Học thêm ở nơi dạy ‘chui’ sẽ bị kỷ luật?
Đây là một trong những biện pháp Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng đề ra nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh.
Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản quy định học sinh bậc THCS, THPT và giáo dục thường xuyên khi đăng ký học thêm tại các cơ sở, cá nhân không có giấy phép tổ chức dạy thêm sẽ bị xem xét đánh giá về mặt hạnh kiểm.
Đây là một trong những biện pháp Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng đề ra nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tại tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc xử phạt học sinh (HS) là không thuyết phục. Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hải – Phó phòng giáo dục THCS, Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng – về vấn đề trên.
Một lớp học tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Tuổi Trẻ.
- Xin ông cho biết chủ trương của Sở liên quan việc xử phạt HS học tại các cơ sở dạy thêm không có giấy phép có từ khi nào?
- Nội dung mà văn bản Sở GD&ĐT Lâm Đồng đưa ra ngày 20/10: xem xét xử lý HS về mặt hạnh kiểm nếu học thêm tại các cơ sở không có giấy phép, không phải là lần đầu tiên được triển khai. Trước đó, đầu năm 2013, Sở cũng đã có văn bản với nội dung tương tự. Trong quá trình triển khai không có vấn đề gì nảy sinh. Hiện giờ chúng tôi chỉ triển khai tiếp nội dung từ văn bản đưa ra năm 2013.
- Có ý kiến cho rằng việc quản lý cơ sở, cá nhân dạy thêm là trách nhiệm của cơ quan quản lý, vì vậy việc xử phạt HS trong vấn đề này là thiếu cơ sở và không thuyết phục.
Video đang HOT
- Đúng là việc kiểm tra, xử phạt những cơ sở, cá nhân dạy thêm trái phép là nhiệm vụ của cơ quan quản lý. Riêng với HS, chúng tôi chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức, vì nhiều em còn lơ là, không để tâm tới vấn đề này, gây khó khăn trong công tác quản lý, ngăn chặn việc dạy “chui” tại một số nơi.
Tôi ví dụ, trong nhà trường chúng tôi đã gửi thông báo các địa chỉ, danh sách thầy cô được phép dạy thêm, yêu cầu các em lưu tâm không đăng ký học thêm ngoài danh sách. Tuy nhiên, thực tế là nhiều HS rất ít để ý tới, nên khi sự vụ xảy ra ngoài kỷ luật cơ sở, còn phải phê phán hành vi của các em để tuyên truyền giáo dục.
- Như vậy quan điểm của Sở sắp tới là vẫn xử lý những HS học thêm tại các cơ sở sai phép?
- Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cần có hình thức kiểm điểm những HS vi phạm quy định trên. Tuy nhiên, tôi nhắc lại là từ năm 2013 tới nay chúng tôi chưa từng xử lý HS nào vi phạm, chỉ khuyến cáo các em chú ý chọn nơi để học thêm, và giới thiệu các cơ sở có phép để các em đăng ký học.
Sắp tới, chúng tôi sẽ mạnh tay hơn trong việc này. Trong trường hợp HS vi phạm, chúng tôi sẽ báo về nhà trường, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đưa sai phạm của HS vào tiêu chí đánh giá hạnh kiểm. Tôi khẳng định, đây chỉ là một trong rất nhiều tiêu chí để xem xét đánh giá bậc hạnh kiểm của các em.
Dư luận cho rằng, kỷ luật, hạ bậc hạnh kiểm các em về hành vi trên là hoàn toàn chưa chính xác. Bộ GD&ĐT cũng mới yêu cầu chúng tôi gửi các văn bản liên quan tới việc xem xét hạnh kiểm đối với HS học tại các cơ sở dạy thêm “chui”. Chúng tôi đã gửi các văn bản liên quan nhưng chưa có giải trình gì, vì bộ chưa yêu cầu.
Xử phạt học sinh là không thuyết phục!
* “Tôi đang cho con học thêm tại một lớp học phụ đạo có phép. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng dù các cháu học tại nơi không phép, mà sở lấy việc đó để xem xét hạnh kiểm học sinh học là việc làm không thuyết phục. Làm như vậy thì tội cho các cháu lắm”, bà Nguyễn Thị Huyền – phụ huynh học sinh lớp 11, THPT chuyên Thăng Long, Đà Lạt.
* “Trong các đợt họp phụ huynh hai năm nay, chúng tôi chưa từng được nhà trường phổ biến về việc học thêm nơi không phép thì học sinh sẽ bị xem xét hạ bậc hạnh kiểm. Nếu quy định trên được áp dụng thì tôi cho đây là quy định rất vô lý.
