Học trò đặc biệt trong ngôi trường nghèo tại trung tâm Sài Gòn
Từng bị liệt vào danh sách cá biệt, hai học sinh trường THCS Đức Trí (quận 1, TP HCM) đã vươn lên học giỏi nhờ tình thương của thầy cô.
“Trường ở ngay trung tâm thành phố nhưng học sinh phần lớn là con em người dân lao động nghèo. Thiếu thốn sự quan tâm của người lớn, nhiều em trở nên hư hỏng hoặc bỏ học giữa chừng”, cô Lê Thị Minh Nguyệt, Hiệu phó trường THCS Đức Trí, nói và đưa ra danh sách dài học sinh còn thiếu tiền học phí từ đầu năm học.
Trường có rất nhiều học sinh cá biệt, song Châu Phạm Anh Ngọc lớp 9/3 để lại ấn tượng với thầy cô nhiều hơn cả vì thường xuyên gây chuyện, trốn học, cãi lời. Đỉnh điểm là năm lớp 7, vì vi phạm quá nhiều nội quy, Ngọc bị xếp loại hạnh kiểm trung bình, đầu năm lớp 8 bị chuyển từ lớp đứng đầu trường xuống lớp dành cho những học sinh quậy phá.
Thầy Lê Thanh Hùng và cậu học trò ‘cá biệt’ Anh Ngọc trong một giờ học.
Ngọc mồ côi cha khi mới 6 tuổi, lúc đó mẹ lại mới sinh em bé. Để nuôi anh em cậu và bà ngoại 78 tuổi, mẹ phải gửi cả ba người ở nhờ nhà người quen tại TP HCM, còn mình về quê Long An làm công nhân. Vì vậy mỗi lần buồn chuyện gia đình, Ngọc chỉ ngồi yên trong lớp, không thể tập trung việc học, nhiều khi bị cô giáo la nên đã cãi lời hoặc trốn học đi lang thang.
“Hai ba tháng mẹ mới về thăm một lần, cuộc sống lại thiếu thốn nên nhiều lúc em rất buồn, chỉ muốn bỏ học để đi làm phụ mẹ. Thế nên khi lên lớp em quậy phá, gây sự chú ý với bạn bè, thầy cô”, Ngọc giải thích về những hành động quậy phá của mình.
Từ khi bị chuyển lớp, Ngọc hụt hẫng khi phải xa bạn bè. Biết mong mỏi của học trò muốn được quay lại lớp cũ, thầy giáo dạy Toán Lê Thanh Hùng hứa giúp nếu Ngọc ngoan ngoãn và đạt học sinh giỏi năm đó. Còn thầy chủ nhiệm lớp mới vốn được biết đến là người có “kỷ luật thép” cũng chưa một lần la mắng, trách phạt Ngọc mà rất hay hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình cậu.
Video đang HOT
Cuối năm lớp 8, Ngọc trở thành học sinh giỏi của trường, đạt giải nhất học sinh giỏi quận môn Lịch sử. Hiện, Ngọc gấp rút ôn tập để chuẩn bị tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. “Em nhận được sự chia sẻ, động viên rất nhiều từ các thầy. Năm đó khi trở thành học sinh giỏi, thầy chủ nhiệm đã tặng quà cho em, còn thầy Toán tặng hằn chiếc xe đạp”, Ngọc khoe.
Thực hiện lời hứa trước đó, thầy Hùng xin cho em được chuyển về lớp cũ nhưng Ngọc lại không chịu. Khi được hỏi, cậu òa khóc cho biết nếu chuyển về lớp cũ, học 2 buổi/ngày, sẽ phải đóng học phí nhiều hơn nên bà không đồng ý. Thương học trò, thầy giáo trẻ lại dè xẻn đồng lương ít ỏi giúp Ngọc đóng học phí.
“Giờ Ngọc không những được xóa tên khỏi danh sách học trò cá biệt mà còn là tấm gương học tập cho rất nhiều bạn trong trường”, thầy Hùng tự hào nói.
Cô Lê Thị Minh Nguyệt tuyên dương Ngọc và Đạt trước toàn trường. Từ những học sinh cá biệt các em đã trở thành tấm gương biết vươn lên học tập.
Cũng là học sinh cá biệt, Nguyễn Thành Đạt học sinh lớp 6/8 của trường từng bị ở lại lớp vì ham chơi, học hành sa sút, nhưng nay đã trở thành lớp trưởng gương mẫu. Cậu học trò 13 tuổi nhỏ quắt và đen sạm mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ Đạt lại phải vào tù nên vừa lọt lòng cậu bé đã được giao cho người dì nuôi nấng. Dì dượng là lao động nghèo, lại phải nuôi thêm mấy đứa cháu khác nên Đạt lớn lên thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất.
“Sau khi bị lưu ban một năm, đầu năm học vừa rồi không thấy Đạt tới trường tôi đã cử giáo viên chủ nhiệm về tận nhà mới biết vì hoàn cảnh khó khăn nên dì dượng không thể tiếp tục cho Đạt đi học”, Phó hiệu trưởng trường THCS Đức Trí chia sẻ và cho biết mặc dù trường có học bổng để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không nhiều.
Không thể để học trò nghỉ học sớm, cô Nguyệt và giáo viên chủ nhiệm của Đạt đã bớt tiền lương của mình để giúp em quay lại trường. Ngoài tiền học phí, cô Thu Hằng – giáo viên chủ nhiệm của Đạt còn dùng tiền lương để mua sách vở, áo quần và dày dép cho học trò.
