Học sinh thích đăng confession hơn đến phòng tư vấn tâm lý trường học
Nhiều học sinh biết trường mình có phòng tư vấn tâm lý, nhưng không muốn đến. Nguyên nhân có thể là thiếu tin tưởng, e ngại riêng tư…
Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi tháng 9 đã yêu cầu các địa phương tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.
“Khi gặp các vấn đề như áp lực học hành, gia đình, em thường chia sẻ với bạn bè. Em không nghĩ sẽ chia sẻ với thầy cô, một phần vì e ngại chuyện riêng tư, một phần em sợ khoảng cách giữa học sinh và giáo viên”, Nguyễn Anh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) chia sẻ với Zing.
Không chỉ Nguyễn Anh, đây cũng là tình trạng của nhiều học sinh phổ thông khi được hỏi về cách giải quyết các vấn đề tâm lý. Nhiều học sinh biết sự tồn tại của phòng tư vấn tâm lý trong trường học, nhưng không xem đó là giải pháp cho mình.
Cần lời khuyên nhưng không chọn phòng tư vấn
Nguyễn Anh cho biết cậu chỉ vô tình biết đến phòng tư vấn tâm lý học đường khi đi ngang qua dãy nhà hiệu bộ vào năm lớp 10. Hiện tại, nam sinh không biết căn phòng này còn tồn tại hay đã chuyển đến vị trí khác trong trường.
Là học sinh cuối cấp, Nguyễn Anh vẫn thường xuyên gặp áp lực về học hành, thi cử. Đôi khi là cả áp lực đến từ phía gia đình. Thay vì chia sẻ với người thân hoặc thầy cô ở phòng tư vấn tâm lý, cậu chọn cách giữ kín, kể với bạn thân hoặc đăng tải confession ẩn danh để tìm người đồng cảm.
Giống như Nguyễn Anh, Linh Châu (học sinh lớp 11 tại Hà Nội) mang trong mình nhiều áp lực đến từ phía gia đình.
Châu cho biết bố mẹ thường đặt nhiều kỳ vọng vào em, cả trong học tập lẫn sinh hoạt hàng ngày. Dù vẫn duy trì học lực giỏi, Châu thường bị bố mẹ so sánh với các bạn cùng lớp.
“Nhiều lần em tự hỏi có khi nào bố mẹ nghĩ tới cảm giác của em, nhiều lúc, em ấm ức và tức tối nhưng không thể làm gì ngoài việc khóc. Mỗi lần muốn chia sẻ, bố mẹ thường khó chịu, gạt đi và coi đó là chuyện trẻ con”, Châu tâm sự.
Lâu dần, Châu không còn muốn chia sẻ với bố mẹ. Giống như Nguyễn Anh, nữ sinh chọn cách trò chuyện cùng bạn thân. Nhưng nhiều lúc, người bạn này cũng không thể đưa ra lời khuyên cho em.
Linh Châu có nghe thầy giáo bộ môn nhắc đến phòng tư vấn tâm lý học đường, tuy nhiên, em không biết căn phòng này nằm ở đâu, và cũng không có ý định tìm đến.
Video đang HOT
“Chắc chắn em sẽ không thể mở lòng với thầy cô. Em có nghe nói người tư vấn là thầy giáo dạy môn Lịch sử, em không thường xuyên tiếp xúc với thầy, vì vậy em cảm thấy khó chia sẻ và không tin tưởng để trò chuyện”, Châu nói.
Huyền Vân (học sinh lớp 11 tại Hà Nội) thậm chí không biết đến sự tồn tại của phòng tư vấn tâm lý học đường. Nữ sinh đoán nhà trường không có căn phòng này, hoặc có mà em không biết.
Thông thường, nếu học sinh trong lớp gặp vấn đề, giáo viên chủ nhiệm thường chủ động tìm gặp và trò chuyện. Tuy nhiên, Vân nhận thấy đa phần thầy cô sẽ trao đổi với học sinh thường xuyên mắc lỗi, việc chia sẻ các vấn đề tâm lý rất ít.
