Học thêm theo tổ hợp môn để định hướng thi cử?
Ngay từ đầu tháng 10, hầu hết học sinh của trường THPT Gò Vấp (TP HCM) bắt đầu lịch học thêm dày đặc do nhà trường quy định.
Theo thông tin phản ánh của một số phụ huynh, dù đã học ở bên ngoài nhưng hầu hết HS vẫn học thêm trong trường theo thông báo tăng tiết của giáo viên. Chỉ khác là HS phải đăng ký học theo khối thi A1, A hoặc D mới được học, 4-5 môn, chủ yếu các môn thuộc khối tự nhiên, không được đăng ký ít hơn.
Học từ sáng đến tối
“Cách làm này không khác nào ép HS học thêm trong nhà trường. Những em chỉ yếu 1-2 môn hoặc gia đình nghèo cũng phải cho con học hết năm môn là không cần thiết. Đáng nói HS sáng học chính khóa lớp nào thì chiều học thêm lớp đó chứ không được chọn lớp và chọn giáo viên để học. Nếu giáo viên dạy theo nâng cao thì thiệt cho những em trung bình trở xuống và ngược lại, như thế học thêm không có hiệu quả gì”, phụ huynh HC bức xúc nói.
Tương tự, chị VB có con đang học lớp 11 trong trường cho biết, hầu như ngày nào con chị cũng phải đi học từ sáng đến tối vì con đăng ký học thêm ở trung tâm buổi tối từ cuối tháng 8. Sáng học chính khóa và chiều học tăng tiết ở trường, trừ những giờ trống tiết thì được nghỉ.
“Lúc đầu con tôi chỉ muốn học hai môn trong trường và ba môn ở trung tâm, giờ không khác nào học tám môn. Khi tôi thắc mắc, cô giáo chủ nhiệm còn nói những cháu nào học ít môn thì có thể học ở nhà thầy cô giáo cho tiện đi lại hơn”, chị B. than thở.
Phụ huynh đón con sau ca học thêm buổi chiều trước cổng trường THPT Gò Vấp. Ảnh: Phap Luât TP HCM.
Nhà trường nói gì?
Tiếp xúc với PV, bà Tô Hạ Uyên, Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp, thừa nhận đúng là trường tổ chức cho HS học thêm đồng loạt tổ hợp môn theo khối thi chứ không theo số môn các em đăng ký.
Video đang HOT
Cụ thể, lớp 10 và 11 dạy theo tổ hợp bốn môn khối A (toán, lý, hóa, tiếng Anh), riêng khối 12 dạy tổ hợp môn theo khối A1 với bốn môn (toán, văn, lý, tiếng Anh), khối A với năm môn (toán, văn, tiếng Anh, lý, hóa) và khối D với bốn môn (toán, văn, tiếng Anh và một môn tự chọn theo nguyện vọng của HS).
Theo bà Uyên, trường làm vậy để định hướng thi cử cho các em. Nhờ đó giáo viên có thể hướng dẫn, củng cố và nâng cao kiến thức cho các em hơn.
Trường cho các em đăng ký theo danh sách giáo viên đưa xuống và phụ huynh ký tên vào ngày họp đầu năm trước khi các em bắt đầu học từ ngày 5/10.
Mức thu theo thỏa thuận với phụ huynh, một tiết là 7.500 đồng. Khối 12 tăng 12 tiết theo khối cơ bản; khối 10 và 11 tăng 11 tiết; khối 10 và 11 đóng 330.000 đồng/tháng, khối 12 đóng 360.000 đồng/tháng.
“Nếu các em đăng ký ít môn thì trường rất khó trong công tác tổ chức. Những em nào đã đăng ký bên ngoài thì cũng không ép học trong trường. Vì thế, phần lớn các em đều học trong trường và học cùng lớp, cùng thầy cô do nhà trường phân công”, bà Uyên cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, Sở cho phép các trường tổ chức dạy thêm theo nhu cầu và năng lực của các em nhưng phải trên tinh thần tự nguyện. Giờ học chính khóa và giờ học thêm là hai lớp biên chế phải khác nhau hoàn toàn, kể cả tên gọi lớp.
Học sinh được đăng ký theo học lực và chọn học thầy cô giáo mà các em thích. Nếu các em đăng ký không phù hợp với cách tổ chức của trường thì có thể học bên ngoài chứ nhà trường tuyệt đối không ép buộc, gây áp lực đối với HS.
Sẽ thanh tra
Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, UBND TP đã chỉ đạo Sở có kế hoạch thanh tra trường THPT Gò Vấp trong thời gian tới. Ngoài việc dạy thêm học thêm, đoàn sẽ làm việc về một số nội dung khác liên quan ban giám hiệu nhà trường. Nếu thực sự trường có sai phạm thì Sở sẽ có hướng xử lý sai phạm đó theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM
Theo Pham Anh/Phap Luât TP HCM
Học thêm ở nơi dạy 'chui' sẽ bị kỷ luật?
Đây là một trong những biện pháp Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng đề ra nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh.
Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản quy định học sinh bậc THCS, THPT và giáo dục thường xuyên khi đăng ký học thêm tại các cơ sở, cá nhân không có giấy phép tổ chức dạy thêm sẽ bị xem xét đánh giá về mặt hạnh kiểm.
