Học sinh thích thú môn Lịch sử phụ thuộc nhiều vào cách truyền đạt của giáo viên
Học lịch sử giúp học sinh hiểu biết tường tận cội nguồn đất nước, thêm tự hào truyền thống dân tộc, trân trọng những gì đang có hôm nay…
Để làm được điều đó vai trò người thầy vô cùng quan trọng.
Ứng dụng CNTT vào dạy học lịch sử để tăng cường hiệu quả.
Thực tế từ dạy học
Không thể phủ nhận thực tế vẫn còn những học sinh chưa yêu thích các tiết học lịch sử. Các em coi đây là môn học thuộc với những mảng kiến thức dài dằng dặc, học mãi không thuộc.
Vì vậy, theo cô Phạm Thu Trang Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội), giờ Sử ở nhiều lớp học vẫn diễn ra tẻ ngắt, cô giảng, trò ghi chép một vài ý chính rồi về nhà mở sách ra học thuộc nhưng vẫn không hiệu quả. Cách học này của học sinh dẫn đến nhiều câu chuyện buồn trong các kỳ thi như học sinh xuyên tạc lịch sử, nhầm lẫn các sự kiện một cách tai hại. Báo động về số bài thi Lịch sử điểm thấp ở các kỳ thi tốt nghiệp, đại học…
Cô Nguyễn Thị Tâm giáo viên môn Lịch sử, Trường THTP chuyên Lào Cai (Lào Cai) cũng chia sẻ: Học lịch sử thì đa số học sinh đều hào hứng nhưng nếu để chọn là môn thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp… thì chỉ học sinh theo khối C, D còn lại sẽ “né” tránh.
Thậm chí, với nhiều học sinh khối D nếu được chọn thi giữa Lịch sử với Địa lý hoặc Giáo dục công dân (GDCD) các em cũng không chọn Lịch sử, bởi thi Sử khó hơn các môn xã hội khác.
Lý giải nguyên nhân học sinh hứng thú học Sử nhưng lại “ngại” thi Sử, cô Tâm cho rằng xét tương quan giữa 3 môn Sử, Địa, GDCD thì Địa có ưu thế học sinh có thể kiếm được 3 điểm phần Atlat dễ dàng, không sợ bị điểm liệt. GDCD có nhiều câu vận dụng kiến thức thực tế nên học sinh cũng dễ kiếm điểm và tình trạng bị điểm liệt cũng ít. Trong khi đó, môn Lịch sử nội dung kiến thức ôn tập có thể bằng môn Địa, GDCD nhưng không có được ưu thế dễ kiếm điểm như 2 môn Địa, GDCD…
Cũng đồng quan điểm về vấn đề học sinh hứng thú học Sử nhưng ngại thi Sử, cô Lê Thị Linh, nhóm trưởng Sử-Địa, Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) còn chỉ thêm một trong những “rào cản” để học sinh chưa “mặn mà” với học Lịch sử chính từ suy nghĩ của phụ huynh về môn học khi cho rằng Toán, Văn, Ngoại ngữ mới là môn chính, phục vụ thi cử và đầu tư cho học. Lịch sử và các môn khác là môn phụ nên không khuyến khích con học, áp đặt tư tưởng môn chính môn phụ. Ngay cả khi con được lựa chọn đi thi học sinh giỏi môn Sử cũng không ủng hộ, thậm chí khoái thác để không cho tham gia.
Video đang HOT
Học lịch sử tại Bảo tàng
Để học sinh hứng thú
Để học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, khơi dậy sự say mê hứng thú với môn học của học sinh đối đòi hỏi vai trò không nhỏ từ giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Đây cũng là đòi hỏi thực tế để nâng cao chất lượng giờ dạy lịch sử, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học trong quá trình đổi mới giáo dục.
Cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên môn Lịch sử Trường THTP chuyên Lào Cai chia sẻ: Trường đã tích cực trong đổi mới trong dạy học môn lịch sử. Trước hết, do được tự chủ về chương trình nên đối với học sinh các lớp 12 thi môn Lịch sử, giáo viên sẽ dạy hoặc mở rộng những nội dung gắn liền với đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa.
Nhưng đối với học sinh các lớp Toán, Lý, Hóa của các khối 10, 11, 12 thì chỉ dạy nội dung cơ bản, không quá chú trọng những đơn vị kiến thức. Trên cơ sở những nhân vật, sự kiện lịch sử liên quan, giáo viên có thể kể những câu chuyện, thông tin bên lề để các em hiểu và hứng thú hơn khi học.
Mặt khác, trong các tiết dạy sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, lồng ghép tích hợp các tư liệu, phim ảnh, âm thanh… để học sinh không chỉ cảm nhận bài học qua lời giảng mà còn được xem và thu thập kiến thức qua hình ảnh, tư liệu…
Cô Tâm cũng cho biết, dạy học Lịch sử với những lớp học không chuyên cũng áp dụng “giao việc” cho học trò nhưng không quá nặng nề. Nhóm 2-3 học sinh có thể tìm hiểu về một vấn đề sau đó trình bày những vấn đề tìm hiểu được. Những học sinh khác sẽ đặt câu hỏi cho nhóm học sinh được giao tìm hiểu và thuyết trình để cùng thảo luận và tìm ra câu trả lời… Giáo viên chỉ trình bày những nội dung cứng chứ không đóng vai trò chính của việc tìm hiểu kiến thức.
