Học thạc sĩ được ‘trả lương’ và cấp bằng quốc tế xịn
Để thu hút người giỏi, từ đó rút ngắn khoảng cách đào tạo sau đại học trong nước với thế giới, Viện Toán học Việt Nam đã thực hiện chính sách “trả lương” cho học viên chương trình cao học quốc tế, từ năm học này.
PGS Nguyễn Việt Dũng (ngoài cùng bên phải) trao đổi với các chuyên gia Pháp trong hội thảo khoa học các cựu học viên, nghiên cứu sinh LIA – ẢNH QUÝ HIÊN
Học cao học được trả lương 3 triệu đồng/tháng
Theo PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó viện trưởng Viện Toán học Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), từ năm học 2018 – 2019, Viện bắt đầu thực hiện chính sách cấp học bổng cho học viên chương trình cao học quốc tế, với mức 3 triệu đồng/tháng. Hiện đã có 6 học viên được hưởng mức hỗ trợ này, trong khi dự kiến viện sẽ cấp 10 suất học bổng/năm. Vì thế, Viện sẽ tiếp tục xem xét hồ sơ các ứng viên, lựa chọn những ứng viên xuất sắc nhất để cấp học bổng.
PGS Nguyễn Việt Dũng cho biết: “Mức học bổng này bằng mức lương của cán bộ vừa mới ra trường bắt đầu làm nghiên cứu viên tại viện”.
Được biết, chương trình cao học quốc tế ngành toán được triển khai từ năm 2007 tại đồng thời 2 đơn vị là Viện Toán học Việt Nam và Khoa Toán tin, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ban đầu, đây là một nội dung hoạt động của đề án 322 (đề án đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước của Chính phủ).
Mô hình của chương trình là đào tạo 1 năm trong nước (học bằng tiếng Anh), sau đó học viên được chuyển tiếp sang học ở một trường đại học nước ngoài 1 năm, khi tốt nghiệp sẽ do trường nước ngoài cấp bằng. 4 khóa đầu, toàn bộ kinh phí đào tạo và học bổng của học viên (cả thời gian ở Việt Nam và ở nước ngoài) do ngân sách nhà nước trả.
Tuy nhiên, năm 2011, Chính phủ dừng đột ngột đề án 322. Vì thế, chương trình này phải ngừng lại ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ở Viện Toán học Việt Nam, chương trình vẫn tiếp tục được triển khai. PGS Nguyễn Việt Dũng cho biết, do kỳ vọng đây là một trong những giải pháp nhằm rút ngắn khoảng cách đào tạo ngành toán trình độ sau đại học trong nước với thế giới nên các nhà toán học kỳ cựu của viện đã tìm cách “nuôi” chương trình.
“Chi phí đào tạo 1 năm trong nước thì viện tự lấy nguồn của mình để chi trả. Sang năm thứ 2, viện gửi học viên ra nước ngoài đào tạo bằng cách xin học bổng của các trường nước ngoài hoặc các quỹ khoa học của nước bạn, chủ yếu là Pháp (thông qua chương trình LIA Formath Việt Nam, một chương trình hỗ trợ đào tạo toán học cho Việt Nam của Pháp)”, PGS Nguyễn Việt Dũng giải thích.
Video đang HOT
Nền tảng để Bộ GD-ĐT đồng ý cho Viện Toán học Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình đào tạo cao học quốc tế dù hết nguồn ngân sách từ đề án 322 là các ký kết hợp tác giữa viện với nhiều trường đại học của Pháp.
Theo đó, hàng năm, các trường đại học Pháp gửi các giáo sư của mình sang viện toán giảng bài (bình quân mỗi năm có khoảng 4 giáo sư sang), đồng thời tặng các suất học bổng cho những học viên xuất sắc để họ tiếp tục học năm thứ 2 tại trường mình bên Pháp.
Nhiều học viên đã trưởng thành
Nhưng lợi ích lớn hơn mà các học viên nhận được từ chương trình là họ tiếp tục được các giáo sư nước ngoài, chủ yếu là Pháp, giới thiệu để xin học bổng tiến sĩ ở nước ngoài (hầu hết các học viên khóa 1, khóa 2 nay đều là tiến sĩ). Nhờ thế mà nhiều cựu học viên của chương trình đã trưởng thành, thậm chí còn trở lại trực tiếp tham gia giảng dạy các khóa học viên mới với tư cách là giáo sư của trường Pháp hoặc cán bộ của viện toán.