Đây là một trong những biện pháp Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng đề ra nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tại tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc xử phạt học sinh (HS) là không thuyết phục. Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hải - Phó phòng giáo dục THCS, Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng - về vấn đề trên.
Một lớp học tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Xin ông cho biết chủ trương của Sở liên quan việc xử phạt HS học tại các cơ sở dạy thêm không có giấy phép có từ khi nào?
- Nội dung mà văn bản Sở GD&ĐT Lâm Đồng đưa ra ngày 20/10: xem xét xử lý HS về mặt hạnh kiểm nếu học thêm tại các cơ sở không có giấy phép, không phải là lần đầu tiên được triển khai. Trước đó, đầu năm 2013, Sở cũng đã có văn bản với nội dung tương tự. Trong quá trình triển khai không có vấn đề gì nảy sinh. Hiện giờ chúng tôi chỉ triển khai tiếp nội dung từ văn bản đưa ra năm 2013.
- Có ý kiến cho rằng việc quản lý cơ sở, cá nhân dạy thêm là trách nhiệm của cơ quan quản lý, vì vậy việc xử phạt HS trong vấn đề này là thiếu cơ sở và không thuyết phục.
- Đúng là việc kiểm tra, xử phạt những cơ sở, cá nhân dạy thêm trái phép là nhiệm vụ của cơ quan quản lý. Riêng với HS, chúng tôi chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức, vì nhiều em còn lơ là, không để tâm tới vấn đề này, gây khó khăn trong công tác quản lý, ngăn chặn việc dạy "chui" tại một số nơi.
Tôi ví dụ, trong nhà trường chúng tôi đã gửi thông báo các địa chỉ, danh sách thầy cô được phép dạy thêm, yêu cầu các em lưu tâm không đăng ký học thêm ngoài danh sách. Tuy nhiên, thực tế là nhiều HS rất ít để ý tới, nên khi sự vụ xảy ra ngoài kỷ luật cơ sở, còn phải phê phán hành vi của các em để tuyên truyền giáo dục.
- Như vậy quan điểm của Sở sắp tới là vẫn xử lý những HS học thêm tại các cơ sở sai phép?
- Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cần có hình thức kiểm điểm những HS vi phạm quy định trên. Tuy nhiên, tôi nhắc lại là từ năm 2013 tới nay chúng tôi chưa từng xử lý HS nào vi phạm, chỉ khuyến cáo các em chú ý chọn nơi để học thêm, và giới thiệu các cơ sở có phép để các em đăng ký học.
Sắp tới, chúng tôi sẽ mạnh tay hơn trong việc này. Trong trường hợp HS vi phạm, chúng tôi sẽ báo về nhà trường, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đưa sai phạm của HS vào tiêu chí đánh giá hạnh kiểm. Tôi khẳng định, đây chỉ là một trong rất nhiều tiêu chí để xem xét đánh giá bậc hạnh kiểm của các em.
Dư luận cho rằng, kỷ luật, hạ bậc hạnh kiểm các em về hành vi trên là hoàn toàn chưa chính xác. Bộ GD&ĐT cũng mới yêu cầu chúng tôi gửi các văn bản liên quan tới việc xem xét hạnh kiểm đối với HS học tại các cơ sở dạy thêm "chui". Chúng tôi đã gửi các văn bản liên quan nhưng chưa có giải trình gì, vì bộ chưa yêu cầu.
Xử phạt học sinh là không thuyết phục!
* "Tôi đang cho con học thêm tại một lớp học phụ đạo có phép. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng dù các cháu học tại nơi không phép, mà sở lấy việc đó để xem xét hạnh kiểm học sinh học là việc làm không thuyết phục. Làm như vậy thì tội cho các cháu lắm", bà Nguyễn Thị Huyền - phụ huynh học sinh lớp 11, THPT chuyên Thăng Long, Đà Lạt.
* "Trong các đợt họp phụ huynh hai năm nay, chúng tôi chưa từng được nhà trường phổ biến về việc học thêm nơi không phép thì học sinh sẽ bị xem xét hạ bậc hạnh kiểm. Nếu quy định trên được áp dụng thì tôi cho đây là quy định rất vô lý.
Việc đi học thêm là quyền chính đáng của học sinh. Còn chỗ dạy thêm có phép hay không phép là việc của nhà trường, của cơ quan quản lý. Tại sao lại có chuyện đem việc này ra xem xét về phẩm chất, đạo đức để đánh giá bậc hạnh kiểm học sinh? Hiện giờ chủ yếu tôi cho con đi học tại nhà một số thầy cô mà cháu tự chọn, thấy phù hợp với cách học của mình mà thôi, còn có phép hay không phép không phải việc của chúng tôi!", bà Trần Như Ngọc - phụ huynh học sinh THCS & THPT Tây Sơn, Đà Lạt.
Theo Chính Thành/Tuổi Trẻ
'Phụ huynh không tự nhiên đặt chuyện cô ép học thêm' Phó GĐ Sở GD&ĐT Lâm Đồng Trần Đức Lợi chia sẻ xung quanh văn bản có nội dung xem xét hạnh kiểm, xử lý kỷ luật học sinh học thêm ở cơ sở chưa được cấp phép. - Liệu hình thức này có thể phát huy tác dụng, mục đích mà Sở GD&ĐT Lâm Đồng đặt ra không, thưa ông? - Lý do...