Đổi mới phương pháp cũng đi liền với đổi mới kiểm tra đánh giá. Giáo viên có thể cho điểm học sinh từ quá trình tìm hiểu và thuyết trình thay cho kiểm tra bài cũ. Thậm chí, với học sinh đặt ra câu hỏi hay hoặc có lý giải tốt trong quá trình học tập cũng được cho điểm thay cho bài kiểm tra.
Học sinh hóa thân vào nhân vật lịch sử
Các nội dung, vấn đề để kiểm tra đánh giá sẽ trọng tâm chứ không dàn trải hoặc đặt ra những vấn đề quá lớn giúp học sinh dễ học và nắm sâu kiến thức.
Cô Lê Thị Linh, Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng khẳng định: Học sinh về cơ bản thích học lịch sử, nhưng để các em hiểu sâu và hứng thú với môn học phụ thuộc nhiều vào phương pháp truyền đạt của giáo viên.
Theo cô Linh, để có giờ học sinh động, bản thân giáo viên phải chấp nhận “vất vả” hơn, đầu tư chuyên môn, giáo án, bỏ công sức để sưu tầm tư liệu, thông tin, hình ảnh… đưa vào bài giảng tạo sự mới mẻ, thu hút.
Đặc biệt, dạy học lịch sử nhưng giáo viên cần gắn với thực tế người học. Như vậy, học sinh sẽ thấy những bài học trong lịch sử có giá trị hiện thực cho tới hôm nay chứ không phải là những lời nói suông, hay rao giảng đạo đức…
Cô Linh cũng cho rằng đổi mới dạy học lịch sử để học sinh hứng thú phải đổi mới cả phương pháp giảng dạy lẫn kiểm tra đánh giá. Nếu trước đây dạy học và kiểm tra nặng nề về sự kiện, dữ liệu khiến học sinh nhàm chán, sợ học thì hiện nay các bài kiểm tra đánh giá cần hướng tới dạy học sinh biết đánh giá, suy luận, nhìn nhận sự kiện lịch sử…
Ví như, với nhân vật lịch sử A có thể đặt câu hỏi em có thích nhân vật không? vì sao? từ đó học sinh sẽ nhìn nhận kiến giải theo hiểu biết, suy nghĩ của mình. Tuyệt nhiên không nên áp đặt học sinh phải thích nhân vật này theo cách diễn giải của sách vở hay của giáo viên. Kiểm tra đánh giá cũng cần làm sao để học sinh được bày tỏ ý kiến, phát huy được phẩm chất năng lực của bản thân.
Sẽ khó đạt được mong muốn tạo sự hứng cho học sinh khi học Lịch sử nếu giáo viên chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy mà kiểm tra đánh giá vẫn đi theo “lối mòn” truyền thống và ngược lại.
Thực tế nhiều học sinh từ không ham thích học môn Lịch sử nhưng khi được tiếp cận với phương pháp dạy học sinh động, cách kiểm tra đánh giá đổi mới… đã cảm nhận được cái hay của môn học, từ đó đam mê và gắn liền với môn học trong cả chọn trường, chọn nghề. Như vậy, vai trò của người thầy trong dạy học Lịch sử vô cùng quan trọng và nhất thiết phải đổi mới. – cô Lê Thị Linh
Hướng ra nào cho môn lịch sử?: Học lịch sử cũng chính là tìm về bản sắc
Học lịch sử dân tộc là để hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, hiểu lý do tồn tại của dân tộc, từ đó biết rút kinh nghiệm trong quá khứ, sống tốt trong hiện tại và kiến tạo tương lai
Chương trình giáo dục phổ thông mới gây chú ý nhiều trong thời gian qua về môn lịch sử. Theo đó, ở cấp THCS, học sinh (HS) sẽ học môn lịch sử bắt buộc và sẽ được trang bị kiến thức cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến hiện đại. Riêng về lịch sử Việt Nam, chương trình bảo đảm HS được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.
Cần cung cấp kiến thức nền cơ bản
Chỉ nói riêng về lịch sử Việt Nam, ngay cả đối với người lớn, để hiểu toàn diện và đầy đủ là chuyện rất khó, huống chi là lứa tuổi của các em bậc THCS. Với những "tham vọng" như trên, liệu chương trình càng thêm nặng không, lứa tuổi 11-14 có thể tư duy như người lớn được không?
Còn ở bậc THPT, chương trình mới bố trí môn lịch sử nằm trong tổ hợp xã hội và thuộc môn tự chọn. Ở bậc này, nếu HS chọn học môn lịch sử, thì sẽ được học theo các chuyên đề có nội dung chuyên sâu, giúp HS hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản đã được học ở cấp THCS. Trên thực tế, việc học chuyên sâu các vấn đề lịch sử thì phải ở tầm sinh viên chuyên ngành lịch sử. Ở lứa tuổi THPT, sự chín chắn trong suy nghĩ chưa đạt tới, kiến thức nền chưa đủ, bắt các em phải "chuyên sâu" lịch sử, như vậy có phải thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn chăng?
