Học sinh xin chuyển tổ hợp môn, giải quyết thế nào cho hợp lí?
Mặc dù chưa kết thúc học kì 1 năm học 2022-2023 nhưng các trường trung học phổ thông trên cả nước ghi nhận có tình trạng nhiều học sinh lớp 10 xin chuyển môn, tổ hợp môn vì sức học không theo kịp và không phù hợp.
Học sinh xin chuyển học tổ hợp môn có nhiều lý do, trong đó có lý do đã không lựa chọn kỹ càng ngay từ đầu. Ảnh Thế Bằng
Lãnh đạo trường học cũng bối rối, không biết nên cho các em chuyển đổi môn học vào thời điểm nào là vì hiện chưa có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vì sao học sinh xin chuyển tổ hợp môn học?
Xuất phát từ việc ngay từ đầu, việc định hướng cho học sinh lớp 9 chọn tổ hợp môn chưa được các nhà trường trung học cơ sở quan tâm đúng mức. Năm cuối cấp, hầu hết các nhà trường đều lo cho học sinh ôn tập thi tuyển sinh vào 10 nên thầy cô không còn thời gian tư vấn cho các em chọn tổ hợp môn học phù học.
Cùng với đó, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 nên nhiều giáo viên bậc trung học cơ sở cũng chưa hiểu rõ tổ hợp môn là gì.
Hơn nữa, Chương trình mới xuất hiện 124 tổ hợp môn nhưng thực tế các nhà trường chỉ ấn định sẵn khoảng 5, 6 tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn. Nhà trường không thể chạy theo nhu cầu chọn tổ hợp môn của học sinh vì không đủ giáo viên bộ môn giảng dạy. Vậy nên, học sinh bắt buộc phải chọn những môn mà mình không yêu thích. Đến lúc gần hết học kì 1 thì cảm thấy mình không theo kịp.
Năm lớp 9 học sinh thường học 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để thi tuyển sinh 10, nhiều em vẫn chưa có ý thức định hướng nghề nghiệp. Đến lúc vào lớp 10 được học các tổ hợp môn theo khối thi đại học nên nhiều học sinh bối rối.
Trong khi đó, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa được công bố nên học sinh xin chuyển tổ hợp môn là điều dễ hiểu.
Thực tế cũng cho thấy, vẫn còn tình trạng học sinh chọn môn học theo cảm tính mà không dựa vào năng lực, sở trường của bản thân. Đơn cử, có em tưởng học Âm nhạc, Mỹ thuật mình thích là dễ nhưng khi vào học rồi mới biết môn Nghệ thuật thực sự khó hơn những gì mình nghĩ. Chưa kể, học sinh chọn môn học vì đăng kí theo lời khuyên của bạn bè, thậm chí bị phụ huynh, gia đình chi phối theo định hướng nghề nghiệp sau này.
Và cuối cùng, một học kỳ trôi qua không dễ dàng, nhiều học sinh xin chuyển đổi tổ hợp môn.
Video đang HOT
Trường học nên giải quyết thế nào?
Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Thông tư này không có điều khoản nào cấm học sinh được chuyển đổi tổ hợp môn nên về nguyên tắc các em được đổi môn, tổ hợp môn học nếu có nhu cầu.
Vấn đề nảy sinh là, có học sinh xin chuyển môn, tổ hợp môn học vào giữa học kì 1, nhưng có em lại xin chuyển vào cuối kì 1, giữa học kì 2 hoặc cuối năm lớp 10. Theo quy định, học sinh chỉ được phép chuyển đổi môn học mới khi làm các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì đạt yêu cầu.
Giả sử, giữa học kì 1 học sinh xin chuyển từ môn Hóa học sang môn Vật lí thì các em phải làm bài kiểm tra môn Vật lí đạt yêu cầu, phải hoàn tất 2 cột điểm kiểm tra thường xuyên và 1 cột điểm kiểm tra định kì (giữa học kì 1). Tương tự, hết học kì 1 học sinh xin chuyển đổi thì các em phải hoàn tất 4 kiểm tra thường xuyên và 1 cột điểm kiểm tra định kì (cuối học kì 1). Còn hết học kì 1 học sinh xin chuyển đổi môn thì các em phải hoàn thành các cột điểm gấp đôi so với học kì 1.
Nhà trường nên giải quyết cho học sinh chuyển đổi môn, tổ hợp môn càng sớm càng tốt để các em sớm được học theo định hướng kiến thức môn học mới. Lúc này học sinh có thể tự học trực tuyến vì trường nào cũng có phần mềm đăng tải sẵn các bài giảng online. Các học sinh cũng có thể học thêm, học từ bạn bè để bổ túc kiến thức.