“Không phải tất cả học viên đều đã trở về (vì nhiều người hiện vẫn đang làm tiến sĩ hoặc làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở nước ngoài), nhưng trong số trở về có nhiều bạn đang nhóm lại với nhau thành những nhóm làm việc rất tích cực, tiếp tục nghiên cứu những chủ đề mà họ đã được học ở nước ngoài. Những nhóm như vậy xuất hiện nhiều nơi, không chỉ ở Viện Toán mà còn ở Trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội… Tôi cho rằng, đây là một trong những thành công rất lớn của chương trình”, PGS Nguyễn Việt Dũng nhận định.
Theo PGS Nguyễn Việt Dũng, một mặt duy trì chương trình cao học quốc tế với mô hình 1 1, mặt khác viện đang chuẩn bị thực hiện cho chương trình đào tạo hoàn toàn trong nước mà vẫn đạt chuẩn mực quốc tế, thông qua Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu và đào tạo dưới sự bảo trợ của UNESCO (gọi tắt là Trung tâm UNESCO) mới được thành lập hồi tháng 4.
Để làm được điều này, trước hết viện phải tuyển sinh được những người trẻ giỏi, thích làm nghiên cứu. Muốn vậy thì phải có chế độ học bổng hấp dẫn, đủ để thu hút những người trẻ giỏi ấy bước chân vào con đường học thuật. Mức học bổng mong muốn mà lãnh đạo viện đề xuất với Chính phủ là 5 triệu đồng/tháng với học viên cao học, 8 triệu đồng/tháng với người học tiến sĩ, 12 triệu đồng/tháng với người làm nghiên cứu sau tiến sĩ. Trong quá trình học, người học còn được tham gia chương trình intership (thực tập ngắn hạn) ở nước ngoài.
“Với chương trình đào tạo của Trung tâm UNESCO, chúng tôi đang trông đợi Chính phủ duyệt. Hy vọng là chương trình có thể bắt đầu tuyển sinh từ năm 2019. Nhưng ngay lập tức trong năm học 2018 – 2019 này, chúng tôi đã thực hiện việc cấp học bổng 3 triệu đồng/tháng”, PGS Nguyễn Việt Dũng nói.
Trong 2 ngày 1 và 2.12, Viện Toán học Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học dành riêng cho cựu học viên, nghiên cứu sinh từng theo học chương trình cao học quốc tế và sau đó tiếp tục du học ở nước ngoài thông qua sự hỗ trợ của tổ chức LIA Formath Việt Nam.
GS Đỗ Đức Thái, chủ nhiệm Khoa Toán tin, Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét: “Các gương mặt cựu học viên, nghiên cứu sinh LIA mà tôi gặp ở hội thảo khoa học này là minh chứng cho sự thành công của một chương trình với một số tiền chi ra chỉ bằng một phần rất nhỏ trong một cái tham nhũng rất nhỏ của đất nước chúng ta”.
Kể lại những hành trình đầy chật vật của các thế hệ nhà toán học kỳ cựu, nhà quản lý ngành GD-ĐT tìm cách gửi người những người trẻ giỏi đi đào tạo ở nước ngoài, GS Đỗ Đức Thái cho rằng, những nhà khoa học được hưởng lợi từ chương trình cao học quốc tế cần phải thấy mình là những người may mắn.
Vì thế, trách nhiệm của họ là phải tiếp bước con đường mà các thế hệ trước đã đi, nhằm duy trì việc xây nền tảng ngày càng vững chãi hơn cho các ngành khoa học, từ đó mọc lên nhiều đỉnh tháp cao hơn.
“Bất kỳ ngành khoa học nào không có nguồn nhân lực trẻ, giỏi tiếp bước các thế hệ đi trước thì trước sau ngành khoa học đó cũng tiêu vong”, GS Đỗ Đức Thái nói.
