Học sinh vùng cao vào vai bán hàng, hướng dẫn viên để học tiếng Anh
Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân trong một giờ học đầy cảm xúc tại công viên Hồ Chí Minh
GD&TĐ – Đó là một trong những sáng tạo độc đáo của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai) nhằm giúp học sinh nâng cao trình độ tiếng Anh trong điều kiện còn nhiều hạn chế.
Khởi đầu gian nan
Khi chia sẻ về việc xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, cô Trần Thị Thanh Xuân – Giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân – tâm sự rất thật: Khởi đầu thực sự rất gian nan.
Video đang HOT
Cô chia sẻ: Môi trường dạy Tiếng Anh chưa tốt, rất nhiều phụ huynh trong nhà trường đeo đuổi mục tiêu là con học tiếng Anh để tham gia thi IOE, có giải và được vào trường tốt. Họ quan tâm nhiều đến việc con thi đến vòng bao nhiêu, được bao nhiêu điểm và xếp thứ mấy…
Phần lớn cộng đồng chưa cùng với nhà trường tạo ra môi trường giao tiếp, cải tạo môi trường học tập cho cả cô và trò, không chung tay với nhà trường trong việc huy động các nguồn lực, hỗ trợ việc làm đồ dùng học tập, hỗ trợ việc học tập của con nếu có thể.
Thậm chí còn có một số phụ huynh không thích cho con học tiếng Anh vì cấp THCS không lựa chọn Tiếng Anh là môn xét vào trường chuyên, lớp chọn…
Trong nhà trường câu lạc bộ ngoại ngữ còn hình thức, câu lạc bộ chỉ luyện đi thi và tìm kiếm giải, sinh hoạt miễn cưỡng và thậm chí có những em bị ép vào CLB” – Cô Xuân tâm sự.
Khéo léo huy động sự vào cuộc của phụ huynh
Giải quyết hạn chế về môi trường học tiếng Anh, cô Trần Thị Thanh Xuân cho biết: Nhà trường đã mời chuyên gia của Bộ GD&ĐT; chuyên gia người nước ngoài có chuyên môn giỏi tiếng Anh, có kỹ năng… bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên 2 lần/học kì. Tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môn học
Sau đó, là sự vào cuộc để tạo môi trường giao tiếp cho giáo viên, học sinh toàn trường, bằng cách cho 100% giáo viên, học sinh học những câu giao tiếp đơn giản, chào hỏi và các khẩu lệnh trong lớp học, học sinh chào các thầy cô bằng tiếng Anh.
Mỗi ngày, tất cả các lớp dành 3 – 5 phút luyện chào hỏi giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh. Hàng tuần, vào thứ 4, trường đều có một bản tin ngắn bằng tiếng Anh.
Một hoạt động cũng được nhà trường thực hiện hiệu quả là xây dựng kế hoạch bảo trợ của học sinh, học sinh lớp điển hình, lớp trên, hỗ trợ các em nhỏ…
Do nhà trường chưa liên kết được với các trung tâm Tiếng Anh có người nước ngoài nên đã mạnh dạn, trao đổi và huy động sự vào cuộc của cộng đồng.
Trước hết là mời những phụ huynh có thể nói được tiếng Anh, đến giao lưu, chia sẻ; sau đó là phối hợp với các phụ huynh học sinh làm nghề du lịch, nếu có đoàn khách người bản xứ đến du lịch tại Lào Cai thì giúp nhà trường mời đến giao lưu, nói chuyện, chơi trò chơi cùng học sinh.
Đặc biệt là việc tổ chức các tiết học dã ngoại, trải nghiệm; phối hợp với phụ huynh học sinh cho các em đóng vai là người bán hàng tại các cửa hàng có khách nước ngoài; đóng vai hướng dẫn viên tại ga Lào Cai để nói chuyện với khách.
Để xóa bỏ tư tưởng phụ huynh cho con học tiếng Anh để đi thi, đạt giải, cô Xuân cho biết: Chúng tôi đã tổ chức cho các phụ huynh đến dự giờ, rồi cho học sinh làm các sản phẩm bằng tiếng Anh về tặng gia đình, tham mưu với nhà trường tổ chức các hoạt động mang tính ngày hội để huy động sự chung tay của phụ huynh như: English show, idol, the voice, sing, hùng biện… Tất cả các hoạt động ấy đều có sự tham gia của các bậc cha mẹ.
Song song với việc này, nhà trường bắt tay xây dựng câu lạc bộ tiếng Anh trong nhà trường, thu hút học sinh có đam mê môn tiếng Anh để tham gia câu lạc bộ, không phân biệt lứa tuổi.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động trong câu lạc bộ phù hợp với nhận thức của học sinh thông qua các hình thức rất đa dạng và phong phú: Học tiếng Anh qua trò chơi, qua bài hát, qua xem phim hoạt hình, qua đọc truyện và tự xây dựng lại câu chuyện bằng tiếng Anh…
“Những hoạt động suy tôn học sinh trong các lần tham gia sinh hoạt câu lạc bộ cũng được tổ chức để chọn ra học sinh có năng khiếu môn học, tổ chức các diễn đàn theo chủ đề hội nhập” – Cô Trần Thị Thanh Xuân chia sẻ.
Theo GD&TĐ