Để Đạt có trách nhiệm hơn, ngoài việc giúp đỡ vật chất,cô Hằng cất nhắc em lên làm lớp trưởng. Ý thức được trách nhiệm của mình và nhận được tình thương, sự quan tâm từ giáo viên chủ nhiệm, Đạt dần dần thay đổi. Từ một học sinh lưu ban, thường xuyên bỏ học, cậu học trò nghèo trở thành lớp trưởng gương mẫu và được tuyên dương trước toàn trường vì có thành tích học tập tốt.
“Không ít lần trường phải bỏ tiền ra đóng bảo hiểm hay mua dày dép, quần áo cho học sinh để động viên các em tiếp tục đến lớp vì nhiều em hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ mải mê mưu sinh nên sẵn sàng cho con nghỉ học”, cô Nguyệt tâm sự và cho biết đối với những học sinh học yếu, không có tiền học thêm thì trường mở lớp phụ đạo, kèm cặp miễn phí. Còn với học sinh cá biệt thì phải nhờ thầy cô quan tâm, khuyên nhủ.
“Chỉ có tình thương mới có thể cảm hóa và giữ được chân các em tiếp tục đến trường”, cô Nguyệt nói.
Theo VNE
Đối phó học sinh cá biệt: Răn đe chỉ có hiệu quả tức thời
Trên diễn đàn của các giáo viên, không ít thầy cô giáo đã chia sẻ những tâm sự khi phải đối mặt với học sinh cá biệt.
Điều các giáo viên chủ nhiệm e ngại nhất mỗi khi nhận lớp, đó là trong lớp có những học sinh quậy phá, không chịu nghe lời. Để dạy và dỗ được những học sinh đó vào quy củ là cả một quá trình lâu dài và khó khăn.
Cô Ngọc Hà (giáo viên một trung tâm giáo dục thường xuyên tại TP HCM) chia sẻ: "Trong lớp tôi có một học sinh cá biệt rất hay chọc phá các bạn trong lớp, không chịu học. Giáo viên đã nhiều lần nhắc nhở, em không những không thay đổi mà còn vô lễ lại với giáo viên.
Giáo viên hãy là người bạn của các em.
Gia đình em đó cũng rất khó khăn, cha mẹ không biết chữ, ít quan tâm đến con cái. Tôi đã từng thử áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn như phạt đứng trong buổi học, đứng ngoài cửa lớp... chỉ thiếu có dùng roi đánh thôi, nhưng gần như không có hiệu quả".
Cùng tâm trạng như cô Hà, cô Thu Trinh, một giáo viên khác cho biết: "Lớp mình cũng có học sinh cá biệt quậy phá tưng bừng. Lúc đầu mình cũng căng lên, nhiều lần nhắc nhở, làm bản kiểm kiểm trước lớp... nhưng kết quả bằng 0. Mời phụ huynh không hiệu quả vì em học sinh của tôi mẹ mất sớm, bố có vợ khác.
Tôi phải dùng cách khác để kéo em vào các hoạt động của lớp, vận động cả lớp cùng góp sức, thậm chí cả góp tiền để giúp em đi học. Mưa dầm thấm lâu, em ham đến trường hơn, bớt phá phách hơn, mặc dù học vẫn yếu nhưng tính nết ổn hơn, chơi với bạn đoàn kết hơn. Chỉ vậy thôi mà mình đã mừng rơi nước mắt".
Có nhiều ý kiến cho rằng học sinh cá biệt thường là thủ lĩnh, cầm đầu nhóm quậy phá, vì thế nên để cho học sinh cá biệt giữ một trọng trách trong ban cán sự lớp, ví dụ như quản lý kỷ luật của lớp, để khuyến khích các em thể hiện vai trò chỉ huy của mình trong việc giúp lớp thi đua với các lớp khác cùng khối.
Theo cô Nguyễn Thị Hương (trường THPT Cầm Bá Thước, Thanh Hóa), trước hết vẫn phải là tình cảm yêu thương học sinh thực sự, cố gắng giúp các em vượt qua những biến cố, vấn đề xảy trong quá trình sống, trở thành vết thương tâm lý. Thuyết phục học sinh bằng lời lẽ có lý, có tình, bằng tình cảm và phép tắc, khen, chê đúng lúc.
Giáo viên chủ nhiệm cũng cần có nề nếp kỷ cương để học sinh tự nhận thức, tự khép mình trong những nội quy, quy chế chặt chẽ nhưng luôn được dân chủ bàn bạc, trao đổi, thỏa sức đóng góp. Giáo viên cần tạo không khí thực sự dân chủ, thầy và trò cùng thảo luận, điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò.
Thầy Phạm Quốc Bảo tâm sự: "Giáo viên phải tìm hiểu thật kỹ về gia đình hoàn cảnh của em học sinh đó. Không có học sinh nào sinh ra đã là cá biệt, các biện pháp như răn đe, xử phạt, hù dọa... chỉ có thể có hiệu quả tức thời lúc đó, sau rồi đâu lại vào đấy, vì thế phải tìm hiểu được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
Trước khi làm một người thầy, chúng ta cũng từng là những đứa trẻ. Trước khi muốn làm một người thầy, chúng ta phải là một người bạn của chúng, phải biết lắng nghe và chia sẻ".
Theo Bạch Dương/Infonet
Dạy học sinh cá biệt: Chấp nhận làm tổn thương học sinh? Cô Lê Thị Thanh Nguyệt, hiệu trưởng trường THPT dân lập Phạm Ngũ Lão (TP HCM) cho rằng, để dạy học sinh cá biệt, phải có người giơ cao, có người đánh khẽ thì mới hiệu quả. Cô Nguyệt kể lại, trong trường có những học sinh thật sự rất hư. Có em ra ngoài cổng trường che mặt, dùng mũ cối đánh...