Không cần thiết hoặc không đủ tin tưởng
Trần Hiếu (học sinh lớp 12 tại TP.HCM) cho biết từ trước đến nay cậu không gặp nhiều áp lực. Hiếu tự nhận mình là “học sinh có thành tích khá ổn, gia đình hạnh phúc, luôn động viên con cái” .
Đang học lớp 12, chuẩn bị vào đại học nhưng Hiếu cho hay em vẫn không biết mình thực sự thích gì và muốn thi vào trường nào. Cậu chỉ cố gắng học chăm chỉ để đạt điểm cao.
“Em nghĩ đây không phải là tình trạng của riêng em. Ở độ tuổi của em, nhiều bạn cũng như vậy”, Hiếu nói.
Tuy chưa tìm được cách giải quyết vấn đề, Hiếu cho rằng phòng tư vấn tâm lý học đường là không cần thiết. Nam sinh chưa bao giờ tìm đến hay nghe nói chính xác về phòng này.
“Có vài lý do cho việc này. Thứ nhất, cuộc sống em không quá áp lực đến mức gặp vấn đề tâm lý nặng nề. Thứ 2, em không tin tưởng vào phòng tư vấn tâm lý của trường. Thay vì tìm đến phòng tư vấn, em sẽ tìm đến chị gái hoặc tự mình giải quyết”, Hiếu nói.
Ngoài ra, Hiếu cho rằng nhiều học sinh không sử dụng dịch vụ này vì phải trò chuyện trực tiếp trong phòng kín.
“Riêng em thấy điều này không mấy thoải mái”, Hiếu chia sẻ.
Tương tự Hiếu, Minh Trang (học sinh lớp 11 tại TP.HCM) cũng không tin tưởng hoàn toàn vào phòng tư vấn tâm lý của trường. Nữ sinh cho hay căn phòng này hiện chưa hoàn thiện, chính em cũng chưa biết phòng tư vấn tâm lý sẽ như thế nào và ai sẽ là người tư vấn khi học sinh gặp vấn đề.
Theo Minh Trang, ở độ tuổi này, em và nhiều bạn khác có những thắc mắc thầm kín về sức khỏe, giới tính và những mối quan hệ trên mức bạn bè. Tuy nhiên, để chia sẻ trực tiếp với thầy cô hay những người lớn là điều khó vì khoảng cách thế hệ.
“Nói chuyện là một cách hay để bày tỏ ra suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, ngồi nói chuyện trực tiếp, lộ mặt cả thầy và trò khiến em dè chừng”, Minh Trang nói.
Ông Huỳnh Thanh Phú nhận xét công tác tư vấn tâm lý học đường đa số còn hình thức, kém hiệu quả. Ảnh: CNN.
Điều học sinh mong muốn
Chia sẻ về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh hiện nay, ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) – nhận xét công tác này đa số chỉ được làm cho có, mang tính hình thức, không đạt hiệu quả.
Theo ông Phú, đội ngũ nhân sự tư vấn tại các trường đa số là giáo viên kiêm nhiệm, một số trường sử dụng giáo viên gần về hưu hoặc giáo viên mới. Ba đối tượng này đều không phải người có chuyên môn, vì vậy hoạt động tư vấn kém hiệu quả. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ đối với những người làm công tác này thường hạn chế, dẫn đến người tư vấn làm cho có, không nhiệt huyết.
Ngoài ra, cơ sở vật chất tại các phòng tư vấn thường không đảm bảo, không được đầu tư riêng, thường lấy đại một phòng bất kỳ để làm nơi tư vấn.
Theo ông Phú, điều học sinh mong muốn nhất khi tìm đến phòng tư vấn chính là cơ sở vật chất, cần kín đáo, tế nhị, là nơi các em tin tưởng. Nhà quản lý này gợi ý các trường có thể xây dựng phòng tư vấn tâm lý có các tấm ngăn cách bằng kính, thầy cô ở phía bên trong có thể nhìn thấy học sinh, nhưng các em ở phía ngoài sẽ không nhìn thấy thầy cô.
