Học sinh than trời vì học online lên tới 10 tiết/ ngày, thầy cô cũng oải vì “độc thoại”
Không còn cắt giảm kiến thức, phần lớn học sinh đang phải học online đúng như lịch học chính thức, đồng nghĩa với nhiều bạn học tới 8 – 10 tiết/ ngày qua màn hình máy tính, điện thoại.
“Quá tải”, chán nản, thậm chí bật khóc
Cô Thủy (Quận 8, TP.HCM) cho biết nhà có hai anh em. Anh trai lớp 10 đã biết tự giác. Còn em gái nhỏ đang học lớp 4 thì cả nhà đều rất “vật vã”. “Con nít hiếu động, bắt ngồi yên với cái máy mấy tiếng liền nó đâu chịu nổi. Nhiều lúc bé vặn vẹo rồi òa khóc, bảo không muốn học” .
Cô Thủy cũng lo ngại cho sức khỏe thị lực của các con khi phải tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử vì không chỉ nghe giảng online, các con còn phải xem thêm nhiều tài liệu, bài tập và video trên mạng để tự bổ sung kiến thức.
Bé Khánh – con cô Thủy đang học thủ công online. (Ảnh: NVCC)
Đạt Khánh (lớp 7 trường THCS Kim Đồng, TP.HCM) kể khổ: “Em vẫn học theo thời khoá biểu bình thường. Ngày 8 đến 10 tiết. Mà ở nhà có quá nhiều thứ làm em phân tâm, khó tập trung dài hạn. Học lúc 7 giờ sáng em còn phải dậy sớm chuẩn bị máy tính và đường truyền. Nhưng do nghỉ ở nhà, quen giấc, có lúc em ngủ quên hoặc ngồi học trong uể oải”.
Đạt Khánh đăng nhập ứng dụng Zoom để học trực tuyến. (Ảnh: NVCC)
Đây cũng là vấn đề của bạn Thanh Thiên (lớp 12, trường PTNK, TP.HCM). Chưa kể, bạn còn tham gia các lớp học thêm cũng được triển khai trực tuyến. Như vậy có khi một ngày, Thanh Thiên phải làm bạn với laptop suốt hơn 10 tiết học, mỗi tiết 45 phút. ” Ngồi học thời gian dài, mình vừa mỏi mắt, đau lưng vừa khó tiếp thu vì bị quá tải” , Thiên nói.
Thầy cô cũng gặp nhiều khó khăn
Dù đã chuẩn bị tâm lý, thầy Nguyễn Hoàng Tiến Vinh (giáo viên Hóa Học trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) vẫn không tránh khỏi việc bị mất cảm hứng lên lớp vì: “Thầy như đang diễn “độc thoại”. Ngồi học “liền tù tì” mấy tiết thì ban đầu còn đông nhưng dần về sau các bạn sẽ chán và làm chuyện riêng. Những hôm trúng vào các tiết cuối, thầy không biết mình giảng có ai nghe không nữa vì khi hỏi lại thì 80% học sinh vẫn không trả lời được những câu đơn giản”.
Video đang HOT
Thầy Võ Văn Toàn (giáo viên Toán trường PTNK, TP.HCM) cũng đồng tình: “Việc áp dụng toàn bộ thời khóa biểu học bình thường sang học từ xa khiến giáo viên quá vất vả trong việc soạn giảng, lại gặp hạn chế về giao tiếp, truyền đạt khiến thầy cảm thấy ‘cô đơn”.
Thầy Võ Văn Toàn rất nhớ học sinh và mong các em sớm trở lại trường. (Ảnh: NVCC)
Học online như thế nào là “vừa đủ” và hợp lý?
Tại Mỹ, học trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu với học sinh ở nhiều bang. Thanh Nhàn (lớp 11, bang Washington) cho biết nếu nhận thông báo không đến trường, bạn sẽ học tại nhà 5 tiết một ngày, 5 ngày một tuần, mỗi tiết từ 30 phút đến 1 tiếng tùy môn. Tiết dài 1 tiếng sẽ có giải lao 10 phút giữa giờ. Thời gian vào học thứ sáu là 9 giờ sáng, các ngày khác thì 8 giờ 30. 12 giờ sẽ có nghỉ trưa đến 1 giờ. Sau đó bạn tiếp tục học đến 3 giờ chiều là kết thúc.
