Học thật và thi thật
Cuối tuần qua, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã yêu cầu năm học mới các trường THPT phải học thật, thi thật.
Ảnh minh họa
Vậy thế nào là học thật? Trước hết, học tập là “học và luyện tập để hiểu biết, để có kỹ năng; học tập là để làm theo gương tốt”. Như vậy, học hay học tập là một quá trình nhằm thu nhận tri thức, rèn luyện và phát triển kỹ năng và là hoạt động tự thân của người học. Mặt khác, học tập chỉ có là để làm những việc lương thiện, làm theo gương người tốt, việc tốt, mà không nên hiểu học tập có thể là trở thành người vô tích sự, người xấu. Hiểu và học tập như vậy là học thật và học cho chính mình.
Học tập bao giờ cũng có hai mặt và luôn đan xen nhau, đó là: học tập là quá trình khám phá, phát hiện và học tập là sự thúc giục của tính ham muốn/thích thú, mà ham muốn chính là một trong những bản năng của con người. Do đó muốn học sinh học thật là phải tạo ra sự hứng thú, có cảm xúc hạnh phúc trong suốt quá trình học tập của các em.
Cuối cùng, học thật là học phải có mục đích đúng. Mà mục đích cao cả của học tập theo UNESCO bao gồm: học để biết cách học để học tập suốt đời; học để làm, biết vận dụng những hiểu biết để giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, một cách hiệu quả. Tức là học để phát triển năng lực bản thân; học để sáng tạo, học không chỉ để tiếp nhận kiến thức mà còn luôn làm giàu có sự hiểu biết của mình một cách sáng tạo; học để cùng chung sống, để tự khẳng định, tự thừa nhận vị trí tồn tại xứng đáng của mình trong xã hội. Hiểu đúng hàm ý của từ học tập để chúng ta chinh phục nó và cố công vươn tới đạt trình độ cao nhất của học thật.
Còn hiểu thế nào là thi thật? Thi hay thi cử về bản chất cũng chính là kiểm tra, đánh giá người học. Dù đó là đánh giá thường xuyên hay định kỳ ở trường, lớp hay kỳ thi theo quy mô lớn tới cấp quốc gia. Nói chung, đánh giá học sinh theo đúng phương pháp và đúng quy chế đó là thi thật. Còn đánh giá mà tùy tiện, sửa điểm học bạ đẹp đến “long lanh” hay trắng trợn nâng điểm thí sinh ở một số tỉnh là những hành vi gian dối, không thể chấp nhận và được coi là thi giả, không phải thi thật.
Trước hết, đánh giá học sinh phải toàn diện về đức, trí, thể mỹ đồng thời cả về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực. Chỉ quan tâm đánh giá mặt kiến thức, thông qua điểm số là đánh giá phiến diện, không thật, chưa phải đánh giá đúng sản phẩm thật của nhà trường. Mặt khác, đây chỉ là tổng kết những gì học sinh học được mà không biết các em học như thế nào, rèn luyện ra sao. Cuối cùng chỉ nhằm mục đích xếp loại, so sánh học sinh này với học sinh khác. Điều này gây ra áp lực và nảy sinh bệnh thành tích trong giáo dục.
Đánh giá đúng một con người hay đánh giá thật người học là điều vô cùng khó, đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo, để có năng lực đánh giá và trên hết là phải có trái tim nhiệt huyết với nghề.
Sao nhãng, đối phó việc học hay gian dối trong kiểm tra đánh giá và thi cử, rõ ràng là hiện tượng xấu, là học giả, thi giả. Còn theo xu thế đổi mới ngày nay thì người ta coi hoạt động học tập và đánh giá phù hợp với nguyên lý, đúng phương pháp, hiệu quả chính là bản chất của đổi mới giáo dục, là mục tiêu của học thật và thi thật.
Thưa Bộ trưởng, xóa bỏ văn mẫu phải bắt đầu từ khảo thí!