Việc này giúp các em dễ dàng chia sẻ, không có sự ngượng ngùng hoặc khoảng cách khi phải đối diện trực tiếp với giáo viên.
Ngoài ra, phòng tư vấn cần khang trang, mở nhạc nhẹ để tâm trí các em thoải mái. Người tư vấn cần có cả nam và nữ, có trải nghiệm trong cuộc sống, đặc biệt phải có trình độ, nghiệp vụ chuyên môn cũng như gắn kết với học trò.
Không chỉ mở vào giờ hành chính, người làm công tác tư vấn nên tạo điều kiện hỗ trợ các em kịp thời thông qua tin nhắn, điện thoại.
“Bên cạnh đó, bảo mật thông tin của học sinh là vấn đề được ưu tiên. Khi các em tìm đến, các vấn đề đưa ra đều là chuyện riêng tư, người tiếp nhận thông tin cần đảm bảo không bị lọt, lộ ra ngoài”, ông Phú lưu ý.
Đối với Minh Trang và Trần Hiếu, 2 em hy vọng người tư vấn tâm lý có kiến thức chuyên môn, nắm bắt, thấu hiểu tâm lý của học sinh.
“Em cũng hy vọng nhà trường có đường dây nóng tư vấn qua điện thoại, để em cũng như các bạn có thể thoải mái trò chuyện mà không phải lộ mặt”, Trang nói.
Trần Hiếu cũng gợi ý trường học nên đa dạng các hình thức tư vấn. Bên cạnh vào phòng kín trao đổi, nhà trường cũng nên mở fanpage tương tự các trang confession để giải đáp thắc mắc hàng ngày. Ngoài ra, trường cũng nên mở hộp thư email để học sinh dễ nói ra những chuyện riêng tư.
Tuy nhiên, Nguyễn Anh và Linh Châu lại mong muốn người tư vấn cởi mở, tạo sự tin tưởng cho học sinh, xóa bỏ khoảng cách để các em tự tin chia sẻ. Riêng Nguyễn Anh nghĩ phòng tư vấn nên đặt ở khu vực khác thay vì dãy nhà hiệu bộ, tránh tạo cảm giác xa cách với học sinh.
Trường học tại TPHCM phải thành lập tổ tư vấn tâm lý học sinh
Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường phải thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khi các em gặp các vấn đề về tâm lý.
Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) tham gia hoạt động "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" với chủ đề Phòng chống bạo lực học đường.
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu trường học phải thành lập, chú trọng phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn, trong tình hình ngày càng nhiều học sinh gặp vấn đề tâm lý trong quá trình học hoặc bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trường học phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn học đường, từng bước tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp, tư vấn tâm lý học đường, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến tâm lý của học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT khuyến khích trường học ký hợp đồng chuyên trách cán bộ, giáo viên, chuyên gia có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp trong việc tư vấn tâm lý.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Dương Trí Dũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phải chủ động xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về giáo dục sức khỏe tâm thần cho học sinh với ngành Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan tại địa phương. Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các tổ chức, kết nối giữa nhà trường và gia đình trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Tổ chức các hội thảo, hội nghị, lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư vấn tâm lý học sinh đối với cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm, hợp đồng chuyên trách công tác tư vấn tâm lý và các cán bộ Đoàn, Đội, giáo viên chủ nhiệm, các thành viên khác thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.
Nâng cao kiến thức và kỹ năng để học sinh, sinh viên tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân; bảo vệ học sinh, sinh viên trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học, vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, các trường cần theo dõi, đôn đốc triển khai hiệu quả hệ thống cung cấp, cập nhật thông tin về phòng, chống bạo lực học đường, từng bước áp dụng mô hình "Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học", "trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng", "trường học hạnh phúc".
Trường học TP.HCM phải thành lập tổ tư vấn tâm lý cho học sinh Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường phải thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh khi các em gặp vấn đề về tâm lý. Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT yêu cầu trường học phải thành lập, chú trọng phát huy vai trò, hiệu...