Học sinh Quảng Bình chia ca học trực tiếp để đảm bảo phòng chống dịch
Hiện nhiều trường học tại Quảng Bình đã chuyển từ học online sang học trực tiếp. Để đảm bảo phòng, chống dịch, các lớp học có số lượng học sinh trên 25 em sẽ được chia làm 2 ca sáng và chiều.
Gần một tuần qua, các trường học tại huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã bắt đầu triển khai học trực tiếp trở lại. Đây là 2 địa phương đầu tiên của Quảng Bình, học sinh đã có thể quay lại học tập trực tiếp tại trường trong năm học mới 2021-2022.
Học sinh nhiều trường học tại Quảng Bình đã quay trở lại trường để học trực tiếp (Ảnh: Tiến Thành).
Tại trường Tiểu học Minh Hóa, huyện Minh Hóa, 457 học sinh tại 3 điểm của ngôi trường này đã trở lại học trực tiếp từ ngày 1/10, thay vì học online với nhiều khó khăn, bất cập do thiếu thốn thiết bị, máy móc.
Trao đổi với Dân trí, cô giáo Đinh Thị Giang – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhà trường đã tiến hành khử khuẩn khuôn viên, trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn tại các lớp học và yêu cầu học sinh đeo khẩu trang theo đúng quy định.
“Chúng tôi đã phân chia học sinh theo khối để đến trường theo khung giờ nhất định, tránh tình trạng các em tập trung đông, sau khi đo thân nhiệt và sát khuẩn các em sẽ đi thẳng vào lớp học”, cô Đinh Thị Giang cho biết.
Học sinh Quảng Bình trở lại trường học trực tiếp
Theo ông Đinh Tuấn Anh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Minh Hóa, do đặc thù là huyện miền núi, tỷ lệ học sinh thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khá cao nên việc tiếp cận công nghệ trong học tập còn hết sức khó khăn. Do đó việc quay trở lại học tập trực tiếp sẽ giảm bớt khó khăn cho cả giáo viên và học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy.
Các trường tổ chức sát khuẩn, đo thân nhiệt tại cổng trường, đồng thời bố trí lệch giờ đến lớp của các khối để tránh tập trung đông người (Ảnh: Tiến Thành).
Khi trở lại học trực tiếp, các trường học đều tổ chức phân luồng lối đi, bố trí lệch giờ đón, trả học sinh, cử cán bộ đo thân nhiệt cho giáo viên và học sinh ngay tại cổng và chia lớp (mỗi lớp không quá 25 em)… Bên cạnh đó, giáo viên sẽ thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp sạch sẽ, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Học trực tiếp sẽ đảm bảo chất lượng giảng dạy cho các em học sinh (Ảnh: Tiến Thành).
Cũng theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa, mặc dù học sinh bậc tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đã quay lại trường học từ ngày 1/10, nhưng đến nay vẫn còn trên 100 em ở hai cấp học chưa thể đến trường do bị mắc kẹt ở các tỉnh phía Nam.
Chính vì thế, ngành giáo dục huyện này đang chỉ đạo các trường song song giảng dạy cả hình thức trực tiếp và hình thức trực tuyến cho các em học sinh. Tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, khi nào các em từ địa phương khác về, hoàn thành cách ly thì sẽ bố trí phụ đạo và giúp các em hòa nhập sau.
Với các lớp học trên 25 em sẽ được chia làm 2 ca sáng và chiều để đảm bảo khoảng cách phòng, chống dịch (Ảnh: Tiến Thành).
Còn tại huyện Tuyên Hóa, việc áp dụng hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến và kết hợp giữa 2 hình thức dạy học này được triển khai tùy theo từng địa bàn. Toàn huyện có 16 trường tiểu học và 13 trường THCS, tiểu học – THCS dạy học trực tiếp; các trường còn lại áp dụng hình thức học trực tuyến và kết hợp.
Hiện tại, bậc học mầm non trên địa bàn huyện Tuyên Hóa vẫn tạm dừng việc học vì một số trường được sử dụng làm cơ sở cách ly y tế tập trung cho công dân trở về từ các tỉnh phía Nam.
Cùng với các trường học trên địa bàn Tuyên Hóa, Trường Tiểu học số 1 Đồng Lê cũng đã bắt đầu học trực tiếp từ ngày 4/10, ngôi trường này hiện có 522 học sinh với 29 giáo viên. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, hiện nay 100% lớp học tại trường này đều có sỹ số trên 25 nên phải chia làm 2 ca sáng và chiều để đảm bảo khoảng cách phòng, chống dịch Covid-19.
Theo cô Hồng, khi chia ca từng lớp học thì thời gian lên lớp của giáo viên sẽ tăng lên, tuy nhiên giáo viên nhà trường cũng đang nỗ lực, khắc phục khó khăn để đảm bảo công tác giảng dạy, bởi học trực tiếp thì chất lượng sẽ cao hơn so với dạy online.
Ngoài huyện Minh Hóa và huyện Tuyên Hóa, tại nhiều địa phương khác của Quảng Bình hiện nay cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp hoặc kết hợp với trực tuyến tùy theo tình hình, điều kiện cụ thể.
Các trường học cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh rửa tay, đeo khẩu trang để phòng, chống dịch (Ảnh: Tiến Thành).
Theo ông Hồ Giang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, từ ngày 20/9, toàn tỉnh triển khai dạy học bằng hình thức trực tuyến và học qua truyền hình. Tỷ lệ học sinh tham gia học tập khá cao, cụ thể: THPT: 96,31%, THCS: 90,55%, tiểu học: 90,06% (lớp 3, 4, 5) và 81,43% học sinh lớp 1, 2 học qua truyền hình.
Hiện Quảng Bình đang tập trung các giải pháp nhằm chuyển trạng thái bình thường mới. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, các trường học đã triển khai hoạt động dạy học phù hợp theo hình thức trực tiếp, trực tuyến với quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt, tận dụng mọi điều kiện để thực hiện nhiệm vụ năm học.
Nhiều địa phương dự kiến cho học sinh trở lại trường từ đầu tháng 10
Sau thời gian dài áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, một số địa phương quyết định cho học sinh đến trường học trực tiếp.
Cụ thể, ngày 1/10, Sở GD&ĐT Phú Yên đưa ra hướng dẫn dạy học ở các cơ sở giáo dục trung học, thường xuyên trong tình hình mới.
Theo đó, trường học ở địa phương áp dụng chỉ thị 10 được tổ chức dạy học trực tiếp trên 2 buổi/tuần, chia lớp làm hai, một nhóm học thứ 2, 4, nhóm còn lại học thứ 3, 5. Các buổi còn lại học trực tuyến/linh hoạt.
Nhiều địa phương lên phương án cho học sinh trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến. Ảnh minh họa: Y Kiện.
Sở lưu ý các trường chỉ chia nhóm đối với các lớp có trên 30 học sinh. Trường có nhiều học sinh không đảm bảo điều kiện học trực tuyến có thể bố trí mỗi nhóm học trực tiếp 3 buổi/tuần. Trường thuận lợi có thể học trực tuyến 100%.
Các địa phương thực hiện chỉ thị 15 tổ chức dạy học trực tuyến/linh hoạt là chủ yếu. Các trường ở đây được tổ chức dạy học trực tiếp theo nhóm nhỏ (không quá 20 học sinh) đối với những trường (hoặc địa bàn) có nhiều học sinh không đảm bảo điều kiện học trực tuyến.
Trong khi đó, trường ở vùng đang thực hiện chỉ thị 16 (bao gồm các cơ sở giáo dục sử dụng làm nơi cách ly y tế) dạy học trực tuyến/linh hoạt.
Sở GD&ĐT Phú Yên lưu ý từng trường có thể phối hợp linh động nhiều phương án, lấy an toàn cho giáo viên, học sinh làm trên hết. Các trường không tổ chức các hoạt động ngoại khóa tập trung học sinh, tuân thủ nghiêm túc các quy định an toàn phòng dịch theo quy định.
Ngày 24/9, ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, cũng ký công văn về việc cho học sinh đến trường. Theo đó, từ ngày 4/10, tất cả học sinh tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên sẽ đến trường học. Riêng trẻ mầm non đến trường từ ngày 18/10.
Đối với trường học ở khu vực đang áp dụng chỉ thị 15 hoặc 19, nhà trường không tổ chức cho học sinh chào cờ tại sân trường, chỉ chào cờ tại lớp.
Giờ giải lao giữa các tiết học, học sinh không tập trung ở sân trường. Học sinh phải đeo khẩu trang xuyên suốt từ nhà đến trường, trong lớp học và ngược lại.
Ngoài ra, ở vùng áp dụng chỉ thị 15, trường bố trí lệch giờ học giữa các khối lớp, không tổ chức bán trú.
Cuối tháng 9, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi thông báo các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Nghĩa Hành và TX Đức Phổ tiến hành tổ chức dạy trực tiếp từ ngày 4/10. Riêng bậc học mầm non dạy học trực tiếp từ ngày 11/10.
Trước đó, ngày 27/9, học sinh ở các địa phương là "vùng xanh", gồm Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long và huyện Lý Sơn được đến trường. 50% xã ở huyện Mộ Đức có học sinh học trực tiếp, còn lại vẫn học trực tuyến.
Trong khi đó, các trường ở TP Quảng Ngãi nhận thông báo tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 11/10. Bậc học mầm non bắt đầu học trực tiếp từ ngày 18/10.
Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, ngày 30/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh yêu cầu lãnh đạo sở GD&ĐT và UBND TP Quảng Ngãi chỉ đạo các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn chưa tổ chức dạy học trực tiếp trong thời gian tới.
Các trường học, trừ bậc mầm non, trên địa bàn xã Nghĩa An tiếp tục dạy học trực tuyến đến khi có thông báo mới.
Sở GD&ĐT Tây Ninh đã ban hành kế hoạch chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường, học trực tiếp. Nếu điều kiện cho phép, ngày 11/10, học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ đến trường học trực tiếp.
Để bảo đảm cho việc đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp, sở yêu cầu 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải được tiêm vaccine, trước mắt tiêm mũi 1 cho giáo viên chưa tiêm, sau đó tiêm tiếp mũi 2 cho số cán bộ quản lý và giáo viên đã tiêm mũi 1.
Ngoài các địa phương trên, Đà Nẵng dự kiến từ ngày 15 đến 20/10, học sinh trở lại trường học tập trung. Sở GD&ĐT lên 4 phương án về việc tổ chức dạy và học trực tiếp trở lại.
Tại TP.HCM, học sinh tiếp tục học trực tuyến sau ngày 30/9. Tuy nhiên, hai trường Tiểu học Thạnh An và THCS - THPT Thạnh An (Cần Giờ) dự kiến đón học sinh một số lớp đến học trực tiếp từ ngày 11/10.
Theo thống kê ngày 27/9 của Bộ GD&ĐT, cả nước có 25 địa phương cho phép học sinh được đến trường. 13 tỉnh, thành kết hợp cả dạy trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. 25 địa phương áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình.
Trường đầu tiên ở TP HCM chuẩn bị đón học sinh từ 4/10 Trường THCS - THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ lên phương án đón 131 học sinh các lớp 6, 9 và 12 học trực tiếp từ ngày 4/10. Chiều 28/9, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ cho biết phương án đã được trình lên UBND huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, được chấp...