Vậy nên, ở bậc phổ thông, HS cần được cung cấp những kiến thức nền cơ bản nhất để sau bậc phổ thông, các em sẽ bước vào chuyên sâu ở những chuyên ngành khác nhau. Đối với môn lịch sử cũng vậy, các em cần được cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử Việt Nam. Từ cấp 1, có thể cho các em tiếp cận lịch sử Việt Nam thông qua những câu chuyện đơn giản về các nhân vật lịch sử (như kể chuyện đời xưa vậy). Từ lớp 6 đến 12, có thể bố trí môn lịch sử trải dài một cách có hệ thống, đơn giản, dễ hiểu, để mỗi năm HS sẽ được học một giai đoạn của lịch sử dân tộc. Rồi ở bậc đại học, bất kỳ chuyên ngành nào, ở năm đầu cũng nên có môn đại cương lịch sử Việt Nam. Bởi khi bước vào đại học, các em bước vào lứa tuổi trưởng thành, chín chắn hơn trong suy nghĩ, các em sẽ tiếp cận lịch sử với một tâm thế hoàn toàn khác, được giúp xâu chuỗi lại toàn bộ lịch sử dân tộc một cách có bài bản, hệ thống.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) trong giờ học môn lịch sử Ảnh: Tấn Thạnh
Gió càng mạnh, gốc phải càng sâu
Môn lịch sử thuộc về môn học không cho thấy kết quả rõ ràng ngay lập tức, mà cần có thời gian và sẽ cho kết quả một cách không ồn ào. Chúng ta cần nhắc lại với nhau rằng học lịch sử dân tộc là để hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, hiểu lý do tồn tại của dân tộc, hiểu vì sao mình lại như thế trong hiện tại, từ đó biết rút kinh nghiệm trong quá khứ mà sống tốt trong hiện tại và kiến tạo tương lai. Lịch sử dân tộc góp phần xây dựng tinh thần dân tộc, dạy cho chúng ta biết yêu nước non, thương giống nòi. Lịch sử dân tộc giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của một nước - một sự phát triển có tiếp nối chứ không phải một sự phát triển bỏ gốc bỏ nguồn.
Làn sóng toàn cầu hóa trên thế giới ngày càng mạnh. Ở thời đại số, ranh giới của các nền văn hóa bỗng trở nên vô cùng mong manh. Trong bối cảnh đó, việc giữ gìn bản sắc của mỗi dân tộc trở nên vô cùng cấp thiết. Chúng ta cần nhắc lại với nhau rằng bản sắc của một dân tộc được hình thành không phải một ngày một bữa, mà phải được tích lũy theo dòng chảy của lịch sử dân tộc. Bởi thế mà học lịch sử cũng chính là tìm về bản sắc.
Cũng có lập luận cho rằng dù là môn tự chọn nhưng nếu HS thấy có ích thì sẽ chọn để học. Nhìn vào thực tế, ai cũng thấy lâu nay môn lịch sử là môn mà HS ít mặn mà. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước, tình hình tuổi trẻ và lịch sử dân tộc cũng không có gì khả quan. Thế nhưng, nếu cách dạy, giáo trình môn lịch sử còn chưa thu hút được tuổi trẻ thì chúng ta cải cách, đổi mới cách dạy cách học, không thể để những công dân của đất nước mờ mịt lịch sử dân tộc.
Cũng có ý kiến cho rằng chương trình mới là theo đúng xu thế quốc tế. Xin khẳng định ý kiến này không đúng bởi bảo tồn bản sắc và đa dạng văn hóa hiện là xu thế chung của nhân loại. Thực tế đã cho thấy những nước nghèo, kinh tế kém phát triển, khi mở cửa làm ăn với thế giới, đã phải đối mặt với sự tấn công ào ạt của các yếu tố văn hóa ngoại lai và phải khổ sở bảo tồn bản sắc dân tộc. Câu chuyện "sức mạnh mềm" đã trở nên quá quen thuộc trong thế giới hiện tại. Như vậy, nếu các quốc gia có nền kinh tế mạnh chú ý đến lịch sử dân tộc chỉ 1, thì những nước có nền kinh tế yếu hơn phải quan tâm đến lịch sử dân tộc đến 10. Khi cơn gió toàn cầu hóa càng mạnh thì cái gốc dân tộc phải càng sâu và chắc..
Xếp một môn học thuộc dạng bắt buộc, ngoài những cái khác, nó còn cho thấy vị trí quan trọng của môn học đó trong hệ thống giáo dục của một nước và tư duy giáo dục của một quốc gia.
TS lịch sử văn hóa LÊ HỒNG PHƯỚC, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM
Chuyển đổi số trong xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu Thực hiện chủ trương ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ngành GD nói chung và thiết bị dạy học nói riêng, Bộ GD&ĐT có cách tiếp cận mới trong xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT 2018. Ông Phạm Hùng Anh (Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất - Bộ GD&ĐT) trong hội thảo góp...