Học sử là để hiểu biết và để làm người
ANTĐ – Tôi cho rằng Lịch sử nên là môn học bắt buộc với điều kiện phải thay đổi cả về nội dung và cách thức dạy. Và để trẻ yêu thích học sử, quan tâm đến quá khứ dân tộc và nhân loại, cả xã hội đều phải có trách nhiệm, không chỉ riêng ngành nghề hay người nào!
- PV: Thưa PGS.TS Lâm Mỹ Dung, là người có nhiều năm gắn bó với công tác giảng dạy Lịch sử – Khảo cổ học, theo PGS nguyên nhân vì đâu học sinh chán và sợ học môn Lịch sử? Có phải do môn học này quá khô khan, sách giáo khoa quá hàn lâm, thiếu gần gũi?
- PGS.TS Lâm Mỹ Dung: Tôi không biết chúng ta đã có cuộc khảo sát nghiêm túc nào trong học sinh (từng vùng miền, từng cấp học) để biết thái độ của các em với môn Lịch sử chưa. Và nếu tỉ lệ áp đảo là chán hay sợ thì do đâu? Do nội dung học nặng nề, khô cứng, do giáo viên không có cách truyền dạy thích hợp hay do cách đánh giá thi cử?…
Bản thân tôi cũng như nhiều người khác thì cho rằng, việc chán học môn Lịch sử trong trường không đồng nghĩa với việc chán, thờ ơ với lịch sử dân tộc, lịch sử nhân loại. Tôi đã đọc một số sách giáo khoa môn Lịch sử phổ thông và thấy những người viết đã cố gắng cung cấp càng nhiều càng tốt những kết quả nghiên cứu lịch sử đạt được cho đến nay. Nhưng rõ ràng là quá tải và không hấp dẫn, lịch sử được trình bày dưới dạng con chữ, con số, biểu đồ, bản đồ… đôi khi quá tỉ mỉ, ngôn từ có lúc quá hàn lâm làm khó người dạy, người học.
- PGS có cho rằng việc môn Sử bị “quay lưng” còn do tâm lý thực dụng của đời sống, phải tính toán làm sao học khối gì, thi ngành nào để ra trường có việc làm?
- Có vẻ như không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác, giới trẻ khi lựa chọn nghề cũng thường theo xu hướng thời thượng. Những nghề học ít lý thuyết, ứng dụng, dễ tìm việc… thường được nhiều người chọn, ở Việt Nam, chọn học ngành nào còn phụ thuộc vào ý muốn của họ hàng, bố mẹ… Trong giai đoạn hiện nay, không chỉ môn học Lịch sử bị “quay lưng” mà cả những môn học xã hội khác cũng rơi vào tình trạng tương tự và nếu có học, chẳng qua không biết học gì khác!
Video đang HOT
- Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua có hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh dự thi… môn Sử, PGS có thấy tủi thân cho nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi không?
- Thực ra thí sinh không chọn thi môn Sử lý do chính là do kiểu thi, cách đánh giá và khó được điểm cao. Không chọn thi không có nghĩa là các bạn trẻ không thích lịch sử, nhiều sinh viên tôi dạy các em không theo khoa Lịch sử nhưng rất thích tìm hiểu lịch sử, thường đưa ra những câu hỏi liên quan đến tìm hiểu quá khứ ông cha, đặc biệt họ rất thích thú với những bài giảng nói về những thành tựu của người xưa, cách họ sống, cách họ tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội…
- Theo PGS, có nên đưa Sử vào môn học bắt buộc hay không?
- Tôi đã xem qua chương trình của Bộ GD-ĐT, tôi thấy không rõ ràng về lộ trình, lẫn lộn về nội dung và mù mờ trong triển khai, tích hợp hay tự chọn, nếu không phân tích dựa trên cơ sở khoa học và ý kiến của cộng đồng (nhiều loại)… thì sẽ không thể có bất cứ một cải cách nào cho ra cải cách. Ý tưởng về dạy tích hợp ở cấp thấp, dạy sâu hơn ở cấp cao (tự chọn) nghe thì rất hợp lý, nhưng không thực hiện được một cách đến đầu đến đũa và ra được kết quả như mong muốn. Để có được giáo viên dạy tích hợp môn xã hội phải cấu trúc lại sách cùng chương trình dạy.
