giỏi trường đã vượt trên 95%, đoạt hàng chục giải học sinh giỏi thành phố và tỉnh, một giải quốc gia. Riêng về chữ đẹp, năm học 2011-2012, đoạt 5 giải cấp tỉnh (có một giải nhất) và một giải ba quốc gia, năm học 2012-2013, đoạt 11 giải thành phố, 8 giải tỉnh và một giải nhất quốc gia. Cô Huyền bật mí: "Cách truyền đạt, phương pháp dạy rất quan trọng. Tạo cho các cháu sự hứng khởi, say mê học, rèn luyện và rèn đúng hướng thì sẽ đạt kết quả tốt".
Theo TNO
Thầy - trò ngày càng cách xa? Phải chăng mối quan hệ giữa thầy và trò ngày càng xa cách như nhận định của nhiều người ? Thầy - trò mãi là tình cảm đặc biệt mà mỗi người học trò luôn khắc sâu ghi nhớ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch Có khoảng cách vô hình ? Không ít sinh viên của nhiều trường ĐH, CĐ kể lại chuyện suốt...