Theo thanhnien
Viện Toán học bổ nhiệm Giáo sư trẻ nhất Việt Nam sinh năm 1982
Ngày 2/5, Viện Toán học Việt Nam đã bổ nhiệm chức danh giáo sư tới nhà toán học Phạm Hoàng Hiệp - GS trẻ nhất Việt Nam (sinh năm 1982) quê Hải Dương.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 - người được công nhận chức danh giáo sư trẻ nhất là Phạm Hoàng Hiệp 36 tuổi (sinh tháng 3 - 1982) và là giáo sư trẻ trẻ nhất của Việt Nam khi được phong từ trước đến nay
Trước đó, Phạm Hoàng Hiệp cũng được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2011 khi mới 29 tuổi và cũng là phó giáo sư trẻ trẻ nhất của Việt Nam khi được phong từ trước đến nay.
Tân GS Toán học Phạm Hoàng Hiệp
Phạm Hoàng Hiệp tốt nghiệp đại học tại Đại học Sư Phạm Hà Nội năm 2004, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Umea, Thụy Điển năm 2008, và luận án tiến sĩ khoa học tại Đại học Aix-Marseille, Pháp năm 2013.
Từ năm 2005 đến năm 2014, Hiệp là cán bộ giảng dạy tại Đại học Sư Phạm Hà Nội. Từ năm 2015, Hiệp là cán bộ Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trong quá trình công tác Hiệp cùng với các đồng nghiệp đã công bố 37 công trình khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, một cuốn sách chuyên khảo, 2 cuốn sách giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học, đã hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ.
Đặc biệt, Hiệp là nhà toán học Việt Nam ở trong nước đầu tiên có bài đăng trên Acta Mathematica, một trong những tạp chí toán học được xếp hạng cao nhất của cơ sở dữ liệu ISI.
Hiện Hiệp đang cùng với GS. Đinh Tiến Cường, ĐH Quốc gia Singapore, hướng dẫn nghiên cứu sinh Đỗ Thái Dương, người nhận được học bổng Breakout Graduate danh giá nhất của Hội Toán học thế giới.
Anh Phạm Hoàng Hiệp đã được tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng như: Gương mặt trẻ Việt nam tiêu biểu năm 2011; Giải nhất giải thưởng khoa hoc của Đại học Sư Pham Ha Nôi năm 2013; Giải thưởng Viện Toán học năm 2013; Giải thưởng Tạ Quang Bửu danh cho nha khoa hoc tre năm 2015; Thành viên trẻ của Viện Hàn lâm khoa học Thế giới thứ ba (2016-2020).
Được biết, tân giáo sư Phạm Hoàng Hiệp vừa được Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam bổ nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học, còn gọi là Trung tâm toán học UNESCO.
Chia sẻ với PV Dân trí về việc "nuôi dưỡng" thế hệ trẻ Việt Nam đam mê với Toán học, tân GS Hiệp cho biết, Toán học là một phần trong bức tranh tổng thể của nền giáo dục và khoa học. Giáo dục và đào tạo, khoa học cơ bản và công nghệ luôn cùng phát triển, hỗ trợ lẫn nhau, là chìa khóa giúp mọi quốc gia, dân tộc phát triển ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Hiện nay, một phần chính của giáo dục và đào tạo chính là truyền bá tri thức khoa học cơ bản và công nghệ đã biết của thế hệ đi trước cho các thế hệ đi sau, để xây dựng nên những con người có tri thức, là những lực lượng sản xuất tiên tiến của xã hội. Chúng ta cần xác định đầu tư cho khoa học là chiến lược lâu dài có tầm ảnh hưởng quan trọng tới tất cả mọi mặt của đời sống xã hội.
"Để "nuôi dưỡng" thế hệ trẻ Việt Nam đam mê với Toán học, chúng ta phải có những chính sách tiếp tục thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của các ngành khoa học nói chung, ngành Toán học nói riêng, tạo các điều kiện cho các nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu, nhất là các bạn trẻ có niềm say mê trong nghiên cứu khoa học" - GS Hiệp nhấn mạnh.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Giáo viên nhiều địa phương chật vật sửa ngọng 'n, l' Nhiều lần bị học trò cười vì nói ngọng "n, l" lúc giảng bài, cô Vân ở Bắc Giang cố gắng tự sửa sai nhưng bất thành. Là giáo viên một trường THCS tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang), từ bé Vân đã nói nọng "n, l" như bao người khác sống cùng quê. Học hết cấp 3, Vân chưa ý thức về...