Văn mẫu vào bài kiểm tra, bài thi của học trò, thầy cô chấm bài biết rằng đó là văn mẫu nhưng vẫn phải cho điểm cao vì nó trùng với đáp án của người ra đề...
Video đang HOT
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật.
Trong đó, riêng đối với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.
Quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn rất thiết thực, nếu toàn ngành giáo dục làm được điều này, triệt tiêu được văn mẫu trong các nhà trường phổ thông là một thành công lớn, tạo nên một bước đột phá cho ngành giáo dục.
Nhưng, chấm dứt bằng cách nào và ai sẽ là những người tiên phong mới là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi văn mẫu đã "ăn sâu" vào máu thịt của nhiều người trong mấy chục năm qua.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu chấm dứt văn mẫu (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Tác giả của "văn mẫu" là những ai?
Nếu có dịp đi vào các nhà sách, tìm đến các kệ sách phổ thông, chúng ta không khó để tìm ra những cuốn văn mẫu đã được xếp trang trọng tại các nhà sách. Mỗi lớp học có hàng trăm cuốn sách văn mẫu, nhất là sách tuyển sinh 10 và luyện thi lớp 12.
Từ những cuốn sách văn mẫu có đề tự đơn thuần đến những cuốn văn mẫu hay, văn mẫu đặc sắc...
Những tác giả viết văn mẫu là ai? Phần lớn họ là các chuyên gia, giảng viên có tên tuổi ở các trường đại học sư phạm nổi tiếng. Những tác giả được xem là "cây đa, cây đề" của môn Ngữ văn trong mấy chục năm gần đây.
Trong số họ, có những tác giả trường kỳ viết văn mẫu để bán ra thị trường là tác giả chương trình môn học, tác giả sách giáo khoa hiện hành và họ tiếp tục là tác giả chương trình môn học, tác giả sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thậm chí, trong số họ, có người là chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn...
Ngoài ra, còn có một số thầy cô là giáo viên phổ thông viết văn mẫu hoặc biên soạn và sưu tầm văn mẫu rồi đem đi xuất bản và bán ra thị trường.
Văn mẫu được bán ở các nhà sách, ở các cửa hàng văn hóa phẩm và thậm chí nó còn được đi bằng con đường "chính ngạch" để vào thẳng thư viện ở các nhà trường phổ thông.
Văn mẫu ế ẩm ở các nhà sách thì các Sở, Phòng, Ban giám hiệu nhà trường mua về xếp ở các thư viện vì có nhiều loại văn mẫu xuất bản lâu năm nên họ chiết khấu cao cho các cá nhân, đơn vị mua.
Mỗi năm, các nhà trường bổ sung sách cho thư viện thì trong số này có vô số những cuốn văn mẫu của nhiều nhà xuất bản lớn, của nhiều tác giả uy tín ở bộ môn Ngữ văn.
Văn mẫu được hợp thức hóa bằng tài liệu ôn tập mà các Sở giới thiệu hoặc biên soạn và xuất bản rồi bán cho học sinh cuối cấp từng năm học.
Văn mẫu hiện hữu trong chính các đáp án của những kỳ thi quan trọng như tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Văn mẫu được các thầy cô dạy thêm đọc cho học trò chép, đọc cho học trò những đoạn văn, những bài văn hay của các tác giả uy tín...Văn mẫu vào bài kiểm tra, bài thi của học trò, thầy cô chấm bài biết rằng đó là văn mẫu nhưng vẫn phải cho điểm cao vì nó trùng với đáp án của người ra đề.
Văn mẫu khiến cho học trò không cần chú ý trong giờ học, chỉ cần tủ vài bài rồi đến khi kiểm tra, thi thì chép vào bài của mình vì thầy cô hay giới hạn bài.
Chấm dứt văn mẫu bằng cách nào?