Nếu hết năm học nhà trường mới giải quyết cho học sinh chuyển đổi môn rất có thể học sinh lại tranh thủ học hè và thực hiện hàng loạt bài kiểm tra (10 bài) – như vậy là quá tải. Nếu học sinh làm bài kiểm tra không đạt yêu cầu thì các em không được đổi môn, tổ hợp môn học. Lúc đó, sẽ có hệ lụy không đáng có và dẫn đến chuyện học sinh dễ dàng bỏ học giữa chừng, bản thân các em và gia đình sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch xem xét việc thực thi Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT và đánh giá chính xác việc áp dụng vào các nhà trường, nhằm giúp các nhà trường giải quyết việc học sinh xin chuyển môn, tổ hợp môn được thuận tiện.
Nguyên nhân khiến nhiều học sinh lớp 10 dễ chọn nhầm môn/tổ hợp môn
Có 4 lí do chính khiến học sinh lớp 10 chọn nhầm môn/ tổ hợp môn nên các em xin thay đổi là chuyện đương nhiên.
Bài viết "Học sinh xin chuyển tổ hợp môn, trường rối bời, bao giờ Vụ Giáo dục Trung học có hướng dẫn?" đăng tải trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 28/11/2022 nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Trong phạm vi bài viết này, người viết xin được phân tích một số nguyên nhân chính khiến nhiều học sinh lớp 10 xin chuyển môn/ tổ hợp môn và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ.
Ảnh minh họa, nguồn: P.L/ giaoduc.net.vn
Học sinh lớp 10 được tư vấn chọn tổ hợp môn thế nào?
Ngày 3/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chi tiết về môn học bắt buộc và môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, bắt đầu áp dụng ở lớp 10 năm học 2022-2023.
Theo đó, học sinh được lựa chọn 4 môn học trong 9 môn học (Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật).
Về lí thuyết, nếu trường học xây dựng đủ 9 môn tự chọn thì học sinh có 124 tổ hợp môn. Trường nào bỏ môn Âm nhạc và Mĩ thuật thì chỉ còn 35 tổ hợp. Tuy vậy, các nhà trường thường ấn định sẵn khoảng 5, 6 tổ hợp môn dựa trên nhân sự (giáo viên) có sẵn.
Cụ thể, các trường thường phân ra các lớp thuộc ban tự nhiên (đa số) và các lớp thuộc ban xã hội. Còn các môn Công nghệ, Tin học được ghép vào hai ban tự nhiên và xã hội sao cho đồng đều. Rất nhiều trường trung học phổ thông không đưa môn Âm nhạc, Mĩ thuật vào giảng dạy vì không có giáo viên bộ môn đứng lớp.
Vào thời điểm cuối tháng 8/2022, sau khi học sinh trúng tuyển vào lớp 10 (theo hình thức xét tuyển và thi tuyển), các trường trung học phổ thông mới thành lập ban tư vấn tuyển sinh giúp học sinh và phụ huynh học sinh chọn tổ hợp môn học sao cho phù hợp.
Người viết đã từng tham dự buổi tư vấn chọn tổ hợp môn cho học sinh (ở Thành phố Hồ Chí Minh) thì thấy rằng, hiệu phó chuyên môn cũng chỉ cung cấp cho phụ huynh một số thông tin cơ bản như: môn học bắt buộc, môn học tự chọn, hay sau này học sinh có nguyện vọng vào ngành Công nghệ thông tin thì chọn môn Tin học, học sinh có năng khiếu nghệ thuật thì chọn môn Mĩ thuật, Âm nhạc...
Riêng cụm chuyên đề thì hầu hết học sinh và phụ huynh học sinh đều hiểu rất lơ mơ, nhiều bậc cha mẹ xem đây là môn học nâng cao, học thêm. Và sau đó nhà trường cung cấp địa chỉ trang web để học sinh, phụ huynh học sinh vào tham khảo và đăng kí tổ hợp môn.
Nguyên nhân khiến học sinh xin chuyển tổ hợp môn
Thứ nhất, ở bậc trung học cơ sở, lớp 6, lớp, 7, lớp 8, học sinh chủ yếu học đều các môn để cuối kì, cuối năm được nhận các danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Rất ít học sinh, phụ huynh học sinh quan niệm môn chính, môn phụ, có chăng nhiều gia đình có điều kiện thì đầu tư cho con em học thêm ngoại ngữ.
Nhưng lên lớp 9, học sinh bắt đầu học lệch chỉ nhằm mục đích phục vụ cho kì thi tuyển sinh 9 lên 10. Ví dụ, học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chú tâm học Toán, Ngữ văn, Anh văn. Còn các tỉnh thành khác thì học sinh tập trung học Toán, Ngữ văn và chờ đến cuối học kì 2 của năm học mới học thêm môn thứ 3 khi Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương công bố thêm môn thi tuyển sinh.
Việc học sinh học lệch nên các em cũng không biết bản thân có thế mạnh về lĩnh vực tự nhiên, xã hội hay năng khiếu. Và thế là, khi lên lớp 10 học sinh thường chọn theo cảm tính, hoặc bị cha mẹ chi phối hoặc chọn theo bạn bè.