Thanh Nhàn cảm thấy khá hài lòng với thời gian biểu trên: “Được lùi giờ vào học nên sáng mình có thời gian tập thể dục, tự nấu ăn và uống trà thư giãn”.
Bạn Thanh Nhàn hài lòng với thời gian biểu học online hiện tại. (Ảnh: NVCC)
Anh Thư (lớp 11, THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM) và Phùng Ngân (lớp 11, THPT Phan Bội Châu, Đăk Lăk) đều cho rằng: Học online chỉ nên từ 4 đến 5 tiết một ngày. Giữa các tiết nên giải lao khoảng 10 phút. Môn Thể Dục và Giáo Dục Quốc Phòng nếu có thể nên cắt giảm vì không gian trong nhà bất tiện cho các hoạt động thể chất.
Bạn Anh Thư cho rằng học online chỉ nên từ 4 đến 5 tiết một ngày. (Ảnh: NVCC)
Thầy Võ Văn Toàn nhận xét: “Ý tưởng học online mỗi ngày chỉ một buổi sáng hoặc chiều rất thú vị. Các môn học cũng nên tinh giản. Thầy cô chỉ nên hướng dẫn, giải đáp rồi để học sinh phát huy tinh thần chủ động, tự học chứ không cần cố “cầm tay chỉ việc” nhiều tiết liền”.
Linh hoạt dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19
Linh hoạt cả về địa điểm, thời gian, phương thức, cả phụ huynh và các nhà trường đang cùng nỗ lực để hỗ trợ học sinh học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19.
Học sinh học trực tuyến qua Internet. (Ảnh: PM/Vietnamplus)
Học sinh ở nhà học online trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm, nhiều gia đình đã phải linh hoạt cách sinh hoạt để đảm bảo việc học cho con. Giáo viên, nhà trường cũng phải linh hoạt về phương thức và thời gian dạy học phù hợp với nhiều đối tượng học sinh.
Phụ huynh tìm cách thích nghi
Một tuần qua, vợ chồng chị Nguyễn Minh Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) phải thay nhau nghỉ làm để ở nhà trông hai con, một bé đang học lớp ba và một bé học mầm non, khi các con phải tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.
"Nhưng không thể cứ nghỉ làm mãi nên tuần này gia đình tôi đã phải mời bà nội lên hỗ trợ. Sau một tuần học online, con đã thành thạo hơn với các thao tác trên máy tính khi học trực tuyến nên không cần bố mẹ ở bên con vẫn con có thể tự học," chị Thu chia sẻ.
Trong khi đó, gia đình anh Vũ Trường Huân (Thanh Trì, Hà Nội) lại chọn giải pháp cho con về quê. "Nhà ông bà cũng có kết nối Internet nên tôi cho hai con về quê, vừa có không khí trong lành, vừa yên tĩnh, vợ chồng tôi cũng yên tâm đi làm còn ông bà cũng vui khi có các cháu ở cùng," anh Huân cho hay.
Cũng theo anh Huân, sáng nay anh đã phải tức tốc ra bến xe gửi thêm sách vở về quê cho con vì trước khi về con để quên. "Trong buổi học trực tuyến hôm qua, cô giáo phát hiện rất nhiều bạn học chay, không có sách vì các con về quê nhưng lại quên mang sách vở, đồ dùng học tập. Cô đã nhắc nhở các con đồng thời nhắn tin Zalo cho các phụ huynh," anh Huân kể.
Với chị Đỗ Bích Liên (Hà Đông, Hà Nội), do làm kinh doanh ở cửa hàng riêng nên việc con tạm dừng đến trường không quá nhiều khó khăn. Từ khi con nghỉ học trên lớp, ngày ngày hai mẹ con đèo nhau đến chỗ làm, mẹ làm việc, con học trực tuyến.
Nhà trường linh hoạt phương thức, thời gian dạy học
Để tạo điều kiện cho học sinh học trực tuyến thuận lợi hơn, nhiều địa phương đã yêu cầu các nhà trường bố trí thời gian học linh hoạt, đặc biệt là với tiểu học. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các trường phải chọn khung giờ dạy phù hợp, không gây khó khăn cho học sinh tiểu học. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh việc các trường lưu ý chọn thời gian dạy trực tuyến phù hợp với học sinh lớp 1 vì các em còn nhỏ, đa số chưa thể tự học trực tuyến mà cần có sự kèm cặp của phụ huynh.
Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo trên, nhiều trường tiểu học đã bố trí khung giờ dạy học trực tuyến vào ngoài giờ hành chính. Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) bố trí khung giờ học trực tuyến vào 19 giờ15 hằng ngày. Trường Tiểu học Trần Đăng Ninh (Hà Đông, Hà Nội) dạy qua ứng dụng Zoom hai tiếng mỗi ngày, từ 17 giờ đến 19 giờ.
Nhà trường linh hoạt thời gian, phương thức dạy học để tạo điều kiện cho học sinh. (Ảnh: TTXVN)
Nhiều trường linh hoạt giờ dạy theo từng khối lớp. Với các học sinh lớp lớn 3, 4, 5 dạy học ban ngày trong khi các học sinh nhỏ hơn, lớp 1, 2 học buổi tối như Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Trường tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội).
Không chỉ linh hoạt về thời gian, phương thức dạy học cũng được các trường đa dạng hóa để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường. Nhiều giải pháp dạy học qua Internet đã được các trường triển khai như dạy trực tuyến; xây dựng video clip bài giảng rồi đăng tải trên cổng thông tin điện tử của nhà trường để học sinh học tập; trao đổi, giải đáp thắc mắc qua Facebook, Zalo, Viber; dạy trực tiếp qua ứng dụng Zoom; kết hợp học trên phần mềm học trực tuyến của VNPT với dạy trực tiếp qua Zoom để kịp thời giải đáp các thắc mắc của học sinh.
Tại Trường Tiểu học Trần Đăng Ninh, học sinh học trực tiếp với giáo viên qua ứng dụng Zoom hai tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, do thời gian học hạn chế nên học sinh chỉ học với giáo viên chủ nhiệm với hai môn học chính là tiếng Việt và toán. Tương tự, Trường Tiểu học Thành công B cũng chỉ thiết kế dạy học trực tuyến các môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ trong thời gian này.
Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội), học sinh học tất cả các môn theo thời khóa biểu hàng ngày với các bài giảng trên phần mềm học trực tuyến của VNPT, làm bài tập và gửi qua điện thoại cho giáo viên chấm. Chủ nhật mỗi tuần, giáo viên sẽ có buổi dạy trực tiếp qua Zoom để nhận xét việc học của học sinh trong tuần đồng thời giải đáp các thắc mắc nếu có.
Sẵn sàng ứng phó với dịch
Trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch để kịp thời có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp.
Nhằm tạo hành lang pháp lý và hỗ trợ các điều kiện để triển khai dạy học trực tuyến, Bộ trưởng chỉ đạo sớm ban hành Thông tư Quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên
Bộ trưởng cũng yêu cầu các sở giáo dục, các cơ quan liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với các đối tác doanh nghiệp, nhà mạng đã ký kết hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hỗ trợ hạ tầng, đường truyền, băng thông... phục vụ cho hoạt động dạy và học; có giải pháp kết nối nguồn lực hỗ trợ giáo viên, học sinh các địa bàn khó khăn, không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.
Trên cơ sở kế thừa tối đa hệ thống bài giảng điện tử hiện có, Bộ trưởng chỉ đạo, các vụ bậc học tiếp tục bổ sung bằng cách huy động giáo viên từ các địa phương thực hiện các bài giảng có chất lượng, từng bước hoàn thiện kho học liệu số với đầy đủ các môn học ở bậc phổ thông. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc xây dựng những bài giảng mẫu tốt và đăng tải qua kênh youtube rất phù hợp với những bậc học, lớp học khó triển khai dạy học trực tuyến như mầm non hay lớp 1./.
Gõ đầu trẻ mùa dịch Hiếm khi nào thấy "trăm hoa đua nở" như việc dạy và học các cấp hiện nay. Khi dịch giã còn hoành hành, học online lại phải tái xuất, từ đứa trẻ mới tập viết chữ cho đến sinh viên sắp ra trường. Dư luận đang mạnh mẽ ủng hộ Hải Phòng vì quyết định dừng học trực tuyến với trẻ lớp 1...