Chấm dứt văn mẫu hiện nay có lẽ là việc không dễ dàng vì nó đang được bán nhan nhản ở các nhà sách và hiện hữu trên mạng internet nhưng nếu quyết tâm thì ắt sẽ làm được như theo quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Thứ nhất : muốn chấm dứt được văn mẫu phải bắt đầu từ những chính sách vĩ mô của Bộ trong việc chỉ đạo quan điểm dạy và học môn Ngữ văn ở trường phổ thông trong những năm tới đây.
Muốn phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò thì phải tránh cách kiểm tra, đánh giá, thi cử theo kiểu tái hiện kiến thức, văn thầy lại trả lại cho thầy. Nói cách khác, Bộ muốn thầy và trò dạy và học như thế nào, thì Bộ chỉ đạo ra đề thi, kiểm tra, đánh giá như thế. Đồng nghiệp của tôi có người nói vui, giờ nếu Bộ quy định thi tốt nghiệp thể dục thì các trường sẽ tập trung ôn thể dục, thi bơi để tuyển sinh vào lớp 10 các trường sẽ tập trung dạy bơi.
Công tác khảo thí, đánh giá phải đổi mới trước chương trình, nhưng chúng ta đang làm ngược lại.
Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 dài 110 trang, nhưng chỉ vỏn vẹn khoảng 02 trang dành cho Đánh giá kết quả giáo dục.
Cho đến nay, chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ tiêu chí, công cụ đánh giá chất lượng giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 làm cơ sở cho các nhà trường, nhà giáo và các cơ quan quản lý giáo dục thực hiện việc đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh.
Tất cả vẫn là cách đánh giá cũ, khả năng ghi nhớ kiến thức, khả năng học thuộc.
Việc ra đề kiểm tra, đề thi cần hướng tới phẩm chất, năng lực của học trò chứ không phải là kiểu đề yêu cầu "trình bày cảm nhận của em" nhưng đáp án là của thầy, sai đáp án là không cho điểm như hiện nay.
Thầy cô cần tôn trọng ý kiến diễn đạt của học trò, nếu các em cảm nhận, nêu ý kiến, trình bày mà hợp lý vẫn cần được tôn trọng và cho điểm tối đa. Khuyến khích học trò sáng tạo, khơi gợi những điều mới mẻ chứ không phải cứ mãi đi theo một lối mòn sáo rỗng.
Thứ hai : các thầy cô tham gia viết chương trình, viết sách giáo khoa cũng không nên viết văn mẫu như những năm qua để rồi các Nhà xuất bản tìm cách bán "bia kèm lạc" cho các nhà trường theo từng bộ sách trọn gói.
Thứ ba : phải triệt tiêu việc dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay, nhất là thời điểm học sinh bước vào năm học cuối cấp thì mới góp phần chấm dứt tình trạng văn mẫu.
Thứ tư : tạo động lực cho học trò yêu thích môn học bằng cách tạo cho các em phát triển tư duy tìm tòi, sáng tạo, khám phá những hình tượng văn học, những vấn đề văn học trong và ngoài nhà trường...Tránh tình trạng thầy cho ghi chữ nào, trò trả lại đúng chữ đó thì cho điểm tối đa.
Loạn điểm khá giỏi mà không mấy học sinh nắm được những kiến thức cơ bản của môn học.
Môn Ngữ văn rất quan trọng trong nhà trường phổ thông, môn Văn cũng quan trọng trong quá trình hình thành phẩm chất, tâm hồn, lý tưởng cho mỗi con người. Khi trưởng thành, "chất văn" vẫn hiện hữu trong ứng xử và công việc hàng ngày của mỗi chúng ta.
Nếu người lớn cứ viết văn mẫu bán cho học trò, dạy học trò theo những bài văn mẫu thì học trò sẽ biến thành những "con vẹt", viết cả bài văn mấy trang giấy mà nhiều em chẳng biết mình đang viết gì...
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu Với giáo dục Trung học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Môn ngữ văn cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu. Ảnh minh họa Trong 2 ngày (12, 13-8), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối...