Học sinh stress-hậu hoạ khôn lường
SKĐS – Những năm gần đây, tình trạng học sinh, sinh viên bị stress, tự tử không còn là chuyện hiếm gặp. Đặc biệt trong giai đoạn thi chuyển cấp và thi đại học
Những năm gần đây, tình trạng học sinh, sinh viên bị stress, tự tử không còn là chuyện hiếm gặp. Đặc biệt trong giai đoạn thi chuyển cấp và thi đại học, có nhiều học sinh bị áp lực học tập dẫn đến stress, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Vụ việc một nam sinh trường chuyên THPT Hà Nội – Amsterdam tự vẫn cách đây ít ngày vì những chuyện “không đâu”, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần và giáo dục trẻ hiện nay…
Áp lực ảo, hậu quả thật
Video đang HOT
Ngày 24/5 vừa qua, toàn thể gia đình, bạn bè và thầy cô trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã bàng hoàng và đau xót khi biết tin nam sinh Bùi Đăng Kh, học sinh lớp 11 toán 2, đã vĩnh biệt trần thế bằng cách gieo mình từ tầng 8 tòa nhà chung cư nơi em sinh sống.
Sự ra đi vội vã của một nam sinh ngoan ngoãn, học giỏi để lại nhiều tiếc thương cho tất cả mọi người. Đáng chú ý là trước đó, Kh. có nhiều biểu hiện thiếu tự tin. Em đã nhiều lần tâm sự với cô giáo dạy toán, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm về những giấc mơ lạ, không có thực. Cô chủ nhiệm đã thông báo với mẹ em tình hình tâm lý của con và hai bên phối hợp chặt chẽ để giúp đỡ em. Tuy nhiên vẫn không ngăn cản được em có những hành động vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, nói đến bệnh tâm thần, người ta thường nghĩ rằng đó là tình trạng điên loạn, hoang tưởng, dở hơi… nhưng thực chất đó chỉ là một số ít trong hàng trăm mã bệnh tâm thần. Trong khi đó, các bất thường về tâm lý như ăn kém ngon, đau đầu, mất ngủ vài tuần, buồn chán, hay cáu gắt, người mệt mỏi không rõ nguyên nhân… đều được coi là vấn đề tâm thần. Tỷ lệ này khá cao.
Phụ huynh biết lắng nghe, chia sẻ và không đặt nặng áp lực học hành sẽ giúp trẻ phát triển tốt.
Cần biết “lắng nghe”
Mới đây, Dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh trường học tại Hà Nội” là dự án hợp tác quốc tế giữa Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương với Trường đại học Melbourne (Australia) đã đưa ra những khảo sát với con số đáng lo ngại: 19,46% học sinh trong độ tuổi từ 10-16 gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần (SKTT). Nghiên cứu 21.960 thanh thiếu niên Hà Nội phát hiện 3,7% em có rối loạn hành vi. Tỷ lệ này đối với nam, nữ, tiểu học, trung học cơ sở, nội thành, ngoại thành không có gì khác biệt. Theo khảo sát của dự án, quận Hai Bà Trưng có tỷ lệ học sinh gặp khó khăn về ứng xử cao nhất với 44,2%, so với các quận còn lại là Hoàng Mai (28,8%), Từ Liêm (26,9%). Điều này cho thấy ảnh hưởng của điều kiện sống, môi trường sống tác động đến hành vi ứng xử của các em. Trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 50% dân số Việt Nam. Tuy nhiên, hiểu biết của người dân về vấn đề chăm sóc SKTT cho đối tượng này còn nghèo nàn. Thậm chí, trong ngành y tế chỉ một số lượng nhỏ nhân viên làm việc trong hệ thống chăm sóc SKTT trẻ em. Chính họ cũng thiếu kĩ năng cần thiết để chăm sóc bệnh nhân.
Một nghiên cứu khác tại Hội thảo quốc gia “Sức khỏe tâm thần trong trường học” do Quỹ tài năng trẻ tâm lý học – giáo dục học (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) tổ chức tại Đồng Nai, nhiều chuyên gia tâm lý, SKTT đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng SKTT ngày càng sa sút của học sinh. Tâm lý lo sợ không hoàn thành bài vở mới là nỗi ám ảnh với các học sinh lứa tuổi THPT, nhất là các em lớp 12. Từ đó, học sinh cảm thấy căng thẳng trong việc học, 13,6% học sinh khá thấy ăn không ngon, 17,6% chỉ muốn uống nước hoặc sữa và gần 20% thường xuyên bỏ bữa. Thậm chí, một số em tâm sự đang đối mặt với một kỳ thi quan trọng, sợ làm bài không tốt, sợ gia đình sẽ thất vọng và khi nghĩ đến những điều đó thì các em chỉ muốn… “nổ tung”.
PGS.TS.Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Không ít học sinh đã phải nhập viện điều trị, thậm chí tự tử vì sang chấn tâm lý sau khi có kết quả thi đại học hoặc do làm bài không tốt. Nguyên nhân do cha mẹ, nhà trường đặt kỳ vọng quá lớn, tạo thành áp lực cho các em. Không ít bệnh nhân vào viện điều trị rơi vào trạng thái buồn chán, trầm cảm, tuyệt vọng”.
Ngoài vấn đề học tập, mối quan hệ với bạn bè cũng là một nguyên nhân gây bất ổn tâm lý ở học sinh. Kết quả nghiên cứu cũng cho kết quả như sau: số học sinh bị bắt nạt khiến sinh ra stress chiếm tỷ lệ tương đương với số em bị stress do học tập. Những học sinh có tranh cãi gay gắt với thầy cô giáo hoặc bị thầy cô la mắng, hăm dọa hoặc bị phạt thì tình trạng bị stress cao hơn khoảng từ 22 – 40% so với những học sinh không bị như vậy.
Bởi vậy, các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường và có sự liên lạc trao đổi với các bạn học cùng lớp của các em là một vấn đề vô cùng quan trọng. Cần tạo sự gần gũi gắn bó với con cái, để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ với cha mẹ khi gặp phải khó khăn trong việc học hành, trong các mối quan hệ xã hội. Người lớn biết lắng nghe, can thiệp kịp thời và đặc biệt biết tạo áp lực vừa đủ, cùng cách sử dụng những sự động viên, khích lệ, chia sẻ chính là một cách giúp đỡ trẻ hiệu quả.
Theo SKĐS