Nhưng với chương trình học và dạy của các trường sư phạm bây giờ, giáo viên khó mà dạy tích hợp môn xã hội. Còn ở cấp cao để Lịch sử là môn tự chọn thì như tình hình hiện tại cũng sẽ ít học sinh chọn môn này. Và kết quả là môn Lịch sử – với tư cách là một môn học cung cấp những hiểu biết cần thiết về quá khứ dân tộc, quá khứ nhân loại sẽ dần bị loại trừ ra khỏi học đường.
Tôi cho rằng Lịch sử nên là môn học bắt buộc với điều kiện phải thay đổi cả về nội dung và cách thức dạy. Và để trẻ yêu thích học sử, quan tâm đến quá khứ dân tộc và nhân loại, cả xã hội đều phải có trách nhiệm, không chỉ riêng ngành nghề hay người nào!
Theo anninhthudo.vn
Công bố lệ phí thi THPT Quốc gia 2015
Lệ phí tuyển sinh năng khiếu mỗi môn 300.000 đồng. Các môn xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay có phí 35.000 đồng.
Ngày 1/4, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi. Các trường THPT chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh điền vào phiếu đăng ký đầy đủ và đúng các thông tin.
Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành thông tư về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí tuyển sinh.
Lệ phí tuyển sinh như sau:
Thí sinh dự thi với mục đích xét tuyển CĐ-ĐH nộp phí 35.000 đồng mỗi môn và 30.000 đồng một hồ sơ. Các em xét tuyển thẳng vào ĐH-CĐ cũng phải đóng 30.000 đồng cho mỗi hồ sơ.
Các trường tuyển sinh riêng thu 30.000 đồng một hồ sơ. Trường năng khiếu nộp 35.000 đồng cho từng môn thi văn hóa, 300.000 đồng đối với môn năng khiếu.
Thí sinh sơ tuyển các trường quốc phòng, an ninh sẽ nộp phí dự thi và 50.000 đồng một hồ sơ khi đăng ký sơ tuyển. Các em đăng ký dự tuyển đi đào tạo ở nước ngoài bằng tiền ngân sách nộp phí là 200.000 đồng một hồ sơ.
Cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia công tác tuyển sinh phải niêm yết công khai mức thu phí dự thi. Khi thu phí dự thi phải cấp cho người nộp tiền biên lai thu phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, cần lưu ý:
Thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT cần: 2 phiếu đăng ký dự thi, học bạ THPT, phiếu kiểm tra của người học đối với GDTX (bản sao); giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có); 2 ảnh cỡ 4x6 cm và 2 phong bì dán sẵn tem, ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.
Thí sinh tự do có thêm giấy khai sinh (bản sao), xác nhận của UBND cấp xã nếu thuộc trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do lớp 12 bị hạnh kiểm yếu; giấy xác nhận của trường hoặc nơi đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những em loại kém; bằng tốt nghiệp THCS hoặc trung cấp (bản sao); giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có).
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT bao gồm 2 phiếu đăng ký dự thi, bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp (bản sao), 2 ảnh cỡ 4x6 cm và 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.
Các trường nhận hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 30/4. Khi hết hạn, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường phổ thông, thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Theo Zing
Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Lưu ý những điều kiện dự thi Ở điều 12 của quy chế kỳ thi THPT quốc gia vừa được Bộ GDĐT công bố nêu rõ những đối tượng và điều kiện để dự thi kỳ thi này. Cụ thể, đối tượng dự thi sẽ gồm: Người đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi; Người đã học hết chương trình THPT nhưng chưa thi tốt...