Việc đi học thêm là quyền chính đáng của học sinh. Còn chỗ dạy thêm có phép hay không phép là việc của nhà trường, của cơ quan quản lý. Tại sao lại có chuyện đem việc này ra xem xét về phẩm chất, đạo đức để đánh giá bậc hạnh kiểm học sinh? Hiện giờ chủ yếu tôi cho con đi học tại nhà một số thầy cô mà cháu tự chọn, thấy phù hợp với cách học của mình mà thôi, còn có phép hay không phép không phải việc của chúng tôi!”, bà Trần Như Ngọc – phụ huynh học sinh THCS & THPT Tây Sơn, Đà Lạt.
Theo Chính Thành/Tuổi Trẻ
'Phụ huynh không tự nhiên đặt chuyện cô ép học thêm'
Phó GĐ Sở GD&ĐT Lâm Đồng Trần Đức Lợi chia sẻ xung quanh văn bản có nội dung xem xét hạnh kiểm, xử lý kỷ luật học sinh học thêm ở cơ sở chưa được cấp phép.
- Liệu hình thức này có thể phát huy tác dụng, mục đích mà Sở GD&ĐT Lâm Đồng đặt ra không, thưa ông?
- Lý do của nội dung xem xét hạnh kiểm, xử lý kỷ luật học sinh chủ yếu muốn hạn chế các cơ sở dạy thêm không/chưa được cấp phép để xảy ra vi phạm và quan trọng hơn là đánh động, răn đe học sinh, phụ huynh.
Động thái này cũng là mong muốn của chúng tôi rằng phụ huynh cho con học nơi nào cũng nên tìm hiểu về cơ sở pháp lý, quyết định cấp phép của họ. Quy định tới đây cũng yêu cầu rõ ràng các cơ sở phải công khai giấy phép, dán ở vị trí dễ nhìn để phụ huynh, học sinh nắm được.
Còn việc xem xét hạnh kiểm, xử lý kỷ luật học sinh chúng tôi không đặt nặng.
- Tại sao năm nay Sở lại quyết liệt trong quản lý hoạt động dạy thêm học thêm như vậy?
- Học thêm dạy thêm là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh và cũng một phần giúp cải thiện đời sống giáo viên. Tuy nhiên có thực trạng giáo viên gợi ý, ép buộc học sinh phải tham gia học thêm ở nơi này nơi kia. Những bất cập về dạy thêm học thêm ở Lâm Đồng mấy năm nay có chiều hướng tăng lên, gây tác động xấu trong dư luận xã hội.
Bản thân tôi vừa qua nhận được nhiều thư tay, email và điện thoại phản ánh của phụ huynh. Khi hỏi địa chỉ ở đâu họ không dám nói vì sợ con ảnh hưởng. Nhưng đó là thực tế không thể làm ngơ, phụ huynh không tự nhiên bày đặt ra chuyện đó được.
Mục đích của Sở cũng là muốn chấn chỉnh, hạn chế hoạt động dạy thêm học thêm "không vì nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh" và làm sao để các em không bị phiền hà bởi hoạt động đó.
- Lãnh đạo Sở cũng biết có chuyện giáo viên ép học sinh học thêm. Như vậy khi các em, phụ huynh đã sợ rồi làm sao để có thể xem cơ sở có được cấp phép hay không rồi còn báo cáo lên cấp trên nữa?
- Với văn bản này, chúng tôi cũng nhấn mạnh đến vai trò quản lý, trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường trong quản lí hoạt động của giáo viên ở cơ sở của mình. Lãnh đạo cần quan tâm đến đội ngũ của mình sâu sát hơn.
Đối với thầy cô cũng phải ý thức hơn đến các thủ tục, quy định nếu muốn dạy thêm và đặc biệt không được làm ảnh hưởng học sinh.
Phụ huynh có thể thông qua giáo viên chủ nhiệm hoặc ban đại diện phụ huynh để nắm bắt tình hình và phối hợp để hoạt động này đi vào nề nếp.
- Sẽ có chuyện giáo viên vì lý do như thủ tục cấp phép rườm rà hoặc không đi làm giấp cấp phép mà dạy học sinh theo dạng nhóm nhỏ vài em và địa điểm có thể di chuyển, thay đổi. Sở có lường trước việc này không?
- Lâm Đồng quy định mỗi giáo viên chỉ được dạy 1 điểm, dạy nhóm 5 học sinh ở nhà cũng là dạy thêm và buộc phải đăng ký. Khi kiểm tra nếu thực hiện chưa đúng quy định, Sở sẽ xem xét các hình thức xử lý đối với giáo viên cơ sở đó.
Theo Văn Chung/Vietnamnet
Học thêm tại cơ sở 'chui', trò sẽ bị xem xét hạnh kiểm Những học sinh phổ thông, GDTX tham gia học thêm tại những nơi chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm sẽ bị xem xét và đánh giá về mặt hạnh kiểm... Sở GD&ĐT Lâm Đồng vừa có văn bản về tăng cường quản lí dạy thêm, học thêm. Theo Phó Giám đốc Trần Đức Lợi,...