Thứ hai, phạm vi kiến thức (độ khó) các môn học ở bậc trung học cơ sở khác với bậc trung học phổ thông nên nhiều học sinh vẫn chưa thực sự nhận ra bản thân có thế mạnh về môn nào. Ví dụ, kiến thức môn Vật lí, Hóa học, Sinh học ở bậc trung học cơ sở ở mức đơn giản nhưng lên bậc trung học phổ thông thì mang tính chuyên sâu, kể cả hàn lâm.
Nhiều học sinh lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với người viết rằng, ở bậc trung học cơ sở các em học khá tốt môn Vật lí, Hóa học, Sinh học nên lên lớp 10 chọn tổ hợp có các môn học này. Tuy vậy, qua hai tháng học tập, tháng 9, tháng 10 thì nhận thấy môn Vật lí khó hơn rất nhiều nên có ý định chuyển môn.
Một điều khiến người viết cũng rất băn khoăn đó là, nhiều học sinh thi tuyển sinh đạt điểm khá giỏi môn Ngữ văn nhưng đến lúc kiểm tra giữa học kì 1 lớp 10 các em chỉ được 5, 6 điểm. Thì ra, lớp 9 các em học thuộc một số bài văn mẫu để thi, còn lên lớp 10, để kiểm tra ra ngoài sách giáo khoa nên nhiều em làm bài không tốt - đây cũng là một trong những lí do khiến học sinh chọn sai tổ hợp môn.
Thứ ba, có hiện tượng nhiều giáo viên ở bậc trung học cơ sở đánh giá môn học còn dễ dãi dẫn đến học sinh lầm tưởng mình học khá dẫn đến việc chọn tổ hợp môn chưa đúng. Cá biệt, nhiều giáo viên cho học sinh điểm cao (điểm kiểm tra thường xuyên) nếu em nào có tham gia học thêm làm cho học sinh, phụ huynh học sinh ảo tưởng về lực học.
Chị Thúy ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, đã từng trò chuyện với người viết rằng, con chị học lớp 9 có điểm trung bình môn Toán 9,5. Chị cũng cho biết con chị học Toán giỏi nhất lớp và có tham gia học thêm môn Toán với giáo viên chủ nhiệm.
Tuy vậy, kì thi tuyển sinh năm 2022, con chỉ chỉ được 6 điểm môn Toán, không vào được những trường trung học phổ thông tốp đầu (nguyện vọng 1, 2) khiến chị rất buồn bã, thất vọng. Đến bây giờ chị vẫn không hiểu vì sao con chị học Toán nhất lớp nhưng điểm thi tuyển sinh chỉ ở mức trên trung bình.
Thứ tư, học sinh chọn sai môn/ tổ hợp môn vì Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn về thi tốt nghiệp phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh, phụ huynh học sinh vẫn chưa biết Bộ Giáo dục tổ chức thi đại học thế nào sau khi học sinh lớp 12 học xong Chương trình mới.
Nhiều học sinh và phụ huynh học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh có hỏi tôi rằng, sau năm 2025, sau khi học sinh học xong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được tiến hành thế nào, tôi cũng chỉ biết dự đoán theo kinh nghiệm bản thân.
Có thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo 4 bài thi bắt bắt buộc, gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Hoặc học sinh được phép chọn thêm 1, 2 môn trong tổ hợp môn đã học. Như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả kì thi đại học về cho các trường tổ chức riêng.
Thay lời kết
Có thể nhận thấy, có bốn lí do chính khiến học sinh lớp 10 chọn nhầm môn/ tổ hợp môn nên các em xin thay đổi là chuyện đương nhiên.
Cá nhân tôi cho rằng, trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm sửa đổi Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông theo hướng, chấp nhận cho học sinh chuyển đổi môn/ tổ hợp môn vào giữa học kì học kì 1 của năm học lớp 10 để các em còn có thời gian học tập, kiểm tra.
Cùng với đó, nhà trường cần xây dựng các bài giảng và chuyển lên LMS (hệ thống quản lí học tập) giúp học sinh tự học. Sau một thời gian tự học, nếu học sinh cảm thấy tự tin, đảm bảo yêu cầu kiến thức thì nhà trường tổ chức cho các em kiểm tra (thường xuyên và giữa kì). Học sinh chỉ cần đạt mức 4/10 thì được phép chuyển đổi môn học. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp "chữa cháy" trước mắt.
Về giải pháp dài hơi, Bộ Giáo dục cần nghiên cứu cắt giảm nội dung các môn học, ví như Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương... và bắt buộc học sinh phải học hết các môn thì mới giải quyết triệt để việc học sinh chọn sai tổ hợp môn.
Đánh giá định kì: Phân loại khác tuyển chọn Đánh giá định kì là đánh giá kết quả giáo dục của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Ảnh minh họa. Qua đó nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kĩ năng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông. Thông thường, các nhà trường, các...